Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Noi gương Thánh Gia Thất dâng hiến gia đình cho Chúa

§ Lm Anmai, DCCT

Lễ Thánh Gia (Hc 3, 2-6; 12-14; Cl 3, 12-21; Lc 2, 22-40)

Tất cả mọi người Việt Nam, vui vui, cười cười, nói nói đủ thứ chuyện trên đời nhưng khi nói hay đặt vấn đề về đời sống gia đình bỗng dưng nó làm sao ấy. Tình trạng đời sống hôn nhân gia đình ngày hôm nay đang đứng ở mức báo động đỏ. Hình như mọi người ai ai cũng biết cái thảm trạng này nhưng mà hình như người ta chỉ dừng lại ở mức hô hào khẩu hiệu hoặc là chỉ dừng lại ở lời nói mà thôi còn hạnh động, còn thực tế nó khác làm sao đấy ! Thật đau lòng khi nhìn vào đời sống gia đình ngày hôm nay.

Một gia đình ở vùng biển mặn Cần Giờ phải rơi vào thảm trạng bi đát khi có cô con gái đầu lòng phải sống trong tình trạng hôn nhân chẳng ra làm sao cả. Vì nghèo, vì đói, vì túng thiếu, cô đã rời gia đình đi đến một nơi tạm gọi là khá hơn để tìm kế sinh nhai. Đúng thật là đời sống kinh tế của cô có khá lên thật nhưng rồi đời sống luân lý, đời sống đạo lý của con người vô tình bị đánh mất. Đời sống đạo lý của cô không còn khi cô chung sống với một anh chàng thợ điện đã có vợ ! Gia đình cô ra sức phân tích việc làm sai trái của cô, phân tích nỗi ô nhục của gia đình nhưng tất cả đều vô vọng khi cô cương quyết hành động theo cái lý của cô. Cô thì cô cảm thấy thích thật, cô cảm thấy vui thật với tình yêu của cô nhưng thật sự bao nỗi bất an, bao nỗi buồn phiền đang cứ như níu kéo lấy cô. Sống chung với anh chàng đang có vợ thì làm gì tìm được sự bình an. Sống chung mà không cưới không hỏi, không phép tắc đạo nghĩa thì làm sao yên tâm được.

Một gia đình nữa cũng rơi vào thảm cảnh của bi đát. Người cha sau bị cao huyết áp đã ra đi để lại mẹ goá con côi. Người mẹ goá này như muốn ra đi theo chồng cho thanh thản nhưng nào có thể được ? 3 đứa con thì hư mất 2. Đứa con gái mới 20 tuổi tròn trong tay đã bồng bế đứa con 2 tuổi mà đứa con và mẹ của nó không còn được thấy mặt cha của bé vì cha của bé đã ra đi biền biệt không ngày tái ngộ. Bi đát hơn đó là đứa con út năm nay vừa tròn 19 mà đã sa đà vào ma tuý. Cứ vài ba ngày bỏ đi chích choác xong về lấy tiền và lại đi tiếp. Tiếp xúc với gia đình ấy, bà mẹ goá ràn rụa trong nước mắt trước cảnh tan thương của gia đình.

Đứng trước những đổ nát, những bi thương của gia đình như vậy lòng tôi chẳng hiểu sao nó cứ quặn đau. Dù không phải là ruột rà thân thích nhưng nó đau làm sao đấy ! Dẫu sao họ cũng là con người, dẫu sao họ cũng là người đồng đạo với mình và hơn nữa trong vai trò của mục tử mình làm sao mà mình an lòng được ? Chẳng biết trách ai trong những thành viên của gia đình như vậy ? Trách cha ư ? trách mẹ ư ? trách con cái ư ? Có trách thì cũng đã muộn rồi. Trách nhiệm thì cha, thì mẹ, thì con cái có thể đẩy đưa, có thể chối từ được nhưng hậu quả đau thương của gia đình ta có thể vất đi đâu ?

Lý do tại sao như vậy ?

Với hậu quả bi thương như vậy, không thể nào đổ lỗi cho người cha, cũng chẳng thể nào đổ lỗi cho người mẹ hoặc người con. Mỗi thành viên trong gia đình phải chịu trách nhiệm về cái hậu quả xấu đấy. Và hình như nguyên nhân chính của sự đổ nát trong đời sống gia đình đó là vì từng thành viên trong gia đình quên đi cái nhiệm vụ cao cả đó là dâng hiến gia đình mình cho Chúa thì phải. Vì con người cứ cảm thấy như mình là chủ, là chúa của cuộc đời để rồi con người đẩy Chúa ra khỏi gia đình mình và khi đẩy Chúa ra khỏi gia đình mình thì tức khắc những hậu qủa bi thương của gia đình nó sẽ ập đến.

Phải nhìn nhận thẳng với nhau rằng những đổ nát, những bi thương ấy xảy đến cho gia đình, cho xã hội vì từng thành viên trong gia đình đã không còn tín thác, không còn biết dâng hiến gia đình mình cho Chúa nữa, không còn biết dâng hiến cuộc đời mình cho nhau nữa. Ai ai cũng khư khư lấy cái hạnh phúc riêng của mình thì làm gì mà gia đình mình có được hạnh phúc ? Hạnh phúc ấy chỉ đến khi từng thành viên trong gia đình biết tận hiến cuộc đời mình cho nhau, tận hiến cuộc đời mình cho Chúa.

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cùng mừng lễ Thánh Gia. Nghe hai chữ Thánh Gia dù có học hay học ít đi chăng nữa cũng có thể hiểu rằng hôm nay mọi người mừng lễ gia đình thánh. Gia đình thánh không phải là chỉ có cha thánh hay mẹ thánh hay con thánh nhưng tất cả từng thành viên trong gia đình đó phải là thánh. Thánh đầu tiên phải phát xuất từ người cha người mẹ rồi đến người con trong gia đình. Cha không thánh, mẹ không thánh thì làm sao đòi con làm thánh được ?

Gia đình Giuse và Maria có được một cậu ấm, điều đầu tiên theo thói tục Do Thái và thói tục ấy rất là đẹp đó là dâng con mình, dâng gia đình mình cho Chúa. Và không phải chỉ làm theo cái thủ tục như bao người làm, như bao thủ tục khác nhưng mà phải sống với cái hành động dâng hiến đấy thì mới có thể bình an, mới có được hạnh phúc thật. Thực trạng, thực tế đau lòng của sự đổ nát trong đời sống gia đình đó là cha là mẹ ngày hôm nay chỉ dâng con trong cái ngày lãnh bí tích Thanh Tẩy, còn từ ngày đó về sau thì đời sống đạo, hành động dâng hiến ấy nó mờ mờ nhạt nhạt làm sao ấy ?

Thật sự, ngày nay không phải là không còn những gia đình đạo đức, không còn những gia đình có nề nếp đạo đức nhưng con số ấy quá hiếm hoi, quá nhỏ bé. Những gia đình còn đạo lý, còn được nề nếp ấy là do họ đã sống được cái hành động dâng hiến gia đình một cách triệt để sau cái ngày dâng hiến theo thói quen của gia đình Công Giáo.

Hành động dâng hiến thiết thực nhất của từng thành viên trong gia đình hôm nay được Thánh Phaolô tông đồ mời gọi thật dễ thương. Ngài chỉ cho từng thành viên trong gia đình biết phải làm gì, biết phải sống ra làm sao để xứng đáng là con cái Chúa.

Trước hết, Ngài nhắc nhở cộng đoàn Côlôsê cũng như Ngài nhắc nhở mỗi Kitô hữu chúng ta đó là chúng ta là những người được Thiên Chúa hiến thánh, tuyển lựa và yêu thương. Và thật sự là thế, giữa muôn muôn người, ta được Thiên Chúa tuyển lựa, yêu thương tuyển chọn làm dân Thánh của Ngài, làm dân riêng của Ngài để ta được hưởng phần gia nghiệp của Ngài. Thế nhưng đáng tiếc thay là chúng ta – con nhà có đạo – đã đánh mất điều căn cốt này để rồi bao nhiêu hậu quả kéo theo do cái nền tảng bị đánh mất.

Ngài nói thẳng với từng người rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì chúng ta cũng phải tha thứ cho anh em chị đồng loại. Trên mọi đức tính anh em phải mặc lấy tâm tình bác ái với nhau trong gia đình, phải có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Đức ái chính là dây tuyệt hảo để liên kết từng thành viên trong gia đình.

Thật sự ra mà nói, có gia đình nào là không có chung, không có đụng. Ông bà ta đã nói là chung - đụng nghĩa là đã sống chung với nhau không đụng nhiều thì đụng ít và khi đụng như vậy mỗi thành viên trong gia đình phải lấy “bửu bối”, phải lấy “vũ khí” của mình ra để mà “chiến đấu” với các thành viên còn lại. “Vũ khí”, “bửu bối” mà Thánh Phaolô chỉ dẫn cho chúng ta đó chính là lòng bác ái !

Thánh Giuse, Đức Mẹ, Chúa Giêsu cũng vậy thôi. Gia đình Giuse – Maria sống bằng nghề mộc như Thánh Kinh thuật lại cho chúng ta. Thợ mộc, từ bao năm nay, chúng ta có thấy ai giàu có đâu ? May ra buôn hột xoàn, kim cương, cẩm thạch, đá quý mới có thể giàu được chứ làm mộc đủ sống cũng là khá lắm rồi. Vậy là gia đình Giuse và Maria phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc sống. Làm ở thành thị may ra còn có đồng ra đồng vào chứ còn ở cái làng quê Nagiaret nghèo như Giuse – Maria kia thì đủ sống là tạ ơn Chúa rồi. Nếu chúng ta để ý một chút thì nhiều khó khăn đến với gia đình Giuse – Maria lắm vì lẽ ngoài sự thiếu thốn về đồng tiền về vật chất thì còn chênh lệch về tuổi tác.

Thế nhưng, chúng ta thấy đó, dù đứng trước bao nhiêu nghịch cảnh, bao nhiêu khó khăn của cuộc sống thì gia đình Giuse – Maria – Giêsu ấy vẫn là gia đình thánh vì lẽ mỗi thành viên trong cái gia đình ấy đã biết khiêm nhu, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau và đứng trước những thử thách của cuộc đời thì từng thành viên trong gia đình ấy đã đưa “vũ khí” của mình ra đó là lòng bác ái. Chính lòng bác ái được đưa ra, được sử dụng nên gia đình Nagiaret nghèo đã có được sự bình an.

“Bửu bối”, “vũ khí” mà Thánh Phaolô chỉ cho mỗi người chúng ta đấy rất dễ dùng, dễ sử dụng nếu như mỗi thành viên trong gia đình biết dâng hiến đời mình cho Chúa. Nếu chúng ta thật sự yêu thương gia đình chúng ta thì hành vi dâng hiến, hành vi yêu thương, hành vi bác ái quả thật là chuyện nhẹ nhàng, dễ dàng thực hiện. Khi ta không yêu thương gia đình ta đủ thì chẳng bao giờ ta sống bác ái, hy sinh vì mỗi người trong gia đình chúng ta được.

Bí quyết để gia đình Thánh Gia có được sự bình an, hạnh phúc giữa bao nghịch cảnh đó là vì từng thành viên trong gia đình đã sống, đã nuôi dưỡng, đã vun đắp cho sự dâng hiến cho Chúa như thói quen mà gia đình dâng hiến trong trang Tin mừng theo Thánh Luca thuật lại cho chúng ta. Không phải chỉ dâng hiến 1 ngày, 2 ngày trong cuộc đời mà phải dâng hiến mọi ngày, dâng hiến luôn luôn gia đình mình cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào từng thành viên trong gia đình biết dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa như gia đình Thánh mà chúng ta mừng lễ hôm nay thì gia đình chúng ta mới có được sự bình an, sự hạnh phúc đích thực và nhất là được hưởng ơn cứu độ mà Chúa đã hứa dành cho những ai dâng hiến cuộc đời cho Ngài.

Nguyện xin gia đình Thánh ban ơn phù trợ cho mỗi người chúng ta, cho từng thành viên trong gia đình biến dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa như gia đình Thánh đã từng dâng hiến.

Nguyện xin ơn Thánh của gia đình Thánh đến và ở lại mãi với gia đình chúng ta để gia đình chúng ta luôn có sự bình an, có hạnh phúc đích thực.

Lm Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 26.12.2008. 16:50