Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phục Sinh đâu chỉ là Sống Lại

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật I Phục Sinh (Năm C). Luc 24, 1-12

Là một trong 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại, “Cái giá của sợ hãi “(phim chiếu ở Việt Nam năm 1955 với tựa đề “Đồng Lương Khủng Khiếp”) tả lại sự sợ hãi đến bí tiểu tiện của hai người được thuê lái xe tải chở những thùng đựng Nitroglycérine, mà chỉ cần một va vấp mạnh cũng đủ thổi bay biến cả xe lẫn người. Cuộc hành trình dài năm ngày là những thời khắc căng thẳng. Chỉ có nghĩ về hình ảnh người yêu đang chờ ngày mình trở về, và món nợ có thể xoá được nhờ hai ngàn đô-la tiền công đổi mạng nầy, mới giúp người đàn ông đủ nghị lực vượt những trở ngại gian nan không kể xiết cả về tinh thần lẫn thể xác. Tiếc thay, chỉ một chút vô ý trên đường về đã khiến anh bỏ mạng, khi chiếc xe đâm xuống vực thẳm.

Sợ hãi, bất an, bất trắc, gian nan, không làm anh lùi bước, không làm anh thất bại. Vui mừng, cảm giác an toàn, con đường thênh thang và phơi phới hương vị tình yêu đã làm anh mất cảnh giác. Vinh quang, thành công, hạnh phúc nào cũng có giá riêng, có khi phải trả bằng cả máu,nước mắt và sự sống. Vinh quang của Chúa Giêsu cũng đã phải trả bằng sợ hãi.

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi một phóng viên người nước ngoài hỏi Ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn ở Kontum : “Đức Cha không sợ sao?”. Đức cố giám mục giáo phận Kontum Paul Léo Seitz (1901 – 1984) trả lời : “Tôi không sợ”. Nhưng ngẫm nghĩ một lát, Ngài nói tiếp : “Không, tôi nói chưa đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ, nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi” (Phanxicô Xaviê Hồng Y Nguyễn-Văn-Thuận - Những người lữ khách trên đường hy vọng, trang 15).

Kể từ khi cuốn sách "Life after Life" (tác giả Bác sĩ Raymond A. Moody,bản dịch Việt ngữ : Đời sống sau nầy) xuất bản năm 1975, hàng ngàn trường hợp liên quan đến vấn đề tiếp cận với những hình ảnh thấy được sau khi chết được báo cáo, phân tích và nghiên cứu. Bác sĩ Melvin Morse đã kể lại một trường hợp xảy ra như sau: Vào năm 1982, một bé gái 7 tuổi bị rơi vào một hồ bơi, khi vớt lên, thì bé này đã ngưng thở gần 20 tiếng đồng hồ. Các bác sĩ cho rằng cháu bé này đã chết. Nhưng như có một phép lạ, nhờ hô hấp nhân tạo, em đã tỉnh lại và sau đó đã kể những gì cháu đã trải qua trong thời gian coi như đã chết ấy. Cháu cho biết đã gặp một người mà cháu nghĩ rằng đó là Chúa Trời. Người hỏi : "Cháu có muốn ở lại đây không thì cháu trả lời muốn nhưng Người lắc đầu: con còn mẹ, con có trách nhiệm với người mẹ đang còn sống, vì thế con nên trở về..." . Những câu chuyện không thể kiểm chứng, dù sao cũng nói lên niềm tin sự sống đời sau và sự sống lại, hay đúng hơn, việc sự sống được phục hồi sau một thời gian …chết. Chúa Giêsu đã chết thật về phần xác và Người đã Phục Sinh. Do vậy, phải có sự khác biệt giữa sống lại đơn thuần và Phục Sinh. Phục Sinh đâu chỉ là sống lại.

NẾU quả có hối tiếc nơi Thiên Chúa với tư cách Đấng Tạo Hoá, thì Người hẳn ân hận về hai cái, mà Người đã quá hào phóng ban cho con người, để rồi đành bất lực nhìn con người sử dụng chúng như hai vũ khí chống lại Người : sự sống và tự do. Hãy xem con người hành xử thế nào với tự do của mình : có bao nhiêu định nghĩa về ‘tự do’, - mà hầu như đa số đều khiếm khuyết, một chiều và cơ hội chủ nghĩa,- thì có bấy nhiêu lối hành xử theo những quan niệm và quan điểm ấy, để rồi thế giới nầy đang tan hoang như con ngựa chứng, rơi từ thái cực nầy đến thái cực nọ. Với “tự do”, rao bán tâm hồn, thể xác và linh hồn mình chưa đủ, con người còn rao bán cả thân xác, linh hồn, nhân phẩm đồng loại và không ngần ngại bán luôn cả Thiên Chúa, sau khi phản bội Người. ‘Tự do’ mau chóng thâm nhập lãnh vực tình cảm, tình dục : Sau cách mạng tháng 10.1917, Liên Xô cho rằng tình dục cũng là một hình thức đấu tranh giai cấp, vì thế đã để tự do luyến ái phát triển mạnh mẽ, gây nên bầu khí thác loạn, suy đồi văn hoá và đạo đức trong mọi lãnh vực, phạm trù, khiến chính quyền vô thần hoảng hốt cấm đoán. Nhưng những gì đã diễn ra công khai và được làm ngơ (thậm chí khuyến khích), thì sau đó thành cơn sóng ngầm hủy hoại nhiều thế hệ trẻ của Liên Xô và của nước Nga. Chẳng những thế, các nước ‘tự do’ không chịu kém cạnh trong các khoản ‘tự do’ nầy. Theo thống kê của Yahoo và Google, hai năm liền ,2008 và 2009, Việt Nam đứng đầu trong khối các nước và Hà Nội đứng đầu khối các thành phố trên thế giới về truy cập “sex”, vượt xa cả Trung Quốc, Án Độ, Nga…Nhưng hồng ân thứ hai – Sự Sống - mới chính là điều chúng ta muốn nói hôm nay, trong bối cảnh mừng mầu nhiệm Phục Sinh, với khẳng định : Phục Sinh đâu chỉ là sống lại!

Trong Chiesa.com, số ngày 08.03.2010, tác giả Sandro Magister lấy tựa đề cho bài viết của ông : “Tại sao nước Nhật giàu có lại rẻ rúng sự sống như vậy?”. Nước Nhật đứng đầu về con số người tự tử: bình quân 15 phút lại có một người Nhật kết liễu đời sống. Mỗi năm 30.000 người và người ta ước lượng con số ấy năm 2010 nầy sẽ là 35.000. Thế giới biết nhiều đến nước Nhật qua hai từ ngữ “kamikaze” (phi công cảm tử) và ‘harakiri’ (mổ bụng tự sát). Đức Tổng giám mục giáo phận Tokyo và sứ thần Toà Thánh tại Nhật đều nhất trí rằng vấn đề Thiên Chúa là cội nguồn tối hậu của việc người Nhật, khiến họ tự sát một cách dễ dàng đến vậy. Dân Nhật có tám triệu vị thần, hàng ngàn chùa chiền và hai tôn giáo chính thức là Phật giáo và Thần giáo, nhưng lại không có được niềm tin vào một Thiên Chúa ngôi vị, toàn năng và nhân từ, gần gũi với mọi người và đầy tình yêu thương đối với con người.

Đương kim thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyama, tuyên bố tự tử ở nước Nhật là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng phải được xử lý quyết liệt và phải ngăn lại. Trong bài diễn văn Năm Mới 2010, ông lập đi lập lại từ “Sự Sống” hai mươi bốn lần và khẳng định mục tiêu chính của chính phủ ông chính là bảo vệ sự sống con người. Người Nhật đồng hoá mình với đoàn thể, với xã hội, với xí nghiệp, với đất nước, và không có khái niệm về cá thể, vốn là tâm điểm của văn hoá phương Tây.

Khi một Kitô hữu đi đến quyết định kết liễu sự sống, người đó biết mình đi ngược với một luật linh thánh : chính Thiên Chúa ban sự sống cho họ và chỉ duy Thiên Chúa mới có quyền lấy nó đi. Người Nhật muốn tự tử không có được cái thắng hãm nầy. Anh ta không có ý niệm tội lỗi. Ngoài thế giới vật chất và văn hoá riêng mình, anh ta chẳng có ai và chẳng có gì để xin trợ giúp, trong khi ở thế giới anh ta, việc xin trợ giúp lại là nhục nhã, vì thế mà anh ta phải tự giải quyết bi kịch sự bất hạnh không còn chịu đựng được nữa nầy, trong chính nội tâm mình. Vào những thời khắc đen tối nhất, Kitô hữu luôn có thể chìa bàn tay hướng về Thiên Chúa. Sống tự do tình dục, “buông tuồng mất nết”, vô trách nhiệm và không có một Đấng để nhìn vào, để hy vọng, để thấy được gần gũi yêu thương, con người không chỉ rẻ rúng sự sống của chính mình, mà coi thường sự sống tha nhân, nhất là của những trẻ chưa sinh (ngừa tránh và nạo phá thai), của những người yếu đau già cả “hết giá trị sử dụng và lợi dụng” (an tử, tự tử có trợ giúp), những hành động thú tính (bạo lực, khủng bố), cũng như hành xử trong các quốc gia vô thần và độc tài.

Sự sống do Thiên Chúa ban tặng. Con người một khi đã được ‘thổi’ sự sống vào (khi thụ thai), sẽ không bao giờ chết nữa, nghĩa là sống đời đời. Đó là nét làm cho con người – cùng với tự do – nên cao trọng, phân biệt với loài thú vật. Con người, bất kể là Kitô hữu hay ngoại giáo, bất kể ăn ở hiền lành đạo đức hoặc trọn đời làm điều gian ác, là Lão phú hộ hay anh Lazarô, đều sẽ sống lại sau khi lìa trần. Với những người không coi đời sau ra gì và hành động như thể họ có quyền trên sự sống (của mình và của đồng loại), thì đúng là “cái giá sợ hãi”: Sống lại để chịu trầm luân muôn đời, thì nói như các phim Trung Quốc : “Sống không bằng chết”, nhưng nào chết được, một khi đã “sống lại”, ‘phải’ sống lại. Với những ai đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, bằng cách sống theo Tin Mừng, sống với ân sủng các bí tích, canh tân và hoàn thiện cuộc sống mình, để nên chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh, thì Sống Lại mới thực sự được gọi là Phục Sinh. Ác nhân sống lại với đầy đủ tội ác, mà tội lớn nhất không cho phép họ Phục Sinh, là tội coi thường Sự Sống vô cùng cao trọng qúy giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Họ từ chối sống đời đời trong Nước Chúa, thì phải sống đời đời trong hoả ngục, trong khi sống một đời tận trung với Thiên Chúa, người lành qúy trọng và vun đắp sự sống Thiên Chúa ban, để khi sống lại, Sự Sống vĩnh cửu ấy được rửa trong Máu Con Chiên, mặc lấy vinh quang Phục Sinh trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Chỉ như vậy thì sống lại mới là Phục Sinh.

Trong ý nghĩa đó, truyền giáo không chỉ là làm cho người khác tin vào sự sống đời sau, không chỉ đem Tin Vui Phục Sinh đến mọi người, không chỉ làm cho người khác tin vào sự Phục Sinh, mà Truyền Giáo còn là giúp tha nhân thể hiện niềm tin Phục Sinh - SỐNG LẠI VỚI CHÚA KITÔ PHỤC SINH – ngay ở đời nầy. Hành trang vào sự sống đời đời, vì thế, là tất cả những gì chúng ta gom nhặt, vun vén, tích lũy ở thế gian: thiên đàng hay hoả ngục, không đợi đến ngày phán xét chung mới biết. Sống lại hay Phục Sinh tùy thuộc thái độ và hành xử của chúng ta đối với Tự Do và Sự Sống. “Thiên đàng hoả ngục hai bên; ai khôn thì dại, ai dại thì khôn…”.

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 43
Vì Ngài Mà Người Ta Giết Chúng Con

Chúng ta mang trong mình lòng hoài cổ mơ hồ về thiên đàng đánh mất,ít nhiều chúng ta bước đi một cách ý thức tới ảo ảnh một cuốc đời trần thế mà không có thử thách và khổ não. Ảo tưởng nguy hiểm : chúng ta vác “cây thập giá của chúng ta” theo sau Đấng là người đầu tiên đã vác nó (Lc Lc 9,23). “Thế gian ghét các con - lời Chúa Giêsu - thế gian đã ghét Thầy trước các con” (Ga 15,18). Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Texalônica : “Chúng ta phải chịu những gian truân khổ ải... đó là phần dành cho chúng ta” (I Tx 3, 3 – 4). Vì thế người sáng tác thánh vịnh cung cấp một cách phong phú dường ấy những thánh vịnh ở đó diễn tả những sự chịu đau khổ và thử thách của Dân Chúa bị bách hại.

Chúng ta cần đến những lời cầu nguyện nầy, nơi có thể giải bày RÉPANDRE không bị ép buộc SANS CONTRAINTE sự chịu đau khổ, đồng thời niềm tin cậy ÉPERDU trong Đấng Thiên Chúa nầymà vì người người ta chịu đau khổ, tình yêu của Người giữ cho chúng ta, ÉVEILLANT trong chúng ta như một tiếng vang, tình yêu nầy vốn cho ta khả năng thách đố DÉFIER cả vũ trụ. Phải nhớ lại ở nơi đây bài ca chiến thắng và khải hoàn, ở đó Thánh Phaolô tìm thấy chính những từ ngữ của Thánh vịnh nầy, bằng cách mời gọi chúng ta tìm kiếm ở đó sự hiệp thông của niềm hy vọng không thể đánh bại : “Nếu Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể làm gì chúng ta được?... Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô? … Gian truân khổ ải ư? Lo âu khốn quẫn ư? Bắt bớ ư? Hay đói khát, trần truồng? Hiểm nguy? Gươm giáo? Có lời chèp rằng : “Vì Chúa mà người ta giết hại chúng con suốt ngày :người ta nhìn chúng con như những con cừu bị đem tới lò mổ”. Nhưng trong mọi sự ấy, chúng ta chiến thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta…Không, không có tạo vật nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu mà Thiên Chúa đối với chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,31.35 -39). Hãy cùng với Thánh Phaolô bước vào thánh vịnh nầy.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.04.2010. 13:09