Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nho Cao Là Nho Chua!

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật XXXI TN (Năm B): Mt 5, 1-12a

Ai cũng biết chuyện con cáo và dàn nho trong ngụ ngôn của Jean de La Fontaine: cáo thèm những chùm nho mọng nước, nhưng vói không tới do dàn quá cao. Cáo bỏ đi và chê là vì nho chua! Càng đi sâu vào khủng hoảng kinh tế thế giới, người ta càng nhớ đến Karl Marx và tư bản luận của ông, nhưng từ chỗ thán phục cái nhìn về kinh tế của Marx, để rồi rập khuôn kết luận của ông, rằng “tôn giáo là thuốc phiện” ru ngủ dân chúng, lại là một sai lầm to lớn, nhất là khi di sản tinh thần của Marx bị các chế độ cộng sản thế kỷ 20 lạm dụng sai lạc và làm hư hỏng. Giáo sư Georg Sans,đại học giáo hoàng Grêgôriô diễn tả điều nầy một cách thú vị :”Không phóng đại chút nào khi nói rằng không có gì làm hại những vấn đề Marx quan tâm cho bằng chủ nghĩa Marx”. Cái nhìn theo chủ nghĩa duy vật về lịch sử của Marx đã hạ thấp con người một cách sai lầm, biến con người thành một sản phẩm của những hoàn cảnh vật chất, kinh tế và thể lý. Nghĩa là hoàn toàn duy vật. Cũng có nghĩa là rơi vào vòng luẩn quẫn “nho cao là nho chua”, ”nho chua vì nho cao”.

Không ít người vô thần cũng có suy nghĩ về Kitô giáo như thế: thay cho mỗi sự yếu kém, nhu nhược, bất lực, Kitô giáo đưa vào đó một “phúc thật” để ngụy trang và “che” mắt thiên hạ. Ví dụ khi cứ gian nan lận đận mãi kiếp nghèo, Kitô giáo tôn vinh nghèo đói đứng hàng đầu Bát Phúc. Nắm được ngươi nghèo, tức là nắm được phần đa số nhân loại, làm cho họ thấy nghèo đói không phải đáng xấu hổ, đáng buồn như họ nghĩ. Chủ nghĩa cộng sản đã làm ngược lại : dùng lớp bần cố để đấu tranh vũ trang chống cái mà họ gọi là những thế lực, đế quốc tư bản chủ nghĩa, cho dù thực tế lịch sử cho thấy họ đạp đổ tư bản để dựng nên độc tài không kém chút nào những gì họ đã xô đổ. Thật kỳ quái : rút cuộc họ lại đi theo nó và còn say mê tư bản hơn ai hết, sẵn sàng hy sinh người nghèo và lý tưởng đấu tranh giai cấp, để qụy lụy, tôn thờ những gì họ cho là xấu xa,phản động : quyền lợi ít oi của người nghèo được mau mắn đem phục vụ thú vui, tiêu khiển (kể cả sa đoạ trác táng) của những tay trọc phú, tư bản. Lại là những chùm nho chua! Chùm nào là “chùm nho uất hận”?

Khi không làm gì nỗi người khác, không đôi co hoặc không đấu lại đối thủ, phải nhún mình như con chi chi, thì gọi đó là “hiền lành” ư? Đó là nhu nhược, là yếu kém. Từ khi Kitô giáo xuất hiện cho đến nay, từ thủ lĩnh là Chúa Giêsu Kitô cho đến các môn đệ và những kẻ tin theo, không chỉ một thời gian, mà cho đến tận thế, đều chung một số phận : bị ghét bỏ, tấn công, bắt bớ, tù đày, sát hại, xử tử. Tóm lại, ai cũng có “quyền” tấn công Kitô giáo, bắt bớ Kitô hữu và như lời Kinh Thánh : họ “như chiên bị đem đi làm thịt, dầu bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca” (Is 53,7). Ngày nay ở nhiều nơi, nhiều quốc gia, Kitô hữu chẳng khác nào cá nằm trên thớt, ai cũng có thể bắt nạt, bắt bớ, chém giết vô tội vạ, từ giám mục, linh mục cho tới giáo dân. Như thể đức tin Kitô giáo là một điều sai quấy xấu xa, phạm thuần phong mỹ tục và nhân phẩm vậy. Thời các vua chúa bắt đạo ở Việt-Nam thường thích hai chữ “tà đạo” lên trán, lên má người Công giáo). Đối thoại liên tôn để hảm bớt đà say máu của người Hồi, người Ấn giáo, xem ra là phương sách tốt nhất cho các Kitô hữu. Nho không với tới được phải chăng đều là nho chua?

Đau khổ, khóc lóc, u sầu, lo lắng là những gì ai cũng rán tránh càng xa càng tốt, càng nhiều càng hay, nhưng khi không tránh nỗi, thì Kitô giáo coi nó là “đệ tam phúc”. Có khóc lóc, thì mới được dỗ dành an ủi. Trong truyền thống “con nhà võ”, ví dụ Samurai Nhật, đàn ông không được khóc, vì khóc là hèn. Người ta còn dạy các bé trai không được để rơi nước mắt khi bị kẻ khác đánh đập, nhưng phải nuôi chí phục thù. Nho vói không tới, nên mới coi là nho chua sao?

Luận về cái Dũng của thánh nhân, Khổng Tử nói : Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân...". Cái Dũng của Thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của Điềm đạm, nghĩa làkhông để cho ngoại vật động đến tâm của mình. Người điềm đạm tức là người đã làm chủ được Tình dục và ý chí của mình. Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.

Trong bộ phim dài tập đang chiếu trên truyền hình trung ương, ”Phía đông vườn địa đàng”, người bố thợ mỏ bị người ta trù dập và âm mưu sát hại, đã nói với đứa con nhỏ : “người dũng cảm là người biết tha thứ cho kẻ thù”. Lee Dong Chul - đứa con trai,nhân vật chính, lớn lên trong hận thù và cũng thành đạt nhờ nuôi chí báo thù nhà - là một ví dụ điển hình cho lòng vị tha, sẵn sàng hy sinh tất cả vì những người anh yêu thương, cũng như tha thứ cho bất cứ ai muốn làm lại cuộc đời. Có lẽ đỉnh cao đau đớn mà Dong Chul chịu, không phải là khi cha chết, mẹ bị đánh đập tàn nhẫn, mà chính là đứng giữa sự lựa chọn Dong Wook hay Myung Hoon. Với kẻ thù không đội trời chung là Shin The Hoan, tưởng chừng như nếu có dịp anh sẽ trả thù ngay, vậy mà rất nhiều lần Dong Chul đã lưỡng lự bởi anh không muốn dồn bất cứ ai vào con đường chết. Một hình ảnh gợi nhớ đến các Kitô hữu : tha thứ cho kẻ hành hạ và giết chết mình hoặc những người thân nhất của mình. Tình yêu cải hoá.hận thù, trong khi “oan oan tương báo, di hận miên miên : vòng luẩn quẫn hận thù,báo oán không bao giờ vơi, trừ phi giải quyết bằng bao dung, trắc ẩn và tha thứ. Tha thứ không phải là hèn hạ bạc nhược, mà phải hết sức mạnh mẽ, thoát tục, dũng cảm, điềm đạm, thánh thiện, mới có được tâm tình tha thứ và phải hết sức ý chí mới có thể tha thứ thật sự. Không thể sống Bát Phúc,nếu không biết bao dung rộng mở, sống vì Chúa và vì tha nhân. Phải nghèo thật sự mới có thể chấp nhận và thực thi các mối phúc thật.

Bây giờ phải nói lại : chính những người vô thần,những kẻ tâm địa xấu xa muốn che dấu những dã tâm,những suy nghĩ và hành vi ám muội, đê hèn, ích kỷ, tham lam, dâm ô, trước tâm hồn và cuộc sống trong sáng, vị tha, hiền hoà, bao dung, hy sinh của con cái Chúa, nên mới chỉ trích, dèm pha, liên kết nhau để chống đối và làm hại con cái Chúa. Chính họ mới nhìn Bát Phúc với ánh mắt vừa thèm thuồng, vừa ghen ghét. Và vì không thể nào từ bỏ dù chỉ một chút hận thù, kiêu căng, ích kỷ, họ coi Hiến Chương Nước Trời như cái gai cần nhổ bỏ, như nho chua! Khi Chúa là Cây Nho và chúng ta là ngành kết hợp cùng Cây, thì trái nho sản sinh ra phải là ngọt! Đâu phải sự hèn hạ trơ tráo của họ nói “chua” là “chua” được!

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 21

Bệnh tật và đau khổ thường khiến ta đặt lại vấn đề tương quan với Chúa và với tha nhân. Một người chịu đau khổ có thể có ý nghĩ bị mọi người bỏ rơi, Chúa cũng như người thân. Nhưng nếu vượt qua được đau khổ, người đó sẽ tự động liên kết những người thân vào hạnh phúc của mình. Thánh Vịnh 21,một trong những Thánh vịnh quen thuộc nhất của truyền thống Kitô giáo, gợi lên tình huống tương tự. Người soạn Thánh vịnh tự giới thiệu mình như thể đương đầu với một sự dữ kéo theo cái chết. Ông cảm thấy trái tim tan chảy, xuơng cốt rời ra và có cảm tưởng chỉ còn là một tia nước trôi đi. Cùng lúc, người đó thấy nói khó, vì miệng lưỡi khô khan. Ông đã nhìn thấy mình bị biến thành bụi đất, xuôi chân xuôi tay như một người chết. Dù vậy, ông không lôi kéo được lòng thương hại hoặc lòng trắc ẩn. Ngược lại, những ai nhìn ông, sẽ thấy ông cũng ghê tởm chẳng khác nào sâu bọ và chế nhạo ông thay vì nâng đỡ ông. Với người soạn Thánh Vịnh,Thiên Chúa ở phía sau thử thách của ông :” Chúa dẫn con đến bụi đất sự chết’ (c 16). Nhưng ông thực sự không biết giải thích làm sao sự đau khổ của mình. Ông không liên kết chút nào với những lỗi mà ông có thể đã phạm và Thiên Chúa muốn xử phạt. Ông cũng không nói gì về sự mỏng dòn của thân phận con người hoặc về một thử thách mà có thể Chúa sẽ gửi cho ông. Một giải thích duy nhất có thể hợp lý : Thiên Chúa đã bỏ rơi ông. Người chối từ ông các ân huệ của Người. Chúa không còn đoái hoài gì đến Ông nữa,không có bất cứ lý do gì. Trong nỗi bất hạnh, Ông kêu lên, ngày đêm ‘gầm thét’ hướng về Chúa. Ông hướng về Chúa là Đấng đã ban cho ông sự sống và ông luôn trung thành với Người từ hồi còn niên thiếu (c 11). Ông tự nhắc nhủ và ông cũng đồng thời nhắc với Chúa các tổ tiên của ông đã có lý thế nào khi tin cậy nơi Chúa. Ông biết rằng Chúa là sức mạnh duy nhất của ông; sự may mắn được cứu độ duy nhất là Đức Chúa nghe lời ông và không lìa xa ông nữa.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.11.2009. 23:29