Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phục Sinh: Chuyện kể không bao giờ trở thành cổ tích

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH (07)

Dẫn nhập: Kính thưa ông bà anh chị em,

Hưởng ứng chính lời hiệu triệu trong bài ca Exultet, bài ca công bố Tin Mừng Phục Sinh vào nghi thức đầu lễ: ”Mừng vui lên hỡi chư thân chư thánh…Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế…Mừng vui lên, hỡi Hội Thánh mẹ hiền…”, chúng ta hãy dành cho nhau lời chúc mừng Phục Sinh thật hân hoan, thật chân tình bằng một tràng pháo tay nồng nhiệt…

Kính thưa ông bà anh chị em,

Trong suốt những ngày qua, đặc biệt với những ngày Tuần Thánh vừa rồi, cộng đoàn Dân Chúa chúng ta thật sự được Phụng Vụ làm cho sống lại những khoảng không gian và thời gian thật gần gũi, sống động bên cạnh Đức Kitô, Chúa chúng ta. Và đặc biệt, trong Đêm Vọng thánh thiêng nầy, từ bóng tối mênh mang như còn vương vấn nổi ê chề, bi đát của “không gian Thứ Sáu Tử nạn”, của cái chết tũi nhục trên đồi Sọ, đã từ từ rực sáng lên “Ngọn lửa mới” rồi lan tỏa khắp nơi “ánh sáng lung linh từ cây Nến Phục Sinh” cùng với tiếng reo ca “Mừng Vui Lên” tưng bừng rộn rã. Không gian đó, hình ảnh, tâm tư đó đã phản ảnh chính cái không gian và thời gian, tâm tình và niềm tin của các môn sinh của Đức Kitô trãi qua những ngày từ Thứ Năm, Thứ Sáu…cho đến Ngày thứ Nhất trong tuần; trãi qua những thất vọng, buồn tênh trong đêm Ngài bị nộp nơi vườn Cây Dầu, bị kết án trước tòa quan tổng trấn Philatô, và chết tũi nhục trên thập giá và rồi ngỡ ngàng, hân hoan, phấn khởi khi Ngài sống lại hiện ra ban bình an và lời huấn dụ trong quyền năng của Đấng Phục sinh và trong thân thương gẫn gũi của người thân đi xa trở về.

Và những gì chúng ta cử hành Đêm nay cũng là xoay quanh những sự kiện đó: từ bóng tối sự chết bao phủ đồi Canvê tới ánh bình minh rạng rỡ tràn ngập “Ngày Thứ Nhẩt trong tuần”; từ thân xác bất động được phủ kín tấm khăn liệm tang chế, đến “Mồ trống” tràn đầy dấu chỉ của phục sinh; từ những tan nát, vỡ vụn cõi lòng trước nổi đau mất mát của Thầy Chí Thánh đến niềm vui ngỡ ngàng của gặp gỡ, đối diện với vị Mục tử dấu yêu từ cõi chết trở về… Những sự kiện đó cũng chính là những “lời rao giảng đầu tiên” của các Tông đồ Chúa Giêsu mà nội dung chủ yếu chỉ là những bài công bố một lời chứng sống động mắt thấy, tai nghe, tay rờ, miệng nếm, những lời chứng về một Đấng Phục Sinh mà các ông đã từng sợ hải chối bỏ khi Ngài dấn thân vào cuộc khổ nạn (Lc 22, 54-62), và đã ngỡ ngàng, hoài nghi cứ ngỡ là ma quỷ hiện hình khi Ngài đột nhiên hiện đến (Lc 24,36-43).

1. Phục sinh: một câu chuyện không bao giờ trở thành “cổ tích”.

Và như thế, câu chuyện Phục sinh mà chúng ta đọc lại đêm nay không bao giờ là một chuyện đã trở thành “cổ tích”, và niềm tin Phục Sinh của người kitô hữu chúng ta chẳng phải một triết lý xa vời, một học thuyết cao sâu bí nhiệm gì hết, mà chính là một CON NGƯỜI, MỘT CUỘC SỐNG, MỘT CUỘC GẶP GỠ, hay thi vị hơn một chút, MỘT TÌNH YÊU, TÌNH YÊU CỨU ĐỘ.

Nhưng dù sao, phục sinh từ cõi chết để rồi trở thành bất tử vẫn là một chuyện hi hữu chỉ dành riêng cho một con người duy nhất, Đức Giêsu-Kitô. Chúng ta có thể dừng lại để tìm hiểu khái quát về ý nghĩa sự phục sinh của Ngài.

Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta nghe nhiều câu chuyện sống lại. Chính Chúa Giêsu đã cho nhiều người chết sống lại: con trai bà góa thành Naim sống lại khi xác anh ta được người ta mang đi an táng; con gái ông Giairô sống lại khi kèn đưa tang cô bé đã trỗi lên; và Lazarô bạn Ngài đĩnh đạc bước ra khỏi huyệt mộ sau bốn ngày xác đã ươn thối. Tin mừng Mt cũng tường thuật: khi Chúa Giêsu chết, thì “xác của nhiều thánh nhân đã yên nghỉ tự ngàn xưa được sống lại” (Mt 27,52). Nhưng những kẻ được Chúa cho sống lại thực sự chỉ là được hồi sinh. Họ trở về lại cuộc sống như bao người khác, chịu những định luật thông thường của kiếp người và rồi cũng sẽ chết. Họ là dấu chỉ cho một cuộc phục sinh khác, cuộc phục sinh toàn diện, vĩnh viễn, cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc chiến thắng lẫy lừng dứt khoát trước tử thần và ma quỷ để bước vào cuộc sống vinh quang miên viễn mà các cử hành Phụng vụ hôm nay đã diễn tả qua những dấu chỉ sống động và trang trọng, ấn tượng và sâu lắng.

Thật vậy, cuộc chỗi dậy từ cõi chết của Đức Kitô hoàn toàn khác với mọi cuộc phục sinh do Ngài thực hiện cho con người. Nếu đọc những trình thuật phúc âm về những lần Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ sau khi sống lại, trước tiên chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu đi đứng sinh hoạt như một người sống bình thường: Ngài cùng ngồi ăn với các tông đồ cho người ta nhìn thấy để nhận ra; Ngài nói, Ngài nghe, Ngài kêu tên những ai Ngài gặp, Ngài đề nghị họ đến sờ những thương tích Ngài, để bảo đảm Ngài đang thực sự hiện diện.

Nhưng sự sống của Ngài rất khác lạ. Ngài đang sống, nhưng đang lúc ứng xử như một người thường thì Ngài lại có thể hành động cách ngoại thường như thể Ngài đã thoát khỏi những điều kiện giới hạn của không gian và thời gian của kiếp người. Những định luật vật lý và những biên giới hữu hình của vũ trụ nhân sinh không còn trói buộc được Ngài nữa. Trong Đức Kitô phục sinh, bây giờ đã xuất hiện một con người hoàn toàn mới mẻ, một xác thân như chưa bao giờ gặp thấy. Ngài vừa là một con người đích thị, vừa là một tinh thần thuần túy (pur esprit). Thật khó mà diễn tả vì Ngài rất giống chúng ta nhưng cũng lại rất khác chúng ta. Ngài đạt đến một trạng thái mà Ngài đã hứa từ lâu nhưng chưa bao giờ thực hiện. Đó là trạng thái con người “đi ngang qua thế gian này mà về cùng Cha”.

Đó chính là “Huyền Nhiệm Phục Sinh”, một mầu nhiệm duy nhất làm đảo lộn tất cả thân phận con người và hướng đi của vũ trụ. Và hơn thế nữa, qua mầu nhiệm “Tử nạn-Phục Sinh”, Ngài công bố cho chúng ta biết cái chết có mục đích gì và ý nghĩa nào. Ngài bảo chúng ta đừng sợ chết, vì nó đưa chúng ta đến trạng thái chung cục, khởi điểm cho một cuộc sống mới, một sáng tạo mới, một niềm hy vọng mới.

Cũng chính trong niềm tin đó, mà Phụng vụ đêm nay đã chọn Cây Nến Phục Sinh như là biểu tượng đẹp nhất và cũng rõ nét nhất cùng với những lời cắt nghĩa uy hùng của bài ca Exultet: “Vậy xin Cha cho cây nến nầy. Chúng con đã thắp lên để tôn vinh Danh Thánh. Được cháy mãi không ngừng. Hầu xua đuổi bóng tối đêm nay….Ước chi ngọn lửa còn cháy mãi. Lúc xuất hiện Sao Mai: Một vì sao không bao giờ lặn, là Đức Kitô, con yêu quý của Cha, Đấng từ cõi chết sống lại, đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”

2. Phục sinh, một huyền nhiệm khó tin:

Cho dù có gần gũi thân thương đến mấy, Phục sinh vẫn là một huyền nhiệm luôn thách thức trái tim và trí óc con người muôn nơi và muôn thuở.

Đừng quên rằng, trong những ngày nầy năm ngoái 2006, thế giới đang nôn nao, nô nức đón chờ xem cho được bộ phim “Mật Mã Da Vinci” được thực hiện theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dan Brown người Mỹ. Đây là cuốn tiểu thuyết với “sự hư cấu tài tình bằng những cứ liệu mang dáng đứng lịch sử” đã cố minh chứng rằng: chân lý về Chúa Giêsu mà Giáo hội đang rao giảng, Tin mừng về Chúa Giêsu mà Dân Chúa đang công bố và xác tín, sự thật về Chúa Giêsu mà muôn thế hệ kitô hữu đã xác tín và tuyên xưng bấy lâu nay, chẳng qua chỉ là một sự mạo nhận, một sự lừa bịp, một sự “dựng đứng của một âm mưu” để che dấu một sự thật phũ phàng khác bao quanh một con người Giêsu tầm thường như bao nhiêu con người khác đã mất hút trong đêm dài lịch sử.

Không phải chỉ hôm nay, trong thế kỷ nầy, người ta mới tìm đủ mọi cách để phủ nhận chân lý về “Chúa Kitô phục sinh”, mà ngay từ đầu, khi phiến đá che cửa mộ táng xác Chúa Giêsu mới vừa được khép lại, các quan chức Do Thái giáo đã dùng tiền bạc đút lót để hòng dập tắt mọi chuyện liên quan đến “vụ án Giêsu Nadarét”, và nhất là tìm cách ngăn ngừa và vô hiệu hóa mọi toan tính nếu có của những tên tông đồ cuồng tín bày đặt ra câu chuyện “phục sinh” của Thầy mình để biện minh cho những lời tiên báo của Thầy trước đó; và họ cứ ngỡ rằng: bằng phiến đá to lấp cửa mộ, bằng vài tên lính canh đứng gác bên ngoài, bằng dấu triện niêm phong của quan tổng trấn Philatô…vĩnh viễn cái xác của tên “tội đồ” Giêsu Na-da-rét sẽ chết thúi trong mồ và tên của “chàng thợ mộc” Giêsu Na-da-rét sẽ sớm chìm vào sọt rác của thời gian !

Nhưng rồi, chỉ bằng những bước chân hớt hải hoảng kinh của một nhóm đàn bà đi thăm mộ thấy mộ trống (như Tin Mừng Luca vừa được công bố), hay chỉ với những lời tường thuật đầy hoang mang sợ hải đượm một thoáng ngỡ ngàng của một thiếu phụ Maria Mađalêna đã vang bóng một thời là một cô gái làng chơi nức tiếng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mộ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” (Ga 20, 2), mọi toan tính “khai trừ Giêsu” khỏi thế giới sự sống và lịch sử của loài người của hội đồng cộng tọa Do Thái, của những người cương quyết chống lại Chúa Giêsu cho tới cùng đã trở nên “dã tràng xe cát”.

Vâng, chứng từ giản đơn về một “Ngôi Mộ Trống” của những người phụ nữ vô danh tiểu tốt, tin mừng Chúa sống lại của những tên dân chài dốt nát xứ Galilê, cứ thế lan ra, vang xa đến mọi biên giới quốc gia, đến mọi miền đất nước như một lời tiên báo từ ngàn xưa: “Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (TV 18,5).

Chính vì thế, một lần nữa chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Kitô phục sinh đó là “câu chuyện của niềm tin”, đó là mầu nhiệm đức tin, đó là hồng ân đức tin vĩ đại nhất được trao ban như lời ca của bài ca Exultets hôm nay đã vang lên ngay từ khi ánh nến lung linh của Cây Nến Phục Sinh mới vừa được thắp sáng trong nghi thức đầu lễ:

“Ôi kỳ diệu thay, lòng Cha yêu thương đoàn con, nào ai hiểu thấu, để cứu kẻ nô lệ Cha đã nộp chính Ngôi Con. Ôi tội A-dam thật là cần thiết, tội đã được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô. Ôi tội đã hóa thành hồng phúc vì nhờ đó mà chúng con có được Đấng Cứu Chuộc cao sang. Ôi đêm thật diễm phúc, vì chỉ mình ngươi xứng đáng biết được thời giờ Đức Kitô từ cõi chết phục sinh…”

3. Phục sinh: tiêu đích của lịch sử cứu độ:

Vâng, nhân loại kể từ sau biến cố “Ngôi Mộ Trống” của buổi sáng tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần” cách đây 2000 năm, đã tiến trên một “lộ trình mới”, đã thoát ra khỏi “con đường hầm của thất vọng buồn tênh” mà cái chết như là một căn phần định mệnh chí tử. Đức Kitô đã sống lại và từ đó một nguồn sống mới đã thổi vào trần gian, một niềm hy vọng về sự sống lại và sự sống vĩnh cửu đã được nhen lên giữa miền âm u tử địa, một con đường dẫn tới hy vọng rạng ngời cho kiếp phận vĩnh hằng của nhân loại đã được mở ra với dòng nước Thanh Tẩy khởi đi nơi dòng nước xuất phát từ trái tim bị đâm thâu của Ngài. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay đã khẳng định với chúng ta về điều đó: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới…”.

Ø Cuộc sống mới này, mà Chúa Giêsu là người đầu tiên sinh ra trong đó, chúng ta có thể kinh nghiệm được ngay từ bây giờ. Nó không phải là một giả thiết cho tương lai, song là một thực tại của hiện thời. Đó là tất cả ý nghĩa của phép thánh tẩy và sức mạnh canh tân của nó mà ta đang thấy qua các cử hành Phục sinh. Nếu Chúa Giêsu là trưởng tử của tạo vật mới, thì không nguyên một mình Ngài mà tất cả những ai được rửa tội, ngay từ bây giờ, đã làm thành một dòng tộc mới giống Chúa Giêsu. Và đây là vai trò chính yếu và là sứ mệnh muôn đời của Giáo hội: loan báo cho thế gian biết rằng: Chúa Giêsu đã sống lại và trao ban sự sống mới của Ngài cho tất cả những ai tin nhận Ngài và cùng Ngài bước đi trên lộ trình “Bát Phúc”.

-Những tín hữu đã chịu phép thánh tẩy quả thật đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu phục sinh. Họ vừa mang kiếp phận như bao người, nhưng đồng thời cũng khác biệt mọi người. Như mọi người, họ sống giữa thế gian; họ nói, họ làm, họ lao động, họ đau khổ và sung sướng như bao nhiêu người khác. Như mọi người và với mọi người, họ cộng tác vào việc làm chủ vũ trụ và nỗ lực xây dựng một thế giới công chính và bình an.

Tuy nhiên, họ không đóng khung cuộc đời trong biên giới trần tục. Họ biết rằng trần gian này không phi lý như một vài người nghĩ, cũng không quá đủ và vĩnh cửu như một số người chủ trương. Họ biết rằng TC muốn con người chấp nhận trần gian với tất cả hạn chế và yêu sách của nó, họ biết rằng phải tùng phục các định luật của sáng tạo, và trần gian này chỉ là một hình thức chuyển tiếp của một thực tại luôn tiến về việc thiết lập Nước TC, tiến về một cuộc “phục sinh toàn diện”, một “Trời mới đất mới”.

-Chính vì thế, cử hành Phụng vụ đêm nay còn nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta hãy canh tân phép rửa của chúng ta thường xuyên trong sức mạnh nguyên tuyền của nó để củng cố sự hiện hữu của thế giới mới đã được Chúa Giêsu phục sinh khai mào. Muốn thế, chúng ta phải không ngừng từ bỏ tội lỗi và những biểu hiện của một nền “văn minh sự chết” của con người và luôn luôn sống trong Chúa Giêsu Phục sinh, là sự thật, sự sống và niềm hy vọng duy nhất của nhân loại.

4. Phục sinh: Tin vui cần được loan báo:

Nếu cái chết của Thầy Giêsu đã kết thúc trên Đồi Sọ và mọi sự đằng sau Ngôi Mộ trống cũng chỉ được các bạn hữu Ngài, môn sinh Ngài nhắc lại một cách bâng quơ như một kỷ niệm để thoa dịu vết thương lòng trong thoáng chốc, như “một chuyện cổ tích” để mua vui cho đám trẻ con, mà không mang theo một thao thức nào, một nhiệt tình nào, một phấn khích và tràn trào niềm vui để loan báo, để làm chứng, để thuyết phục, thì có lẽ “chuyện kể về Ngôi Mộ Trống” ngày nào của cô Maria Mađalêna, tin vui sống lại của các dân chài Galilê cũng đã bị lãng quên tự bao giờ; và sự phục sinh của Đức Giêsu người Nadarét cũng chỉ là một huyền thoại chỉ còn trong những cuốn sách nơi các bảo tàng viện; và như thế, chắc chắn trong thế giới nầy, trong lịch sử loài người hôm qua và hôm nay sẽ không bao giờ có cuộc cử hành hoành tráng long trọng như đêm nay, chả có cái đạo Kitô, chả có Ngày Chúa Nhật, chả có Hội Thánh Công Giáo, và chúng ta sẽ không bao giờ mang tên là Kitô hữu…

Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ đêm nay lại là một gọi mời chúng ta tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna”:

“Tôi đã thấy mồ trống của Đức Kitô,
Phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn…
Chúng tôi vững niềm tin sắt đá
Đức kitô thật đã phục sinh
Tâu Vua chiến thắng hiển vinh
Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).

Sống mầu nhiệm phục sinh chính là biết từng ngày tâm niệm và xác tín rằng: “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”, là từng ngày tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn, cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn…Chúa Kitô đang thật sự “phục sinh con người tôi”, trái tim tôi, tư tưởng tôi, và biến tôi nên một con người mới; Ngài đang phục sinh mối tương quan vợ chồng vốn cũ mòn xơ cứng, lãnh đạm thờ ơ nay trở nên mặn nồng, sắt son tha thiết. Ngài đang phục sinh quan hệ ứng xử giữa tôi, gia đình tôi với mọi người xung quanh vốn thờ ơ lạnh nhạt, ghen ghét đố kỵ, nay trở nên thân tình thắm nghĩa anh em. Ngài đang phục sinh cuộc sống vốn ích kỷ nhỏ nhen, lọc lừa gian dối nơi tôi thành một tâm hồn quảng đại khoan dung biết sẻ chia và phục vụ. Ngài đang phục sinh đức tin non yếu, tâm hồn khô khan nguội lạnh, cuộc sống biếng lười lệch lạc của tôi trở thành mạnh mẽ tin yêu, nhiệt tình và sâu sắc…

Và như thế, lời chúc phục sinh sau cùng của chúng ta đêm nay đó là: ước gì niềm tin phục sinh mỗi người chúng ta sẽ như cây nến Phục sinh sẽ cháy mãi như lời ước nguyện ban đầu của bài ca Exultet:

“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,
Lúc xuất hiện Sao Mai:
Một vì sao không bao giờ lặn,
Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,
Đấng từ cõi chết sống lại,
Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Đọc nhiều nhất Bản in 08.04.2007. 07:58