Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Chăn Chiên Vô Hình

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Chúa Nhật 4 Ps (A),
Chúa Nhật Chúa Chiên Lành: Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Linh Mục-Tu Sĩ

Dẫn nhập đầu lễ:

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta đang họp nhau cử hành Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành”, mà sứ điệp phụng vụ có nội dung cốt lõi đó là: Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành, nhờ cái chết và sự phục sinh, Ngài đã mang lại cho chúng ta nguồn sống dồi dào.

Cũng chính trong ý nghĩa nầy, Hội Thánh đã chọn Ngày Chúa Nhật hôm nay làm ngày “Quốc Tế cầu nguyện cho ơn gọi linh mục-tu sĩ”. (Hôm nay cũng là ngày cuối cùng trong tuần “9 Ngày cầu nguyện cho ĐTC Gioan Phaolô II”, Vị Mục Tử và là Người Cha vĩ đại của chúng ta mới qua đời hôm 02.04. Chúng ta hiệp cùng toàn thể Dân Chúa cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha, đồng thời cầu nguyện cho cuộc mật nghị Hồng Y vào ngày mai, 18.04, bầu Vị Mục Tử mới trên Ngai Tòa Thánh Phêrô.)

Hôm nay cũng là dịp để chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội có thêm nhiều ơn gọi dấn thân trong chức linh mục và đời sống thánh hiến; đặc biệt cầu nguyện cho Giáo phận, giáo hạt và giáo xứ chúng ta có được nhiều tâm hồn thanh niên thiếu nữ quảng đại và nhiệt thành đáp trả lời mời gọi của Chúa Kitô trên con đường tu trì. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những ai đang dấn thân trên con đường thánh thiện nhưng cũng đầy thử thách gian nan nầy được trung thành mỗi ngày trong chọn lựa của mình để phục vụ Chúa và anh chị em.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành Thánh lễ, xứng đáng sống trọn vẹn ơn gọi của Bí Tích Thánh Tẩy, là nhiệm tích đưa chúng ta vào đời sống siêu nhiên do chính Đức Kitô Vị Mục Tử Nhân Lành dẫn đưa và chăm sóc, chúng ta hãy (đón nhận Nước Thánh với tâm hồn sám hối).

Giảng Lời Chúa:

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong bối cảnh mục vụ của Giáo Hội Việt Nam vào thời điểm thập niên 80: không có chủng viện đào tạo linh mục, không có phong chức, không có nơi để huấn luyện ơn gọi tu trì, nhiều nơi vắng bóng chủ chăn…, trước bức tranh ảm đạm đó, có nhiều kẻ đâm ra bi quan và nhìn đời sống đức tin của Dân Chúa Việt Nam với không ít lắng lo và sợ hải…

Tuy nhiên, nếu quan sát thật gần, thật kỷ nhịp sống đức tin hằng ngày của các cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, thì những nổi bi quan lo lắng gần như tan biến mất. Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự đã thực sự cảm nhận được điều nầy trong bài thơ “NGƯỜI CHĂN CHIÊN VÔ HÌNH” được viết vào ngày 17.08.1980:

Thế ra Ngài là người chăn chiên
Và là người chăn chiên độc quyền
Ngài ở đây từ bao thế hệ
Cho đoàn chiên tung tăng hồn nhiên.
Tôi cứ nghĩ bầy chiên bơ vơ
Bé tong teo, ốm yếu, dại khờ
Tôi phải về mau làm mục tử
Nhưng không thưa Ngài, tôi lầm to
Tôi về đây một chiều mùa hè
Trố mắt nhìn tôi nhìn say mê
Những con chiên no tròn bụ bẫm
Hơn cả khi có kẻ vỗ về
Ôi người chăn chiên vô hình kia
Tôi hiểu ra tôi sẽ chỉ là
Một cái bóng Ngài trên nội cỏ
Một con berger rất dư thừa….

1. Đức Kitô vẫn chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Mà không chỉ hôm nay, thế kỷ nầy, Giáo Hội mới như thế. Đức Kitô Mục Tử, Người Chăn chiên vô hình đã chăn dắt đoàn chiên bé bỏng của Ngài ngay từ thuở ban sơ, ngay từ khi còn trong trứng nước và Ngài vẫn chăn dắt đàn chiên của Ngài như thế trãi dài qua muôn thế hệ. Chúng ta thử đưa mắt theo dấu sách Công Vụ Tông đồ để nhìn về điểm khởi đầu của Hội Thánh.

Khi các Thượng tế Do Thái thành công trong việc đòi tổng trấn Philatô cho bằng được “bản án tử hình Đức Giêsu Nadarét”, thì họ chắc mẩm rằng: cái tổ chức gọi là “Nước thiên Chúa” của tên Giêsu thợ mộc người Nadarét kia vĩnh viễn bị “xóa sổ bụi đời”, và nhóm tông đồ cọng sự viên thân tín quê mùa dốt nát xuất thân từ làng chài Galilê kia rồi cũng sẽ rã đám, chả làm được trò trống gì để đáng quan ngại. Tuy nhiên, hơn 50 ngày sau cái chết của Giêsu, cũng ngay tại thủ đô Giêrusalem, giữa thanh thiên bạch nhật, Phêrô, người tông đồ đã từng sợ hải chối thầy 3 lần trong đêm thầy bị bắt, đã hùng hồn công bố “sứ điệp phục sinh”, làm chứng Đức Giêsu và Vương quốc của Ngài đang thực sự bắt đầu. Và sau bài giảng đầu tiên mang tính “tuyên ngôn thiết lập vương quốc” đó, đã có khoảng 3000 người xin chịu phép rửa để qui tụ thành “một đàn chiên”, để từ đó lớn mãi lớn mãi, cho đến hôm nay đã chiếm lĩnh cả thế giới. (BĐ 1)

Nếu cho rằng, Hội Thánh sở dĩ có mặt, kiện toàn và phát triển là hoàn toàn do những phương thế và yếu tố trần tục thì không nghiêm chỉnh chút nào. Bởi chưng, ngay từ những tháng năm đầu giáp mặt cùng thế giới, thế giới cuồng tín và duy luật của do Thái, thế giới triết lý văn hóa sâu sắc của Hi Lạp, thế giới đa thần, hưởng thụ và và hùng cường của đế quốc Rôma…quả thật “đàn chiên nhỏ” của Đức Kitô chỉ là “hạt bụi, là cỏ dại bên vệ đường lịch sử”, những hạt bụi, những cọng cỏ lại liên tục bị những “bàn chân sắt máu” của con người chà đạp, bách hại thảm thương. Thế nhưng những hạt bụi bé bỏng, những cọng cỏ âm thầm đó cứ tồn tại và lớn lên, cho đến một ngày đã trở nên một “Nhiệm Thể” đĩnh đạt, một “Cây Tùng” tỏa bóng khắp địa cầu. Chỉ có thể cắt nghĩa được “hiện tượng” nầy: đó là nhờ có một sức thiêng, một điểm tựa nhiệm mầu, một bàn tay quyến thế dẫn dắt đỡ nâng, một chiếc gậy uy linh bảo vệ chăm sóc. Bàn tay đó, chiếc gậy đó chính là của “Người Chăn Chiên vô Hình”, của Đức Kitô phục sinh, của Thiên Chúa tình yêu, của Thánh Thần Đấng ban sự sống. Chân lý nầy, sự kiện nhiệm mầu nầy đã làm ngỡ ngàng chàng trai pharisiêu Saulô khi anh ta nhiệt tình với cả bạo lực triệt hạ cái tôn giáo mới nầy, cái đàn chiên “khố rách áo ôm” nầy trong biến cố “ngã ngựa trên đường Damas”. Saulô không ngờ Giêsu Nadarét lại hiện thân ngay nơi các tín đồ của Ngài: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt. Giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi”. Sức lực nào đã bẻ ngoặc cuộc đời Saulô ngoài Đấng Chăn chiên vô hình mà “anh đang tìm bắt bớ” ! Vì thế, cho đến mãi ngàn đời, Hội Thánh vẫn không ngừng hát bài ca Thánh vịnh 22 mà không bao giờ sợ lỗi thời hay không còn giá trị thời gian:

Chúa chăn nuôi tôi, Chúa chăn nuôi tôi. Chúa đưa tôi đi qua mọi nẽo đường. người đưa tôi đi lên núi cao, say sưa gió biển, vui uống suối miền nam, vững tâm qua rừng mịt mù.

Người đưa tôi đi lên vườn trái ngát xanh trên đồi. Người dẫn tôi về tựa trùng dương buông gió dìu mây trời. Người sắp cho tôi yến tiệc thơm hương hoa, Người rót cho tôi ly rượu thắm chan hòa. Đầu tôi Người xức dầu thơm nồng nàn. (Bài ca diễn ý TV 22 của Phanxicô)

Và trên cuộc hành trình theo sau Vị Mục Tử Nhân lành, Người chăn chiên vô hình đầy quyền năng đó, lại cứ đông vui, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi ngày, qua bí tích rửa tội, không chỉ có “3000 người” như hôm Lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, mà là có tới hàng vạn, hàng triệu anh chị em tin nhận Đức Kitô và dấn bước theo Ngài. Qua cái chết và cuộc tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II, Vị Mục Tử thay mặt Đức Kitô trên trần gian vừa qua, chúng ta lại được dịp nhận rõ chính Đức Kitô, Mục Tử nhân lành đang chăn dắt đàn chiên của Ngài như thế đó.

2. Trong đàn chiên của Mục tử Giêsu, ta phải sống thế nào ?

Có một chân lý nền tảng mà đã là kitô hữu, đã là thành viên trong Giáo Hội, ai ai cũng phải chấp nhận: Theo Đức Kitô thì phải dấn bước vào con đường thập giá, phải chấp nhận con đường hẹp và nhất là phải luôn đối diện, gặp gỡ một Đấng Phục sinh. Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta thực hành đến nơi đến chốn chân lý nầy và cứ muốn tìm kiếm một “con đường rộng rãi thênh thang với đầy hoa thơm cỏ lạ”. Chính vì thế, suốt dọc dài lịch sử Hội Thánh, đã có không ít người đã bỏ cuộc, đã thối lui, sau khi đối diện thực sự với thập giá, với Canvê…Với những người đó, Thiên Chúa chỉ có mặt, chỉ can thiệp khi đời họ lên hương, khi may mắn chợt về…và đạo, tôn giáo chỉ là một lúc dừng chân để thư giản; ngoài ra chả cần quan hệ, gặp gỡ một Đấng vô hình nào cả. Nếu có quan hệ, có gặp gỡ chăng chỉ là để khấn vái, chạy chọt xin xỏ một điều gì đó mà hiện tại khả năng của mình chưa thể thực hiện được. Quả thật, những người nầy đã “bôi bác” nhiệm tích rửa tội mà họ nhận lãnh, đã hạ thấp phẩm giá Kitô hữu mà họ được vinh dự mang tên, và đã tự làm nghèo nàn đi cái mối quan hệ sống động và đầy thân thương giữa mình và Thiên Chúa, giữa cuộc sống mình và sự chăm sóc đầy tế nhị thân thương của Vị Mục Tử Nhân Lành.

Trong khi đó, cũng có không ít người đã lý luận: Ở trong đàn chiên làm gì cho mệt. Cứ tự do bay nhảy bên ngoài không sướng sao. Cũng vì lý luận như thế mà “con cừu của ông Séguin” đã bỏ mạng bên bờ suối vắng vì đã tự ý bỏ đàn tung tăng một mình giữa rừng khuya. Không, chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta hoàn toàn được giải thoát để sống trong môi trường tự do của con cái Thiên Chúa. Bởi vì Đấng chúng ta tin thờ chính là Đường, Sự thật và là sự sống, Ngài là Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh tất cả vì đàn chiên, cả đến mạng sống. Chúng ta đừng quên rằng mục đích của chương trình cứu độ được thực hiện trong Đức Kitô đó là đem lại sự sống thần linh cho con người, vốn đã bị đánh mất do tội lỗi. Tin nhận Đức Kitô, đi trên con đường của Ngài, qua lối cổng là chính Ngài, con người sẽ gặp được hạnh phúc đích thực. Vì Ngài “đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào”.

Và nếu có ai đó đã hơn một lần ngã quỵ vì thương tích của lỗi lầm yếu đuối, thì hãy tin rằng Ngài sẽ đến nâng dậy và băng bó những vết thương để cùng Ngài tiếp tục tiên bước.

Nếu có ai đó đã, đang hay sẽ từng bị dập vùi vì những đoạn trường khổ đau của cuộc đời…thì hãy tin rằng Đức Kitô đang đến để vác lên vai và ân cần chăm sóc…

3. Và thế giới hôm nay đang cần những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Nhưng cũng đã 2000 năm, Người chăn chiên vô hình Giêsu lại không ngừng sai đến những mục tử môn sinh, những “cánh tay và chiếc gậy nối dài” của Ngài để chăm sóc đàn chiên mỗi ngày mỗi đông và cũng sinh ra lăm điều phức tạp. Chính vì thế, vẫn mãi mãi cần những Phêrô, những Gioan, những Giacôbê, những Maria Mađalêna, những Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Anrê Phú Yên, Têrêxa Calcutta, Gioan-Phaolô II…Chính vì thế, Ngài đã từng căn dặn chúng ta: “Lúa chión đầy đồng, thợ gặt lại ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến trên đồng lúa…”. Cho nên hôm nay, Giáo Hội lại một lần nữa tha thiết nguyện cầu cho ơn kêu gọi linh mục-thánh hiến, cầu nguyện cho Giáo Hội có những tâm hồn quảng đại và anh hùng “sẵn sàng đập bể bình dầu thơm cuộc đời để xức chân cho Chúa, để làm rực lên mùi thơm cho ngôi nhà Giáo Hội” (Tông huấn Đời Thánh Hiến của ĐTC G.P II)

Và tất cả chúng ta cũng có thể mượn lời thơ của Cha Trăng Thập Tự để thân thưa với Chúa rằng:

Và tôi cũng là một con chiên
Còn Ngài mới là người chăn chiên
Và tôi thích rồi như vậy mãi
Để Ngài đưa tôi đi bằng yên.
Lối quanh co và thung lũng sâu
Suối trong veo đồng xanh một màu
Tôi sẽ chạy theo cây gậy Ngài
Ở bên Ngài tôi lo gì đâu.
Nếu khi nào tôi lỡ lạc xa
Thì Người chăn chiên vô hình ạ,
Xin hãy đánh tôi bằng gậy hiền
Và lôi tôi về với đoàn chiên.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.04.2008. 18:03