Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người nữ bị bỏ rơi với ... tội phạm chung với người nam

§ Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chúa Nhật V/C Mùa Chay

LỜI CHÚA: Gioan 8,1-11

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan. Các Luật Sĩ và Biệt Phái hỏi Đức Chúa GIÊSU: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Maisen, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Vì họ cứ hỏi mãi, nên Đức Chúa GIÊSU bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Đức Chúa GIÊSU với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU bảo nàng: “Những người tố cáo chị đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy không có ai!” Đức Chúa GIÊSU bảo: “Thầy cũng thế, Thầy không kết tội con. Vậy con hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”

SUY NIỆM

Theo luật Do-thái-giáo, như được trình bày trong sách Lêvi đoạn 20 câu 10: “Bất cứ ai phạm tội ngoại tình với một phụ nữ đã có chồng, và bất cứ ai phạm tội ngoại tình với vợ của người khác, thì cả người đàn bà ngoại tình lẫn người đàn ông đó đều bị tử hình”.

Tuy nhiên, về sau, trong chiều hướng kỳ thị nữ giới, người ta bóp méo luật và chỉ ném đá giết chết người đàn bà ngoại tình, còn người đàn ông ngoại tình thì không bị hình phạt nào cả, hoặc chỉ bị phạt một số tiền tượng trưng.

Thái độ của Đức Chúa GIÊSU trong trình thuật Tin Mừng trên đây quả là “cách mạng” đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó. Ngài bênh vực người yếu thế và vạch trần cái bất công mà người phụ nữ phải chịu cũng như thái độ giả hình của những kẻ muốn trừng phạt người phụ nữ tội lỗi.

Trong chiều hướng ấy, đoạn Phúc Âm trên đây vẫn giữ nguyên tính cách đặc biệt thời sự. Cũng vì thế, trong tông thư “Mulieris Dignitatem” về Phẩm Giá và Ơn Gọi của phụ nữ, công bố nhân dịp Năm Thánh Mẫu 1988 (15-8-1988), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã dành số 14 của chương thứ 5 để chú giải về đoạn Phúc Âm này. Đức Thánh Cha viết:

Đức Chúa GIÊSU đi thẳng vào trạng huống lịch sử thực tiễn của người nữ, một trạng huống phải gánh chịu từ gia sản của tội nguyên tổ. Gia sản này được biểu lộ trước tiên nơi thái độ kỳ thị nữ giới. Về điểm này, đoạn Phúc Âm về người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình là một đoạn văn hùng hồn nhất. Vào đoạn cuối, Đức Chúa GIÊSU nói với người phụ nữ: “Con đừng phạm tội nữa”, nhưng trước đó, Ngài khơi động ý thức về tội nơi những người đàn ông tố cáo nàng để ném đá nàng. Làm như thế, tức là Đức Chúa GIÊSU biểu lộ rằng, Ngài nhìn thấy sự thật tận nơi sâu thẳm lương tâm và nơi những hành động của con người. Hình như Đức Chúa GIÊSU nói với những kẻ tố cáo rằng: “Phụ nữ này với trọn tội lỗi của nàng, phải chăng cùng lúc cũng biểu lộ và nhất là cho thấy những vi phạm của chính các ông, những bất công “nam giới” và những lạm dụng của các ông?

Đây là một sự thật có giá trị cho tất cả mọi người. Câu chuyện mà Phúc Âm theo thánh Gioan đã kể lại trên đây, có thể tái diễn trong vô số hoàn cảnh tương tự ở mọi thời đại.

Người đàn bà bị bỏ một mình, bị phơi bày trước dư luận quần chúng với “tội lỗi của nàng”, nhưng sự thật thì, đàng sau tội lỗi của riêng nàng, còn có người đàn ông tội lỗi nữa, đồng phạm, đồng chịu trách nhiệm về tội lỗi đó. Vậy mà, tội lỗi của người đàn ông thì không lôi kéo chú ý, được trôi qua trong im lặng, như thể người đàn ông không có trách nhiệm gì về “tội lỗi ngoại tình ấy”!

Đôi khi, người đàn ông còn nhắm mắt trước tội lỗi của chính mình và đã trở thành người tố cáo người khác, như Phúc Âm đã kể lại.

Có biết bao nhiêu lần người phụ nữ đã phải trả giá cho tội lỗi của mình như thế! Nàng phải đền tội một mình mặc dù tội hai người phạm chung. Biết bao nhiêu lần, người phụ nữ bị bỏ rơi với bào thai trong dạ, vì người cha của thai nhi đã hèn nhát không muốn chấp nhận nhiệm vụ làm cha của mình. Và bên cạnh nhiều bà mẹ độc thân trong xã hội ngày nay, chúng ta còn phải nghĩ tới tất cả những phụ nữ trục xuất bào thai của mình, rất nhiều khi chỉ vì những áp lực khác nhau, kể cả áp lực của người đàn ông tội lỗi tác giả bào thai đó! Dư luận quần chúng ngày nay tìm nhiều cách để xóa bỏ tính cách xấu xa của tội phá thai đó, nhưng nhiều khi lương tâm người phụ nữ không thể quên rằng mình đã tước đoạt sự sống của chính đứa con mình!

Thái độ của Đức Chúa GIÊSU trong bài Phúc Âm theo thánh Gioan này thật ý nghĩa. Đây là một trong những lúc mà Chúa bày tỏ uy quyền - uy quyền hiểu biết sự thật - khi đối diện với lương tâm con người. Đức Chúa GIÊSU rất điềm tĩnh, trầm lặng và suy tư. Tư tưởng của Chúa, ở đây cũng như trong bài nói chuyện với nhóm Biệt Phái về hôn nhân, rất gần với mầu nhiệm tạo dựng thưở ban đầu, khi THIÊN CHÚA dựng nên loài người, một nam một nữ. Người nữ được trao phó cho người nam trong nét khác biệt nữ-tính cũng như trong khả năng làm mẹ của mình. Người nam cũng được Đấng Tạo Hóa trao cho người nữ. Họ được trao phó cho nhau với tư cách là những người được dựng nên giống hình ảnh THIÊN CHÚA. Dựa trên nền tảng này, thì nhân phẩm của người nữ tùy thuộc trực tiếp nơi chính người nữ, như là một chủ thể hoàn toàn có trách nhiệm và cùng lúc, được trao cho người nam. Như thế, Đức Chúa GIÊSU chỉ làm điều hợp lý, khi Ngài nhắc nhở bổn phận của người đàn ông. Do đó, mỗi người đàn ông phải tự kiểm điểm xem, người đàn bà được trao phó cho mình, có cùng nhân vị như mình, trong tư cách làm vợ, phải chăng đã bị biến thành trong tâm lòng mình một đồ vật ngoại tình, một dụng cụ để hưởng thụ và khai thác?

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.03.2010. 15:54