Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người ta bảo Thầy là ai?

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên, ngày 24 tháng 8, của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap.

Roma, ngày 22/8/2008 (Zenit.org). - Trong nền văn hóa và xã hội ngày nay có một thói quen có thể giúp chúng ta hiểu Tin Mừng Chúa Nhật này: các cuộc thăm dò dư luận.

Chúng được dùng ở khắp nơi, nhưng đặc biệt là trong các lãnh vực chính trị và thương mại. Một hôm Chúa Giêsu cũng muốn làm một cuộc thăm dò dư luận, nhưng với mục đích khác – như chúng ta sẽ thấy. Người không làm vì lý do chính trị mà vì lý do giáo dục.

Khi đến vùng Xêdarê Philliphê, là vùng cực bắc của Israel, trong lúc Người nghỉ xả hơi một mình với các tông đồ, Chúa Giêsu hỏi các ông một cách thẳng thừng: “Người ta bảo Con Người là ai?”

Dường như các tông đồ nghĩ rằng Người không hỏi gì hơn là muốn các ông tường trình về những điều mà dân chúng nói về Người. Các ông trả đã lời: “Người thì nói là Gioan Tẩy Giả, người khác thì nói là Êlida, lại có người nói là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ.”

Nhưng Chúa Giêsu không quan tâm đến việc đo lường danh tiếng của Người hay dân chúng tôn trọng Người đến mức độ nào. Mục đích của Người hoàn toàn khác. Cho nên tiếp theo câu hỏi thứ nhất, Người hỏi ngay câu thứ hai: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Câu hỏi thứ hai thật bất ngờ làm cho các ông hoàn toàn bối rối. Im lặng các ông đứng đó nhìn nhau. Trong tiếng Hy Lạp, rõ ràng là tất cả các tông đồ đồng thanh trả lời câu hỏi thứ nhất, và chỉ có một người, Simon-Phêrô, đã trả lời câu hỏi thứ hai: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”

Giữa hai câu trả lời có một bước nhảy vọt không lường được, “một sự hoán cải”. Để trả lời câu hỏi thứ nhất người ta chỉ cần nhìn chung quanh, trong khi lắng nghe ý kiến của dân chúng. Nhưng để trả lời câu hỏi thứ hai, thì cần phải nhìn vào mình, lắng nghe một tiếng nói hoàn toàn khác, một tiếng nói không đến từ xác thịt hay máu huyết, nhưng từ Chúa Cha trên Trời. Thánh Phêrô đã được soi sáng “từ trên cao”.

Đây là một lời công nhận rõ ràng đầu tiên về căn tính của Chúa Giêsu Thành Nadareth trong các Tin Mừng. Một hành động công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô lần đầu tiên trong lịch sử! Hãy nghĩ đến những làn sóng do một con tàu lớn tạo ra trên mặt biển. Làn sóng này lan rộng lúc chiếc tầu di chuyển cho đến khi mất dạng ở chân trời. Nhưng nó bắt đầu từ một điểm duy nhất, là chính con tàu. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng giống như thế. Nó là một làn sóng được lan rộng khi di chuyển qua dòng lịch sử, cho đến “tận cùng trái đất”. Nhưng được bắt đầu ở một điểm duy nhất. Và điểm ấy là hành động tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”

Chúa Giêsu dùng một hình ảnh khác, ám chỉ sự bền vững hơn là di động. Một hình ảnh theo chiều dọc thay vì theo chiều ngang. Đó là hình ảnh của một tảng đá: “Con là Phêrô (Đá) và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy.”

Chúa Giêsu đã đổi tên -- như thường xảy ra trong Thánh Kinh khi một người lãnh nhận một sứ vụ quan trọng -- từ Simon ra Kêpha, Phêrô - - “đá.”. Tảng đá thật, “tảng đá góc tường” vẫn là Chúa Giêsu. Nhưng một khi Người đã sống lại và lên trời, thì “tảng đá góc tường” này, mặc dù hiện diện và hoạt động, lại vô hình. Cần phải có một dấu hiệu để đại diện Người, một dấu hiệu làm cho Đức Kitô, Đấng là “nền tảng không thể lay chuyển” thành hữu hình và có hiệu quả trong lịch sử. Và dấu hiệu đó chính là Phêrô, và sau ngài, là người thay thế ngài, Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, như thủ lãnh của tông đồ đoàn.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với tư tưởng về thăm dò dư luận. Cuộc thăm dò dư luận về Chúa Giêsu, như chúng ta đã thấy, xảy ra trong hai gia đoạn, và có hai câu hỏi khác biệt: thứ nhất, “Người ta bảo Thầy là ai?”, và thứ hai: “Phần các con, các con nói Thầy là ai?”

Chúa Giêsu dường như không coi những điều người ta nghĩ về Người là quan trọng mấy. Người muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Người. Người lập tức đòi các ông phải nói cho mình. Người không cho các ông nấp sau những ý kiến của người khác. Người muốn các ông nói ra ý kiến của chính các ông.

Hầu như trường hợp hoàn toàn giống như trường hợp này cũng được lập lại hôm nay. Ngày nay, “người ta”, dư luận quần chúng, cũng có những ý tưởng về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hợp thời trang. Hãy nhìn những gì đang xảy ra trong thế giới văn chương và giải trí. Không một năm nào mà không xuất hiện những tiểu thuyết hay phim ảnh với cái nhìn méo mó và phạm thánh về Chúa Giêsu. “Da Vinci Code” của Dan Brown là trường hợp nổi tiếng nhất và đã làm cho rất nhiều người bắt chước.

Rồi lại có những người nửa chừng giống như những người trong thời Chúa Giêsu coi Người là "một trong các ngôn sứ". Người được coi là một nhân vật hấp dẫn, có thể được đặt ngang hàng với Socrates, Gandhi, Tolstoi. Tôi chắc chắn rằng Chúa Giêsu không coi thường những câu trả lởi này, bởi vì Thánh Kinh nói về Người là “cây sậy bị dập, Người cũng không bẻ gẫy, tim đèn còn bốc khói, Người cũng không dập tắt”, có nghiã rằng Người biết thưởng thức mọi cố gắng chân thành của loài người.

Nhưng, khi nói lên sự thật thì những quan niệm này về Chúa Giêsu dường như không chỉnh lắm ngay cả theo quan điểm của loài người. Gandhi hay Tolstoi chưa bao giờ nói: “Ta là đường, là chân lý và là sự sống,” hoặc “ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy.”

Đối với Chúa Giêsu, chúng ta không được ở giữa đường: hoặc Người là Đấng như Người đã nói, hoặc Người không phải là một vĩ nhân, nhưng là tên khùng vĩ đại được đề cao trong lịch sử. Không có chuyên nửa chừng. Có những biệt thự và những cấu trúc làm bằng kim khí -- tôi tin là Tháp Eiffel ở Paris là một -- được xây dựng một cách mà nếu bạn chạm đến một điểm nào đó, hay lấy ra một phần tử nào đó, thì tất cả sẽ xụp đổ. Công trình của Đức Tin Công Giáo cũng thế, và điểm nóng này là thiên tính của Đức Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng chúng ta hãy để những câu trả lời của dân chúng sang một bên, và hãy nhìn đến chúng ta là các tín hữu. Tin vào thiên tính của Đức Kitô chưa đủ, mà còn phải làm nhân chứng cho đức tin ấy. Ai biết Người mà không làm chứng cho đức tin này, lại còn cho che giấu nó, thì phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa nhiều hơn những người không có đức tin này.

Trong một cảnh của bi kịch “Người Cha bị Nhục,” của Paul Claudel, một đứa trẻ Do Thái, rất đẹp nhưng bị mù, khi ám chỉ hai ý nghĩa khác nhau của ánh sáng, hỏi một người bạn Kitô giáo: “Bạn là người thấy được, bạn đã dùng ánh sáng để làm gì?” Đó cũng là câu hỏi được đặt ra cho tất cả chúng ta, những người tự nhận là tín hữu.

Lm Raniero Cantalamessa, OFM Cap

- Who Do You Say I Am? [2008-08-22]
Gospel Commentary for 21st Sunday in Ordinary Time

Phaolô Phạm Xuân Khôi
(chuyển ngữ từ Tiếng Anh với nhuận chính từ bản Tiếng Pháp)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.08.2008. 10:39