Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mục Tử và Kẻ Cướp Chiên

§ JB Nguyễn Quốc Tuấn

Tin Mừng Gio-an (10, 27) cho chúng ta thấy ý nghĩa sự gắn bó máu thịt giữa Đấng Chăn Nhân Lành với đàn chiên của Người: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

Đây là dấu chỉ cần thiết và hệ trọng nhất, giúp người mục tử hôm nay nhận diện tầm mức tương giao mật thiết giữa chủ chiên – đàn chiên; đồng thời nắm bắt những tác động nghịch chiều có nguy cơ làm tổn hại nguồn sống siêu nhiên nơi những tâm hồn.

Thời đại hôm nay đòi hỏi những người chủ chăn biết lưu tâm săn sóc đàn chiên dựa trên những gợi mở mà Chúa Giêsu đã nêu lên. Quá trình này đòi hỏi các mục tử khả năng xem xét và khôn ngoan trong việc đối ứng với những ảnh hưởng làm thương tổn đàn chiên.

1. Mục tử không đồng loã với kẻ cướp chiên mình.

Điều đáng sợ là khi những nguy cơ ập đến với đàn chiên, người mục tử không những không ra tay bảo vệ, cứu vớt đàn chiên, nhưng lại thoả hiệp, đồng loã với mưu đồ áp chế của kẻ thù. Đây là căn nguyên trước hết của sự tan vỡ đàn chiên, dẫn đến những mất mát to lớn trong tương giao chủ chiên – đàn chiên.

Thế lực của sự dữ luôn tìm mọi cách hầu có thể làm tan nát Nhiệm Thể Đức Ki-tô, vốn đã được cố kết sau cuộc Phục Sinh. Thắng lợi của chúng trong cuộc chinh phục này là tận dụng được những bất toàn của người đứng đầu cộng đoàn, nhằm lôi kéo và biến họ thành một đồng minh đắc lực của những toan tính xảo quyệt nhất.

Phương thức mà những thế lực đen tối đã, đang và sẽ dùng là “đánh chủ chăn trước khi đoạt lấy những con chiên ngoan hiền”. Điều nguy hiểm ở đây là những kẻ nhẫn tâm ấy lại ranh mãnh khi nhắm vào những điểm xung yếu “rất người” của đối tượng đã mặc danh “Ki-tô thứ hai”. Các ngài phải đối diện với kẻ thù ngay giữa những bóng đêm tâm hồn; nhiều khi chính những bóng đêm ấy đã khiến các ngài nghiêng chiều hay đứng hẳn về phía kẻ đang rình rập đánh cướp đàn chiên. Nó như lời mời gọi ngọt ngào nhất đôi khi làm mê lịm cả những tâm hồn vốn được coi là “những bậc thầy thánh thiện”.

Do đó, người mục tử cần sáng suốt dựa trên gợi mở và kinh nghiệm sống quý báu từ Mục Tử Nhân Lành Giêsu. Để không đồng loã với dã tâm của kẻ đang ra tay cướp chiên mình, thiết tưởng, người mục tử hãy nhìn lên Chúa Chiên Lành, học nơi Ngài tình yêu và khả năng lắng nghe trước những nhu cầu thiêng linh căn bản từ phía đối tượng đã được phó trao. Chỉ có tình yêu và sự xả thân cao độ mới có thể là động lực giúp cho các ngài ưu tiên tận hiến triệt để cho đàn chiên, đứng về phía đàn chiên để xua tan kẻ cướp chiên.

2. Mục tử phải “đánh đuổi” kẻ cướp chiên mình

Không đồng loã với kẻ cướp chiên mình, người mục tử còn phải lưu tâm cảnh giác, giữ gìn, bảo vệ cho đoàn chiên khỏi những bàn tay xâm hại từ khách quan và nội tại.

“Tôi ban cho chúng sự sống đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 28).

Theo gương Đức Ki-tô Mục Tử, các đấng chăn hôm nay biết trân trọng sinh mệnh của những con chiên đã được Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Dó đó, một khi sự sống của đoàn chiên bị đe doạ, người mục tử biết dũng cảm và cương quyết xua trừ những nguy cơ ảnh hưởng tới sự sống còn của đàn chiên. Số phận của đoàn chiên hệ tại ở sự khôn ngoan, xả kỷ và trên hết là tình yêu, hành động cảm thông của vị mục tử với đoàn chiên đang bị đánh cướp.

Đức hạnh, sự khôn ngoan, tinh thần dấn thân tuyệt đối của vị mục tử là cây gậy vạn năng khiến cho sự dữ phải khiếp sợ không dám bén mảng tới đoàn chiên. Trái lại, những biểu hiện nhu nhược, sợ hãi, thoái lui của người mang danh chủ chăn sẽ mở đường cho những mưu đồ bách hại ngày một tiến sát hơn tới đoàn chiên.

Thực tế cho thấy, một khi vị mục tử biết giương cao ngọn cờ chính nghĩa của Tin Mừng đi bước trước thì sức mạnh cố kết nơi đoàn chiên sẽ gia tăng gấp bội. Các địch thủ của linh hồn sẽ chùn bước và nhanh chóng thất bại.

3. Tất cả vì yêu thương đàn chiên.

Tình mến của mục tử dành cho đàn chiên không chỉ dừng lại ở trách nhiệm săn sóc bình thường hay một vài cử hành, dẫn dắt mang tính hình thức. Nó là tổng hoà những hành vi biểu tỏ nơi người mục tử, mà đỉnh cao là tình yêu và chí dũng dám chết thay vì sự sống đàn chiên.

JB Nguyễn Quốc Tuấn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.04.2010. 19:05