Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhân chứng tử đạo Kitô giáo

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

TuDaoVN.jpg

Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở hải ngoại, chúng ta luôn tự hào về nòi giống Rồng Tiên quật cường của mình, với các vị anh hùng dân tộc như hai nữ tướng Trưng Trắc Trưng Nhị, như một Lê Lợi, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, v.v… Nhưng nhất là người Việt Nam Công Giáo chúng ta còn tự hào và hãnh diện hơn nữa, vì chúng ta là con cháu của trên 300.000 các Thánh Tử Đạo Việt Nam oai hùng.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những công dân tốt, là những người yêu nước triệt để và đồng thời cũng là những chiến sĩ Đức Tin bất khuất. Vâng, các ngài thà chịu xiềng xích, gông cùm, chịu phanh thây xẻ thịt, thà chịu đổ máu mình ra và chịu chết đau đớn, chứ không thà phản bội Đức Tin, chứ không thà công khai chối bỏ Thiên Chúa trước mặt quan quyền vô đạo. Vì thế, sau Giáo Hội La Mã thời sơ khai, thì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta là một Giáo Hội chịu bách hại, chịu đàn áp tàn khốc và lâu dài nhất – kéo dài trong ba thế kỷ liền – và cũng vì thế, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã cống hiến cho Giáo Hội hoàn vũ nhiều anh hùng tử đạo nhất.

Đúng thế, máu của 1/3 triệu anh hùng Tử Đạo Việt Nam, của những bậc cha anh trung kiên của chúng ta, đã nhuộm đỏ cả giang sơn đất nước Việt Nam, từ bắc chí nam. Chính nhờ dòng máu tử đạo oai hùng của Tổ Tiên chúng ta mà ngày nay hơn tám triệu người Việt Nam Công Giáo chúng ta được ơn Đức Tin Kitô giáo, biết nhìn nhận ra Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn, là Đấng Tối Cao duy nhất, là Đấng đáng cho mọi loài trên trời dưới đất phải quì gối tôn thờ và hơn thế nữa: là Cha đầy nhân hậu của chúng ta, đúng như lời giáo phụ Tertulianô đã viết: "Giòng máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nẩy sinh các tín hữu."

Trong số hàng trăm ngàn vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, 117 vị đã được Giáo Hội hoàn vũ nghiêng mình kính phục và lần lượt suy tôn lên bậc Chân Phước như sau"

Sau cùng ngày đại vinh quang 19.6.1988, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma, trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn tín hữu từ khắp nơi trên thế giới kéo về, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, nêu gương cho toàn thể nhân loại soi chung.

Thật là cả một vinh dự vô cùng to lớn, thánh thiêng, có một không hai, và không chỉ cho những người Công Giáo Việt Nam, mà còn cho toàn thể dân tộc Việt Nam, dù lương hay giáo. Vì chính các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người đã làm vẻ vang cho cả dân tộc dòng giống con Lạc cháu Hồng trên năm châu bốn bể bằng chí khí quyật cường bất khuất, bằng lòng dũng cảm trung kiên sắt đá và bằng chính dòng máu của mình để thà chết đau đớn, chứ không thà chối bỏ một sự thật minh nhiên" sự hiện hữu của Thiên Chúa; thà để cho lý hình và dã thú nghiền nát thân xác, chứ không giơ chân xúc phạm đến Thánh Giá Đức Kitô và chối bỏ Đấng tạo thành trời đất. Chính vì thế, tất cả các dân tộc trên khắp thế giới không ngớt ca tụng dân tộc chúng ta là một dân tộc anh hùng, quật cường và bất khuất.

Nhưng người ta cũng thử hỏi: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ai? Các ngài thuộc vào những thành phần nào trong xã hội nước ta vào lúc bấy giờ?

Nhìn vào tiểu sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy trong số 117 vị đại diện cho trên 300.000 các Anh Hùng tử đạo Việt Nam đã được Giáo Hội hoàn vũ công khai tôn kính, gồm có:

• 8 vị là Giám Mục,
• 50 vị là Linh Mục,
• 59 vị là giáo dân.

Và trong số 59 vị thuộc hàng ngũ giáo dân này, chúng ta lại thấy có vị từng là"

• Thầy Giảng, Chủng sinh, Giáo lý viên,
• Trùm họ, Chánh trương,
• Số còn lại là các giáo dân bình thường

Còn trong đời sống đời thường, thì các ngài thuộc đủ mọi thành phần xã hội, chẳng hạn có vị từng là:

• Quan trong triều đình,
• Chánh Tổng, Quan án, Lý Trưởng,
• Sĩ quan hay quân nhân trong quân đội,
• Thương gia, nông dân, ngư phủ hay nội trợ, v.v…

Nói chung là các ngài thuộc đủ mọi thành phần Dân Chúa cũng như mọi thành phần xã hội. Địa vị và chức nghiệp của các ngài không hề là trở ngại hay là lý do phân cách các ngài trong sứ mệnh làm chứng cho Đức Tin vào Đức Kitô.

Nhưng chúng ta cũng cần phải chân nhận điều quan trọng này là phúc được tử vì đạo, được chết để làm chứng cho Đức Kitô không phải là một điều hễ ước là được, hễ tìm là thấy, mà là một ơn huệ cao trọng Thiên Chúa ban thưởng cho những tín hữu luôn biết trung kiên, khiêm tốn và âm thầm thực hiện tinh thần bác ái Phúc Âm trong cuộc sống cụ thể hằng ngày của mình. Dĩ nhiên, điều đó không loại trừ những tính chất yếu đuối sa ngã của con người nơi các ngài, chẳng hạn thánh Luca Phạm Trọng Thìn, khi làm Chánh Tổng đã có một thời gian dan díu tình cảm với cô Trung, người làng Trà Lũ, hay như thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm, một thương gia giàu có, đã từng yếu lòng đèo bồng thêm một cô vợ bé, v.v… Nhưng sự khác biệt giữa các ngài và những người thường, là một khi các ngài đã được các vị Linh Hướng hay gia đình khuyên bảo nhắc nhở, và các ngài ý thức được sự yếu đuối sai sót của mình, thì các ngài lập tức hết lòng ăn năn hối cải, dốc lòng đổi mới lại cuộc đời, nêu gương sáng cho người khác và ra sức phục vụ Giáo Hội, cứu giúp các linh hồn.

Tiếp đến, chúng ta cũng thấy rằng, có vị đã từng khiếp sợ trước gông cùm và sự tra tấn dã man của các lý hình, thì đã chối Đạo, đưa chân bước qua Thánh Giá Đức Kitô. Nhưng sau đó, nhờ có ơn Chúa trợ giúp và lời cầu nguyện cũng như sự động viện khuyến khích của gia đình và của bạn bè, các ngài đã vội ăn năn sự yếu đuối ban đầu của mình, và lại công khai tuyên xưng Đức Tin trước mặt các vua chúa, nên lại được ơn tử đạo. Đó chính là trường hợp của các thánh Augustinô Phan Viết Huy, Nicolas Bùi Đức Thể hay thánh Đa-minh Đinh Đạt, v.v…

Sự tử đạo vinh thắng của các Tổ Tiên anh hùng của chúng ta không phải là nguyên nhân, nhưng là hậu quả, là hoa trái của cuộc sống thánh thiện và gương mẫu của các ngài trong việc thực thi tinh thần bác ái Kitô giáo đối với đồng loại, nhất là đối với những người nghèo khổ, những người cô thế cô thân, những người đang trong cảnh hoạn nạn rủi ro, v.v… Một ví dụ điển hình: Thánh Phạm Trọng Tả, cựu Chánh Tổng, một người giàu có nhất trong vùng, ruộng cả ao liền cò bay thẳng cánh, đầy tớ và kẻ thuê người làm đầy nhà, nhưng chính cụ cũng lại là một người giàu lòng từ tâm nhất trong vùng. Vì ý thức được rằng, mọi của cải đời này mà cụ có được là do Chúa ban cho, trước sau cũng vẫn thuộc về Người, còn cụ chỉ là người quản lý các của cải đó mà thôi, nên cụ đã không hề bo bo giữ riêng cho mình hay tìm cách tích trử để làm giàu cho duy gia đình mình mà thôi. Trái lại cụ đã hết lòng thương giúp cứu đỡ tất cả mọi kẻ bần cùng đói khổ tìm đến gõ cửa nhà cụ. Còn những người mắc nợ gia đình cụ, nhưng vì gia cảnh túng thiếu không trả được, thì cụ giảm nợ cho hay tha hết nợ luôn. Do đó, có lần cụ Án bà đã đem lời phàn nàn này nọ, thì cụ đã vui vẻ trả lời ngay: "Mình tha nợ cho người, thì Chúa tha tội cho mình!"

Đúng vậy, đó là chân lý của cuộc đời: Tất cả mọi sự chúng ta đang có hay đang chiếm giữ ở đời này, hoàn toàn không phải của chúng ta và không thuộc về chúng ta, nhưng là của Chúa và thuộc về một mình Người mà thôi. Chúa đã ban cho chúng ta tất cả những của cải đó là để chúng ta sử dụng với lòng cảm tạ Người và để giúp đỡ lẫn nhau mà thôi. Vì thế, chúng ta không được khép cửa lòng mình lại khi chúng ta còn có khả năng, còn có điều kiện nâng đỡ và cứu giúp người khác đang trong cảnh túng quẫn, ngặt nghèo. Dĩ nhiên chúng ta có toàn quyền giữ lại cho mình tất cả mọi của cải mà chúng ta đang có, chứ không muốn san sẻ chia sớt cho các anh em đồng loại của mình, và không một ai có quyền cướp giựt chúng khỏi tay chúng ta. Chỉ ngoại trừ Thiên Chúa: Người luôn có đủ toàn quyền trên mọi của cải đó. Người đã ban tất cả chúng cho chúng ta và Người lại cất khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào tùy Người muốn.

Hơn nữa, chúng ta đong cho ai đấu nào thì chúng ta cũng sẽ được đong lại đấu đó. Luật công bằng và luật nhân quả trong trời đất xưa nay vẫn thế. Và chúng ta cũng cần phải biết rằng hạnh phúc của chúng ta không tùy thuộc vào những gì chúng ta có hay chiếm giữ, nhưng là tùy thuộc vào những gì chúng ta cho đi.

Thưa các bạn, đến đây chúng ta cũng thử nhìn lại bản những án quái gỡ, những hình phạt mà các vua quan ngoại đạo xưa đã xử đối với các Thánh Tử Đạo Việt Nam; hay nói cách khác, chúng ta cũng cần tìm hiểu đâu là những cực hình khủng khiếp mà những kẻ vô đạo đã dùng để hành hạ và tiêu diệt các con cái Thiên Chúa một cách man rợ và bất công.

  1. Bá đao: bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng. Chết cách này co 1 vị.
  2. Lăng trì: bị chặt chân tay trước khi bị chém đầu. Chết cách này có 4 vị.
  3. Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.
  4. Xử trảm" bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.
  5. Xử giảo" bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Chết cách này có 22 vị.
  6. Chết rũ tù" bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.

Một điều quan trọng cần phải ghi nhận nữa, là các Thánh Tử Đạo Việt Nam không chỉ là những người đã từng sống đạo sốt sắng và khi bị bắt bớ, bị hành hạ và vẫn luôn một dạ can đảm trung thành với Đức Tin vào Đức Kitô của mình cho đến chết, nhưng chính trong khi bị gông cùm xiềng xích, bị tra tấn đánh đập tàn bạo, đến tan nát cả thân mình, các ngài luôn là những nhân chứng hùng hồn cho tinh thần yêu thương của Phúc Âm bằng sự thông cảm tha thứ, bằng sự hài hòa, bằng sự nhẫn nhục, noi gương Thầy Chí Thánh khi bị treo trên thập tự giá đã cầu nguyện cho các lý hình của mình: "Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm!"

Quả vậy, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã không hề mở miệng kêu ca phàn nàn hay nguyền rủa các lý hình đã hành hạ đánh đập mình một cách tàn bạo và bất công. Trái lại, các ngài vẫn luôn vui vẻ và khoan hậu với hết mọi người, thương giúp và an ủi các bạn tù. Bà Rosa Hun khi làm chứng về Thánh Đa-minh Ninh đã phát biểu: "Tôi thấy anh bị nhốt tù tại Đông Vi. Tuy mang gông cùm xiếng xích nặng nề, anh vẫn vui vẻ tươi cười." Hoặc như Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành, khi người con gái bà là cô Lucia Nụ đến thăm bà trong ngục, thấy y phục mẹ loang lỗ máu me, do bị những trận đòn chí tử trước đó, cô liền thương mẹ khóc nức nỡ, thì Thánh Nữ liền an ủi con bằng những lời hóm hính vui tươi: "Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy mà, mẹ vui lòng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc!"

Thật đúng, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã hoàn toàn trở nên giống như những con chiên hiền lành, không hề mở miệng lên tiếng khi bị điệu đến thợ xén lông.

Kết luận

Gương anh hùng tử đạo của các bậc cha anh chúng ta thật cao vời khôn kể xiết. Hôm nay là ngày Đại Lễ kính nhớ các ngài, nhưng vì thời giờ hạnh hẹp, nên chúng ta chỉ có thể nhắc lại một vài nét sơ qua về tấm gương kiên trung dũng cảm, cũng như đời sống đầy từ bi bác ái vị tha của các ngài để chúng ta là con cháu, là hậu duệ của các ngài, cùng cảm tạ Chúa, cùng vui mừng hãnh diện và đồng thời cùng kiểm điểm lại thái độ sống Đức Tin của chúng ta, liệu có xứng đáng với danh nghĩa là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam anh hùng hay không!

Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria - qua lời bầu cử đắc lực của các Thánh Tử Đạo Việt Nam – ban cho tất cả chúng ta. Cho Giáo Hội Việt Nam và cho toàn thể dân tộc Việt Nam chúng ta mọi ơn phúc Thiên đàng.

Sách tham khảo"
1. Vinh-Sơn Trần Ngọc Thụ, Giáo Hội Việt Nam, quyển II, Roma 1991.
2. Hạnh tích các Thánh – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, theo Năm Phụng Vụ

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.11.2007. 15:28