Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhận Ra Thiên Chúa Ba Ngôi Bằng Cảm Nhận Tình Yêu Ngài

§ Trần Mỹ Duyệt

Nguồn: Tâm Linh Vào Đời #20

Mỗi lần suy về Chúa Ba Ngôi, Kitô hữu chúng ta đều có cùng một cám dỗ là muốn hiểu và muốn biết Thiên Chúa như thế nào? Và tại sao một Thiên Chúa mà lại có ba ngôi.

Cơn cám dỗ trên không những đã trở thành một cám dỗ đầy thu hút, đầy tò mò đối với những trí khôn bình thường, nhưng nó đã trở thành một thách đố đối với những trí khôn thông minh và thánh đức như của Augustine chẳng hạn. Rất tiếc không ai trong nhân loại có thể dùng cái lỗ cáy trí tuệ của mình để chứa đựng biển cả càn khôn của Thiên Chúa được.

Thật khó để trí khôn con người có thể tri thức được Thiên Chúa. Càng không thể được khi con người muốn mổ xẻ, phân tích Thiên Chúa Ba Ngôi trong bản thể và thiên tính của Ngài; trong đó với ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi là một Thiên Chúa. Augustine đã sa vào cái chước cám dỗ này, và vì thành tâm kiếm tìm chân lý, ông đã được tha thứ. Có lẽ rút được kinh nghiệm ấy, nên Tôma A’quinas đã tỏ ra dè dặt và khiêm tốn hơn khi viết về Thánh Thể: “Ta hãy lấy Đức Tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Vì chỉ có Đức Tin mới làm cho chúng ta tin rằng tấm bánh đã được truyền phép kia là Thánh Thể Chúa Giêsu. Và cũng chỉ có Đức Tin mới làm cho chúng ta tránh khỏi những thắc mắc về Thiên Chúa Ba Ngôi là điều tự nhiên con người muốn biết, nhưng ngược lại, không thể nào biết được.

Trong cái nhìn tự nhiên, điều làm cho con người dễ bị cám dỗ để phân tích về Chúa Ba Ngôi là những hình ảnh mà ta thường thấy “vẽ” về Thiên Chúa. Những hình ảnh mà trong đó Chúa Cha được trình bày bằng hình một ông già râu tóc bạc phơ. Chúa Con với hình ảnh một thanh niên, đẹp trai, có mái tóc ngang vai, và bộ râu đầy tính nam giới. Và Chúa Thánh Thần qua hình ảnh một con bồ câu trắng với những luồng sáng tỏa quanh.

Hơn nữa, những điều mà phần đông Kitô hữu đã học thuộc lòng nhưng ít khi thấu triệt, đó là Chúa Cha “sinh ra” Chúa Con. Chúa Con “sai” Chúa Thánh Thần xuống nhân danh Ngài sau khi Ngài đã về trời. Giữa “cha” và “con”. Và Chúa Thánh Thần là “tình yêu” của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Giữa kẻ “sai” và người “bị sai” đã tạo nên một hình ảnh hết sức mơ hồ, lẫn lộn và khó hiểu. Hình ảnh ông già, chàng thanh niên, và chim bồ câu lại tạo nên một sự so sánh, mà tự nhiên khiến ta không dễ chấp nhận đó là Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Làm thế nào Chúa Cha lại “sinh ra” Chúa Con mà không có mẹ. Và làm thế nào Chúa Thánh Thần lại được coi là tình yêu của giữa Cha và Con. Làm sao Thánh Thần lại bị “sai” xuống với các Tông Đồ và các tín hữu do Chúa Con.

Chúa Cha có phải là ông bố, và Chúa Con có phải là anh con trai. Và Chúa Thánh Thần có phải là một gạc nối giữa hai bố con ấy không? Và đó có phải là hình ảnh thật của Thiên Chúa Ba Ngôi không? Chắc chắn Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là thế, nhưng là sao thì chúng ta cũng không thể biết được, và còn lại duy nhất đức tin và những cảm nhận bằng tình yêu được thể hiện mà con người có thể nhận ra được bằng tấm lòng thành kính và khiêm tốn.

Thật vậy, điều Augustine không làm đưọc, và đầu óc ông không thấu triệt được, thì Thánh sử Gioan đã hé mở khi viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8). Qua định nghĩa này, con người có thể và có khả năng cảm nhận được sự hiện hữu cũng như hiểu được phần nào Thiên Chúa như thế nào. Vì có ai mà không yêu và muốn được yêu? Tình yêu, do đó, được coi như một nhu cầu và bản năng cần thiết cho cuộc sống con người. Thiếu tình yêu con người sẽ trở thành khô cằn, thảm sầu, thất vọng, khốn khổ và sẽ chết. Chính vì thế, Thiên Chúa đã thông ban và chia sẻ tình yêu của Ngài cho thụ tạo, đặc biệt là với con người.

Theo giáo lý, Ngôi Cha yêu Ngôi Con và tình yêu ấy chính là Ngôi Thánh Thần. Sự gắn bó giữa Cha, Con, và Thánh Thần làm nên một cộng đồng yêu thương giữa Ba Ngôi và trong Chúa Ba Ngôi. Chính ở tình yêu này Thiên Chúa trở thành hạnh phúc, sung mãn, và qua hành động thông ban, chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho nhân loại, Ngài đã trở nên tốt lành, đáng mến, và đáng tôn thờ.

Do tình yêu, Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất và quân hoà trong những khác biệt giữa ngôi vị, và công việc. Theo Thánh Kinh, Ngôi Cha được biết đến qua hành động tạo dựng. Ngôi Con được biết đến qua hành động cứu chuộc. Và Ngôi Thánh Thần được biết đến qua hành động thánh hóa. Và cả Ba Ngôi hợp lại trở nên một Thiên Chúa đầy tình yêu, tốt lành, đáng mến, hạnh phúc và quyền năng vô biên.

Tóm lại, cảm nhận tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa là cách thức dễ dàng nhất và thực tế nhất mà con người có thể làm khi suy về Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt khi suy về tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chính sự yêu thương nội tại của Ngài, và trong việc Ngài chia sẻ tình yêu ấy với các loài thụ tạo, trong đó có con người. Chúng ta qua Đức Tin và Thánh Kinh cảm nhận được tình yêu tạo dựng, tình yêu cứu độ, và tình yêu thánh hóa. Do một nguồn mạch yêu thương duy nhất là Thiên Chúa, và do cùng một Đấng Tạo Hóa.

Không do tình yêu Thiên Chúa vũ trụ và mọi sinh vật hữu hình và vô hình đã không được tạo dựng nên. Không do tình yêu Thiên Chúa, nhân loại đã không được cứu độ, và Chúa Giêsu đã không đến với trần gian, đã không mặc khải cho nhân loại biết về Thiên Chúa. Và nếu không do tình yêu Thiên Chúa, nhân loại dù đã được cứu chuộc vẫn không về được vĩnh hằng vì không được thánh hóa và giúp cho hiểu được và biết cách xử dụng ơn huệ ấy.

Cảm nghiệm tình yêu, do đó, là một nhận thức rõ ràng về sự có mặt của Thiên Chúa, về cách thức Ngài hành xử và yêu thương con người, cũng như về đường lối Ngài cứu chuộc và thánh hóa con người. Nhưng rồi con người đối lại với tình yêu Thiên Chúa như thế nào? Và trong tương quan tình yêu ấy, con người đối xử với nhau như thế nào? Đó là những vấn nạn cần thiết để con người hiểu và yêu mến Thiên Chúa, hơn là dùng lý lẽ và trí khôn mình phân tích hoặc mổ xẻ về Thiên Chúa là điều mà không những con người mà ngay cả thần thánh trên thiên đình cũng không làm được. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, vỹ đại, và uy quyền từ muôn thuở.

Trần Mỹ Duyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.06.2006. 19:16