Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngắm hang đá, chúng ta ưu tiên để ý đến điều gì?

§ Khắc Bá, SJ

Một hoạt động hầu như không thể thiếu của dịp Lễ Giáng Sinh là đi ngắm hang đá. Hang đá hiện diện ở rất nhiều nơi, từ trong nhà thờ, ngoài quảng trường, cho đến tận các trung tâm thương mại. Có những hang đá được làm từ các vật dụng đơn giản như giấy, bìa các-tông; và cũng có những hang đá được ‘sơn son thếp vàng’. Có hang đá chỉ nhỏ bằng bàn tay, và cũng có hang đá lớn bằng một toà nhà. Vì thế, từ nông thôn cho tới thị thành, người người náo nức đi chiêm ngắm hang đá. Điều này mang lại một bầu không khí thật vui tươi và rộn ràng cho cả cộng đồng. Đó cũng là một nét rất đẹp của Lễ Noel.

Nhưng chúng ta thử phản tỉnh cùng nhau xem mình hay ưu tiên để ý điều gì khi đi ngắm hang đá? Nếu nghĩ kỹ một chút, ta dễ dàng nhận ra rằng mình thường chú ý nhiều đến những điểm trang hoàng của hang đá: nhưng ngôi nhà bé xinh được làm cách khéo léo, những hòn non bộ thật hoặc giả được tạo hình đẹp đẽ, những cây thông được trang trí lộng lẫy, vv. Chúng ta cũng hay để ý đến phối cảnh tổng thể của hang đá, và các vị trí hút mắt mà mình có thể lấy được những khung hình đẹp.

Đó là một hiện tượng tâm lý rất bình thường của con người. Tâm trí chúng ta thường bị thu hút bởi những gì gây tò mò cách trực quan. Những bóng đèn nhấp nháy, những màu sắc bắt mắt sẽ kéo sự chú tâm của mình trước hết, và nhiều khi nó mạnh tới mức khiến mình chỉ dừng lại ở chúng mà thôi. Còn một bức tượng hài nhi bé nhỏ, nếu không được đặt trong một cái máng cỏ lộng lẫy, thì chẳng dễ gì kéo được ánh nhìn của chúng ta. Hoặc giả như ta có chú ý đến hình tượng đó, thì cũng thường là nhìn lướt qua vào những thời khắc cuối cùng, sau khi đã ngắm kỹ hết các trang trí đẹp đẽ bên ngoài rồi.

Trong đời sống cũng vậy, trước mỗi biến cố, mỗi sự kiện, tâm trí chúng ta dễ bị chi phối bởi những gì thuộc về bối cảnh hơn là đặt trọng tâm vào con người. Điều này có thể diễn ra từ những việc hàng ngày trong gia đình cho tới những điều lớn lao ngoài xã hội. Ví dụ, nếu con mình học hành kém cỏi, thay vì chú ý đến những nỗi thất vọng và khó khăn của đứa trẻ, ta lại băn khoăn về việc hàng xóm láng giềng sẽ cười chê khi con mình học kém. Trong một giải đấu thể thao, người ta cũng chỉ chú trọng và tung hô những người chiến thắng để mang lại thành tích cho nước nhà, chứ chẳng ai nhắc đến những người không đạt được thành tích, dù họ cũng đã nỗ lực hết mình, với bao tập luyện đầy mồ hôi nước mắt; và thậm chí, khi họ bị chấn thương thì cũng chẳng mấy ai động viên và lo lắng cho họ. Hay khi đi du lịch hay thăm thú một nơi nào đó, người ta thường chỉ chú tâm vào các công trình kiến trúc, các điểm di tích, hay các món ăn đặc trưng, mà ít ai chú ý đến con người ở đó. Có một nhà văn ngoại quốc đã viết rằng: “con người sinh ra để được yêu mến, còn đồ vật sinh ra để được sử dụng. Điều lẫn lộn của thế giới hiện nay là con người đang bị sử dụng, còn đồ vật thì được yêu mến.” Vâng, khi chúng ta lấy phương tiện làm mục đích, và ngược lại, thì mọi thứ bắt đầu mất trật tự, và sự dữ cũng theo đó mà leo thang!

Vì thế, chiêm ngắm hang đá cũng là một bài kiểm tra nho nho cho ta nhìn lại đức tin và đạo đức nhân bản của chính mình. Cứ sự thường, nếu làm hang đá theo đúng tinh thần nhập thể của Ngôi Lời, Hài nhi Giê-su nơi máng cỏ sẽ không mang đặc nét gì ‘hoàng tráng’, không có gì là nổi trội, vì Ngài hạ sinh cách âm thầm và khiêm hạ trong thân phận nghèo hèn. Cái nét nhỏ bé đó khiến cho tâm lý tự nhiên của chúng ta dễ bỏ qua, không để ý tới. Tương tự như vậy, trong đời sống thường nhật, những gì bị cho là thấp kém, là nhỏ nhặt, hay những thân phận bên lề, sẽ khó mà lôi kéo được sự chú tâm của ta. Đối với ta, sự hiện diện của họ cũng như không, vì tâm trí ta hiếm khi nào hướng về họ. Chẳng mấy ai nói về những em học sinh yếu kém và cũng chẳng ai bàn thảo về những vận động viên trung bình, đơn giản vì điều khiến người ta chú tâm là thành tích và kết quả, chứ không phải là con người.

Ngôi Lời nhập thể để trở nên gần gũi, để chung chia thân phận kiếp người với chúng ta, để cho ta được dự phần vào đời sống vĩnh cửu, vì từ nay nhân tính và thiên tính đã vĩnh viễn kết hợp với nhau. Ngài chẳng quan tâm vào danh vọng, quyền lực hay điều kiện vật chất để chọn lấy một địa vị khi chào đời, đơn giản vì điều mà Ngài đặt trọng tâm chính là con người, là nhân loại, với đủ mọi thứ thân phận trong đó. Điều Ngài quan tâm là làm thế nào để mọi người có thể đón nhận được Ngài như người bạn của mình, không ai bị loại trừ; và vì thế, Ngài trở thành con người nghèo hèn nhất giữa mọi người, đến mức được hạ sinh trong một hang lừa!

Mầu nhiệm Nhập Thể chứa đựng một lời mời gọi hoán cải đối với con người. Chúng ta cần hoán cải cái nhìn và tâm trí của mình, để biết chú tâm vào những điều bé nhỏ, và đặc biệt là biết đặt trọng tâm vào con người, như cái nhìn của Thiên Chúa dành cho ta vậy. Nếu Ngôi Lời đã xoá bỏ mọi khoảng cách, đã đến ôm ấp mọi người, mọi thân phận thấp hèn và tội lỗi, thì đến lượt mình, chúng ta cũng được mời gọi chú ý vào từng con người, nhất là những ai thấp cổ bé miệng, những người không thể cất lên tiếng nói của mình, những thân phận bị gạt bên lề xã hội.

Ước mong rằng, dù trong bầu khí rộn ràng và nhộn nhịp của một cuộc ngắm hang đá, chúng ta vẫn có cơ hội nhìn lại nội tâm của mình, và lắng nghe được lời mời gọi âm thầm mà Thiên Chúa đang gửi đến. Ngắm hang đá, chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm một Hài Nhi hiện diện cách đơn sơ và thinh lặng trong một nơi nghèo hèn. Trẻ thơ này chưa biết nói, chưa làm được gì. Nhưng nơi em bé này là sự hiện diện của ‘thánh thiện trọn hảo’; và cũng chính nơi em bé này, ta có thể nghiệm thấy cùng đích của chính mình và của tha nhân. Sự chiêm ngắm đó giúp ta biết nhìn, biết sống và ứng xử đúng đắn và thích hợp với mọi biến cố diễn ra trong cuộc sống mình. Đỉnh cao của sự hiểu biết đó là nhận ra rằng, tất cả chúng ta có ơn gọi hiệp thông với nhau trong tình thương của Thiên Chúa, vì sự hiện diện của trẻ thơ Giê-su là để mời mọi người cùng đến, cùng thờ lạy, cùng trò chuyện và yêu mến nhau. Lối nhìn như thế cũng là cách chúng ta để cho ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh được tỏ lộ, vì, như lời của thánh phụ I-rê-nê, “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống dồi dào.”

Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News

Đọc nhiều nhất Bản in 28.12.2019 11:44