Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mùa Vọng: Mùa Màu Tím (Nút Vòng Xoay)

§ +Gm Giuse Vũ Duy Thống

Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng: Mt 3, 1-12

Nếu Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, với lối nhìn viễn cảnh, người ta thấy sáng lên dung mạo người, đồng thời cũng nhận ra dáng đứng của tín hữu là biết hy vọng vào Thiên Chúa bằng lòng tỉnh thức, để Mùa Vọng được gọi là mùa xanh lên niềm hy vọng thì Chúa Nhật thú hai Mùa Vọng, với lối nhìn cận cảnh, người ta lại thấy Phụng Vụ được diễn tả bằng một màu khác, không còn êm ả mướt xanh nữa mà đã đi vào lắng đọng tím màu để Mùa Vọng cũng gọi được là mùa màu tím.

mv2.jpg

Tím không ở chân trời nắng xế; tím không ở dòng sông Giođan chiều về nơi Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa; tóm cũng không ở sắc phục Linh mục bước ra đang lễ, mà tím ở tâm can những tín hữu biết chân thành ăn năn lầm lỗi bao ngày qua để thấy trong lệ sa màu tím của lòng mình. Mùa Vọng đích thực là mùa của màu tím sám hối.

Nhưng làm sao để lòng sám hối diễn tả được nỗi lòng Mùa Vọng, hay nói lên được sắc màu hy vọng? Trả lời câu hỏi này tức là cùng lúc phải xét đến những đặc tính sám hối của Mùa Vọng.

1. Sám hối mang màu hy vọng không cúi gập trên những lỗi lầm của mình mà hướng mở về tình thương Thiên Chúa.

Đối với nhiều người, sám hối cũng đồng nghĩa với lòng hối hận, tức là nhận thức về thân phận tội lỗi của mình,ý thức về những lỗi lầm mình đã phạm và buồn vì mình đã làm xấu cuộc đời mình đi. Tất nhiên, lòng hối hận như thế tự nó có một ý nghĩa nhất định, nhưng nếu chỉ có thế và chấp nhận dừng lại như thế,rõ ràng là có khuynh hướng co cụm lại và cúi gập trên những lầm lỗi của mình. Hối lỗi thì ít mà xem ra hận mình lại nhiều, để rồi khi tự mình vùng vẩy trong tình huống mất thăng bằng ấy, người ta dễ rơi xuống vực sâu thất vọng, giống như con muỗi savào lưới nhện càng vùng vẩy càng bị xiết chặt, và giống như những kẻ sa vào vũng lầy càng ngoi ngóp càng bị lún sâu.

Thực ra, hối hận chỉ là một thành phần trong hành vi sám hối, hay đúng hơn là khởi điểm của cả một tiến trình trở về mà Thiên Chúa chính là cao điểm và kết điểm. Chính vì đối diện với Thiên Chúa mà tôi biết mình có tội và cũng vì hướng đến Thiên Chúa mà tôi hối hận tìm về. Người ta vẫn bảo sám hối là hai mắt nhìn của con người nội tâm: một mắt nhìn vào mình để nhận ra những tội lụy của một đời xa vắng đã dẫn tới sa ngã rồi xa lìa tình thương Thiên Chúa và mắt khác nhìn vào Thiên Chúa để thấy nơi Ngài một tình yêu như tấm lòng người cha, như trái tim người mẹ bao dung thương xót mà xin ơn làm lại cuộc đời.

Hai con mắt, hai hướng nhìn nhưng vẫn chỉ là một lòng sám hối mang màu hy vọng. Thiếu một trong hai, sắc màu hy vọng đều bị nhạt nhòa. Sẽ là thất vọng nếu chỉ nhìn tội mình mà quên nhìn tình Chúa và sẽ là vô cùng ảo vọng nếu chỉ nhìn tình Chúa mà quên nhìn tội mình; nhưng sẽ là hy vọng dâng đầy cho những ai vươn lên tình yêu Thiên Chúa khởi đi từ lòng sám hối tội lỗi của mình.Hình như trong lời kêu gọi “hãy sám hối’’ đã có tiếng giục giả “hãy hy vọng’’, và sở dĩ Gioan Tẩy Gĩa kêu gọi sám hối hôm nay là bởi vì đã có niềm hy vọng dọn đường chờ mong Chúa đến.

2. Sám hối mang màu hy vọng không dừng lại trong nội vi tâm thức mà biết tỏa rộng lên cả cuộc đời.

Đối với một số người khác, sám hối là một cách nói ám chỉ một chuyển biến từ một tình trạng cũ và xấu đến một tình trạng mới và tốt hơn, nhưng hối lỗi chỉ là một chuyển biến xẩy ra trong nội vi ý thức của cuộc sống tâm hồn, cùng lắm chỉ được diễn ra bằng những nghi thức đã được quy định. Thế thôi. Rõ ràng cách nhìn như thế quả là không ổn. Không ổn ở chỗ nó quá máy móc, làm như cứ tham dự một số nghi thức sám hối là đương nhiên mình được thanh tẩy bất kể đời sống của mình ra sao; và không ổn ở chỗ nó quá nội giới, làm như sám hối chỉ là một thứ tâm lý liệu pháp nào đó theo kiểu kể tội trong gió, gió thổi bay đi là xong.

Sám hối Mùa Vọng đâu phải là thứ sám hối như thế, mà thật ra phải là thứ sám hối toàn diện đúng mức với lòng hối cải, vốn bao gồm hai động tác cơ bản đan xen: “hối’’ có nghĩa là hối lỗi và “cải’’ là chử nói tắt của chử cải thiện. Nếu hối lỗi là mặt tiêu cực thì cải thiện là mặt tích cực. Nếu hối lỗi là đoạn tuyệt với quá khứ tội lụy, thì cải thiện là lời quyết tâm dấn bước vào một tương lai tươi mới. Và đến khi sám hối trở thành một thói quen ăn sâu vào trong nhịp sống để nổ lực chuyển đổi không ngừng lên những tình trạng tốt hơn thì đó chính là một cuộc lột xác đổi đời; không giống như đổi đời xe đời máy mà là đổi đời sống cách sống với những hệ lụy cụ thể không thể lần lửa chần chừ được.

Không phải vô tình mà Gioan Tẩy Gĩa bảo những kẻ đến với ông là “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối’’ nhưng qua đó Ngài cho thấy lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể của mình.

3. Sám hối mang màu hy vọng biết vượt qua những động tác để trở thành một thái độ sống.

Đối với một số người khác nữa, sám hối thường được quan niệm như một cao trào chỉ bùng lên một năm vài lần vào những dịp lễ đặc biệt như cách phân bổ Lịch Công giáo hiện nay, tức là xuân thu nhị kỳ: một lần vào Mùa Vọng để dọn lòng mừng lễ Giáng Sinh cho sốt sắng và lần nữa vào Mùa Chay để tỏ bày sự thông công vào lễ Phục Sinh cho phải đạo, “Xung tội một năm ít là một lần và chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh”.

Xem ra cách thực hành sám hối như vậy cũng có những nét cụ thể nhất định, nhất là lại phù hợp với đại ca số giáo dân vốn đầu tắt mặt tối chạy vạy với cuộc sống kinh tế gia đình hoặc xã hội. Nhưng từ căn bản có cái gì đó chưa ổn. Một mặt quá gắn liền động tác sám hối với công việc đón nhận Bí Tích Hòa Giải thì mình cũng chẳng cần đến sám hối nữa; và mặt khác coi sám hối chỉ như một động tác diễn ra trong khoảng khắc sẽ tới nghĩ rằng sám hối chỉ là điều kiện ắt có và đủ cho việc xưng tội chứ không như một thái độ thường xuyên phải có trong đời Kitô hữu.

Thực ra sám hối mang màu hy vọng không đơn thuần là một động tác cho bằng là một thái độ. Sám hối là một thành phần của đời sống đức tin, nhưng lại gói ghém và len lỏi vào mọi ngõ ngách của toàn bộ cuộc sống đức tin ấy. Chả thế mà Gioan Tẩy Giả khi trả lời cho đám đông về việc thực thi sám hối đac mở ra cho họ nhãn với thật rộng bao gồm cả việc thực thi công bình và sống tình bác ái. “Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho thẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt thấp” đâu phải chỉ là chuyện dọn dẹp đường xá, mà đã trở thành chuyện cứu trợ, mà đích thực đã là cách diễn tả cụ thểcủa lòng sám hối chờ mong Chúa đến.

Tóm lại, sám hối mang màu hy vọng là sám tìm về tình thương Thiên Chúa, chấp nhận thay đổi cuộc đời và biết để cho ơn tha thứ thấm đẫm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đức tin. Đó là sám hối Mùa Vọng chuẩn bị đón lễ Noel, nhưng đó cũng là thái độ thường xuyên của đời tín hữu. Và cũng vì có sám hối như vậy, Mùa Vọng đúng nghĩa chính là mùa màu tím từ bên trong ra bên ngoài và từ ngôn ngữ tới hành vi. Chúc mọi người những ngày Mùa Vọng thật sốt sắng.

+ GM Giuse Vũ Duy Thống

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.12.2009. 17:34