Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngài đang ở thật gần!

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa ông bà anh chị em,

Sự sống lại của Đức Kitô làm phát sinh một cộng đoàn huynh đệ, khởi đầu cho một Hội Thánh, một dân tộc, một đoàn Dân mới hiệp nhất trong bác ái yêu thương, duy nhất trong niềm tin, trong một Lời chứng, một giáo lý để rao giảng và tuyên xưng, một đại gia đình của tình hiệp thông yêu thương huynh đệ. Cộng đoàn đó, dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đang tiếp tục làm cho Đức Kitô phục sinh hiện diện,được loan báo và làm cho công trình cứu độ của Ngài được đơm hoa kết trái trên mọi miền thế giới.

Mỗi người chúng ta được thuộc về cộng đoàn đó. Đặc biệt các anh chị em Tân tòng trên khắp thế giới vừa mới được thuộc về cộng đoàn nầy trong Đêm vọng Phục Sinh qua bí tích Thánh tẩy, và hôm nay hân hoan cùng với mọi thành phần Dân Chúa dâng lời tạ ơn để cảm tạ “lòng Chúa thương xót của Thiên Chúa” vì hồng ân vĩ đại được trở nên con cái Thiên Chúa, nên những thành viên mới trong gia đình Giáo Hội. Chính trong ý nghĩa nầy, mà Chúa Nhật hôm nay đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đặt làm “Chúa Nhật kính lòng Thương xót Chúa.”

Giờ đây, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh và nhớ lại hồng ân Thánh Tẩy, chúng ta hãy rảy Nước Thánh trên mình trong tâm tình tri ân cảm tạ và sám hối ăn năn.

Giảng Lễ:

1. Sự hiện diện làm nên chân lý và sự sống.

Không phải chỉ Tông Đồ Tôma ngày xưa đã thách thức: “Làm sao tôi có thể tin được Người sống lại nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh…”. Kể từ sau cái “buổi sáng tinh mơ Ngày Thứ Nhất trong tuần” với cái tin động trời của Bà Maria Mađalêna: “Chúa đã sống lại”, thế giới luôn đầy dẫy những con người, những luận thuyết, những triết lý, những cuốn tiểu thuyết “best seller” hay bao loại phương tiện truyền thông khác…giơ tay phủ nhận cách thẳng thừng hay lập lừng chối bỏ với thái độ hoài nghi sự kiện Đức Kitô phục sinh từ trong cõi chết.

Quả thật, nếu câu chuyện của “Chúa sống lại” rốt cuộc cũng chỉ là một “bản tin giật gân suông của mấy mụ đàn bà hoang tưởng” để rồi sau đó khép lại như bao câu chuyện của đời thường, tuyệt nhiên không có gì xảy ra sau đó, thì thử hỏi trên thế giới nầy liệu có được mấy người tin ? Mà dẫu cho thế giới có sai lầm và mù quáng suốt 2000 năm nay chăng nữa, thì ở giữa thời đại văn minh như hôm nay, liệu có tồn tại không một tôn giáo dựa trên một lời bịa đặt dối trá?

Trong cuộc thách đố của 2000 năm trước, quả thật, nếu Đức Kitô không hiện diện, Tôma đã thắng rồi !Thế nhưng mọi sự đã không như thế. Tôma cứng tin và đòi trãi nghiệm đã vội vã phũ phục trong thái độ tín ngưỡng nghiêm cấn sâu xa: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con !”. Chìa khóa để mở cánh cửa của niềm tin là ở đó: Khi lý trí con người “giơ tay đầu hàng” thì Thiên Chúa đã đến. Liền sau những lời có vẻ nhát gừng của các tông đồ: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”, thì lập tức Chúa hiện ra giữa các ông với lời chúc: ”Bình an cho anh em”. Kế tiếp bản tin giật gân của các bà phụ nữ là một loạt những lần hiện ra của Đấng phục sinh để ấn chứng. Chính sự hiện diện tỏ tường nầy đã xoay hẳn 180 độ niềm tin của các tông đồ. Từ những con người hoang mang lo sợ trốn chui trốn nhủi như những tội nhân đang bị truy nã các ông đã mở tung cửa ra khỏi nhà mạnh dạn đi khắp nơi công bố về Tin Mừng Chúa sống lại. Cho dù bì cấm đoán, bị đòn vọt và sau nầy bị bắt, bị kết án nhục hình cỡ nào mặc ý, các ông vẫn hiên ngang “lấy mạng sống để làm chứng cho sự thật phục sinh”.

Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ có sức tác động của Chúa Thánh Linh, chỉ có bàn tay quyền năng của Đấng Phục sinh chạm tới “là ơn cứu độ con người” mới đem lại niềm vui và hy vọng mãnh liệt như thế, như lời chứng của Thánh Phêrô Tông Đồ trong BĐ 2 hôm nay: “Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.”. Chính vì thế, trong suốt những ngày phụng vụ nầy, Hội Thánh vẫn thường ca lên: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ”.

Trên nền tảng giáo lý đó, chúng ta có thể phát biểu một cách xác tín rằng: mầu nhiệm phục sinh đó là “mầu nhiệm Đức Kitô đang hiện diện”, một sự hiện diện làm nên kitô giáo, một sự hiện diện làm nên lâu đài đức tin, một sự hiện diện làm nền tảng của mọi giáo lý, một sự hiện diện làm trung tâm điểm của mọi cử hành phụng vụ, một sự hiện diện làm kim chỉ nam cho mọi qui luật luân lý và tu đức, một sự hiện diện làm nên chính lương thực trường sinh và sức mạnh thiêng liêng cho cuộc đời tại thế, một sự hiện diện có sức mạnh lôi kéo con người tiến bước trong niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng, một sự hiện diện làm bật rễ những tâm hồn tăm tối tội lỗi để vươn mình chỗi dậy bước vào ánh sáng tình yêu và ân sủng, một sự hiện diện để vực dậy những trái tim mệt mõi sầu đau biệt giam trong những cõi lòng thất vọng tăm tối để bừng sáng hoan ca trong niềm vui đi tới và trong hy vọng xuyên tới cõi vĩnh hằng. Một sự hiện diện làm nên chân lý và sự sống !

Chính vì thế, niềm tin của người kitô hữu, cuộc sống đích thực của người Kitô hữu chính là sống “sự hiện diện nầy” cho dù phải thường xuyên đối diện với cơn thử thách của Tôma “nêu tôi không thấy Ngài”, và thường xuyên cử hành “sự hiện diện nầy” không phải như một tưởng niệm suống mà là một sự sống như lời định nghĩa của Thánh Phaolô: “Tôi sống đây không phải là tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.

2. Ngài đang ở thật gần:

Nhưng chúng ta cũng biết rằng: sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô chỉ hiện diện cách hữu hình võn vẹn có 40 ngày. Sau đó “Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa”, nhường chỗ cho một sự ”hiện diện mới”, một Đức kitô phục sinh vô hình mà theo ngôn ngữ thần học của Thánh Phaolô, đó chính là Hội Thánh, Thân Thể huyền nhiệm của Ngài.

Quả thật ngôn ngữ phụng vụ hôm nay cho dù âm vang những tên gọi khác nhau như “cộng đoàn”, “tông đồ”, “tín hữu, “nhóm Mười Hai”…thì tất cả đều qui chiếu về một điều duy nhất: “một cộng đoàn đang làm chứng về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”.

- Đó là cộng đoàn quây quần chúng quanh các tông đồ để của cải làm của chung, hiệp nhất một lòng một ý trong tình bác ái huynh đệ. (BĐ 1, sách Cv)

- Đó là cộng đoàn qui tụ với nhau trong nghi lễ Bẻ Bánh chính là bí tích Thánh Thể hôm nay để gặp gỡ Đấng phục sinh hiện đến trong hình bánh rượu để trao ban lương thực thần linh.

- Đó là cộng đoàn mạnh mẽ làm chứng về Đấng Phục Sinh và ơn cứu độ do Ngài mang đến bằng sự can đảm vượt qua mọi gian truân thử thách trong niềm tin bất khuất vào Đấng Sống Lại và trong niềm vui rực sáng vào ơn cứu độ con người (BĐ 2, Thư của Thánh Phêrô Tông đồ)

- Đó là cộng đoàn sống mầu nhiệm thánh tẩy bằng thái độ dấn thân lên đường để hoàn toàn phó thác vận mệnh cho “lòng xót thương của Thiên Chúa”.

Một cộng đoàn Hội Thánh nào không phản ảnh hay phản lại những giá trị trên, những đặc tính nền tảng trên sẽ không bao giờ có Đức Kitô phục sinh hiện diện. Chính vì thế, những bài học căn bản mà Hội Thánh phải học triền miên đó chính là hiệp nhất, yêu thương, sẻ chia, Thánh Thể, phục vụ, truyền giáo…

Khi nào người kitô hữu lìa xa Hội Thánh, tách rời cộng đoàn để “xé lẽ ăn riêng” sẽ rơi vào nguy cơ “cứng lòng, vô tín như Tôma”.

Khi nào cộng đoàn hội Thánh vẫn còn sống trong sự nhát sợ, cục bộ, ích kỷ “đóng cửa kín bưng” để xa rời anh em đồng loại, sẽ có nguy cơ làm xơ cứng cũ mòn lời chứng về sự phục sinh và sẽ không thuyết phục nổi con người hôm nay tin vào chân lý Phục Sinh.

Chính vì thế, sống sứ điệp phục sinh hôm nay cũng có nghĩa là chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau như lời nguyện sau đây:

Lạy chúa Giêsu phục sinh,
Xin tỏ mình ra
Cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
Để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
Và đang ở thật gần bên chúng con.
Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.03.2008. 08:47