Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Nhóm Mười Hai” nối dài

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Chúa Nhật XI Thường Niên A

1. Tông đồ: Người loan báo tình thương cứu độ

Ngày xưa, khi chọn lựa Mô-sê làm lãnh tụ đưa dân ít-ra-en ra khỏi kiếp nô lệ lầm than để lên đường tiến về Hứa Địa, Gia-Vê Thiên Chúa đã tuyên bố lý do rằng: “Ta đã thấy nổi khổ của Dân ta bên Ai Cập…, và Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập và đem chúng vào vùng đất tốt tươi… Bây giờ ngươi hãy đi !Ta sai ngươi đến với vua Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập” (Xh 3, 7-8).

Môsê đã vâng lệnh ra đi thi hành thánh vụ. Cho dù ông luôn cảm nhận sự yếu đuối và giới hạn của bản thân.

Hơn ngàn năm sau đó, cũng tại quê hương nầy, có một Mô-sê mới lại ngậm ngùi xúc động: “Ta thương xót đám dân nầy, vì họ bơ vơ vất vưởng như đàn chiên không mục tử…” (Mt 9,36); và Ngài đã sai các môn sinh phân phát những tấm bánh và con cá để sẻ chia tình yêu của Ngài (Mt 14, 13-16); và nhất là sau khi chết, sống lại, về trời để cụ thể hóa tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đã long trọng ban hành sứ mệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15).

Như thế, cả lý do xuất phát và tiêu đích hướng về của sứ vụ Tông đồ cũng chỉ là một nội dung duy nhất: Tình Thương cứu độ của Thiên Chúa, hay theo ngữ cảnh của Lời Chúa được công bố hôm nay thì đó chính là sự “rung động đầy lòng xót thương” của Thiên Chúa.

Và chúng ta cũng biết được rằng: ở trung tâm của sự “rung động đầy lòng xót thương” đó chính là một Giao Ước. Giao Ước Si-Nai là trọng tâm của tình thương giải thoát Ít-ra-en khỏi kiếp nô lệ Ai Cập. Giao ước nầy chính là hình bóng của Giao Ước mới bằng Máu của Đức Kitô, Giao ước Núi Sọ, Giao ước của tình thương cứu độ vĩnh viễn, là “sự cụ thể hóa tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho Dân Ngài, là sự bảo đảm tuyệt đối cho sự trung thành của Trái tim Thiên Chúa bất chấp sự bội phản vong ân của trái tim con người. Và đó chính là sự thật, một sự thật mà thánh Phaolô trong BĐ 2 hôm nay đã cố gắng thuyên giải: khi chúng ta còn là tội nhân Thiên Chúa đã trao ban Con Một hy sinh chịu chết để tái lập sự hòa giải và ban ơn cứu độ…

Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể định nghĩa thêm: “ơn gọi Tông đồ” chính là sự gặp gỡ của tình yêu. Đúng hơn, đó chính là tia nhìn yêu thương của Thiên Chúa chiếu trên thân phận khổn khổ lạc loài của tất cả loài người chúng ta. Làm Tông đồ phải chăng là đi loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là đoan chứng rằng: Thiên Chúa đã thấy nổi khổ của chúng ta, Thiên Chúa đã thấy nổi bơ vơ lạc loài của chúng ta, Thiên Chúa đã xót thương chúng ta và Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng chính tình yêu tự hiến của Ngài.

Lịch sử cứu độ phải chăng là một bản trường ca của những lời loan báo và làm chứng như thế. Kể từ Môsê đến dân Ít-ra-en, đến các ngôn sứ, rồi từ Đức Kitô đến các Tông đồ và Dân Chúa của hai ngàn năm lịch sử...không bao giờ vắng những bước chân Tông Đồ, những bước chân đi loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Đẹp thay những bước chân như thế !

2. Căn tính của “Nhóm Mười hai”.

Nhưng những ai là người xứng đáng với ơn gọi và sứ mệnh cao quý nầy ?

Những bậc công hầu khanh tướng ? Những kẻ tài ba ? Những nhà trí thức ?

Không nhất thiết. Thiên Chúa đã từng nói với tiên tri Samuel: “Con người đánh giá theo cái nhìn bên ngoài, nhưng Thiên Chúa lại nhìn thấy tận cõi lòng”. Và theo tiêu chí đó, thay vì các bào huynh to con lớn xác, chàng Đa-vít út ít, nhỏ con nhưng “có đôi mắt xanh có gương mặt đẹp” đã được xức dầu tấn phong làm vua của Ít-ra-en để ông ta lên đường đưa Dân Chúa sang một bước ngoặc mới của chuơng trình cứu rỗi.

Cũng y chang cung cách đó, Đức Kitô đã tuyển lựa các dân chài xứ Ga-li-lê để kế tục sự nghiệp Ngài trên trần gian và làm cho công trình tình yêu bằng cái chết và sự sống lại của Ngài được tồn tại và phát triển trên mọi miền thế giới. Thiên Chúa chọn gọi và huấn luyện theo cung cách của riêng Ngài, miễn sao khi đã trở thành Tông Đồ, những người ấy trung thành với thân phận “được sai đi” và với sứ mệnh “loan báo Tin Mừng”. Người ta minh họa ý nghĩa trên bằng câu chuyện ngụ ngôn sau:

Sau những đêm dài cầu nguyện, Chúa Giêsu rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào để thiết lập nhóm Tông Đồ. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài cũng không chọn được ai.

Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.

Chán nản vì mất giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường thả bộ ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy một đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim yêu thương. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài…

Tông đồ, trước hết, phải là người có trái tim yêu thương.

Đó là trái tim biết cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thương tôi và đang gọi mời tôi cùng lên đường cho dù tôi chỉ là kẻ tội lỗi, bất xứng.

Đó là trái tim biết khiêm hạ đáp trả và ngoan ngùy vâng phục tiếng gọi mời của Thiên Chúa.

Chúng ta đừng quên khi đọc lại lịch sử thánh: nếu cả một đoàn dân ô hợp, ngựa chứng, hay bất trung bội phản như dân Ít-ra-en mà Thiên Chúa vẫn bao dung chịu đựng, tận tình chăm sóc dìu đưa…thì Hội Thánh hôm nay nào có khác gì: Một tập hợp lộn xộn hổ lốn, không bỏ sót một thành phần nào: lương thiện hay bất hảo, tốt lành thánh thiện hay ác độc dã man….tất cả đều có chỗ của mình để được chăm sóc và yêu thương, khoan dung và tha thứ. Bởi vì “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kẻ tội lỗi”.

Tuy nhiên, cộng đoàn Tông Đồ hay như ngôn ngữ của Tin Mừng, “Nhóm Mười Hai” cũng đồng nghĩa với nhóm của hiệp nhất, yêu thương, cảm thông và phục vụ. Cho dù tai tiếng, gian ác, bán nước chạy theo ngoại bang như Mathêô thu thuế hay, cuồng nhiệt đối kháng cách mạng như Si-mon nhiệt thành, yếu đuối, bốc đồng, bất nhất chối Thầy như Phêrô, hay cứng lòng, duy lý như Tôma...tất cả khi “trở thành Nhóm Mười Hai” thì cái tôi kiêu căng hợm hĩnh, ích kỷ, ghét ghen... phải nhường chỗ cho khó nghèo, khiêm hạ, yêu thương và hiệp nhất. Phải chăng đó chính là căn tính của người Tông đồ, của ơn gọi Tông đồ muôn nơi và muôn thuở, mà nếu không giữ được, hay quay lưng chối từ căn tính đó, cũng đồng nghĩa với sự phản bội, đào ngũ mà hình tượng Giuđa ít-ca-ri-ốt được nhắc tới trong Tin Mừng hôm nay luôn là một điển hình đậm nét.

Với dòng nước của bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều được gọi mời gia nhập “Nhóm Mười hai”. Như thế, chúng ta hãy xem lại căn cước Kitô hữu của chính mình có còn giữ được chút nào cái chất “Nhóm Mười Hai”, hay đã biến chất và trở thành nhóm của Giuđa Ít-ca-ri-ốt!

3. Còn cần thiết không những bước chân Tông đồ ?

Ngày xưa, “Chúa Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trước các thần ô uế, để các ông trừ khử chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1)

Vào thời đó, người ta quan niệm người bị tật nguyền là người tội lỗi vì đã làm điều ô uế. Nhưng theo Chúa Giêsu, những người đó được sinh ra để làm sáng danh Chúa, và chính Ngài đã từng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền thể xác: mù thấy, què đi, câm nói, điếc nghe, phung cùi lành sạch, loạn huyết, quỷ nhập trở lại an lành...Và nhiều người khác được chữa khỏi những căn bệnh tâm hồn. Mai-đệ-liên cô gái làng chơi trở nên thiếu nữ tốt lành, Gia-Kê quan thuế tham lam, gian ác, trở nên công chính, quảng đại...

Ngày nay, thế giới vẫn là mảnh đất của sự tranh chấp giữa bóng tối và ánh sáng, giữa những thế lực của ma quỷ, tội ác và của vương quốc yêu thương, công bình thánh thiện. Chính trong bối cảnh phức tạp đó, sự ô uế đang hiện diện gần như ở khắp hang cùng ngỏ hẻm của cuộc sống: dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đoạ, giết người, ngoại tình, ly dị, phá thai…. Cánh cửa của sự ô uế vẫn luôn mở và tồn tại song song với cánh cửa Nước Trời.

Tuy nhiên, cũng như ngày xưa, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông Đồ ra đi công bố Tin Mừng với hành trang là những đặc ân: trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật. Thì hôm nay, đặc ân ấy cũng được trao ban cho mọi tín hữu khi mỗi người nhờ hồng ân của các Nhiệm tích, lãnh nhận nhiệm vụ trừ khử ô uế nơi chính mình và giúp anh em thoát khỏi mọi điều ô uế mà theo ngôn từ của Đức Cố Giáo Hoàng G.P. II đó chính là công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống để xua tan nền văn minh sự chết.

Thế giới vẫn còn may mắn vì hằng ngày, trong cái chợ đời xô bồ, huyên náo vẫn không thiếu những vị Tông đồ rao giảng tình thương cứu độ của Thiên Chúa bằng chính những hành vi, những cách ứng xử thấm đẩm tình yêu thương như câu chuyện cảm động sau đây:

Lúc ấy, vào khoảng giữa khuya, cô đang lơ mơ ngủ chợt cảm thấy hình như có người lẻn vào nhà. Chắc chắn không phải chồng cô rồi, vì tối nay anh trực đêm mà. Vậy thì ai nhỉ? Cô điếng người lo sợ. Kẻ ấy chắc nghĩ chủ nhà đã ngủ say nên đi đứng có phần bất cẩn, không biết cô đang bị chứng mất ngủ hành hạ cả tuần nay rồi, chỉ cần một tiến động nhẹ là tỉnh ngay.

Nín thở theo dõi, cô thấy bóng người tay cầm dao đang lục tung mọi thứ. Trong khoảnh khắc đó, cô mở to mắt nhìn trừng trừng, lòng bình tĩnh lạ thường. Trong tình thế này, tuyệt đối không được la lên, nếu không, mạng sống của cô và con trai ở phòng bên sẽ gặp nguy hiểm. Cô lặng lẽ quan sát trong bóng tối, thấy tên trộm kia thò tay lấy hộp trang sức, bên trong có đôi lắc là của hồi môn bà ngoại để lại cho mẹ, đến khi cô lấy chồng thì mẹ chuyển giao cho cô. Đó là đôi lắc gia bảo, có gắn đá quí rất đắc tiền. Nhưng cô vẫn nằm nín lặng, chờ đến khi tên trộm bỏ đi.

Tên trộm đi rồi, cô lập tức chạy vội vào phòng con trai, nhìn thấy con đang ngủ yên lành, cô rưng rưng nước mắt, biết rằng trên đời này đối với cô không có gì quí giá hơn con trai cưng cả. Vàng bạc châu báu có nghĩa lý gì so với tính mạng con mình.

Song, chuyện bất ngờ đã xảy ra.

Tên trộm kia bị dân phòng tóm cổ lúc đang trèo tường định tẩu thoát. Hai anh dân phòng trói gô hắn lại, dẫn độ vào nhà cô.

Dưới ánh đèn, lúc này cô mới nhìn rõ tên trộm, một gương mặt còn non choẹt, chừng 15-16 tuổi là cùng. Đôi mắt đứa trẻ phản ánh tâm trạng lo sợ thất thần.

Một anh dân phòng chìa tang vật ra hỏi khổ chủ: “Đây có phải là đôi lắc của chị không?”

Cô đáp nhẹ: “Vâng”

“Tên trộm này đã lấy cắp nó trong nhà chị rồi trèo tường định trốn đấy.” Anh hăng hái tường thuật.

Cô biết chứ. Chính cô đã chứng kiến từ đầu tới cuối quá trình phạm tội của nó mà. Cô quay qua nhìn tên trộm và bỗng sững sờ, ánh mắt đứa trẻ như đang khẩn cầu, van xin một cách tuyệt vọng.

Trong phút chốc, tự nhiên cô thấy mềm lòng, không nỡ tố cáo thằng bé. Một ý nghĩ lướt qua cô bất ngờ quyết định: “Các anh thả nó đi đi, nó không lấy trộm đâu, đôi lắc này lá tự tôi đưa nó đấy.”

Hai anh dân phòng há hốc mồm, đứa trẻ tội đồ cũng tròn mắt lên, ngạc nhiên không kém.

“Là tôi đưa nó đấy!” Cô nhắc lại.

Lúc này thì đứa trẻ kia mắt đã đẫm lệ.

Hai anh dân phòng vừa đi khỏi, cậu bé liền quì xuống, vừa khóc vừa nói: “Cô ơi, sao cô lại cứu cháu?”

Cô ân cần đỡ nó dậy, khẽ nói: “Bởi vì tuổi thanh xuân của cháu còn quí giá hơn nhiều so với hai chiếc lắc kia. Cô muốn dùng đôi lắc để cứu rỗi linh hồn lạc hướng của cháu.”

Cô cười hiền từ, đoạn nói tiếp: “Cháu chỉ bằng tuổi con trai cô thôi, cháu ạ. Lúc nãy tay cháu đang cầm dao, cô sợ nguy hiểm đến con trai nên đã không la lên đấy chứ!”

Cuối cùng, cô nói nho nhỏ, như lời an ủi: “Lần này cô giúp cháu, để không còn lần sau nào như thế nữa cháu nhé!”

Đứa trẻ kia nước mắt ròng ròng, vô cùng hối lỗi và biết ơn người phụ nữ có tấm lòng vàng.

Thưa ông bà anh chị em,

Khoan dung tha thứ để mở lối cho một con người hoán cải, trở về nẻo chính đường ngay, cho dù phải thiệt thòi, mất mát về mình, đó phải chăng là hành vi Tông Đồ, là việc thực hành sứ mệnh loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, mà nhân loại hôm nay đang rất cần để xã hội tốt hơn, để con người sống ngay lành đạo đức hơn.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.06.2008. 17:18