Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phong Độ và Đẳng Cấp

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh: Mt 2,1 – 12

Trong thể thao, sau khi đã xem những trận thi đấu, dặc biệt là môn thể thao vua – bóng đá -, người ta thường đưa ra nhận xét : " Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới vĩnh viễn", để nói về đội kém đẳng cấp mà chiến thắng hoặc để an ủi “gà nhà” trên “cơ” nhưng lại bị thảm bại. Điều đó càng chứng minh rõ ở trận đấu tranh Cup AFF Suzuki chung kết vòng đi ở Thái Lan và vòng về ở Việt Nam vừa qua. Mọi người đều thừa nhận đẳng cấp đội tuyển Thái Lan hơn hẳn đội tuyển Việt-Nam, lại có lợi thế sân nhà, nhưng chính phong độ cao đã giúp đội tuyển Việt-Nam đánh bại đội tuyển Thái Lan ngay chính trên đất Thái. Điều nầy đã được chứng minh ở sân Mỹ Đình, khi lần nữa đẳng cấp người Thái không giúp họ vượt qua được người Việt, khi tinh thần đội tuyển Việt-Nam đạt đỉnh cao với sự hậu thuẫn của cả đất nước. Hôm nay, ngày lễ Chúa Hiển Linh, - “trái bóng” đã ngừng lăn cách đây hai ngàn năm - chúng ta phân tích thế nào về kết quả của “trận đấu” vốn chênh lệch nhau về đẳng cấp và khác nhau về phong cách giữa hai “đội” Hêrôđê – các chức sắc cao cấp Đạo Do Thái và “đội” Ba nhà đạo sĩ - mục đồng? Liệu phong cách hay đẳng cấp sẽ giúp đội chiến thắng? Nhưng trước hết hãy điểm lại thành phần hai đội; kế đến , hãy xem cách họ vận dụng đẳng cấp hoặc phong độ ra sao và sau cùng, có thể rút ra được bài học kinh nghiệm nào cho chúng ta.

Xét về quyền lực, tài sản thì không ai qua mặt được vua Hêrôđê: Ông đã cho xây nhiều cung điện (như ở miền duyên hải Xê-da-rê) pháo đài (Massada, Macheronte, Antonia), hí trường (nay đã được tu bổ lại), một cung điện nguy nga và những khu vừơn tại Giêrusalem và cũng chính ông đã cho xây lại Đền Thánh Giêrusalem (bị người Roma phá hủy năm 70). Nhưng tất cả chỉ vì máu mê xa hoa và quyền lực. Chính vì tham quyền, đa nghi, mà ông ru rú ẩn mình trong các pháo đài, và đã ra lệnh giết chết ba trong số các con trai mình, giết chết nhạc mẫu và một trong mười bà vợ. “Đối tác” - đồng minh lúc nầy của Hêrôđê - câng câng vì đựơc vị vua già mời hội ý, cho rằng nhà vua kính trọng hiểu biết của họ, những bậc thầy trong dân Do Thái. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã! Câu hỏi của ba nhà đạo sĩ :” “Đức Vua dân Do Thái vừa sinh ra,hiện ở đâu?”, chẳng khác nào “bom tấn” nổ bên tai vua Hêrôđê, làm ông bồn chồn lo lắng thấy ngai vàng mình ngồi đang runh rinh, bởi Người La Mã đã đặt ông lên ngai vàng, thì cũng dễ dàng hạ bệ ông và đặt một người khác lên. Vì thế việc tiêu diệt mầm hậu hoạ vừa xuất hiện, phải được tính toán kỹ càng, thực hiện kín đáo, không thể rầm rộ lục soát lùng bắt, để tránh đối đầu lộ liễu với quan thầy La Mã, nếu như đó là người mà La Mã có ý định sẽ thay thế ông. Biết rõ suy nghĩ và lo âu của vua Hêrôđê, cũng là dịp tốt để bắt thóp y, các thượng tế và kinh sư chỉ xướng lên câu của một tiên tri Do Thái, có thể so sánh như vế thứ nhì của câu đối, mà vế đầu do ba nhà đạo sĩ đưa ra:“ Tại Bet-lem,miền Giuđê” (và để cho vị vua ngoại đạo thêm kinh khiếp) :”…là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”.

Ở phía bên nầy, cũng hai nhóm người, nhưng quá nhiều khác biệt về tri thức, địa vị xã hội. Họ chỉ gặp nhau ở một điểm : phong độ, tức là niềm tin,lòng khao khát và sự mau mắn tìm đến với lời mời gọi của Thiên Chúa qua một ánh sao, qua các thiên thần ca hát báo tin. Đẳng cấp của ba nhà đạo sĩ có thể phong phú không thua gì các thượng tế và kinh sư Do Thái, nhưng là ở những lãnh vực khác nhau, bên “đạo”, bên “đời”. Lẽ ra đẳng cấp học rộng nghiên cứu sâu về Kinh Thánh đã phải giúp các thượng tế và kinh sư khám phá ra Đấng Cứu Thế. Nhưng thật lạ lùng, các đạo sĩ khẳng định trước: “Đức Vua dân Do Thái vừa sinh”, rồi mới hỏi tiếp :”hiện ở đâu?”, trong khi các chuyên gia bậc thầy về Kinh Thánh, ngày ngày đọc và giảng dạy Sách Thánh, lại chỉ biết xác nhận nguồn tin quan trọng đến mức “vua Hêrôđê bối rối,và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”. Đẳng cấp và điều kiện quyền lực, vật chất vượt trội, đã không giúp ích gì cho “thế quyền” lẫn “thần quyền”, khi họ chỉ liên kết với nhau bằng mưu đồ chính trị đen tối hoặc lạm dụng tôn giáo cho những tính toán vụ lợi. Mớ lý thuyết tích tụ bao năm chỉ giúp các thượng tế và kinh sư được trọng vọng, nể vì, tuyệt nhiên không giúp ích gì cho đời sống đạo đức bản thân, không giúp họ khám phá ngay những gì mà họ nhại như vẹt và truyền tinh thần “vẹt” ấy cho dân, trong khi hai hạng người mà họ coi thường (đạo sĩ, nghĩa là người ngoại đạo) hoặc khinh thường ( mục đồng, những ngừơi khố rách áo ôm, vô học) lại nhận ra và mau mắn tìm thờ lạy Đấng Cứu Tinh.

Ngày nay Giáo Hội cũng đang phải đương đầu với những thế lực xấu xa, vốn bình thường đối nghịch nhau vế quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng dưới sự bày binh bố trận của Xatan, dù tư bản hay vô thần, chúng sẵn sàng hiệp lực để tấn công Giáo Hội. Bài học Hêrôđê dường như được vận dụng triệt để : chúng lén lút ngụy trang dưới những vỏ bọc nhân đạo,nhân quyền, phúc lợi, bình đẳng giới, để hô hào thực hiện những tội ác dã man phi nhân tính, như nạo phá thai, an tử, nhân bản vô tính và đi đến cả nhân bản phôi lai người và động vật. Ở các chế độ độc tài, các chính phủ vô thần áp đặt những chỉ thị, quy tắc luật lệ áp đặt những việc làm vô đạo đức, trái ngược luân lý, biến con người thành đồ vật, biến phụ nữ thành những món hàng, những đồ giải trí. Đau đớn thay: nhiều Kitô hữu, thường là học giả hoặc chức sắc cao trong Giáo Hội, không chỉ “nối giáo cho giặc”, mà còn đem hết khả năng nhận được từ chính Hội Thánh, để khích bác Giáo Hội, chỉ trích Đức Thánh Cha, nỗi loạn và gây gương mù gương xấu không kể xiết được. “Đẳng cấp” được nhận từ Gáio Hội dùng để chống lại Giáo Hội. Hành động của họ hoàn toàn rập khuôn với những gì Xatan làm : kiêu căng và chai đá! Họ học theo cách làm của Hêrôđê : ngoài miệng sơn sớt yêu mến Giáo Hội, nhưng mỗi lời nói, mỗi bài viết đều nhắm mục đích đạp đổ những gì Giáo Hội đang cố gắng hết sức để xây dựng và củng cố, một cách công khai,thách thức!

Nhóm “phong độ”gồm những người mau mắn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, theo cách thức và điều kiện hiện có mà không mảy may tính toán lợi lộc cho bản thân,thậm chí không nghĩ tới những rủi ro, khó khăn, cản trở xuất phát từ sự nhiệt thành đáp trả của họ. Đầu tiên là các mục đồng. Dù ít học và nghèo khó đến mấy, thì họ cũng biết các hoàng tử, cậu ấm cô chiêu không thể sinh ra ở giữa đông không mông quạnh, nghèo hèn thiếu thốn thế nầy, mà là trong cung điện, lâu đài,nhà cao cửa rộng. Nhưng vì “Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2,15), cho nên “họ liền hối hả ra đi”(Lc 2,16). Sau cùng là các đạo sĩ. Nếu là ngày nay, thì các vị sẽ bị cho là “gàn dỡ”. đầu óc có “vấn đề” vì tin và làm theo một dấu chỉ mơ hồ là ngôi sao phương Đông. Cho dù đúng thật đi nữa, thì chẳng ai bỏ công sức, chịu bao gian khổ, lội suối băng ngàn, để rồi chẳng thu được chút lợi lộc nào, ngoài thoả mãn những ước đoán của mình. Là những người có “đẳng cấp” cao, làm sao họ lại không biết ai đang cai trị đất nước Do Thái và ai là người đang được đế quốc La Mã đặt làm vua bù nhìn ở đó ! “Ngôi sao phương Đông” không thể dành cho những người tầm thường, ti tiện, độc ác như Hêrôđê, mà là của một vị minh-quân, một vị vua vượt trên những đế vương tham lam và đầy dục vọng nhan nhãn khắp nơi. Họ đã lên đường và câu chuyện kết thúc có hậu như thế nào, thì ai ai cũng đã biết qua trình thuật của Thánh Sử Mat-thêu. Ngược với nỗi thất vọng bẽ bàng, sự giận dữ nơi nhóm ỷ vào “đẳng cấp”, ta thấy niềm vui nội tâm, sự hài lòng vì những kết quả tốt đẹp nhóm “phong độ” đạt được, nhưng quan trọng hơn hết,là họ luôn mở rộng con tim cho Thần Khí Phong Độ - Chúa Thánh Thần -, chính là Đấng bù đắp dư giả lỗ hổng “đẳng cấp” và duy trì ngọn lửa “phong độ” bền vững, mạnh mẽ trong họ.

Đức Cha Fulton J. Sheen đã ghi lại những suy tư rất sâu sắc của Ngài : “Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng, nhưng Ngài giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường. Một số người quá tự mãn để hạ mình sẽ không thấy được niềm vui bên trong hang đá. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. (Người Galilê vĩnh cửu, trg 36). Mưu toan ác độc, ươn lười kiêu căng, là những gì đã che khuất ánh sáng ngay giữa ban ngày đối với Hêrôđê và các bậc thầy dân Israel. Họ nhìn mà không thấy. Họ không thể đổ lỗi là Chúa đã không đến với họ. Nhiệt Thành, khát vọng chân lý, đơn sơ tin yêu phó thác nơi bàn tay dẫn dắt của Chúa, là những gì nên ánh sáng xua tan bóng đêm trong lòng ba nhà đạo sĩ và các mục đồng.. Con mắt đức tin đã làm cho con mắt trần của họ được nhìn thấy Đấng là Ánh Sáng Thế Gian. Chỉ cần một tia sáng, một lời gọi, là họ sốt sắng đi tìm cho bằng được Chúa.

Sự thật phải cay đắng ra sao, thì Thánh Sử Gioan Tông Đồ mới viết ngay ở phần mở đầu Phúc Âm thứ tư : “Người đã đến nhà mình,nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Con có nằm trong số những kẻ có “đẳng cấp”, nhưng lại để lòng tràn ngập tham lam danh lợi, dục vọng đê hèn, để đánh mất hoàn toàn “phong độ” tức là sức mạnh, niềm tin và khát khao tìm về Chúa, mà Thần Khí hằng ban cho ? Chúa muốn Hiển Linh cho con ; Chúa muốn qua con Hiển Linh với mọi người, nhưng tấm gương nầy đã đục mờ, vỡ vụn.

Tình Ca Cho Người Được Yêu 135

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.12.2008. 11:27