Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhận diện chước cám dỗ

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Một lời cầu trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta vốn thuộc nằm lòng và cũng thường xuyên đọc hằng ngày. Chắc chắn Thiên Chúa không muốn và cũng không thể nỡ để bất cứ ai phải sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là để nhận biết thánh ý Chúa mà thực thi, không phải để “bắt” Chúa phải làm theo ý của mình. Bởi chưng, Thiên Chúa đã biết rõ những gì chúng ta cần, ngay trước khi ta cầu xin. Đấng Cứu Thế dạy ta cầu xin Cha trên trời “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là để chúng ta biết rằng Thánh ý Cha trên trời muốn chúng ta phải cẩn trọng với các chước mưu cám dỗ của ma quỷ cũng như của những người xấu, của những thế lực đen tối. Biết cẩn trọng để rồi biết đề phòng chước cám dỗ bằng cách xa lánh dịp tội và tìm cách chiến đấu, chống trả chước cám dỗ cách hữu hiệu.

Để thực hiện mục đích này thì tiên vàn cần nắm rõ chiến thuật, chiến lược của ma quỷ và các thế lực xấu. Đặc biệt, chúng ta cần phải biết một cách nào đó các lãnh vực xung yếu mà ma quỷ thích tấn công và cám dỗ chúng ta. Sự thường, môn đệ thì không hơn thầy. Cách thế và những lãnh vực ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu thì nó cũng dùng để tấn công chúng ta. Vậy không gì hơn, chúng ta hãy xem xét những chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu trong thời gian chay tịnh ở hoang mạc cũng như trước giờ tử nạn để nhận rõ chước mưu cám dỗ của ma quỷ.

Chiến lược: Nói đến chiến lược thì ta nghĩ ngay đến sự trường kỳ, lâu dài. Thánh sử Luca cho ta thấy sự thật này: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Đức Giêsu, ma quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Trong quảng đời ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã không ít lần bị ma quỷ cám dỗ. Nó không chỉ cám dỗ Người, khi Người sống chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc, mà còn cám dỗ Người nhiều lần và nhiều cách thế khác nhau. Sau khi Người hóa bánh ra nhiều, thì ma quỷ dùng quần chúng để cám dỗ tôn phong Người làm vua (x.Ga 6,1-15). Nó cũng dùng ngay cả người môn đệ thân tín của Người là Phêrô để cám dỗ Người đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn (x.Mt 16,21-23)…

Như thế phải khẳng định rằng đã là ma quỷ thì phải cám dỗ con người liên lĩ, hôm qua, hôm nay và cho đến giờ lâm tử của từng người. Bất kỳ ai, kể cả hàng giám mục, linh mục, tu sĩ cũng không là ngoại lệ hay được ưu đãi mà có khi là ngược lại, nghĩa là với những người này ma quỷ còn kiên trì cám dỗ hơn. Bởi một lẽ thường: khi chém được tướng thì quân ắt sẽ náo loạn và dễ diệt tan.

Chiến thuật: Qua câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang mạc chúng ta nhận ra một trong những chiến thuật tinh ranh của ma quỷ là đánh ngay vào chính khả năng người nó cám dỗ. Một kiểu đánh quả là độc chiêu. Không ai lại không ít nhiều tự hào về khả năng của mình. Khi hướng được khả năng của ai đó đi theo chiều của mình, theo cung cách của mình thì ta hầu chắc nắm phần thắng trong tay. Môn võ nhu đạo cũng khai thác chiều hướng này để ra các thế đòn thích hợp hầu quật ngã đối phương. Ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu sử dụng khả năng, uy quyền của Người theo cách thế nó bày vẽ ra và dĩ nhiên là trái với thánh ý Chúa Cha. Cái tinh xảo của ma quỷ ở chỗ nó không minh nhiên làm đổi hẳn mục tiêu mà Chúa Giêsu nhắm đến. Nó chỉ làm lệch đi một chút hoặc xúi giục Chúa Giêsu đạt đến mục tiêu theo cách thức không đẹp lòng Chúa Cha mà thôi. Chiến thuật xảo quyệt của ma quỷ lộ diện cách rõ nét qua các chước cám dỗ trong hoang mạc và những giờ trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Chiến thuật này có thể xem là chiến thuật mang tính tổng lực và toàn diện.

Ngạn ngữ “biết người - biết ta, trăm trận trăm thắng” có thể nói là một quy luật mang tính phổ biến trong các cuộc chiến. Chúng ta biết về ma quỷ thì chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn ma quỷ biết chúng ta nhiều và rõ hơn chúng ta biết về nó. Ma quỷ thừa biết khả năng cũng như quyền hạn của các mục tử trong giáo hội. Một điều chắc chắn đó là nó sẽ không hề bỏ lỡ một cơ hội dù nhỏ để cám dỗ chúng ta hành quyền cách lệch lạc. Dĩ nhiên nó sẽ không dại gì cám dỗ chúng ta hành quyền kiểu đi ngược đường lối của Thiên Chúa cách tức khắc một lần, nhưng từng lần và mỗi lần chỉ lệch một chút thôi. Từng lần, mỗi lần lệch một chút, lệch vài độ nhỏ, thì rồi sẽ đến lúc lệch 180 độ.

Một mục tử lỗi điều răn thứ 6 hay thứ 9 thì thật đáng buồn vì sinh gương mù gương xấu, nếu chuyện thành công khai. Một mục tử lỗi phạm điểu răn thứ 7 hay thứ 10 thì cũng đáng buồn, cần phải sửa sai. Tuy nhiên vì những lỗi lầm này khó có thể biện minh, do đó sự nguy hại chúng gây ra thường không quá lớn vì nhanh được bề trên, người hữu trách khắc phục ngay. Trái lại khi mục tử hành xử quyền bính cách độc đoán, độc tài, thì làm cho đoàn chiên phân đàn, chia cánh, cắn xé lẫn nhau. Sự nguy hại này thường tồn tại lâu dài và cũng rất khó khắc phục ngày một ngày hai. Lịch sử Giáo hội cho chúng ta bài học đau thương này: để gây chia rẽ, để làm đổ vỡ thì rất dễ và cũng không quá mất nhiều thời gian Trái lại để hàn gắn các đổ vỡ, xây dựng lại sự hiệp nhất thì quả là vô vàn khó khăn và đòi hỏi thời gian rất lâu dài. Lẽ thường từ chỗ độc đoán, độc tài ắt sẽ dẫn đến sự độc ác, có thể là do vô tình hoặc có sự chủ ý. Người ta thường dễ lượng thứ cho sự yếu đuối và cả sự mê muội, nhưng sự độc ác thì rất khó mà tha thứ hay bỏ qua.

Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu dùng để chống trả chước cám dỗ, đặc biệt các chước cám dỗ thưở đầu đời công khai rao giảng của Người và phút giây hấp hối trong vườn dầu cũng như trên núi sọ, ta có thể thấy được vài lãnh vực trọng yếu mà ma quỷ tấn công Người.

1. Chước cám dỗ về lòng mến:

Một trong những sứ mạng của Chúa Kitô khi đến thế gian đó là bày tỏ cách hoàn hảo tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Và tình yêu ấy được biểu lộ qua chính con người, cuộc đời, những lời giảng dạy, việc làm của Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô. Ma quỷ đâu có cám dỗ Chúa Giêsu không yêu thương con người, nhưng nó cám dỗ Người yêu thương cách “phiếm diện” hoặc yêu thương theo phương thế riêng mình, dĩ nhiên là không hợp Thánh ý Chúa Cha. Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hóa thành bánh đi. Chúa Giêsu đã đáp lại: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,3-4).

Không riêng gì Kitô hữu, bà con lương dân, anh chị em khác đạo, kể cả người vô thần đều công nhận rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền thì con người cũng cần đến nhiều điều khác nữa như học hành, giải trí, nghệ thuật, tâm linh… Tuy nhiên, xét theo ngữ pháp, ta cũng có thể nói ngược với câu trích dẫn của Chúa Giêsu mà không sợ lệch ý hay sợ sai lầm. Người ta sống không nguyên chỉ nhờ lương thực thiêng liêng mà còn nhờ đến cơm bánh vật chất. Một kiểu nói dân gian, tương tự “có thực mới vực đựoc đạo”. Con người là hữu thể xác hồn duy nhất hay nói như các triết gia là tinh thần nhập thể. Con người lại không hiện hữu đơn độc mà còn có tính xã hội. Để sống, tồn tại và phát triển thì con người còn cần đến nhau, cần đến các cơ chế, luật lệ… Như thế để yêu thương con người cách toàn diện thì ta không chỉ nghĩ đến luơng thực vật chất hay tinh thần mà còn phải biết nghĩ đến cả môi trường sống của con người.

Ma quỷ thừa biết điều này và nó đã, đang cũng như sẽ mãi cám dỗ con người, đặc biệt cám dỗ Hiền Thê Đức Kitô, tức là các môn đệ của Người sống tình mến cách phiếm diện. Chước cám dỗ xui khiến ta yêu nhau là chỉ giúp nhau về vật chất của cải, thì chúng ta dễ nhận ra. Bởi chưng cái hậu quả của việc sa chước cám dỗ này thường nhãn tiền và dễ thấy, dễ nhận biết như chuyện đạo gạo, đạo bột bắp bột xép một thời ở Việt Nam chúng ta trước đây. Còn chước cám dỗ, xui khiến ta yêu nhau là chỉ lo phần hồn, lo chuyện thiêng liêng thì quả thật ta khó nhận biết. Ngay cả với Mẹ Giáo hội, từ thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tự do chính trị bành trướng, đã dần mất hết các quyền lực trần thế thì Giáo hội đã tự co cụm lại trong pháo đài của mình. Chính trong hoàn cảnh này thì chước cám dỗ lại hướng mục tiêu vào ngay bản thân Giáo hội. Bị hạn chế về các hoạt động trần thế thì ta quay về với chuyện thiêng liêng. Vì thế Giáo hội chúng ta đã nghiêng chiều về việc chỉ lo cứu rỗi các linh hồn. Chỉ lo cứu các linh hồn hay chỉ lo chuyện thiêng liêng, thì cũng là một cách sa chước cám dỗ. Nếu chỉ thương xót linh hồn thì chưa phải là yêu thương con người.

Con người không phải là thể xác và cũng không phải là linh hồn. Hơn nữa khi ta chủ trương rằng chỉ lo chuyện linh hồn thì vô tình ta rơi vào quan niệm nhị nguyên, chưa kể đến chuyện đánh lận con đen, tranh tối tranh sáng, khó bề kiểm chứng. Cũng có khi vì cái cớ lo chuyện linh hồn mà ta đã thoái thác nhiều nghĩa vụ yêu thương phải thực thi theo giới luật mới mà Thầy Chí Thánh truyền dạy. Chúng ta đừng quên Chúa Giêsu đã từng cụ thể hóa luật yêu thương bằng câu chuyện người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,29-37 ). Đọc Tin Mừng ta thấy rõ điều này: Chúa Giêsu trong ba năm rao giảng, công việc chính của Người là giảng dạy, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Khi sai các môn sinh đi thực tập truyền giáo, Người cũng truyền cho các vị thực thi những điều ấy: rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ, nghĩa là đủ đầy các mặt: thể lý cũng như tâm linh.

Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, con người cũng không chỉ sống bằng Lời Chúa, nhưng con người còn sống nhờ tha nhân, xã hội, các thể chế chính trị, các đường lối phát triển kinh tế, xã hội… Đã yêu con người thì cần phải quan tâm đến con người cách toàn diện. Thời gian gần đây. Giáo hội đã có nhiều nỗ lực thể hiện sự quan tâm của mình trong các lãnh vực được gọi là trần thế như: lao động, công bình, ích chung…,đặc biệt từ sau Công Đồng Vatican II, với các hoạt động của thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Tuy nhiên chước cám dỗ vẫn còn đó với nhiều Giáo hội địa phương và có lẽ với cả Giáo hội Việt Nam chúng ta khi mà dường như chuyện trần thế còn được xem như là không phải công việc chính của mình. Khi khẳng định rằng Giáo hội không xen vào chuyện chính trị, không làm chính trị, thì không phải Giáo hội cấm tất cả Kitô hữu, con dân của mình không được làm chính trị mà chỉ giới hạn hàng giáo sĩ không được đứng ra thành lập hay tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị đảng phái.

Giáo Luật điều 285.3: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự”. Điều 287.2: “Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy”. Giáo Luật cũng minh nhiên dạy các tu sĩ giữ những điều này trong điều 672. Ngoài ra “Trong các hiệp hội công của Kitô hữu trực tiếp nhằm việc thi hành việc tông đồ, những người đang giữ nhiệm vụ lãnh đạo trong các đảng phái chính trị không được làm vị điều hành” (GL Đ.317.4).

Khi ngăn cấm hay đúng hơn là giới hạn hàng giáo sĩ và tu sĩ không được trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị đảng phái, thì Giáo hội không dạy các thành phần ấy làm người bàng quan, đứng bên lề chuyện chính trị. Đức đương kim GIáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông Điệp Bác Ái trong Chân lý dạy chúng ta phải “dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế quy định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa…” ( Số 7 ).

Quả thật, chúng ta không thể nói mình yêu thương nhau khi ta còn hững hờ hay bỏ qua một khía cạnh nào đó trong đời sống của nhau. Những vấn đề về xã hội đã được Hội Thánh lên tiếng hướng dẫn. Không dám hỏi có được bao nhiêu vị trong hàng linh mục, tu sĩ đã đọc Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII. Nhưng gần đây Bộ Công Lý và Hòa Bình đã tổng hợp giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội trong quyển “Compendium of the social doctrine of the Church” xuất bản năm 2004, và Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dịch và xuất bản năm 2007, thì đã có bao nhiêu linh mục nắm được nội dung? Giới linh mục và tu sĩ còn vậy, thế thì anh chị em tín hữu giáo dân sẽ ra sao đây?

Trước tình trạng của đất nước như tham ô, cửa quyền, độc quyền, độc tài, “sử dụng cường lực và bạo lực” như cách nói của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (trả lời phỏng vấn báo La Croix ngày 24-01-2010), thì có được bao nhiêu tiếng nói chính thức và công khai từ phía Giáo hội? Đức Hồng Y đã nói: “Tấm gương đấu tranh dưới hình thức cường lực và bạo lực của chính quyền hiện nay cũng là bài học cho gia đình và các tổ chức xã hội noi theo.” Có lẽ vì do cách hành văn thiếu trong sáng, nên câu nói của Đức Hồng Y dễ bị hiểu lầm rằng nội hàm của câu trên mang tính tích cực. Vì là bài học cho gia đình và các tổ chức xã hội noi theo, nên tấm gương ấy phải là tấm gương sáng. Thế nhưng việc đấu tranh dưới hình thức cường lực và bạo lực không phải là tấm gương sáng, nếu không muốn nói là trái lại. Chắc hẳn Đức Hồng Y muốn nói rằng “việc đấu tranh dưới hình thức cuờng lực và bạo lực của chính quyền hiện nay đã lây nhiễm vào môi trường gia đình và các tổ chức xã hội”. Quả thật, nạn bạo hành trong gia đình và trường học tại Việt Nam là một trong những tệ nạn đang được báo động trên các phương tiện truyền thông nước nhà.

Giáo Hội Công Giáo trình bày Học Thuyết xã hội của mình như sau: “Trước tiên học thuyết này chính là sự công bố những điều Giáo Hội đang có như là của riêng mình: đó là một cái nhìn về con người và về các việc làm của con người trong toàn bộ vấn đề… Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của những người nghèo, người yếu kém. Các quyền này càng bị làm ngơ hay bị xâm phạm, thì tầm mức bạo lực và bất công càng lan rộng, ảnh hưởng đến cả một loạt người hay những khu vực địa lý rộng lớn, từ đó làm gia tăng các vấn đề xã hội, tức là đưa tới những lạm dụng và mất quân bình, khiến cho xã hội bị xáo trộn…” (Số 81 – Học Thuyết xã hội của GHCG 2004 – Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ban Bác Ái xã Hội – NXB Tôn giáo – năm 2007- trang 83-84).

Thử hỏi chúng ta đã thể hiện tình liên đới hiệp thông như thế nào để sống đức mến?

2. Chước cám dỗ về Đức Cậy:

“Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” ( Mt 4,7; Lc 4,12 ). Khi nghe Chúa Giêsu dùng câu trích Lời Chúa trên đây để chống lại ma quỷ thì ta dễ nhận ra trọng tâm của chước cám dỗ là đức trông cậy. Giáo lý Công giáo dạy ta rằng có hai tội phạm đến Đức trông cậy: một là tuyệt vọng, thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa và hai là chỉ dựa vào sức mình hoặc quả ỷ lại vào tình thương của Chúa. ( x. GLCG chung số 2090-2091 ).

Bị cám dỗ tuyệt vọng hay thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa thì vẫn có đó nhưng xét cho cùng chước cám dỗ này dễ nhận ra. Chẳng biết ma quỷ có thành công nhiều trong chước mưu cám dỗ này không, còn chúng ta, chúng ta thấy trong đoàn con cái Chúa, số người tuyệt vọng không mấy nhiều, nếu xét hình thức bên ngoài. Giả như có ai đó có biểu hiện tuyệt vọng thì bà con đồng đạo sớm nhận ra ngay và dĩ nhiên là sẽ động viên giúp đỡ nhau cách này cách khác. Người rơi vào tình trạng này rất dễ nhận được sự cảm thông và xót thương của tha nhân. Chẳng hạn với các trường hợp tự vẫn thì ngày nay người ta đã có thái độ khoan dung hơn nhiều là nhờ biết cảm thông hơn.

Sa vào chước cám dỗ chỉ dựa vào sức riêng mình thì quả lại tai hại khôn lường. Không nguyên chỉ người Kitô hữu mà bà con lương dân, anh chị em khác đạo cũng dễ dàng thấy được cái nguy cơ của những người chỉ dựa vào sức riêng mình. Đâu phải chỉ bất cần đến sự che chở, phù trì của trời cao, những người chỉ dựa vào sức riêng mình thì bất cần cả sự giúp đỡ của tha nhân. Những người này thường hứng nhận hậu quả hay quả báo nhãn tiền ngay ở đời này. “Trèo cao, té nặng” là một trong những biểu hiện của sự ỉ vào sức riêng mình. Chính vì thế chúng ta cũng dễ nhận ra chước mưu cám dỗ của quỷ ma.

Trái lại, chước cám dỗ xui khiến ta quả ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Chúa thì thật tinh tế, xảo quyệt. Chước cám dỗ này thường xuất hiện dưới nhiều hình thức bên ngoài với dáng vẻ đạo đức, thành kính, kể cả cậy trông. Khi rơi vào chước cám dỗ này, đương sự khó nhận biết và tha nhân cũng khó phát hiện. Ai lại không cảm phục người tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa. Cần thú nhận rằng ranh giới giữa sự tin tưởng và sự quá ỉ lại vào quyền năng và tình thương của Chúa thật khó phân biệt và nhận diện.Và đây là yếu huyệt ma quỷ không thể nào bỏ qua để tấn công chúng ta.

Chính khi ta rơi vào chước cám dỗ này thì một cách nào đó ta đã thử thách Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Bắt Chúa phải làm thay ta, giao khoán tất cả cho Chúa bằng việc phủi tay, thoái thác trách nhiệm hoặc bằng cách chỉ biết cầu nguyện, cầu xin mà thôi thì vô tình hay hữu ý ta đã để mình chiều theo chước cám dỗ lỗi đức trông cậy. Có thể xác quyết rằng những người đạo đức, những người chức cao hay vị lớn trong Giáo hội cũng rất có thể rơi vào tình trạng này. Và cái nguy hiểm lớn nhất đó là những người đang ở trong chước cám dỗ này lại chẳng biết, chẳng hay. Và rồi người ta có cớ để ẩn mình trong thái độ thụ động, thiếu dấn thân, không dám quên mình, đặc biệt để chu toàn sứ mạng ngôn sứ.

Người biết sống Đức Cậy không phải là chỉ biết chuyên chăm cầu nguyện và đọc kinh Lạy Cha, nhưng còn phải biết tận dụng những hồng ân Chúa ban là các khả năng trí khôn, sức khỏe, thời giờ, tiền bạc…để làm cho Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa được thể hiện…

Là các mục tử trong giáo hội, chuyện cá nhân này, cá nhân kia tuyệt vọng thì vẫn có nhưng chỉ là cá biệt. Chuyện ỉ lại vào sức riêng mình thì cũng không quá hiếm trên thế giới và với cả con cái Giáo hội, Giáo hội Việt Nam. Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, với nhiều hạn chế khách quan do thể chế áp đặt và nhiều khó khăn do cung cách hành quyền của không ít người hữu trách ngoài xã hội, thì các mục tử trong Giáo hội là giám mục, linh mục xem ra ít bị sa chước cám dỗ cậy dựa vào sức riêng mình mà lỗi đức cậy, cách riêng so với hoàn cảnh xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975.

Thế nhưng chuyện ỉ lại vào tình yêu và quyền năng của Chúa trong sự thiếu trách nhiệm, không dám dấn thân, không tích cực đi đầu để bảo vệ đàn chiên trước sói dữ…là chuyện hình như đang tồn tại cách này cách khác. “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Chúa dạy chúng ta phải tích cực hoạt động với hết khả năng Chúa ban (khôn như rắn) rồi sau đó phó thác cho tình yêu và quyền năng của Chúa (đơn sơ như bồ câu). Vậy mà, có thể vì lý do này, lý do khác chúng ta đã chỉ chọn lựa cách thế “đơn sơ như chim bồ câu” tức là phó thác tất cả cho Chúa liệu định một cách thụ động. Phải chăng đây là một thình thức lỗi đức trông cậy?

Xin được nhắc lại rằng thái độ chỉ biết cầu nguyện trong sự thụ động khoanh tay cứ để cho mình hoặc cho tha nhân ở lâu trong “tình trạng cheo leo”( khốn khổ, bất công, bị tước đoạt nhân vị cùng với những quyền lợi chính đáng…) rồi bắt Chúa phải ra tay can thiệp, chính là một sự nghiêng chiều chước cám dỗ lỗi đức Trông Cậy.

3. Chước cám dỗ về Đức Thờ Phượng:

“ Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người thôi” ( Mt 4, 10; Lc 4,8 ). Mẹ Hội Thánh dạy ta: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là là thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biêt Người là Thiên Chúa, Là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, là Chúa và là Thầy của mọi loài, là Tình Yêu vô biên và giàu lòng thương xót…Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối thần phục Người vì nhận biết “tính hư không của thụ tạo”, biết sự hiện hữu của chúng hoàn toàn nằm trong tay Người…Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, giải thoát con người khỏi thái độ khép kín, khỏi nô lệ tội lỗi và sự sùng bái thế giới ngẫu tượng.”(GLCG chung số 2096-2097).

Sùng bái các loài thụ tạo, suy tôn các thế lực thụ tạo chính là một hành vi lỗi phạm đến đức thờ phượng. Một trong những chước cám dỗ ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu năm xưa cũng như xúi giục Hiền Thê của Người qua mọi thời là tin vào quyền năng của các thế lực thụ tạo. Lịch sử Giáo hội một cách nào đó cho ta thấy ảnh hưởng của chước cám dỗ. Kể từ năm 313 với sắc chỉ Milan, Giáo hội mẹ dường như thấy được sự hữu hiệu của thế lực trần thế nên đã có phần cậy dựa vào nó. Không chỉ cậy dựa mà có khi Giáo hội còn lợi dụng thế quyền cho việc đạo và có khi chính mình hành xử như một thế lực trần tục. Với sự trở lại của vua Clovis năm 498 khiến cho toàn dân nước Pháp bấy giờ cùng theo đạo thì chước cám dỗ như tăng phần mãnh lực. Để có hiệu năng, có thành quả lớn trong việc thiêng thánh thì người ta cũng dễ bị cám dỗ thỏa hiệp cách nào đó với các thế lực thụ tạo, và ta đã sùng bái thụ tạo cách vô tình chẳng hay. Rồi những cuộc thánh chiến, những lần theo đoàn viễn chinh để đi truyền giáo phải chăng không cho ta thấy sự cậy dựa của ta vào các mãnh lực trần thế này? Nói rằng chúng ta đã suy tôn chúng thì quả là hàm hồ, nhưng xem chúng là một trong những động lực chính của sự thành công thì dường như không sai.. Chuyện “xì căng đan” của hàng giáo sĩ Giáo hội Ba Lan đã từng là chuyện thời sự và cũng là bằng chứng về sự hiện hữu của chước cám dỗ tinh vi và độc hại này.

Đến khi không nắm được các thế lực trần gian thì chúng ta lại rơi vào việc tự thần thánh hóa chính mình. Giáo hội là một xã hội hoàn hảo. Cái khái niệm này đã từng kéo dài cho đến Công Đồng Vatican II. Mình không thể sai lầm, chỉ có mình mới nắm giữ chân lý cũng là một trong những cách thế đặt mình thành ngẫu tượng. Chước cám dỗ ấy còn len lõi vào trong cung cách sống đạo. Một số anh em luơng dân hay bà con khác đạo nghĩ rằng “cứ nói nhiều là sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Nghĩa là khi đã thực hiện đủ một số công thức, kinh kệ nào đó thì thần minh phải thực hiện điều mình muốn. Bắt Thiên Chúa tự động (automatic) thực hiện điều mình quy định hay kiểu thức mình đặt ra mà không do Thánh Thần tác động thì đúng là một cám dỗ lỗi đức thờ phuợng cách tinh tế. Chước cám dỗ kiểu dạng ma thuật vẫn có thể tồn tại ít nhiều trong các cử hành bí tích, á bí tích. Nếu không tỉnh táo, cẩn mật đề phòng thì cả đến đấng bậc được xem là có thánh chức cũng sa vào.

Điều quan trọng là xem xét thánh ý Chúa. Chúa có muốn ta làm điều này trong hoàn cảnh này hay không. Nếu ỷ lại vào các quy chế do chính chúng ta đặt định để cho rằng mình có quyền ban ân lộc thánh thiêng thì cũng là một cách ngẫu tượng hóa bản thân. Ngẫu tượng hóa bản thân thì vẫn còn dễ nhận biết, nhưng ngẫu tượng hóa tập thể hay cơ chế thì khó phát hiện. Tôn vinh một cơ chế nào đó, một tập thể nào đó lên hàng muôn năm, lên hàng bất diệt là sa vào chước cám dỗ là thờ ngẫu tượng. Chúng ta đừng quên vào cuối thế kỷ XX vừa qua Giáo hội cũng đã từng nhầm lẫn mình với thực tại Nước Trời, khi chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Và chính Hội đồng giám mục Việt Nam đã góp ý sửa sai cái nhìn này. Chước cám dỗ xưa đã khuất phục tổ tiên chúng ta nay như mãi đeo đẳng con cái loài người, kể cả Hiền Thê Đức Kitô.

Có thể nói Đức thờ phượng là hiện thực hóa Đức Tin. Chân lý nền tảng chúng ta tin nhận đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Tạo Thành và là Cha của hết mọi người, vì thế chúng ta phải tôn thờ, thần phục và yêu mến chỉ mình Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Ngoài Người ra thì không có thần minh nào hết. Thế nhưng trong thực tế nhiều khi chúng ta lại suy tôn nhiều thực thể nhân loại lên hàng thần. Kinh tin kính các thánh Tông đồ chỉ rõ ngay đến Giáo hội cũng chỉ là đối tượng của sự tin có chứ không phải là tin kính

Thế nhưng hình như vẫn có đó việc vô tình hay vô tri, chúng ta vĩnh cửu hóa một hình thế Chúa lập vốn mang tình thời gian. Có đấng không thể chịu nỗi khi nghe nói đến chước cám dỗ của Hiền thê Chúa Kitô, trong khi đó vẫn thấy bình thường khi nghe đề cập đến các chước cám dỗ của chính Đấng Sáng lập nên Giáo hội. Phải chăng đã có lúc, có khi chúng ta nói về Giáo hội nhiều hơn là nói về Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta đón nhận một vị trí, vai trò chủ chăn nào đó? Việc đánh lận con đen cũng là một lỗi nghịch với đức thờ phượng, với đức tin. Chống cha là chống Chúa, nói đụng đến giám mục là phá giáo hội, là xúc phạm đến Chúa. Những lập luận trên đây không luôn hữu lý mà nhiều khi lỗi đức thờ phượng vì chúng ta vô tình thờ ngẫu tượng mà chẳng hay.

Cơn cám dỗ cuối cùng: Ở đây, tôi không chủ ý nói đến cuốn tiểu thuyết “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” (The last temptation of Christ) của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantkasis. Tuy nhiên, đọc Tin Mừng chúng ta phải chân nhận rằng quảng thời gian Chúa Kitô bị cám dỗ quyết liệt nhất đó là những giờ trong vườn dầu và trên cây thập giá. Có lẽ viễn ảnh khổ giá là một thử thách to lớn đối với Chúa Giêsu. Thế nhưng trong thời gian rao giảng, Người đã thoáng hình dung khổ hình thập giá sẽ chịu. Theo tôi, điều cám dỗ Chúa Giêsu nặng nề nhất đó là sự thất bại, mất cả chì lẫn cả chài,“xôi hỏng, bỏng tay”. “Êlôi, Êlôi, lamasabacthani ! Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con !” ( Mc 15,34 ).

Chước cám dỗ về hiệu năng, nhìn thấy kết quả trước mắt là chước cám dỗ phổ biến nơi nhiều người, cách riêng với những ai có chút tài và chút tâm. Dẫu biết rằng “thất bại là mẹ thành công”, nhưng cũng thật khó lòng đón nhận thất bại cách thanh thản, nhất là khi vì sự thất bại ấy mà ta dường như mất tất cả. Đã làm điều gì đó thì ai cũng mong sẽ thành công, sẽ đạt kết quả. Chính vì thế, ma quỷ khôn ranh cho ta thoáng thấy sự uổng công, sự thua cuộc và cả sự thất bại, để rồi ta e ngại, ta dừng bước, ta khoanh tay. Đứng trước tình trạng nhiễu nhương của xã hội hôm nay, của tình cảnh nước nhà và của cả đoàn con cái Giáo hội đó đây, rất nhiều người có chút tâm và chút tài đã ngần ngại, e dè vì thoáng thấy sự thất bại trước mắt. Một con chim én khó có thể và như không thể làm nên mùa xuân. Và số phận của nó chắc gì còn cánh, còn lông ! Không chừng còn bị chê bai là thiếu khôn ngoan, là nóng vội, là bốc đồng, là hiếu thắng. Có khi lại bị quy chụp là phản động, là rối đạo, là chống đối hay phá hoại... Và khi đã bị thua cuộc thì rất có thể bị dè bỉu rằng nếu nó làm đẹp lòng Chúa thì Chúa phải bênh đỡ nó chứ ! ( x.Mt 27,39-44 ).

Đã không thành công lại còn có thể mất thanh danh, mất chức vị, quyền hạn… thì thật là điều khó vượt qua. Dù rằng đã phải khuất phục trước Chúa Kitô, trước các thánh tử đạo… nhưng ma quỷ cũng đã nhiều lần thành công trong chước cám dỗ này với Hiền Thê của Người theo dòng lịch sử. Cơn cám dỗ cuối cùng luôn có đó với từng người chúng ta. Trong sứ điệp mùa Chay năm 2008, vị Cha chung Hội Thánh, Đức Bênêđictô XVI khuyên dạy chúng ta chuyên chăm ngắm nhìn thập giá mà học biết yêu thương trong sự can đảm chết đi để được phục sinh, can đảm đón nhận sự thất bại để cùng chiến thắng với Người.

Xin được nhắc lại rằng mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô không phải là điểm cuối, điểm đến của công trình cứu độ của Người, nhưng là mầu nhiệm Phục sinh. Mầu nhiệm thập giá chỉ là một giai đoạn vượt qua. Chúa Kitô chỉ im lặng sau khi đã nói hết những gì cần nói, tức là lời chân lý đem lại sự sống, dù có khi rất chối tai người nghe. Trước thần quyền, Người khẳng định: “Ta là Con Thiên Chúa”, và trước thế quyền Người tuyên bố: “Tôi là Vua”. Chúa Kitô chỉ chịu thúc thủ trên thập giá sau khi đã làm tất cả những nghĩa cử yêu thuơng, những hành vi sửa dạy có khi rất nghiêm khắc, những dấu lạ phi thường…

Nếu ý thức mầu nhiệm thập giá chỉ là giai đoạn vượt qua thì không thể trực tiếp tìm kiếm thập giá hay ở mãi trong đau khổ vì đó là một tình trạng tâm bệnh, bệnh khổ dâm. Nếu chúng ta diên trì trong tình trạng “chịu thập giá” hoặc cổ võ tha nhân ở mãi trong tình cảnh “cam chịu sự bách hại” thì rất có thể vô tình hoặc vô tri, chúng ta làm cớ cho người vô thần thêm xác tín rằng tôn giáo, cách riêng Kitô giáo là thứ thuốc phiện, ru ngủ đám dân đen trong cảnh khốn cùng để cho giới thống trị thỏa sức đàn áp, bóc lột. Xin đừng quên Chúa Kitô chịu kết án bất công là để cho chúng ta được sống trong công lý. Người đã tự nguyện nên nghèo hèn là để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cr 8,9-12).

Thử đề nghị một giải pháp chiến đấu với chước cám dỗ:

Một phương pháp tất yếu để chiến đấu với chước mưu ma quỷ là quy chiếu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu: Thánh Thể Chúa Kitô.

Nói đến Giao ước chúng ta có thể hiểu cách phổ thông như là một bản ký kết, một bản hợp đồng giữa hai bên tự nguyện chịu trách nhiệm một hay nhiều phận vụ nào đó và dĩ nhiên sẽ được hưởng một hay nhiều quyền lợi kèm theo. Qua bản hợp đồng thì quyết định tự do đầy tinh thần trách nhiệm được cụ thể hóa cách dứt khoát. Và rồi chính bản hợp đồng là căn cứ, là cơ sở để giải quyết những thiếu sót hay những sự tắc trách vì vô tình hay chủ tâm của bên này hay của phía kia.

Các hợp đồng dân sự giữa các pháp nhân tư hay pháp nhân công thì đều có tính giới hạn, Chúng có thể bổ sung, thay đổi hay hết hiệu lực vì nhiều lý do như hết thời hạn hoặc một phía hoàn toàn không có khả năng thực hiện hoặc mất tư cách pháp nhân… Chúa Kitô đã mình nhiên thiết lập giao ước mới, giao ước vĩnh cửu bằng chính thịt máu của Người. Đây là một hợp đồng có giá trị cho đến khi trời mới đất mới xuất hiện. Giao ước này chính là cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô trên thần dữ. Một hành vi được viên đầy giá trị ngay chính khi được quyết định cách dứt khoát. Giáo Hội nhìn nhận rằng khi lập Bí tích Thánh Thể đêm Tiệc Ly là lúc Chúa Kitô quyết định cách dứt khoát vâng phục thánh Ý Chúa Cha. Đó là thể hiện một tình yêu đến cùng bằng việc hiến dâng mạng sống vì người mình yêu mà hy tế thập giá là sự biểu hiện tột đỉnh. Chính vì thế mà sau này khi cử hành Bí tích Thánh Thể thì Giáo Hội tin nhận là Hiến tế thập giá được hiện tại hóa.

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Giáo hội căn cứ những lời trên đây để xác quyết việc Chúa Kitô lập bí tích truyền chức thánh. Không dám mạn bàn vê thần học bí tích, tuy nhiên khi nhìn vào nội hàm của lời truyền Đấng Cứu Độ đêm Tiệc Ly thì chỉ có hàng giám mục và linh mục là những người có năng cách thực thi những điều được truyền là cử hành nhiệm tích Thánh Thể.

Xin được bỏ qua vấn đề này để tập chú vào mối liên hệ hữu cơ giữa hàng tư tế thừa tác với giao ước mới, giáo ước vĩnh cữu. Sự hiện hữu của hàng tư tế thừa tác theo ý Đấng Cứu thế, là để cho giao ước mới hiện diện và phát huy hiệu quả theo dòng thời gian. Chính các thừa tác viên Thánh Thể là những người thể hiện giao ước này. Giáo hội khẳng định chân lý này khi tuyên bố rằng lúc giám mục hay linh mục đọc lời truyền phép là đọc trong tư cách Chúa Kitô (in persona Christi) (không đọc: “Này là Mình Chúa Kitô” mà đọc “Này là Mình Thầy”…Trước đây dịch: “Này là Mình Ta”).

Nếu lỡ vì lý do nào đó mà các tư tế thừa tác sa chước cám dỗ thì thiển nghĩ rằng không gì hơn hãy trở về với bản hợp đồng để quy chiếu hầu chỉnh sửa những sai lầm. Chính khi biết hiến dâng trọn xác thân của mình trong tình liên đới với tội lỗi nhân loại (Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em), thì chúng ta đang thể hiện tình yêu mến Thiên Chúa qua sự vâng phục Thánh ý Người, đó là chọn lấy phương thế tuyệt hảo để bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Ai yêu mến Chúa thì thực thi lời người chỉ dạy. Cũng thế, sau khi đã hết lòng hết sức giảng dạy chân lý, làm nhiều việc lành cả thể, và trước khi xuôi tay, người tư tế thừa tác lại chấp nhận đổ hết giọt máu cuối cùng từ trái tim để cho nhân loại được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì đúng là một động thái biểu lộ niềm cậy trông tuyệt hảo. Mọi sự lành đều bởi Chúa mà ra. Ơn cứu độ là quà tặng hoàn toàn nhưng không. Mọi sự đã hoàn tất. Con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha. Giao ước mới còn mình định rằng những gì chúng ta đang có, đang là đều do bởi lãnh nhận. Việc Chúa Kitô hiến dâng toàn thân cho Chúa Cha nhắc nhớ cho chúng ta chân lý nền tảng của đức tin để rồi biết cách thế thờ phượng Thiên Chúa cho xứng, cho phải đạo. Mọi sự đều là của Thiên Chúa và phải dâng về cho Thiên Chúa. Giáo hội khẳng định chân lý này khi dạy chúng ta rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống Kitô hữu và là đỉnh cao của hành vi thờ phuợng.

Tác giả Tin mừng thứ tư không tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, nhưng lại tường thuật việc Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Mẹ Giáo hội tin nhận đây cũng là hành vi tự hiến của Đấng Cứu độ, Đấng đã tự nguyện bỏ đi phận làm Thầy, làm Chúa, để yêu thương, phục vụ nhân loại chúng ta cho đến cùng (x.Ga 13,1). Và vào chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội truyền cử hành nghi thức rửa chân này trong Phụng Vụ như muốn nói rằng hành vi này một cách nào đó cũng bày tỏ tình tự hiến – cứu độ của Chúa Cứu Thế như trong bí tích Thánh Thể. Chúa sử dụng quyền uy để tự hiến, để yêu thương, để phục vụ như là người tôi tớ. Ước gì mỗi lần cử hành Thánh Thể, các thừa tác viên luôn ghi nhớ ý nghĩa của việc Chúa đã cúi xuống rửa chân cho môn sinh, hầu biết hành quyền trong sự tự hạ để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu xin mãi luôn mang tính hiện sinh và cảnh tỉnh chúng ta, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Cầu xin là để nhận biết chước cám dỗ mà xa lánh hay đề phòng, nhất là để biết cách thế chống trả hữu hiệu. Thánh Tông đồ Phêrô cảnh giác chúng ta rằng ma quỷ như sử tử gầm gừ rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P5,8). Vấn đề cần lưu ý, đó là rất nhiều khi chính chúng ta không nhận ra tình trạng sa chước cám dỗ của mình. Là Kitô hữu, đặc biệt là những tư tế thừa tác, không gì hơn hãy luôn bám sát “bản hợp đồng” là Giao Ứớc mới, Giao Ước vĩnh cửu để chấn chỉnh, sửa sai và để biết cách thế chống trả chước mưu cám dỗ của thần dữ. Khi một mục tử “có vấn đề”, thế nào cũng có những sự chẳng hay hoặc những điều đáng trách trong khi dâng Thánh Lế, tức là cử hành bí tích Thánh Thể. Tin rằng một tư tế thừa tác thường xuyên ý thức và sống nội hàm những lời mình tuyên kết trong hy tế Thánh Thể chắc chắn sẽ khó lạc đường, sa chước cám dỗ mà nếu có thì cũng nhanh chóng chỗi dậy và trở về.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.02.2010. 00:40