Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngôn Sứ (CN3C)

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 3 thường niên C.

Từ chuyện cũ trong Cựu Ước bên Do Thái mà nghiệm lấy chuyện bây giờ, nơi đây...

Khi suy niệm ba bài đọc trong phần Lời Chúa hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn và có cả nỗi xấu hổ, nhục nhã cho tôi, cho Giáo Hội tôi tại đất nước tôi.

Xấu hổ vì một ông Ét-ra đã chu toàn vai trò ngôn sứ của mình trước mắt toàn dân, đã mạnh dạn lên tiếng ca tụng quyền năng vô biên của Chúa, và đã được toàn dân đồng tình hưởng ứng sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa.

Trong khi tại đất nước mà người ra ngợm, ra quỉ, ra ma đang giơ chân đạp mũi nhọn, đang thẳng tay tát vào mặt Thiên Chúa với lời thách thức ngạo nghễ, thì các ngôn sứ của Chúa vẫn lặng lờ như thể chuyện ấy không hề hấn gì tới mình. Đã không lên tiếng, lại còn bào chữa, hoặc đã không lên tiếng lại còn lên án hoặc thách thức những người thấp cổ bé miệng như ếch ngồi đáy giếng kêu chẳng thấu trời. Làm sao sánh được với vinh dự của Ông Et-ra vài ngàn năm xa trước ?

“Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. 6 Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: "Amen ! Amen !" Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy ĐỨC CHÚA. ( Nkm 8, 5 – 6 ) ( x. Nkm 8, 2 – 4a . 5 – 6 . 8 – 10 )

Xấu hổ vì thân phận bần dân hạ đẳng của chúng tôi trước mắt thần quyền và thế quyền có vẻ như toa rập nhau để cùng chà đạp phẩm vị làm người và làm người Công Giáo. Trong khi đó, Thánh Phaolô thì không xem thường bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, nhất là những thành phần thấp bé. Ngược lại, ngài còn dạy rằng tất cả đều cùng một “đức tin, một phép rửa, trong cùng một Thần Khí và trong một thân thể duy nhất”.

Lý luận của ngài thật dễ hiểu đến nỗi đứa con nít cũng hiểu được: “Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được ? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày." ( 1Cr 12, 18 – 21 ).

Vâng “đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày."

Không thể có một sự bất nhất nội bộ trong cùng một thân thể. Nếu có, thân thể ấy là một thân thể bệnh hoạn, do tự mình để nhiễm độc hoặc đã bị cho uống phải hay tiêm chích một thứ độc dược dưới hình thức một viên kẹo đồng bọc đường hay một ống thuốc duy trì sự sống thực vật.

Mỗi chi thể có tiếng nói của nó, nhất là khi chi thể ấy đau đớn hoặc bị thương tích. Cái đầu không thể phủ nhận sự đau đớn trong mỗi chi thể của mình. Nếu cái đầu ấy phủ nhận, thì hiểu là cái đầu ấy đang rỗng não. Bộ não đang được cất giữ hoặc hấp đâu đó. Bộ não không còn biết gì nữa. Bộ não vô tri vô giác.

Tôi nghĩ là Thánh Phaolô đang gửi một bức điện khẩn đến tất cả chúng ta, những người Công Giáo và Công Giáo Việt Nam trên khắp địa cầu. Ngài thức tỉnh mỗi người chu toàn vai trò Ngôn Sứ của mình trước những bất công đang nhan nhản trong xã hội loài người, trước những xúc phạm bất kính đang thách thức lương tri của những người bảo vệ Danh Thánh Chúa.

Xấu hổ vì ở đất nước tôi, cho đến hôm nay vẫn chưa ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” ( Is 61, 11; Lc 4, 18 – 19 ).

Ngôn Sứ phải là người lên tiếng ca tụng cao rao Danh Thánh Thiên Chúa quyền năng, lên tiếng kêu gọi mọi người nhìn nhận và thờ phượng Thiên Chúa là “đấng trên đầu trên cổ”, lên tiếng bênh vực cho kẻ nghèo hèn, cho người bị áp bức…

Và Ngôn Sứ cũng là người lên án những bất công, lên án những người chà đạp chân lý, chà đạp công lý, lên án những người dùng quyền cai trị thành quyền cướp bóc, thành quyền khủng bố, thành quyền sinh sát những người thấp cổ bé miệng, bạn của Chúa Giêsu đau khổ…

Càng xấu hổ hơn nữa, vì ở đất nước tôi, người ta đang lẫn lộn giữa lên tiếng và lên án ! Lên tiếng bênh vực sự dữ ! Lên án sự lành, sự thánh !

Người lẫn lộn sự dữ với sự lành, lẫn lộn lên tiếng với lên án lại là những người “mở miệng mắc quai”, vì đã bị thần dữ chiêu đãi cho những bữa ngon rượu thịt. Ban đầu cứ tưởng là cái đam mê xác thịt của mình, nhưng còn hơn thế nữa, đó lại là một mưu lược của ma quỉ biết “đánh kẻ chăn thì đàn chiên tan tác”. Nếu cứ theo cái đà sa đà như thế, thì chẳng mấy chốc, thần dữ sẽ xỏ mũi đương sự ngay, và đương sự phải làm mọi việc theo sự sai khiến của nó.

Rồi khi bị khống chế bởi thần dữ thì không ngại gì mà người ta không toa rập với nhau để kiến tạo một Giáo Hội mới, một Giáo Hội... vô thần ! Mỗi lúc có tin vui về một chủ chăn mới, Giáo Hội, Giáo Dân vui mừng và sẵn sàng tốn kém không ít để có thêm một Mục Tử. Những Mục Tử không mắc nợ Giáo Dân về tiền bạc, nhưng mắc nợ chính con chiên của mình vì không “dám mục nát” cho đoàn chiên đặng sống, cho hạt giống Tin Mừng nẩy chồi, cho đâm bông kết trái.

Thật đáng tiếc, đáng xấu hổ vì đã không chinh phục được người vô thần cải tà qui chính, lại để cho họ bắt phải cải chính qui tà. Tín hiệu của một sự diệt vong gần kề cho cả hai. Cái rìu đã để sẵn ở gốc cây không chịu sinh trái tốt ! Như Thánh Gioan Tiền Hô trong vai trò Ngôn Sứ khi “thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng:

"Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” ( Mt 3, 7 – 10 )

Để kết, tôi xin mượn lời suy niệm đáng buồn, nhưng cũng rất đáng trân trọng của tác giả Giêrônimô Nguyễn Văn Nội:

“Nhiều giáo dân Việt Nam ít hoặc không quan tâm đến việc thi hành những chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả mà Chúa Giê-su Ki-tô đã ban cho mỗi người qua và trong Bí Tích Rửa Tội. Trong ba chức vụ ấy thì chức vụ Ngôn Sứ là khó thực thi nhất vì đòi hỏi ở người Ki-tô hữu chẳng những một đời sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, mà còn một lòng dũng cảm, dám liều thân vì sứ mạng nói Lời Thiên Chúa, làm “phát ngôn viên” của Thiên Chúa, trong lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi, với những người muốn nghe và với cả những người không muốn nghe Lời Chúa.”

Lạy Chúa, xin cất đi sự xấu hổ trong con, bằng chính nỗ lực với ơn Chúa để thi hành vai trò Ngôn Sứ của con, là biết lên tiếng bảo vệ sự lành thánh và lên án tẩy trừ sự dữ trong con và trong thế gian. Amen.

23.1.2010

Pm. Cao Huy Hoàng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.01.2010. 12:26