Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phải làm gì với nguyên tắc sống của Gioan Tẩy Giả

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Ngay khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, các tầng lớp trong dân Do Thái đã qui tụ bên ông rất đông. Bởi vì 30 năm đã trôi qua, kể từ khi ông sinh ra, người ta đã tự hỏi rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên như thế nào? Vì quả thật bàn tay Thiên Chúa đã ở với em” (Lc 1,66).

Gioan ra đời với rất nhiều dấu lạ:

  1. Dấu lạ thứ nhất: Cha của Gioan, ông Dacaria bị câm, chỉ có thể nói bằng dấu hiệu;
  2. Dấu lạ thứ hai: Bà Elisabet, mẹ của Gioan, là người đã son sẻ và cao niên nhưng vẫn mang thai và sinh Gioan.
  3. Dấu lạ thứ ba: Khi Gioan được sinh ra thì ngay tên của Gioan cũng đã được đổi. Đổi tên là đổi sứ mệnh. Không phải dòng họ Dacaria mà là Gioan.
  4. Dấu lạ thứ tư: Khi Gioan được sinh ra, ngay lúc ấy, ông Dacaria khỏi câm. Ông đã lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Tất cả những việc đó đã đủ trở thành một dấu hỏi cho những người Do Thái. Nhưng đằng sau dấu hỏi lớn ấy lại là cả một bí ẩn nữa. Gioan sống khác thường, ông lánh mình vào hoang địa và sống rất nhiệm nhặt. Bởi vậy, sau bao nhiêu năm tu luyện, việc trở lại của ông, trong con mắt những người Do Thái đã nghĩ ông là Đấng Kitô và họ đã không ngần ngại hỏi: “Ông có phải là Đấng Kitô không?”. Chỉ bằng một cái gật đầu, Gioan có thể làm cho tất cả mọi người tin và đến với ông trùng trùng, lớp lớp. Nhưng Gioan làm chứng về sự thật chứ Gioan không phải đến để lấn lướt sự thật. Như lời sách ngôn sứ Isaia đã chép: “Có tiếng người hô trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa đến” (Lc 3,4; Is 40,3); Vì vậy ông tuyên bố: “Tôi làm phép rửa bằng nước, nhưng Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi sẽ rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).

Những lời tuyên bố của Gioan Tẩy Giả đã nói lên sứ vụ của ông - Người đi trước dọn đường cho Chúa Kitô. Bằng những hình ảnh, Gioan đã diễn tả con đường để đón Chúa là một con đường bằng phẳng. Nhưng con đường bằng phẳng ấy được áp dụng cho mỗi người thế nào? Hôm nay Gioan đã trả lời rất thực tế, rất rõ ràng cho những người đến xin ông bằng một câu hỏi mà thời đại ngày nay cũng rất cần thiết cho chúng ta, mỗi người cần tự nguyện đặt ra câu hỏi đó: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10) Chúng ta nhận ra rất nhiều thành phần Do Thái lúc bấy giờ đến với Gioan: những người bình dân, những người chất phác, những người đơn sơ, những người bé mọn... được Gioan trả lời trong thực tế rằng: “Ai có hai áo hãy cho người khác một chiếc” (Lc 3,11), đó là đức bác ái. Với những người thu thuế, là những người hay lợi dụng để nhũng nhiễu, Gioan trả lời: “Đừng đòi hỏi những gì cao hơn mức ấn định cho các ngươi” (Lc 3,13). Còn những người lính như người ta nói rằng “Nước sông công lính” luôn luôn là một nghĩa vụ đi đầu, cho nên lương của lính chỉ đủ để ăn, để mặc, họ luôn luôn phàn nàn khi có dịp thì ức hiếp người khác để đòi lại quyền lợi của mình đã bị lấn lướt. Gioan trả lời cho họ rằng: “Đừng ức hiếp ai, đừng đòi hỏi và hãy bằng lòng với số lương của mình” (Lc 3,14).

Cung cách trả lời của Gioan là một nguyên tắc sống để áp dụng cho từng người. Nếu hôm nay, thời đại của chúng ta, người ta cũng đến hỏi Gioan như vậy với câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Gioan chắc sẽ trả lời rằng: Đừng có hưởng thụ, đối với những người chỉ biết du lịch mà không bao giờ biết thăm viếng; Đối với các bài mẹ, đối với giới trẻ đừng có hủy diệt sự sống, đừng có phá thai; Đối với những nhà kinh doanh, đừng có sống duy vật chất, còn phải có lương tâm nữa; Ngài cũng trả lời cho các nhà lãnh đạo rằng: Đừng có ủng hộ luật phá thai; Đừng có thử thách Thiên Chúa trong sự sống mà Ngài là tác giả. Nói tóm lại, ở mỗi một thời đại, ở mỗi một thành phần, ở mỗi một con người, Gioan sẽ có câu trả lời thích hợp. Điều quan trọng, người ta có đến với Gioan để hỏi rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” không?.

Hôm nay, Giáo Hội vẫn đang tiếp tục thi hành sứ mạng mà Gioan là người đã được trao, đó là luôn luôn dọn đường cho Chúa Kitô và chỉ Chúa Kitô cho mọi người. Những người đã dọn đường sẵn sàng, những người đã thực hiện được đúng như lời Gioan chỉ dạy, thì sẽ đến một lúc chứng kiến Gioan chỉ vào con người đang đi qua - cũng như Giáo Hội ngày nay qua thừa tác vụ Linh mục - giơ cao Mình Thánh và lớn tiếng tuyên bố: “Đây Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Như vậy, Đấng mà Gioan loan báo là Đấng mà ngài đã so sánh bằng một hình ảnh thực tế rất đơn giản nhưng lại hết sức là rõ ràng, sâu sắc, rằng: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Lc 3,16). Những người Do Thái phải hiểu rằng, một con người mà họ đã từng có những kỳ vọng ba mươi năm nay mà bây giờ nói về “Đấng đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” thì họ sẽ vui mừng biết bao được nhìn thấy sự cao trọng của Đấng Cứu Thế; họ sẽ sung sướng biết bao về quyền năng cũng như lòng thương xót mà Đấng đến sau Gioan sẽ thi thố trên họ. Mặc dầu vậy, giới Do Thái vẫn chia làm hai thành phần:

Dân nghèo lao động khổ đau
Vui nghe lời Chúa kêu cầu Chúa thương
Bọn biệt phái và hàng trưởng tế
Cùng những người vai vế trong dân
Lòng đầy tham vọng phàm trần
Họ ghen ghét Chúa, chủ tâm giết người.
(ĐHY Phaolô Phạm đình Tụng)

Thành phần thứ nhất: những người lao động khổ đau, những người mà Chúa cầu nguyện “Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã giấu những người khôn ngoan thông thái, tỏ cho những người đơn sơ bé mọn” (Mt 11,25). Họ là những người đã đón nhận một cách hết sức thành tâm và họ đã được nhìn thấy ánh sáng;

Thành phần thứ hai: Thánh Gioan tông đồ đã viết ngay chương đầu trong Tin Mừng của ngài: “Ngài đến nhà gia nhân Ngài mà gia nhân Ngài không đón tiếp” (Ga 1,5). Ánh sáng đã đến trong bóng tối nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng. Bởi vì, bóng tối tiếp nhận ánh sáng nghĩa là bóng tối bị hủy diệt.

Như vậy, không phải thời đại của Gioan mà thời đại nào cũng vẫn tồn tại hai thành phần là những thành phần biết đón nhận và lắng nghe lời Chúa sinh hoa kết trái và những thành phần cố tình lẩn tránh hoặc chống đối.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa là ánh sáng đã đến trong trần gian,
nhưng bóng tối vẫn còn đó
vì lẩn khuất,
vì cố tình lẩn tránh
hay cố tình bao trùm ánh sáng.

Chúa là ơn cứu độ
nhưng tội lỗi vẫn còn đó
vì tội lỗi không thể sống chung với thánh thiện.

Xin Chúa đừng để bóng tối,
ở trong lương tâm chúng con,
ở trong cõi lòng chúng con,
ở trong tâm hồn chúng con.

Xin Chúa đừng để cho tội lỗi trú ngụ lâu năm,
trú ngụ lâu tháng trong lòng chúng con.
Bí tích hòa giải, sự canh tân mỗi ngày
là những phương thế tình yêu Chúa trao ban cho chúng con
để cho chúng con mở rộng cửa lòng
đón nhận ánh sáng tình thương và ơn cứu độ của Chúa.

Mùa Vọng đã gần sát lễ Giáng Sinh,
ơn cứu độ – chúng con có thể nhìn thấy,
ơn cứu độ – chúng con có thể sờ thấy
và cầm lấy để mà ăn, để mà uống.
Xin đừng để ai trong chúng con đánh mất chính mình
nhưng cho chúng con đạt tới ơn cứu độ đời đời. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.12.2009. 12:51