Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sao còn đứng nhìn trời?

§ Trần Mỹ Duyệt

“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?” (TĐCV 1:9-11)

“Sao còn đứng nhìn trời?” Câu hỏi không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn bao gồm cả tính nhân văn, và phản ảnh tâm lý sống nữa.

Nhìn trời. Trong ngắm thứ Hai mùa Mừng chúng ta suy niệm: “Thứ Hai Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Đó là điều mà các Tông Đồ được nghe từ hai người mặc áo trắng: “Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (TĐCV 1: 11). Ao ước được về trời với Chúa cũng là niềm vui mừng và hy vọng của tất cả những ai đang trông cậy nơi Ngài. Đây mới chính là lý tưởng sống và là động lực giúp con người chấp nhận hy sinh, thắng vượt thử thách, cũng như vất vả trên cuộc đời dương thế:“Vì chúng ta đã được phục sinh với Chúa Kitô, hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col 3: 1).

Nhìn trời. Sao lại không nhìn? Vì người mà đang được cất lên cao kia chính là Thầy mình. Biết đến bao giờ Thầy trò mới gặp lại nhau? Có cuộc chia ly nào mà không để lại những luyến lưu và nhớ nhung. Biết đâu trong những khóe mắt kia đã có những giọt lệ! Vì không như cảnh sau khi biến hình sáng láng trên núi Taborê, Chúa đã cùng xuống núi và đồng hành với các môn đệ, nhưng lần gặp gỡ này lại là lần mà Thầy trò chia tay, ly biệt.

Nhìn trời. Cũng có thể là một lối diễn tả những luyến lưu với quá khứ, hoặc một cảm tình mơ mộng về một tương lai. Cách nhìn này thường đem lại tâm lý trốn tránh thực tế, ngại đối đầu với những hy sinh và thử thách.

“Sao còn đứng nhìn trời?” Câu hỏi mà “hai người mặc áo trắng” nêu lên phải chăng là muốn nhắc nhở các Tông Đồ, cũng như cho tất cả những ai yêu mến Chúa, đang thao thức hướng tầm nhìn lên Ngài về một sứ mệnh mới, sứ vụ làm chứng nhân cho Ngài. Thánh Luca đã ghi lại lệnh truyền đó một cách rõ ràng: “Ðã viết như thế: Ðức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cỏi chết; và nhân danh Ngài, phải được rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi - khởi từ Yêrusalem” (Luc 24: 45-47).

Như vậy, nhìn trời trong trường hợp này không chỉ là một cử chỉ tạm biệt, một cái nhìn quyến luyến, một hoài niệm của quá khứ, hoặc một thao thức cho tương lai. Nhưng nó còn là thái độ nhắc nhở về sứ vụ chứng nhân cho tất cả những ai sau khi đã được biết Chúa, cho những ai muốn chứng tỏ mình yêu mến Chúa. Tình yêu là một sự chia sẻ. Tình yêu, nhất là tình yêu Thiên Chúa không được chỉ giữ riêng cho mình.

Cuộc đời người chứng nhân Tin Mừng luôn luôn mang hai đặc tính: Vui và buồn, hạnh phúc và hy sinh. Vui vì tình yêu của Thầy dành cho mình, vui vì được ơn đón nhận tình yêu ấy. Đau khổ, thử thách vì khi trở thành chứng nhân cho Thầy, thì cũng như Thầy, sẽ phải chấp nhận điều mà Thầy đã trải qua, những điều các ngôn sứ đã nói và sách Thánh đã ghi chép về Thầy của mình, đó là: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”, và được cất lên trời. (x. Luc 24: 44-51).

Nhìn Thầy được đưa về trời trong vinh quang sẽ là niềm vui mừng, hãnh diện của các tông đồ. Rao giảng và làm chứng nhân cho Thầy cũng là một ân huệ, một hồng ân. Nhìn Thầy để hoài vọng về tương lai không xa sẽ được cùng Thầy đoàn tụ. Và nhìn Thầy để được thêm ý chí, nghị lực để bước tiếp cuộc hành trình trước mặt.

Người tông đồ, người của chứng nhân, do đó, không chỉ giữ và hạnh phúc với những gì mình đã có và đang có, dù đó là hạnh phúc với Chúa và trong Chúa rồi chỉ “ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Luc 24:53). Nhưng phải ra đi chia sẻ niềm vui, làm chứng về Thầy. Đó là trách nhiệm do chính Thầy truyền dậy. Và đó cũng chính là một thử thách đang chờ đón trước mặt. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị trong tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân đã nói về sứ mạng chứng nhân này: “Trong khi vườn nho của Chúa có nhiều việc, thì không ai được nhàn rỗi”. Không ai được thờ ơ và vô cảm trước những thách đố của thời đại, trước sự lan tràn của tội lỗi, của sự dữ để chỉ lo lấy hạnh phúc cho mình, để chỉ đứng nhìn trời, đứng nhìn Thầy mình được đưa lên trong vinh quang.

“Sao còn đứng nhìn trời?” Điệp khúc vang vọng lệnh truyền của Thầy. Lời mời gọi xuống núi. Phải quên đi những giây phút giã từ, những hình ảnh đẹp trên núi, mà phải xuống núi, ra đi vào đời và làm chứng nhân.

Trần Mỹ Duyệt

Đọc nhiều nhất Bản in 20.04.2018 14:25