Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày 1/8 lễ Thánh Anphongsô, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế

§ Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Mt 9,5–10,1

Một Vị Thánh Tuyệt Vời

Có rất nhiều cách để nên thánh, tuy nhiên mỗi vị thánh lại nên thánh bằng những phương pháp riêng của mình, hay nói một cách nôm na, mỗi vị thánh đều sống hoàn hảo trong bậc sống của mình giữa biển đời mênh mông của thế gian, giữa trăm ngàn khó nguy thử thách của cuộc hành trình đi về quê trời. Mỗi vị thánh có một cách sống. Nhưng chung qui tất cả những vị thánh đều có một mẫu số chung: đó là tình yêu.

StAlphonsus.jpg

Thánh Anphongsô, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế cũng không đi ra ngoài mẫu số đó. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã viết thật rõ ràng, thật dễ thương: “Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm phép lạ dời núi chuyển non, dù tôi có thể làm được không biết bao nhiêu công việc…nếu tôi không có đức bác ái tôi chỉ là tiếng thanh la chũm chọe, hay não bạt chập cheng “.

Sự Mong Chờ Của Con Người Hoàn Toàn Trái Ngược Với Ý Định Của Thiên Chúa:

Con người của thánh Anphongsô quả thực có một cái gì đó kỳ diệu và lạ lùng. Cái mà thế gian cho là tuyệt vời, trước mặt Thiên Chúa lại là không. Thực vậy, Thánh Anphongsô là một con người rất tài giỏi: Ngài đã đậu hai bằng tiến sĩ về luật đạo và đời khi tuổi còn rất trẻ, Ngài mới gần 16 tuổi đời. Nếu nói đến sự thành công, phải công nhận Thánh Anphongsô đã thành công ngoài ý muốn. Với tuổi trẻ tài cao, sinh ra trong gia đình quí tộc, Thánh Anphongsô có thể thẳng tiến trên đà danh vọng, có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội thời đó.

Tuy nhiên, con người có dự tính của con người, Thiên Chúa có lối suy nghĩ và con đường của Ngài. Thánh Anphongsô ngay từ lúc còn nhỏ đã lòng tôn kính Đức Mẹ, đã luôn biết cầu nguyện. Với trí khôn thông minh, trong sáng, Thánh Anphongsô đã trổi vượt các bạn trẻ cùng trang lứa. Đọc lại tiểu sử của Ngài, chúng ta bắt gặp mẫu chuyện nhỏ sau nhưng qua câu truyện này, ta nhìn ra con người của Thánh Anphongsô.

Chuyện viết rằng lúc 12 tuổi, Anphongsô đã có đời sống nguyện ngắm, đã sống thân tình mật thiết với Chúa. Một hôm không hiểu chơi trò gì, Anphongsô đã thắng chúng bạn và vớ được nhiều tiền, khiến có bạn nổi khùng la lối và đưa ra những câu khó nghe. Thánh Anphongsô khóc và ném tiền trả lại bạn bè, lẩn trốn vào vườn cây. Chiều đến, các bạn sửa sọan trở về nhà, không thấy Anphongsô đâu, liền bủa đi tìm kiếm Anphongsô. Các bạn chẳng thấy Ngài đâu, nên họ kêu la ầm ĩ, tìm kiếm khắp nơi. Cuối cùng, các bạn của Anphongsô đã thấy Ngài đang quì dưới chân Đức Mê cầu nguyện và xuất thần đến nỗi không nghe thấy tiếng các bạn la lối, tìm kiếm Ngài.

Một lần khác, khi Ngài đã lớn, cha Ngài là ông Giuse đang nổi trận lôi đình với tên đầy tớ, Ngài chạy lại can gián cha mình, thế là Ngài nhận được ngay một cái bạt tai của người Cha. Ngài lặng lẽ về phòng, đến bữa tối, mẹ Ngài không thấy con đâu, chạy đi tìm thì bắt gặp Ngài đang quì khóc dưới chân Thánh Giá. Những câu chuyện nhỏ trên đây cho thấy sự thánh thiện, lòng đạo đức của Ngài đã thắng lòng tự ái và tính tự kiêu.

Nhưng, những việc trên đây chưa thấm vào đâu với biến cố năm 1723 về một vụ thua kiện của Ngài. Thiên Chúa quả có con đường của Người vì thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Roma: “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được” (Rm 11, 33). Vụ thua kiện năm 1723 đúng là cái chết con người tự nhiên Anphongsô, nhưng cũng là bước vượt rào, đột phá của ơn thánh, mở ra một con đường mới dài lâu và không ai có thể lường trước được. Đường lối của Thiên Chúa là thế và cuộc đời của Anphongsô đã đi vào một ngõ quanh mới của con đường cứu độ.

Chúa Dẫn Anphongsô Trên Con Đường Mới:

Cha mẹ của Anphongsô, đặc biệt là ông Giuse luôn muốn con mình trở lại tòa án. Cuộc xung đột giữa Anphongsô và ông cụ thân sinh càng lúc càng trở nên gay gắt. Ông cụ khóc lóc muốn con trở lại làm việc nơi pháp đình vì chính lúc đó gia đình của Anphongsô cũng đang có chuyện kiện tụng quan trọng. Nhưng như có một linh tính thần thiêng nào đó, Anphongsô đi về phía bệnh viện của các bệnh nhân bất trị. Đang thăm hỏi bệnh nhân, Anphongsô bỗng thấy có một luồng sáng lạ lùng bao quanh mình, bệnh viện như thể quay cuồng, đảo lộn trong cơn động đất, rồi trong thân tâm Anphongsô như nghe có tiếng nói rõ ràng, chậm rãi từng tiếng một: “Hãy bỏ thế gian đó, mà hiến mình cho Ta”. Anphongsô bàng hoàng, bối rối nhưng Ngài vẫn trấn tĩnh lo cho bệnh nhân.

Thánh nhân ra về, nhưng khi đi xuống cầu thang, Ngài vẫn bị chao đảo, vẫn nghe thấy tiếng nói lúc nãy: “Hãy bỏ thế gian đó, và hiến mình cho Ta”. Anphongsô vừa đi vừa suy nghĩ, Ngài quyết định không trở về nhà ngay mà đi thẳng đến nhà thờ Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi, quỳ phục dưới chân Đức Mẹ xin ơn soi sáng. Ngay lúc ấy, lần thứ ba, ánh sáng lại lóe lên, cuốn hút Anphongsô vào cõi linh thiêng, siêu phàm.

Trong cõi thâm sâu của tâm hồn và dưới sự tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần, Thánh Anphongsô hiến thân phục vụ Thiên Chúa và cam kết trở thành linh mục của Chúa. Thánh Anphongsô đã cởi thanh kiếm quí tộc đeo bên mình, đặt lên bàn thờ làm tin và quyết tâm từ bỏ tất cả để hiến mình cho Đức Kitô. Từ ngày hôm nay, suốt đời của Thánh Anphongsô, Ngài sẽ không bao giờ quên được ngày hôm ấy và nhà thờ ấy. Sau này, mỗi lần có dịp trở lại Napôli, Ngài không bao giờ quên ghé nhà thờ và tạ ơn Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi.

Thánh Anphongsô đã đổi đời từ ngày đặt thanh bao kiếm tượng trưng cho hàng quí tộc trong nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi. Năm 1726, Thánh Anphongsô chịu chức phó tế và được giảng trong mọi nhà thờ ở Napôli và Ngài rất nổi danh. Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, Thánh Anphongsô đã lãnh nhận sứ vụ linh mục đúng vào ngày thứ bảy 21/12/1726. Từ nay lãnh vực họat động của Thánh Anphongsô trở nên rộng lớn hơn và cảm nghiệm về những người vô học, những trẻ lang thang bụi đời, những kẻ chăn dê chăn cừu, những kẻ bơ vơ tất bạt luôn là nỗi ưu tư canh cánh của thánh Anphongsô.

Ông Giuse, thân phụ của Thánh Anphongsô tuy không còn gay gắt như xưa, nhưng trong lòng vẫn tiếc nuối và mang một mối hận không phai nhòa được. Một hôm vào năm 1729, tình cờ, ông đi ngang nhà thờ Chúa Thánh Thần, nghe tiếng con ông đang giảng. Ông Giuse tò mò bước vào nhà thờ. Nghe xong bài giảng của Thánh Anphongsô, ông đã được biến đổi hoàn toàn. Khi Thánh Anphongsô có dịp ghé về thăm nhà, ông Giuse chạy ra ôm choàng lấy Anphongsô và nói: “Con ơi ! Cha biết ơn con vô cùng ! con đã dậy cho Cha biết Thiên Chúa, chúc tụng con ngàn lần vì con đã sống đẹp lòng Chúa như vậy!”.

Năm, 1730, Thánh Anphongsô đã kiệt sức vì làm việc quá hăng say và nhiệt tâm, do đó, Ngài phải kiếm nơi tĩnh mịch để nghỉ ngơi, và ý Chúa nhiệm mầu đã định cho Ngài lập ra một Dòng mới chuyên lo cho những người nghèo, giảng đại phúc và cầu nguyện…

Năm 1732, Dòng Chúa Cứu thế được khai sinh trên nền tảng của Thánh Anphongsô, một con người đạo đức, thánh thiện, đầy nhân bản và tài hoa.

Thánh Anphongsô Đã Để Cho Ánh Sáng Của Chúa Chiếu Suốt Con Người Của Mình:

“Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”. Thánh Anphongsô đã bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa, Ngài bỏ danh vọng, của cải, chức trưởng nam , từ bỏ tất cả thế gian để chiếm cho bằng được các linh hồn và chiếm được Chúa. Lời mời gọi của Chúa trong thâm tâm sâu kín ba lần: “Hãy bỏ thế gian đó, mà tận hiến đời mình cho Ta”.

Thánh Anphongsô đã nhanh nhẹn theo lời gọi của Chúa. Ngài đã để ánh sáng của Chúa chiếu dọi mọi ngõ ngách cuộc đời của Ngài. Và Ngài đã sống có thể nói được là trần trụi trước mặt Thiên Chúa, Ngài chỉ là người vô dụng trước mặt Chúa và để Chúa hướng dẫn đời Ngài. Ngài đã để lại gương sáng chói cho Giáo Hội, cho các sĩ tử Dòng Ngài về: Đức khiêm nhượng, sự vâng phục, đức khó nghèo tuyệt đối, sự trinh khiết tuyệt vời của Ngài và sự cầu nguyện không ngừng của Ngài. Thánh Anphongsô cũng đã dậy các sĩ tử của Ngài về lòng ham mê lao động trí óc . Ngài đã để lại cho Nhà Dòng, cho Giáo Hội biết bao pho sách có giá trị về luân lý, về đạo đức, về sự thánh thiện. Ngài là vị thánh hết sức tuyệt vời của Chúa. Ngài ra đi về nhà cha ngày 01/8/1789. Năm 1871, Đức Thánh Cha Piô IX đã đặt cho Ngài tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh và Đức Giáo Hoàng Piô XII đặt Ngài làm quan thầy các Cha giải tội và các nhà luân lý.

Lạy Cha, trong mọi thời đại, Cha ban cho Hội Thánh những gương mẫu đời sống toàn vẹn. Xin cho chúng con hằng noi gương Thánh Giám Mục Anphongsô Maria mà nhiệt thành hoạt động cho lợi ích thiêng liêng của mọi người, để mai sau đáng được Cha ân thưởng cùng với Thánh Nhân (Lời nguyện nhập lễ, lễ Thánh Anphongsô).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.07.2008. 10:08