Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sống Dấu Chỉ Bí Tích Thánh Thể

§ Lm Đinh Quang Thịnh

Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm B: 2 V 4,42-44 ; Ep 4,1-6 ; Ga 6,1-15

BÀI ĐỌC 1: 2 V 4,42-44

Hồi ấy, trong miền có nạn đói. 42 Có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa: hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Ê-li-sa nói: "Phát cho người ta ăn."43 Nhưng tiểu đồng hỏi ông: "Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được? " Ông bảo: "Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư."44 Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán.

ĐÁP CA : Tv 144

Đ. 16 Chúa thương rộng mở tay ban,
đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê.

10 Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, 11 nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

15 Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. 16 Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

17 Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. 18 Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

BÀI ĐỌC 2 : Ep 4,1-6

Thưa anh em, 1 tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

TUNG HÔ TIN MỪNG : Lc 7,16

Hall-Hall : Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Hall.

TIN MỪNG : Ga 6,1-15

Khi ấy,1 Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? "6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! "15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Sống Dấu Chỉ Bí Tích Thánh Thể

Chúng ta biết toàn bộ Tin Mừng của Gio-an, ông chỉ ghi lại 7 phép lạ Chúa Giê-su đã làm :

1- Nước lã hóa rượu nho (x Ga 2,1-12).
2- Con của vị sĩ quan sắp chết lại được khỏe mạnh (x Ga 4,46-54).
3- Người tàn phế nằm bờ giếng được khỏe (x Ga 5, 1-18).
4- Năm bánh, hai cá cả đoàn dân ăn còn dư (x Ga 6,1-15).
5- Chúa đi trên mặt biển đến với thuyền các môn đệ đang gặp sóng gió liền được yên (x Ga 6,16-21).
6- Người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt (x Ga 9,1t).
7- La-da-rô chết đã án táng bốn ngày cũng được sống lại (x Ga 11).

Bảy phép lạ trên ông Gio-an gọi đó là ‘DẤU LẠ”, Chúa Giê-su đã hoàn tất công trình Thiên Chúa đã tạo dựng trong vũ trụ suốt 7 ngày (x St 1) ; nên Tin Mừng Gio-an được gọi là “TUẦN SÁNG THẾ MỚI”. Ngày thứ tư trong tuần Sáng Thế thứ I, Thiên Chúa tạo dựng nên tinh tú, mà người Do-thái hiểu đó là các vị thần ; thì dấu lạ thứ tư trong tuần Sáng Thế mới, Chúa Giê-su chỉ dùng năm bánh và hai cá nuôi đoàn lũ dân đông không đếm nổi, họ ăn no mà vẫn còn dư 12 thúng, những mẩu bánh được thu góp lại. Ông Gio-an muốn chúng ta hiểu đây là dấu chỉ về tiệc Thánh Thể Chúa Giê-su thiết lập, ai đến tham dự họ được trở nên bậc thần thánh (x Ga 10,34), đến nỗi được cùng một sự sống với Thiên Chúa (x Ga 6,57), để họ trở thành một “người Giê-su mới” (x Gl.2,20), một khi họ sống 8 dấu lạ sau khi họ được dự tiệc Thánh Thể :

1- Dấu lạ thứ I : Hỏi ai đề nghị cho dân ăn ?

Thưa : Cả Chúa Giê-su, cả môn đệ :

a. Chính Chúa Giê-su thấy dân đói, Ngài muốn cho họ ăn, Ngài hỏi các môn đệ : “Thầy mua đâu được bánh cho dân ăn?” (Ga 6,5) ; hoặc trong lần hóa bánh thứ II, Chúa Giê-su thấy dân đói, nên Ngài gọi các môn đệ đến và nói : “Thầy thương đám dân này vì họ luôn ở với Thầy đã ba ngày rồi, mà họ không có gì ăn, Thầy không muốn giải tán họ để họ bị đói ra về, sẽ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32 ; Mc 8,2).

b. Chính các môn đệ khởi xướng đến thưa với Thầy Giê-su : “Xin Thầy giải tán dân, để họ vào làng mua thực phẩm mà ăn” (Mt 14,15 ; Mc 6, 35-36 ; Lc 9,12).

Vậy Chúa Giê-su muốn mọi người phải tự mình nhìn thấy nhu cầu của đồng loại như Ngài, và tìm cách giải quyết giúp họ, đó là lý do thánh Phao-lô khuyên các tín hữu : “Anh em hãy bắt chước tôi như một tù nhân trong Chúa – một người tù phải hoàn toàn làm theo lệnh người cai tù – ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng nhau, duy trì sự hiệp nhất, ăn ở thuận hòa, và cùng chia sẻ cho nhau trong cùng một niềm hy vọng, vì chúng ta đã cùng chịu một Phép Rửa, trở nên chi thể trong thân mình Đức Ki-tô Giê-su” (Ep 4,1-6 : Bài đọc II).

2- Dấu lạ thứ II : Hỏi nếu các môn đệ có 200$, cũng không đủ để mua bánh nuôi dân (x Mc 6,37 ; Ga 6,7). Số tiền này có nghĩa gì?

Thưa người Do-thái đi làm công lương cao nhất là được một đồng mỗi ngày (x Mt 20,2), thì số tiền 200$ phải coi là số tiền quá lớn, các môn đệ đi làm suốt năm dành dụm được.

Vậy mọi người cần tận lực làm việc để có tiền của cộng tác với Chúa Giê-su là cùng với Ngài sống nghèo, vì đã làm cho người ta được trở nên giàu có (x 2Cr 8,9).

3- Dấu lạ thứ III : Hỏi Chúa Giê-su dùng 5 bánh và 2 cá nuôi đoàn lũ dân, họ ăn no lại còn dư (x Mt 14,13-21 ; Mc 6,31-44 ; Lc 9,10-17 ; Ga 6,1-13), con số bánh cá ấy Chúa muốn nói gì với chúng ta ?

Thưa :

a- Con cá tiếng Hy-Lạp là Ictus, lại còn có nghĩa là bàn tiệc. Vậy 2 con cá là dấu hai bàn tiệc trong Thánh lễ :

v Bàn tiệc Lời Chúa : Gồm các Bài đọc, Bài giảng và kinh Tin Kính.

v Bàn tiệc Thánh Thể : Từ lúc dâng bánh rượu tới khi mọi người rước lễ.

Hai bàn tiệc trên liên kết chặt chẽ tạo nên một hành vi phụng thờ duy nhất (x Hiến Chế Phụng Vụ số 56).

b. Năm bánh : Chúa muốn mọi người đến dự tiệc Thánh Thể để được Ngài giúp cho năm nguồn sống :

v Sống bởi đức tin (x Rm 1,17) và lòng mến (x 1Cr 13,13).

v Sống bởi Lời Chúa (x Mt 4,4).

v Sống bởi ăn Chúa Giê-su Phục Sinh (x Ga 6,34-58).

v Sống bởi Chúa cho khả năng thực hành Lời Chúa (x Ga 4,34).

v Sống bởi của cải vật chất không thiếu không thừa (x Cn 30,8-9).

4- Dấu lạ thứ IV : Hỏi Chúa dùng 7 bánh và ít cá nuôi dân, có mấy tác giả ghi lại và có ý nghĩa gì?

Thưa : đây là phép lạ hóa bánh lần II, chỉ có hai tác Mát-thêu và Mác-cô ghi lại (x Mt 15,32-39 ; Mc 8,1-10).

Đây là dấu Chúa Giê-su muốn dùng 7 Bí tích Ngài đã lập, và truyền cho Hội Thánh cử hành, để thông ơn thiêng liêng cứu giúp và nuôi sống hồn xác dân Chúa.

5- Dấu lạ thứ V : Hỏi Chúa Giê-su giảng trước hay sau khi Ngài cho dân ăn ?

Thưa : có hai cách ghi :

a. Theo Tin Mừng Nhất lãm (Mt, Mc, Lc), Chúa Giê-su giảng trước, sau đó Ngài mới cho dân ăn.

Cách ghi này tác giả Nhất lãm đã dựa vào cơ cấu của Thánh lễ để viết : Trong Thánh lễ giảng Lời trước cho rước lễ sau.

b. Theo Tin Mừng Gio-an : Chúa Giê-su giảng sau khi Ngài cho dân ăn no. Thánh sử Gio-an ghi như vậy vì dựa vào khoa sư phạm giáo dục của Chúa Giê-su : “Ngài làm trước dạy sau” (Cv 1,1). Ngài cho dân ăn no thỏa như thế để Ngài muốn dạy mọi người : “Của ăn no bụng là lương thực hư nát, mà các ngươi còn vất vả, tất bật chạy đi tìm Ta giúp ; thì hãy gia công hơn nữa để tìm lương thực cho linh hồn lưu lại đến sự sống đời đời, đó là của ăn Ta ban cho trong Bí tích Thánh Thể Ta lập” (x Ga 6,14-15.22t). Bởi vì trình thuật hóa bánh là dấu chỉ về Bí tích Thánh Thể Chúa sẽ lập, nên khi Ngài dùng bánh cá nuôi dân và khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể, đều nói một công thức : “Người cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ” (x Mt 14,19 ; 15,36 ; Mc 6,41 ; 8,6 ; Lc 9,16 ; Ga 6,11 = Mt 26,26 ; Mc 14,22 ; Lc 22,19).

Vậy:

a. Chủ tế phải cho dân ăn :

Trong trình thuật hóa bánh, Chúa ra lệnh cho các môn đệ : “Các con hãy cho dân ăn” (x Mt 14,16 ; Mc 6,37 ; Lc 9,13) ; thì khi Giám mục hay Linh mục dâng lễ phải giảng Lời đã vất vả soạn để nuôi giáo dân. Nếu dâng lễ mà không giảng, hỏi người dâng lễ đã lấy gì là “bánh” của mình để nuôi dân? Nếu chỉ dùng quyền chức Linh mục, để cho dân ăn Chúa Giê-su Phục Sinh (rước lễ), thì đó là “Chúa Giê-su cà thọt” ; Ngài bị cụt một phần thân thể là thiếu bài giảng của người dâng lễ! Vì Lời Chúa trong Phụng vụ được coi là thân thể Chúa Giê-su Phục Sinh (x Hiến Chế Mạc Khải số 21), còn khi dựa vào các Bài đọc Hội Thánh đã chọn trong Thánh lễ để giảng, thì rất đáng được coi là phần chính của Phụng vụ (x Hiến Chế Phụng Vụ số 52).

b. Chúa Giê-su cho dân ăn nhiều lời.

Chúa Giê-su thấy dân đến với Ngài xin bánh ăn, hoặc xin được chữa lành mọi bệnh tật (x Ga 6,22-26 ; Mc 1,21-39) mà xem ra Ngài không quan tâm đến khát vọng của dân, lại lên tiếng “DẠY NHIỀU ĐIỀU” (x Mc 6,34). Và vì phải nói nhiều điều với dân, nên Ngài đã kéo dài tới ba ngày! (x Mt 15,32) Đây là điều Chúa Giê-su muốn xác quyết với :

- Các chủ chăn : “Đừng lo làm hài lòng người đời” (Gl.1,10), vì người đời chỉ muốn nghe giảng càng vắn càng thích, không giảng tốt nhất! Bởi lẽ “Chúa của họ là cái bụng, vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều ở dưới đất, đích cùng của họ là diệt vong !” (Pl 3,19), nên họ thường lấy câu : “Có thực mới vực được đạo làm thánh giáo” (x Mc 7,7b -8), mà gạt bỏ đi Lời Chúa dạy : “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn cơm ăn áo mặc Ngài ban thêm sau” (Mt 6,31-33).

Vậy chủ chăn phải bắt chước Thầy Giê-su bắt dân phải nghe nhiều điều, cụ thể là phải giảng nhiều điều rút ra từ các Bài đọc mà Hội Thánh đã chọn trong mỗi Thánh lễ, nếu giấu đi Bài đọc nào là phạm tội giết hồn xác của tín hữu và quăng họ xuống hỏa ngục ! (x Cv 20,26-27) Thánh Tông Đồ đã bắt chước Thầy Giê-su sống tinh thần giảng nhiều điều, nên khi chưa giảng hết ý, mà có kẻ ngã dộng đầu từ lầu ba xuống đất chết như anh Êu-ty-khô, thì cũng cứ mặc kẻ chết tiếp tục giảng! (x Cv 20) Và nếu giảng không vừa ý người đời, dù họ kéo nhau đi hết, thì không vì thế mà hối hận (x Ga 6,60-66), nên phải kiên quyết nhẫn nại giảng lúc thuận cũng như khi nghịch : “Sự thật thì ngoảnh mặt đi còn chuyện bá láp thì họ xô lại theo dục vọng quàng đủ thứ thầy!” (2Tm 4,2-5).

- Các Ki-tô hữu : Phải quảng đại nghe Lời Chúa, nhất là khi dự Phụng vụ, dù có phải ngăn trở công ăn việc làm, mất ăn mất ngủ, hay nhịn đói nhịn khát, cũng cứ phải kiên nhẫn nghe giảng lâu giờ như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, dĩ nhiên chẳng khi nào đi dự lễ mà nghe giảng lâu tới ba ngày hay nghe thủng đêm (x Mt 15,32 ; Cv 20, -11). Nhưng phải lịch sự khi dự tiệc của Vua Trời, cụ thể đừng khi nào bố thí cho Chúa quá ít giờ khi dự tiệc Thánh Thể ; trong khi đó lại rất quảng đại ngồi lâu giờ dự tiệc của người trần thế! Có ai khi dự tiệc người đời mà chốc chốc lại đưa tay coi đồng hồ? Trong khi đó, có nhiều người đi dự lễ cứ sốt ruột xem đồng hồ hoài! Hãy nhớ rằng, vì tin vào Lời Chúa thì cơm bánh có dư. Cụ thể Bài đọc I trong Thánh lễ hôm nay, ngôn sứ Ê-ly-sa dùng 20 chiếc bánh cho cả 100 người ăn no mà vẫn dư thừa bánh theo Lời Chúa phán! (x 2V 4,42-44) Hoặc như bà góa Sa-rép-ta, lúc đầu ông Ê-ly-a xin bà cho ông bánh, bà nhất định khước từ, vì mẹ con bà chỉ còn một chén bột, bà phải có bổn phận để bánh nuôi con mình. Nhưng khi bà nghe ông Ê-ly-a nói : “Chúa bảo bà cứ cho đi, lúc đó bà làm vì được nghe Lời Chúa nói : hũ bột nhà bà không bao giờ vơi cạn, trong khi đó cả xứ ai cũng chết đói vì hạn hán mất mùa !” (x 1V 17)

6- Dấu lạ thứ VI : Hỏi bánh và cá của ai ?

Thưa : bánh và cá của các môn đệ hay của em bé :

a. Theo Tin Mừng Nhất lãm : bánh và cá của các môn đệ đưa cho Thầy Giê-su (x Mt 14,17 ; 15,34 ; Mc 6,5 ;Lc 9,13).

b. Theo Tin Mừng Gio-an : bánh và cá của em bé đưa cho Chúa Giê-su (x Ga 6,9).

Thực ra, Tin Mừng Nhất lãm và Tin Mừng Gio-an ghi xem ra nghịch nhau như thế, nhưng nếu nhìn phép lạ này là dấu chỉ về Bí tích Thánh Thể, thì cả bốn tác giả Tin Mừng đều chung một ý nói : Chúa muốn các môn đệ cũng như mọi người Ki-tô hữu lớn nhỏ phải cộng tác với Ngài trong mầu nhiệm Thánh Thể để nuôi mọi người. Vì hình ảnh em bé là dấu chỉ nói về các Ki-tô hữu (x 1Ga 2, 1.12.14.18). Nói cách khác, khi ta rước lễ, ta không ăn riêng Chúa Giê-su đã chết và sống lại, mà ta còn nuốt vào lòng mình cả các thánh nữa. Chính vì thế lời cầu nguyện khi Chầu Thánh Thể, vị chủ sự xướng : “Chúa đã ban bánh bởi trời cho chúng ta”, mọi người đáp lại : “Bánh đó đủ mọi mùi thơm ngon”. Đủ mọi mùi đó là : mùi thơm của Chúa Giê-su Phục Sinh cộng với mùi thơm của các Ki-tô hữu thánh thiện (x 2Cr 2,15).

Theo lương tâm, không có luật nào buộc ta phải chia bánh cho người khác lúc ta đang túng thiếu, đang đói khát. Thế mà Thầy trò gồm 13 người, cũng đang trong lúc đói như bao nhiêu người đến nghe Chúa giảng, cả Nhóm chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, chắc chắn không đủ cho Nhóm được no, nhưng nhờ họ được nghe lời Thầy dạy, họ đã đặt nhu cầu của dân hơn nhu cầu của Nhóm, nên họ sẵn sàng đem chia theo lệnh Thầy. Vậy nếu loài người ai cũng biết đón nhận Lời Chúa, để có tâm hồn quảng đại như các Tông Đồ, thì thế giới này chẳng còn có ai sống trong cảnh nghèo đói, điều này lạ hơn, làm Chúa vinh hiển hơn là Ngài hắt hơi tung ra bánh cho mọi người vồ ăn! Vả lại, nếu người ta sống ích kỷ, thì Chúa có hóa ra bao nhiêu của cải, người ta cũng tranh nhau giành giật vơ vét. Sống như thế còn khốn nạn hơn nhịn đói mà nhìn nhau!

7- Dấu lạ thứ VII : Hỏi ai cầm bánh chia cho dân?

Thưa cả Chúa Giê-su, cả môn đệ :

a. Theo Tin Mừng Gio-an : Chính Chúa Giê-su cầm bánh phát cho dân ăn (x Ga 6,11).

b. Theo Tin Mừng Nhất lãm : Chính các môn đệ lấy bánh từ tay Thầy Giê-su chia cho dân (x Mt 14,19b ; 15,36b ; Mc 6,41b ; 8,7b ; Lc 9,16b).

Ta biết lúc Đức Giê-su chết mới trở thành bánh hằng sống chia cho dân, nên trong trình thuật hóa bánh, Đức Giê-su bẻ bánh ra, đó là dấu chỉ Ngài bẻ chính thân mình Ngài lúc bị treo trên thập giá, để chia sự sống cho dân Ngài ; thì các môn đệ cũng phải bẻ nát cuộc đời mình, như bằng lòng nhịn đói dành bánh chia cho dân theo lệnh Thầy. Chân lý này đã được báo trước qua hình ảnh ông Gio-an đã bị cắt đầu được nhắc đến ngay trước tác giả Tin Mừng Nhất lãm thuật lại phép lạ Chúa hóa bánh. Tác giả Nhất lãm có ý ghi chi tiết này để xác quyết rằng cái chết của ông Gio-an Tẩy Giả vì sứ mệnh Chúa trao, là dấu chỉ báo trước Chúa Giê-su sẽ bị giết và môn đệ Ngài cũng bị giết! (x Ga 21,19) Để cùng trở thành bánh hằng sống nuôi muôn dân (x Cl. 1,24 ; Mt 14,1-12 ; Mc 6,17-28 ; Lc 9,1-9).

8- Dấu lạ thứ VIII : Hỏi những mẩu bánh dân ăn còn dư thu lại được mấy thúng?

Thưa : Cả bốn tác giả Tin Mừng đều ghi trong trình thuật hóa bánh lần I : Chúa dùng 5 bánh và 2 cá nuôi số dân đông không đếm nổi : chỉ đếm đàn ông đã tới 5.000 người, đàn bà con nít không kể. Cuối cùng các môn đệ thu lại những mẩu bánh còn dư được 12 thúng! (x Mt 14,20-21 ; Mc 6,43-44 ; Lc 9,17 ; Ga 6,13)

Nhưng trong trình thuật hóa bánh lần II : Chúa lại dùng 7 bánh và ít cá nhỏ, nuôi số dân đông : đàn ông đếm được 4.000 người không kể đàn bà con nít. Các môn đệ thu góp những mẩu bánh dư được 7 thúng ! (x Mt 15,37-38 ; Mc 8,8-9).

Số thúng bánh dư là dấu chỉ :

- 12 thúng là số con ông Gia-cóp làm nên dân tộc Do-thái ; cũng là dấu chỉ 12 môn đệ Chúa Giê-su làm nên dân Ít-ra-en mới là Hội Thánh.

- Số 7 thúng bánh dư là dấu chỉ 7 sắc tộc (dân ngoại) cư ngụ tại miền đất Ca-na-an, bị dân Ít-ra-en chiếm lấy đất để lập quốc ; cũng là dấu chỉ 7 Bí tích Chúa Giê-su lập, là những kho tàng ơn Chúa, Hội Thánh dùng để nuôi dân Chúa.

Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đệ Ngài thu lại được 12 hoặc 7 thúng bánh dân ăn còn dư là dấu chỉ Chúa muốn nói : Dân Chúa chỉ cần góp của dư thừa cho các chủ chăn trong Hội Thánh, không đụng đến sự sống của ai, Hội Thánh cũng đủ tài chánh để phát triển Tin Mừng, xây dựng Hội Thánh trên nền tảng 12 môn đệ Chúa Giê-su (12 thúng) và trên 7 Bí tích (7 thúng).

Đó là lý do Hội Thánh đặt thêm điều răn thứ 5 (điều răn mới) trong 5 điều răn Hội Thánh trong Sách Giáo Lý Công Giáo số 2043 đã dạy : “Các tín hữu có bổn phận cấp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh tùy theo khả năng mỗi người”. Tức là góp theo đức tin và lòng mến của mỗi Ki-tô hữu. Chúng ta thử đặt ra chỉ tiêu : Mỗi người bớt 1/10 của ăn nuôi thân xác mình để cộng tác với Hội Thánh, thì chắc chắn chưa ai phải cảm thấy đói. Bởi vì khẩu phần 9USD cũng tương đương với khẩu phần 10USD. Như thế, nếu mỗi người đi dự lễ Chúa nhật, ai cũng dành được 10USD bỏ vào giỏ nhà thờ, thì chắc chắn không giáo xứ nào thiếu tiền để duy trì và phát triển Tin Mừng, tập họp được nhiều người về cho Chúa.

Thật tội nghiệp cho Chúa, Ngài hạ mình xuống xin chúng ta tiền của dư thừa để Ngài được vinh hiển, mà cũng không có !!!

Nếu ai thực hiện được 8 dấu lạ trên nhờ mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể, thì chắc chắn họ xứng đáng là “bậc thần thánh” (x Ga 10,34), vì đã cộng tác với Chúa Giê-su làm hoàn hảo công trình Thiên Chúa tạo dựng muôn vật trong “Tuần Sáng Thế mới” do Chúa Giê-su đang thực hiện khởi đi từ mầu nhiệm Phục Sinh cho tới ngày cánh chung, đúng với ý nghĩa con số 8 (Đức Giê-su bị giết vào ngày thứ sáu, ngày thứ bảy Ngài được an táng, Chúa nhật hay là ngày thứ tám trong tuần Ngài phục sinh).

Chúng ta hãy cầu nguyện :

- “Lạy Chúa, xin mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cảu muôn đời tồn tại” (Lời nguyện đầu lễ).

- “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là ban sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 145/144,15 : Đáp ca).

THUỘC LÒNG.

Ông Phao-lô chỉ nói lại cho chúng ta duy có một câu Chúa Giê-su dạy : “Cho thì có phúc hơn là lấy!” (Cv 20,35)

Lm Đinh Quang Thịnh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.07.2009. 09:30