Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người làm vườn kiên nhẫn

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Suy Niệm Lời Chúa CN 3 Mùa Chay C

Nếu theo khoa học, thì không thể tin là một bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi. Nhưng bụi gai bốc cháy trong sách Xuất Hành (Xh 3, 1-8a.13-15) không cố ý nói đến chuyện ngược đời, chuyện phản khoa học, mà là một hình tượng nói đến một tác động của Thiên Chúa.

Tác động ấy chính là ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu không hình dung được, nhưng ngọn lửa có thể thấy. Trong bài đọc 1, sách Xuất Hành, Môi sê đã thấy ngọn lửa, ngọn lửa của Thiên Chúa, và qua đó, ông được nghe điều Thiên Chúa muốn nói: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." Và: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." (Xh 3,5-6)

Rồi Môi sê đã lãnh nhận một sứ vụ:

“Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập." (Xh 3,10)

Bụi gai vô tri kia, đã được tình yêu Thiên Chúa chạm đến và đặt lên ấy một tác động thiêng thánh, trổ sinh ơn giải thoát cho cả và dân nô lệ ở Ai Cập được giải thoát. Bụi gai hồn nhiên của Môisê cũng đã lặng mình trước uy nghi rực rỡ để cho tình yêu Thiên Chúa sai đi và hồn nhiên chấp nhận thiên ý để chu toàn sứ vụ với niềm tin vào Chúa: "Ta sẽ ở với ngươi”. (Xh 3,12)

Còn bụi gai tôi? Tôi có bằng lòng để tình yêu đốt cháy, và tin rằng, tình yêu Thiên Chúa đốt cháy nhưng không thiêu rụi, nhưng ngược lại, qua đó, Thiên Chúa dùng tôi như khí cụ bình an, khí cụ giải thoát của Ngài cho tôi, và cho nhiều người.

Tôi còn hơn một bụi gai. Vì Thiên Chúa đã sinh ra mỗi người trên trần gian như người chủ vườn trồng trong vườn mình một cây mới, cây sinh hoa sinh quả. Sự hiện hữu của tôi là bởi Đấng Hiện Hữu, Đấng Hằng Hữu. Ngài san chia cho tôi sự hiện hữu. Vì thế, sự hiện hữu của tôi luôn lệ thuộc vào Ngài. Và chỉ có kết hợp với Ngài, hồn nhiên chấp nhận để Ngài tác động, cây cuộc đời tôi mới có sức sống, mới có phát triển.

Trong khi đó, tôi cứ ngỡ sự hiện hữu của tôi là “sở hữu của tôi, là bởi tôi” mà tôi quên rằng tôi thuộc về Thiên Chúa, tôi là sở hữu của Thiên Chúa. Tư tưởng vô thần dạy tôi phủ nhận chân lý ấy để tôi không màng đến Thiên Chúa, và đặt hết tin tưởng vào sức riêng của mình. Nhưng Thánh Phaolô nhắc nhở: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).

Quả thật, có khi tôi quên, có khi cố tình quên, có khi cả đời tôi quên Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu và tình yêu Ngài đang tác động trong tôi. Tôi cứ tưởng mình đứng vững. Tôi cứ tưởng tự mình có thể phát triển, có thể xanh tươi, có thể trổ sinh hoa quả.

Bài tin mừng hôm nay, nói rõ hơn ý định của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, về thí dụ cây vả.

“Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. “Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi." (Lc 13,6-9)

Chúa Giêsu muốn nhắc đến sứ mệnh của Ngài là người làm vườn của Thiên Chúa. Ngài chăm sóc cho từng cây vả, trong đó có cây vả linh hồn tôi. Thiên Chúa đã đòi chặt tôi đi rồi nhưng người làm vườn xin giữ lại để ra công chăm bón.

Không chỉ có tôi, mà cả và loài người kia vẫn đang được Thiên Chúa trì hoãn cơn thịnh nộ, nhờ sự can thiệp của Chúa Giêsu. Ngài xin trì hoãn để mong chờ con người nhờ Ngài mà hoàn thiện bằng cách “sám hối và tin vào Phúc âm”. Không chỉ xin trì hoãn một năm, mà cả một đời người. Ngài vẫn chờ vẫn đợi sám hối, không chỉ là dừng chân vô đạo mà còn là để chờ đợi những mầm búp thiêng liêng thánh thiện trổ sinh nơi cuộc đời mỗi con người chai lỳ, kiêu căng, vô ơn, bất tín.

Nhưng, thói thường, có cả thói thường của tôi, vẫn nhìn tha nhân trong cơn ngặt nghèo, trong lúc túng quẩn, trong hồi hoạn nạn như là một hình phạt của Thiên Chúa. Có khác gì đâu với cách nhìn của những người Pharisieu ngày xưa đối với việc 18 người bị tháp Siloe đè chết thảm thương.

Tôi chợt nhớ một bài hát:

“Trong cuộc đời, có những lúc đôi mắt thấy người tội lỗi, mà miệng vội cười chê. Đừng tưởng mình siêu thánh hơn ai. Đừng tưởng người tội lỗi ứ đầy. Nếu không ăn năn thì cuộc đời ta sẽ chung phận thương đau. Hãy lo ăn năn để được tình thương Chúa tha tội thân ta…”

Nhìn vào thực tế đời sống đạo hôm nay, chúng ta đang vẫn theo cách sống đạo cũ rích trong ngàn năm mới. Cái cũ rích của lòng lòng kiêu ngạo tự mãn tự ngàn xưa của nguyên tổ, vẫn từ chối chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa. Cái cũ rích của lòng ích kỷ vốn đã thành tường lũy kiên cố trong mỗi tâm hồn, không dễ gì thoát ra được khỏi vỏ ốc mà đến với tha nhân, nhưng ngược lại, là tham nhũng, là thu gom tất cả về cho mình, rồi khóa cửa lòng mình lại. Cái cũ rích của cách quan quyền, học thức, chức vụ trong đời, trong đạo, như chiếc áo lộng lẫy che đậy cái mình trần vốn dĩ chưa thoát nỗi những nhu cầu hạ cấp… Cái cũ rích của một thời lấy cái xà trong mắt anh em mà quên cái rác trong mắt mình….

Chúa Giêsu bảo mọi người phải ăn năn sám hối: không chỉ biết là mình đã phạm tội với Chúa và với anh em, mà còn phải tiến lên trong đời sống các nhân đức. Cây vả linh hồn phải trổ sinh hoa trái nhân đức tin, cậy mến. Cây vả đời sống con người trần thế phải trổ sinh hoa trái khiêm nhường, bác ái…

Bụi gai phải chấp nhận để ngọn lửa tình yêu thiêu rụi, mỗi chúng ta cũng chấp nhận để Thiên Chúa tác động, mới mong thực hiện nỗi ước mong của Chúa Giêsu, “người làm vườn” của Thiên Chúa là trổ sinh hoa trái đúng mùa.

Ý tưởng sau cùng, thiết nghĩ không dám quên: Từ cây vả của đời mình, nhớ đến cây Thánh Giá, là cây “dìm dà im mát bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ nhành lá búp bông hoa quả. Từ xưa nhẫn nay cây nào dám ví bằng cây Thánh Giá, vì cây Thánh Giá chở mình Chúa cả đóng đinh chịu chết …” (kinh A Rất Thánh Giá).

Kết hiệp với cây Thánh Giá, kết hiệp với đau khổ của Chúa Giêsu, là kết hiệp với Thiên Chúa, là chấp nhận để ngọn lửa tình yêu Chúa đốt cháy…. cây vả cuộc đời mỗi chúng ta mới chắc chắn ra hoa ra quả, và người giữ vườn sẽ mĩm cười sung sướng khẩn cầu Thiên Chúa cho cây vả được sống mãi ngàn thu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là người làm vườn nhân từ và kiên nhẫn, xin cho con dùng mùa chay thánh này như cơ hội đáp trả tình yêu Chúa, bằng lòng sám hối chân thành và trổ sinh hoa trái nhân đức trong những ngày đời còn lại, những ngày được hưởng lòng khoan hồng của Thiên Chúa Cha. A men

Pm. Cao Huy Hoàng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.03.2010. 16:48