Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nguyện cho danh Chúa được tôn vinh!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh (Năm A)
(Ga 17,1-11)

Chúng ta nghĩ gì và cảm thấy thế nào, khi nghe đến tiếng "tôn vinh", "vinh hiển"?

Có lẽ các bạn cũng đã ghi nhận được nội dung của những ý tưởng trong câu hỏi đó? Trong bài Tin Mừng hôm nay tiếng tôn vinh hay vinh hiển được nhấn mạnh một cách đặc biệt. Chỉ trong câu đầu đã được nhắc đến hai lần, và trong toàn bản văn chỉ có mười một câu đã dùng tới sáu lần chữ tôn vinh, như chúng ta đã nghe. Có một lần tôi đã hỏi trong những người bạn bè thân quen là họ nghĩ gì về chữ tôn vinh, hay vinh hiển? Hầu như tất cả đều do dự khi trả lời. Cuối cùng, có hai ý nghĩa của tất cả các câu trả lời đã gây chú ý nhất, đó là: "Người ta chỉ thực sự cảm nhận được vinh hiển, khi sự tôn vinh cùng mọi sự đã qua đi, đã xong xuôi rồi!" Và: "Tôn vinh là sự tuyên dương, là hình thức biểu lộ tình cảm tự đắc của con người!"

Qua những câu trả lời như thế, tôi cảm nghiệm được rằng: Sự tôn vinh hay vinh hiển không phải là điều gì thực sự thuộc về loài người chúng ta. Ðối với chúng ta đó chỉ là một cái chi thuộc về quá khứ đã qua, là một cái chi đến và dừng lại trong ít lâu và rồi lại vội qua đi. Nói cách khác, có một khoảnh khắc nào đó người ta cảm thấy được vui vẻ hạnh phúc, nhưng sự hạnh phúc hay sự vinh hiển đó không kéo dài lâu. Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng, sự vinh hiển của con người cũng giống như một vườn hoa, tươi nở đủ muôn màu, nhưng rồi lại qua mau, hay như một nền văn hóa đầy rực rỡ trong quá khứ mà nay chỉ còn được truyền tụng trong những sách vở mà thôi. Vậy, sự vinh hiển chân thật và trường cửu là một cái chi thuộc thế giới bên kia, là một cái chi thần thiêng, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và là một cái chi nằm ngoài tầm tay nhân loại của chúng ta, bao lâu chúng ta chưa đạt tới cuộc sống viên mãn!

Chính đó cũng là quan điểm Thánh Kinh: Hạnh phúc hay vinh hiển thực sự chỉ phát xuất từ Thiên Chúa. Tiếng vinh hiển được dịch từ tiếng gốc Do-thái là "kabod" có nghĩa là ánh sáng, rạng rỡ, trong sáng, đẹp, và sức nặng. Ðiều đó có liên quan với hiện tượng sấm chớp trong thiên nhiên, mà người xưa cho là sự tỏ hiện quyền năng cao cả của Thiên Chúa, đầy hấp dẫn, đầy kính sợ và đồng thời cũng rất nguy hiểm!

Như vậy chúng ta thấy rằng tất cả những gì có tương quan với chữ vinh hiển và tôn vinh được đề cập tới trong Thánh Kinh nói chung và trong bản Tin Mừng thứ bốn nói riêng, thật đáng ngạc nhiên: "Lạy Cha giờ đã đến. Xin Cha hãy tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17,1b). Ở đây, "giờ" mà Ðức Giêsu nói tới, là chính cuộc khổ nạn của Người, là án tử của Người. Cái chết nhục nhã trên thập giá là một thảm trạng trước con mắt nhân loại, nhưng lại là sự tôn vinh của Ðức Giêsu và đồng thời là sự tôn vinh của Thiên Chúa, bởi vì qua đó toàn thể nhân loại được cứu thoát và tình yêu Thiên Chúa mới có thể được mặc khải ra một cách trọn vẹn.

Việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Ðức Giêsu như một người cha đầy lòng yêu thương và tha thứ, đã xóa bỏ hoàn toàn cái hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, mà trong quá khứ thường được trình bày với đầy tính cách đe họa và đáng sợ, đối với thánh sử Gioan là vô cùng quan trọng cho cuộc sống con người chúng ta. Ðức Giêsu đã nói: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Ðức Giêsu Kitô!" (Ga 17,3). Ai tin nhận Ðức Giêsu, ai đi theo con đường của Người – đó là sứ điệp của thánh sử Gioan – thì sẽ cảm nghiệm được Thiên Chúa là Người Cha đầy lòng yêu thương, đầy cảm thông và luôn săn sóc lo lắng, và nhất là sẽ đạt tới được sự sống đời đời, một sự sống luôn mang đầy ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống!

Dĩ nhiên thánh sử Gioan không chỉ nghĩ tới một cuộc sống bên kia cái chết mà thôi, nhưng là một cuộc sống đầy ý nghĩa ở đây và ngay bây giờ, một cuộc sống còn bao la cao cả, chứ không chỉ là một cuộc sống theo nghĩa thực vật; một cuộc sống còn muôn phần rộng lớn, chứ không phải là một cuộc sống chỉ quanh quẩn trong những lo lắng tìm kiếm lợi lộc trước mắt, chạy theo danh vọng hay những thú vui và những an ủi hoàn toàn thuộc cảm năng thể xác, v.v… những thứ sẽ qua đi mau chóng và chỉ để lại sự trống vắng và thiếu thốn không sao lấp đầy!

Chắc chắn tất cả những điều đó thuần túy là lý thuyết. Và dĩ nhiên, tôi cứ tự hỏi – có lẽ các bạn cũng thế - là ở đâu con người chúng ta có thể nắm vững được tất cả những điều đó ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta? Thánh sử Gioan khuyên chúng ta: Hãy nhận biết Ðức Giêsu! (x. Ga 17, 3). Sự nhận biết và tin kính Ðức Giêsu là phương cách hiệu nghiệm và chắc chắn duy nhất giúp chúng ta tìm gặp được cuộc sống đầy ý nghĩa đó! Nhưng chữ "nhận biết" theo nghĩa Kinh Thánh không chỉ đơn giản là sự chấp thuận và hiểu biết của trí năng, nhưng là với toàn diện sự hiện hữu, với cả trí năng, tâm tư ý muốn và với cả tâm hồn. Ai biết tin nhận Ðức Giêsu như thế, thì – theo lời hứa trong bản Tin Mừng hôm nay - sẽ cảm nhận được rằng cuộc đời của mình thật vô giá và mang đầy ý nghĩa, bởi vì nó được ôm ẵm và được che chở trong đôi tay đầy tình phụ tử và mẫu tử, và bởi một quyền năng sức mạnh hơn cả sự chết!

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.05.2008. 08:43