Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Lễ Giáo Hội Cầu Nguyện Cho Hòa Bình

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Diễm

Bài giảng lễ Đức Mẹ Thiên Chúa ngày 1.1.2010 của cha Giuse Nguyễn văn Diễm, phó giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội

“Ngày xưa, ở một vương quốc rất xa xôi, có một ông vua. Ông vua này nổi tiếng về tài thao lược đánh đông dẹp bắc. Thế rồi một lần kia trong khi ở chiến trường, đức vua bị thương nặng và đã chết. Tin được báo về triều, một đàng người ta lo làm lễ tẩm liệm nhà vua, một đàng người ta lo tìm người kế vị cho đức vua đó.

Đức vua chết đi để lại rất nhiều con gái nhưng chỉ có hai hoàng nam. Hai hoàng nam này sinh đôi và cũng hãy còn rất nhỏ. Bây giờ biết chọn ai? Bởi vì một vị vua được chọn lên là vận mệnh của cả một dân tộc sẽ đi theo nhà vua đó. Các triều thần băn khoăn, dò hỏi, rồi cuối cùng có một người nêu ý kiến là: “Ở trên một ngọn núi cao có một vị ẩn sĩ nổi tiếng là có tài tiên tri, có thể nhìn thấy tương lai, vận mệnh của mỗi người. Bây giờ chúng ta đi mời vị tiên tri đó đến để nhờ ông xem và chọn một vị vua xứng đáng cho dân tộc của mình”. Họ đi tìm nhà tiên tri.

Vị tiên tri đến, sau một ngày một đêm, xem xét, suy nghĩ, cầu nguyện và cuối cùng vị tiên tri đó mời tất cả các triều thần tập hợp lại ở trước cung điện. Nhà tiên tri cho người mang hai cái nôi, trong nôi là hai vị hoàng tử đang thiêm thiếp say trong giấc nồng. Nhà tiên tri mới hỏi những người có trách nhiệm trong triều đình: “Bây giờ quý vị muốn cho vị vua tương lai cai trị đất nước như thế nào?” Một người đại diện nói rằng: “Chúng tôi nói thật. Qua bao nhiêu năm chinh chiến giờ đã mỏi mệt, chúng tôi chỉ muốn có một vị vua biết đem lại niềm hòa bình cho đất nước, biết yêu thương thần dân, làm cho đất nước phú cường. Đó là ước mong duy nhất của chúng tôi.” Lúc bấy giờ, nhà tiên tri mới chỉ vào vị hoàng tử đang nằm ở phía bên tay phải mình, ông bảo: “Nếu các vị muốn như vậy thì hãy chọn vị hoàng tử này. Ngài sẽ đáp ứng cho tất cả những điều quý vị mong ước”. Người ta thắc mắc hỏi: “Làm sao mà ông biết?” Nhà tiên tri trả lời: “Tôi đã quan sát hai vị hoàng tử này trong lúc ngủ và bây giờ hai vị hoàng tử vẫn còn đang ngủ. Các vị thấy không, vị hoàng tử bên tay phải khi ngủ thì xòe bàn tay ra, còn vị hoàng tử bên tay trái khi ngủ thì nắm tay lại. Một người mà ngay trong giấc ngủ cũng biết xòe bàn tay ra để cho đi thì chắc chắn khi lớn lên sẽ yêu thương người khác. Còn người chỉ biết nắm lại cho mình thì đó là người ích kỷ, không mang lại hạnh phúc cho người khác”.

Thế là cả triều đình theo lời nhà tiên tri chọn hoàng tử khi ngủ bàn tay luôn luôn xòe ra và sau này khi lên làm vua, vị hoàng tử đó đã trở thành nhà vua biết thương dân, thương nước, luôn luôn tìm mọi cách để duy trì nền hòa bình và hạnh phúc cho đất nước.”

Kính thưa cộng đoàn,

Câu chuyện trên tôi kể tôi không đảm bảo là trăm phần trăm chính xác, nhưng mà có hai điều rất thật trong câu chuyện đó là:

  1. Điều thứ nhất: Ai cũng mong ước được hạnh phúc, được bình an;
  2. Điều thứ hai: Muốn được bình an, hạnh phúc thì trước tiên chính mình phải biết cho đi, quên mình, đừng sống ích kỷ.

Ngày hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội chọn là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Giáo Hội của chúng ta đích thật, con cái chỉ có một điều khát mong là được sống bình an và hạnh phúc. Vì thế, không phải ngày hôm nay Giáo Hội mới chỉ cầu cho chúng ta được bình an và hạnh phúc mà mời gọi chúng ta cầu nguyện điều đó. Trong mỗi thánh lễ cử hành sau kinh Lạy Cha, Giáo Hội thiết tha cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: 'Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con'”.

Giáo Hội mời gọi và tha thiết cầu xin Chúa ban bình an hạnh phúc cho con cái của mình và cho toàn thế giới. Nhưng ngày hôm nay được đặt làm ngày cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình, bởi vì các Đức Giáo Hoàng luôn cầu nguyện cho Hòa bình trên thế giới, từ Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chọn ngày đầu năm cầu nguyện cho hòa bình và tính đến hôm nay là năm thứ 43 thì các Đức Giáo Hoàng cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho hòa bình mà mỗi người chúng ta còn phải đóng góp cho hòa bình, trong các thông điệp”.

Hàng năm, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI luôn có thông điệm về Hòa Bình:

Dù nói cách nào, dù nhìn ở góc độ nào thì Đức Giáo Hoàng chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng: “Muốn có hòa bình thì đừng bao giờ chúng ta sống ích kỷ mà hãy cho đi, hãy biết nghĩ tới người khác”.

Ngày cầu nguyện cho hòa bình, cũng được Giáo Hội đặt dưới chân của Đức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa để Đức Mẹ bảo trợ, ban ơn cho hòa bình, bởi vì Đức Mẹ vẫn thường được gọi là Nữ Vương Hòa Bình và nhất là Mẹ là người đầu tiên không chỉ đón nhận ơn bình an mà là người đầu tiên đón nhận chính Vua Bình An trong cung lòng của mình.

Khi mà Giáo Hội gọi ngày đầu tiên của năm mới và đặt ngày cầu nguyện cho hòa bình, tên gọi của Đức Mẹ là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa thì chắc chắn các Đức Giáo Hoàng có ý muốn mỗi người chúng ta noi gương của Đức Mẹ để sống bình an và đóng góp hòa bình. Quả thật, nếu chúng ta nhìn trong Phúc Âm thì thấy cuộc sống của Đức Mẹ là cả một cuộc đời luôn luôn biết quên đi, nghĩ đến người khác, đem niềm vui cho người khác:

Lúc Thiên thần truyền tin, Đức Mẹ đã thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Đức Mẹ chấp nhận không đặt ra một điều kiện gì cho mình mà hoàn toàn vâng phục thánh ý của Thiên Chúa.

Niềm vui của người chị họ: Nghe tin người chị họ mình là Isabeth thụ thai, Đức Mẹ quên mình và tất tả đi đến nhà chị họ ở nhà chị họ ba tháng để giúp đỡ chị. Một nghĩa cử quên mình thật đáng quý.

Khi Đức Giêsu mười hai tuổi, lạc mất trong đền thờ: Thánh Giuse và Đức Mẹ phải vất vả tìm kiếm thì khi gặp Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ đã trách Chúa Giêsu: “Sao con lại để cho cha và mẹ vất vả tìm con?” Một lời trách rất nhẹ nhàng của người mẹ, nhưng trong lời trách đó sự quên mình của Đức Mẹ: “Sao con lại để cho cha và mẹ vất vả tìm con?” Đức Mẹ nhìn thấy nỗi vất vả tìm con của thánh Giuse trước: “Sao con lại để cho cha và mẹ vất vả tìm con?”

Trong tiệc cưới ở Cana: Đức Mẹ đã quên mình làm người hầu hạ phục vụ cho đôi tân hôn và khi họ thiếu rượu, Đức Mẹ đã can thiệp: “Họ hết rượu rồi”. Đức Mẹ đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ cho họ...

Cuộc đời của Đức Mẹ luôn luôn quên mình để nghĩ tới người khác, để mang niềm an vui và hạnh phúc cho người khác. Chính nhờ đó, Đức Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng ban bình an và hạnh phúc đầu tiên trên thế gian này.

Lm Giuse Nguyễn Văn Diễm
Teresa Avila Thùy Chi (ghi lại)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.01.2010. 16:57