Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Niềm vui cứu độ

§ Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Chúa Nhật III MÙA VỌNG
Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Chúa Nhật III Mùa Vọng được Giáo Hội gọi là “Domenica Gaudete,” Chúa Nhật của niềm vui; hay Chúa Nhật hồng giữa mùa tím. Quả thế, phụng vụ Lời Chúa hôm nay lặp đi lặp lại lời mời gọi: “Hãy vui lên, hãy hân hoan, hãy nhảy mừng.” Đây là sứ điệp căn bản của Tin Mừng, mời gọi mỗi Kitô hữu vui lên vì Chúa sắp đến; vui lên vì ơn cứu độ mà Chúa sắp thực hiện; vui lên vì Người là Đấng Cứu Độ chúng ta.

1- Niềm vui Chúa đến

Trong bài đọc I, ngôn sứ Xôphônia mời gọi dân Chúa: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy nức lòng phấn khởi...” (Xp 3,14). Ngôn sứ giải thích những lý do khiến dân Israel phải vui mừng, bởi vì Thiên Chúa sẽ đến ngự giữa họ; Người là Đấng quyền năng và yêu thương; Người lấy tình thương mà đổi mới họ; Người vui niềm vui của dân Người (x. Xp 3,14-18a).

Lời loan báo về niềm vui này chỉ được thực hiện một cách cụ thể và viên mãn qua biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa khi tổng lãnh thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, thiếu nữ Xion mới: “Hỡi Trinh Nữ, hãy vui lên!” (Lc 1,28). Nhờ tiếng xin vâng của Đức Maria, Thiên Chúa đến với loài người, trở thành một con người để cứu độ mọi người. Bởi thế, khi Chúa Giêsu sinh ra, thiên thần loan báo với các mục đồng: “Này đây tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Vì thế, trong bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Kitô ở thành Philiphê: “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Ước gì sự hòa nhã của anh chị em được mọi người biết đến. Chúa đang gần kề!” (Pl 4,4-5).

Tắt một lời, toàn bộ cuốn Kinh Thánh diễn tả sứ điệp niềm vui này: Thiên Chúa đến viếng thăm và cứu độ dân Người qua biến cố nhập thể làm người của Con Thiên Chúa.

2- Niềm vui cứu độ

Thế nhưng, niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến không chỉ là một tình cảm, cảm xúc chóng qua, cũng không phải là những niềm vui mà thế gian ban tặng, nhưng là niềm vui cứu độ, bền vững, đích thực cho tâm hồn con người. Thiên Chúa chính là niềm vui đích thực của con người. Niềm vui đó được biểu lộ và ban tặng qua Đức Kitô. Bởi vậy, ai gặp gỡ Chúa Kitô, người đó sẽ có niềm vui trong tâm hồn; ai được Chúa Kitô cứu độ, người đó sẽ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, đau khổ và buồn rầu; ai có niềm vui của Chúa Kitô, người đó sẽ biết sống yêu thương và chia sẻ với tha nhân. Niềm vui đó mang lại cho chúng ta bình an và sức mạnh, để có thể đứng vững trước những gian nan thử thách, hay những bất ổn và biến động xảy ra trong cuộc đời.

Chính vì thế, người Kitô hữu phải là người của niềm vui. Nếu một người Kitô hữu mà luôn sống với một khuôn mặt “đưa đám,” hay chỉ có sống tinh thần Mùa Chay mà không có tinh thần Mùa Phục Sinh, thì chưa thực sự là môn đệ Đức Kitô. Một người Kitô hữu mà sống bi quan chán nản, thất vọng buông xuôi, ấy là dấu hiệu của một Đức Tin hời hợt và xa lạ với Tin Mừng. Nên người ta thường nói: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn! Sống vui tươi là nét đặc trưng của người Kitô hữu vì sống vui là sống thánh thiện. Chúng ta cần cảm nghiệm, chia sẻ và làm chứng niềm vui đó cho mọi người.

3- Niềm vui hoán cải

Để có được niềm vui trong Chúa, điều căn bản là phải có sự hoán cải. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện hoán cải thật tuyệt vời mà Gioan Tẩy Giả đề nghị cho dân chúng thực hiện. Sau khi nghe lời kêu gọi sám hối của ông, nhiều người muốn phục thiện, sẵn sàng thay đổi nếp sống sai lạc của mình. Nhiều người đến xin Gioan những lời khuyên thiết thực: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Tùy từng người một mà Gioan khuyên bảo:

- Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy.”

- Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi.”

- Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình” (x. Lc 3,10-18).

Gioan không có ý khuyên người ta phải bỏ việc đang làm, nhưng ông dạy họ phải làm việc thật tốt, đúng với trách nhiệm họ đã lãnh nhận. Câu trả lời của Gioan cho mỗi hạng người có hành động khác nhau, nhưng tựu trung lại, tất cả đều phải hoán cải.

Cũng thế, để có niềm vui đích thực và bền vững, mỗi người chúng ta phải có sự hoán cải. Hoán cải là điều kiện để chúng ta đón nhận niềm vui ơn cứu độ. Hoán cải là thay đổi cách suy nghĩ, lối sống và hành động của chúng ta cho phù hợp với các giá trị của Tin Mừng. Việc hoán cải cũng bao gồm việc thực thi công bằng, bác ái và sống lương thiện đối với tha nhân.

Lễ Giáng Sinh là lễ tình yêu Thiên Chúa nhập thể, đang đến gần. Niềm vui Giáng Sinh của người Kitô hữu gắn liền với thái độ sống thức tỉnh và hoán cải để canh tân đời sống. Niềm vui của người Kitô hữu chính là sự kết hợp với Đức Kitô, gắn bó mật thiết với Người. Từ đó, chúng ta lan tỏa niềm vui nội tâm này trong đời sống hằng ngày bằng việc chu toàn bổn phận và sống yêu thương phục vụ mọi người.

Lạy Chúa, Chúa đến mang niềm vui và ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho mỗi người chúng con, luôn cảm nghiệm được niềm vui vì có Chúa đồng hành. Và xin Chúa cho chúng con biết lan tỏa niềm vui ấy tới những người xung quanh bằng việc sống bác ái và yêu thương mọi người chúng con gặp gỡ. Amen!

Đại Chủng Viện Vinh Thanh

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Tags: Năm C MV3

Đọc nhiều nhất Bản in 12.12.2018 13:20