Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhiều Người Chưa Thấy Ơn Cứu Độ Của Chúa

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Suy Niệm Lời Chúa CN 2 Vọng C 2009

Theo Thánh sử Luca, ông Gioan, con của Ông Giacaria được chọn trong hoang địa để loan báo Chúa sắp đến. Ông hô lớn:

“Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa”.

Có lẽ nào ông Gioan nói sai? Bởi, Chúa Giáng Sinh đã hơn hai ngàn năm rồi, mà vẫn còn nhiều người chưa “thấy ơn cứu độ của Chúa”. Cụ thể, ở Việt Nam, sắp đến 400 năm Tin Mừng đến Nước Mặn (Đàng Trong), 350 năm thành lập 2 giáo phận tông tòa, 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, hơn 130.000 vị tử đạo…. mà chỉ có hơn chục triệu người được rửa tội, trong số 80 triệu chưa được rửa tội. Và đó là con số được rửa tội. Còn con số được “thấy ơn cứu độ của Chúa” thì không ai có thể làm một bản thống kê!

Ông Gioan nói sai rồi sao?

Ông nói là “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa” mà!

Thiết tưởng, không nên cắt xén Lời Chúa để rồi thách thức Thiên Chúa, hoặc tự hào cách vô lối rằng “chỉ cần được rửa tội là được nhìn thấy ơn cứu độ”, nhưng hãy bình tĩnh xem lại cho rõ, cho đầy đủ lời Ông Gioan nói: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Thánh Luca không dùng điều kiện cách : “nếu… thì”, nhưng dùng cách câu đề nghị, khuyên bảo: “hãy… sẽ…”, cho thấy mức độ tôn trọng đối với người đón nhận ơn cứu độ. Như vậy, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người, để tự do ấy thực sự có giá trị khi con người biết dùng tự do mà chọn lựa cho mình phần tốt nhất. Phần tốt nhất phải ngộ cho ra, đó là ơn cứu độ.

Vì không cần đến ơn cứu độ

Nhiều người chưa thấy ơn cứu độ, cách riêng ở Việt Nam, trước tiên là do bị satan đầu độc tâm trí con người không cần đến ơn cứu độ, hoặc sử dụng tự do lệch lạc theo cách “tin hay không tin”. Như thế là tự do! Tự do theo vô thần thuyết. Suy nghĩ ấy đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết đời đời, chấp nhận một cuộc sống không có niềm hy vọng! Cũng đồng nghĩa với việc chỉ sống cho đời nầy, vì chỉ có đời nầy, nên có thể làm bất cứ điều gì miễn là có được một cuộc sống đời nầy trọn vẹn! Không cần đến ơn cứu độ cũng được hiểu là xác nhận không có một hữu thể nào siêu phàm thượng trí bằng con khỉ đột, ông tổ của loài người! Những con người nầy đang sống trong thế giới ảo, hạnh phúc ảo, sự sống ảo. Và khi hạnh phúc thật, sự sống thật, chắc chắn sẽ xuất hiện cách cá vị qua cái chết, họ vẫn ngoan cố không nhìn ra sự thật, liều mình chết đời đời!

Đây vẫn là chuyện thường gặp trong đời sống các tín hữu Việt Nam. Chung quanh chúng ta, không thiếu những lời thách thức để từ chối Thiên Chúa: “Chúa đến đem hòa bình, sao vẫn còn chiến tranh?! Chúa đến xóa bất công, sao bất công vẫn còn nhan nhãn! Chúa đến đem sự thật, sao giả dối vẫn lan tràn!? Chúa đến đem tình yêu, sao vẫn còn tỵ hiềm, ghét ghen thù hận!?” Ngay cả miền đất Chúa sinh ra kìa, có khi nào được yên ổn đâu?

Vì chưa làm chứng đủ cho ơn cứu độ

Thứ đến, chưa thấy ơn cứu độ là do không có người làm chứng, hoặc chứng tá “đời sống trong ơn cứu độ” chưa thực sự thuyết phục. Chứng từ hùng hồn của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trổ sinh muôn ngàn bông hạt đức tin trên quê hương Việt nam. Rõ ràng là cho đến nay, chúng ta vẫn đang là người thừa hưởng gia sản của các Thánh Tử Đạo Việt nam để lại. Các thánh tử đạo, có thể nói, là những người đã “nhìn thấy ơn cứu độ” ngay khi còn sống trên trần gian nầy, nên các Ngài đã dám “lấy chính giọt máu của mình mà gieo trồng Hội Thánh Chúa”. Còn chúng ta, có dám hy sinh không? Con số những người mới theo đạo, mới được rửa tội tại Việt Nam những năm sau 1975 chưa hẳn đã nói lên điều gì, mà nếu có nói được điều gì, thì điều ấy vẫn chưa gọi được là xứng đáng với các bậc tiền nhân anh dũng. Một cơ hội để chúng ta tự vấn về việc chúng ta đang để lại cái gì cho thế hệ hậu duệ?

Sự băng hoại trầm trọng của xã hội không Thiên Chúa có ảnh hưởng đến con cái Chúa không? Những lời thách thức từ chối Thiên Chúa càng có lý do để tiếp tục nhũng nhiễu các tín hữu hơn khi họ không nhìn thấy chứng tá đời sống ơn cứu độ nơi mọi thành phần dân Chúa. Bất kể thành phần nào, khi vướng vào một chút bất chính, cũng đủ trở thành nguy cơ che khuất ánh sáng, hồng ân của ơn cứu độ.

Đã thế, lại còn, cảnh “nồi da xáo thịt” trong các thành phần giáo hội chỉ làm cho “ngư ông đắc lợi” mà thôi, chẳng sinh ích gì cho công cuộc “mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ”. Có khi “ngư ông” lại viết sẳn kịch bản cho chúng ta “nồi da xáo thịt” để ông được đắc lợi vui mừng, vỗ tay hoan hỉ mà chúng ta không hay biết!

Năm thánh của Hồng ân Cứu Độ

Chúa nhật thứ hai mùa vọng trong thời điểm Giáo Hội Việt Nam bước vào Năm Thánh 2010, cùng với lời mời gọi: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, thật sự là một cơ hội vàng cho Dân Chúa Việt Nam.

Lời ông Gioan Tiền-Hô vẫn còn đó! Để được nhìn thấy ơn cứu độ, và để mọi người nhìn thấy ơn cứu độ, phải sám hối, phải đổi mới canh tân. Lấp mọi hố sâu ích kỷ, tham lam, dục vọng; bạt mọi núi đồi chủ quan, kiêu ngạo, trịch thượng, quyền hành; sống công chính, ngay thẳng giữa những bất chính, gian dối, lọc lừa…. Canh tân không chỉ trong sâu thẳm tâm hồn mà còn phải biểu lộ để trở thành chứng tá. Vì sự biểu lộ ấy có sức tác động rõ nét, khơi lên Mầu nhiệm – Hiệp Thông- và Sứ Vụ.

Nếu từ ngày khai mạc Năm Thánh Hóa các Linh Mục, đã có nhiều Linh Mục biểu lộ sự canh tân mới mẻ, làm thay đổi nếp nghĩ của giáo dân, làm sức thôi thúc họ trở về với Giáo Hội, đến với Chúa; thì từ ngày khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam đã mở ra niềm hy vọng lớn lao cho dân Chúa về một công cuộc canh tân có tích cách toàn diện cho mọi thành phần dân Chúa. Hình ảnh của một Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, nhân chứng kiên vững cho công lý của Chúa, như một tiếng nói hùng hồn cho niềm hy vọng dân Chúa thái bình, nước Chúa thịnh trị. Tiếng nói của các vị chủ chăn trong ngày Khai mạc Năm Thánh không phải là dư âm, nhưng luôn là một lời hiệu triệu cấp bách cho toàn dân Chúa đi vào Mùa Vọng Mới, mùa “công chính” để “thấy ơn cứu độ”.

Lời Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Tổng Giám Mục Sài Gòn trong buổi Khai Mạc Năm Thánh, vẫn còn đó: “Sống sao cho mọi người nhận biết Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương”.

Cha ông ta nói “Thương nhau chín bỏ làm mười”, “thương nhau quả ấu cũng tròn ….”. Như vậy là mù quáng sao? Thiết tưởng đó là một nét đẹp của văn hóa Việt thấm nhuần Đức Ái Kitô Giáo ngay từ những ngày Tin Mừng mới đến, ngay từ lúc có Tiếng Việt! Chỉ sợ là vì ích kỷ mà không muốn thương nhau. Còn đã có lòng thương nhau thì ắt biết phải làm gì. “Yêu đi rồi hãy làm”.

Lời của Đức Cha Nguyễn Chí Linh trong phần Sám Hối vẫn còn đó : “Chiều hôm nay, khơi lại ngọn lửa đức tin như hồng ân quý giá nhất mà Chúa đã ban, đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ tiền nhân đã để lại gương sống tuyệt vời, chúng ta tri ân cảm tạ và nguyện hết lòng trung kiên làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam.

Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận, rằng với tư cách là Kitô hữu đang mang trong mình dòng máu Adam-Evà, chúng ta đã phạm tội, đã vấp phải nhiều lỗi lầm thiếu sót. Chúa Kitô là “Ánh sáng đã đến thế gian” nhưng chúng ta “đã ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3, 18).

Hãy xin lỗi Chúa. Hãy xin lỗi nhau. Và hãy xin lỗi mọi người lương dân vì lỗi chưa thực sự làm chứng cho ơn cứu độ. Việc xin lỗi ấy đồng nghĩa với quyết tâm theo lời mời gọi của Ông Gioan trong Tin Mừng hôm nay, và cụ thể là -Khâu lại tấm áo hiệp nhất - Làm đẹp dung nhan Thánh Thiện của Chúa Kitô - Nhiệt tình truyền giáo - Tin tưởng truyền thống Giáo Hội; sống yêu thương nhau, và hòa mình với những nỗi đau của những người đau khổ bất hạnh – bạn hữu chí thiết của Chúa Kitô.

Vẫn còn đó, lời gọi lửa thiêng, Đoàn Nghi Thức Thắp Ngọn Đuốc Đức Tin Năm Thánh 2010 của GP. Hải Phòng đã múa hát:

“Nhìn về tương lai, ai nào biết ra sao ngày mai,

Nhưng nhìn đời hôm nay nghe thổn thức trong tim dâng đầy

Tuổi trẻ của chúng con phải làm gì cho chính chúng con

Tuổi trẻ của chúng con phải làm gì cho thế giới này

Ánh sáng Chúa hãy chiếu dọi chúng con

Ánh sáng Chúa hãy chiếu dọi thế trần

Đi trên đường công chính về với suối ơn trường sinh

Thôi những ngày điêu linh vui sống trong ơn an bình”

(http://www.giaophanvinh.net/modules.php?name=Nvmusic&op=playsong&id=83. Nhìn về tương lai. Pm. CHH)

Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng ở Việt Nam đang tràn đầy niềm hy vọng, như Tiên Tri Baruc đã nói:

“Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Baruc 5,9);

và như lòng Thánh Phaolô mong ước:

“Tôi cầu xin cho anh em được nên tinh tuyền, không gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô lại đến. Như thế, anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.” (Philipphê 1, 10-11)

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng nầy, trong năm thánh nầy, nguyện xin Ánh Sáng Lời Chúa, Ánh Sáng Tình Yêu của Chúa chiếu dọi chúng con, chiếu dọi thế trần, để mọi người đi trên đường công chính, về với suối ơn trường sinh, về với Hồng Ân Cứu Độ.

A men.

Pm. Cao Huy Hoàng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.12.2009. 19:21