Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một mẫu mực sống chân chính

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

CN 22 TN/C. (Lc 14,1.7-14)

Trong thời đại ngày nay, những người có danh tiếng và được thiên hạ kính nể, chính là những người có nhiều may mắn, những người thành đạt trong cuộc sống, những người có khả năng trổi vượt trong công danh nghề nghiệp, nghĩa là những người có thể thực hiện được nhiều thành công trong cuộc sống.

Trong các cuộc đua thể thao, chỉ những người chiến thắng, chỉ những người chiếm được vị trí đứng đầu, những người đoạt được huy chương vàng, thì mới đáng kể và mới có giá trị. Và xuất hiện nơi công cộng trước đông đảo quần chúng, cũng chỉ những người làm đầu, còn những người đứng cuối, những người vô danh tiểu tốt, hoàn toàn bị bỏ quên.

Trong cuộc sống cụ thể danh từ "nhún nhường" hay "tự hạ mình" thường chỉ là những danh từ trống rỗng, ít khi mang đầy đủ ý nghĩa của chúng. Đúng thế, thái độ khiêm tốn hay tự hạ mình thường chỉ nói lên một bản chất hèn yếu, nhút nhát và bất lực.

Thế nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đề cập tới một điều hầu như hoàn toàn thiếu thực tế và chỉ dành cho các bậc tu hành đạo hạnh, một điều hoàn toàn trái ngược với ý nghĩ và hành động của đại đa số trong chúng ta. Đó là thái độ khiêm nhu từ tốn và tự hạ mình xuống. Dĩ nhiên, ở đây Đức Giêsu chỉ muốn nhắn gửi trước tiên đến những người Pha-ri-sêu kiêu hãnh và tự cao tự đại một bài học về sự khiêm nhu từ tốn.

Nhưng phải chăng đây là một kiểu khiêm nhu từ tốn quá đặc biệt, hay nói rõ hơn, một kiểu khiêm nhu từ tốn chiến lược, nghĩa là người ta có chủ ý tìm cho mình một chỗ sau cùng cuối hết, để sau đó chắc chắn sẽ được chủ nhà đến mời lên chỗ cao hơn, và như thế sẽ được vinh dự trước mặt mọi người và được họ kính trọng, nể vì? Hơn nữa, phải chăng không phải là một điều đi ngược lại luật lịch sự thường tình khi đã là người khách mời mà lại đưa ra đề nghị này nọ cho chủ nhà trong tương lai cần phải mời khách như thế nào?

Nếu ý nghĩa đoạn Phúc Âm hôm nay thực sự chỉ được giới hạn trong sự khiêm tốn và nhu mì theo kiểu cách nhân loại, và thực sự chỉ liên quan tới một danh sách các khách mời hợp tình hợp lý mà thôi, thì quả thực là một đoạn Phúc Âm tầm thường, không cần phải quan tâm. Không! Dụ ngôn mà Đức Giêsu nêu lên ở đây chứa đựng một ý nghĩa hoàn toàn khác, chứ không phải là một bài thuyết pháp về luân lý. Vâng, Đức Giêsu kể ra câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay là cốt ý muốn trình bày về sự tương quan của con người với Thiên Chúa, cũng như những hậu quả phát xuất từ mối tương quan đó cho cách cư xử của con người. Vì thế, bữa tiệc của người Pha-ri-sêu chỉ là bức bình phông, chỉ là dịp để Đức Giêsu đề cập tới một bữa tiệc quan trọng khác, bữa tiệc Nước Trời.

Vâng, Đức Giêsu trình bày về sự hiệp thông với Thiên Chúa, mà những người Do-thái luôn đinh ninh rằng, họ - với vai trò là dân được tuyển chọn – đương nhiên phải được chiếm giữ những chỗ danh dự hàng đầu trước các dân tộc khác. Và trong thực tế, những người Do-thái (dĩ nhiên, không chỉ những người Do-thái mà thôi) đã đem thứ bậc khác nhau và sự phân chia giai cấp thuần túy nhân loại như thế vào cả trong lãnh vực tôn giáo. Chỗ ngồi tại "bàn ăn" của xã hội nhân loại có thứ bậc rõ ràng:

- Về vấn đề tiền bạc: Đứng vào chỗ nhất là những người kiếm được nhiều tiền trong thương trường cũng như trong chính trường; còn đứng vào chỗ cuối cùng là những người sống nhờ vào sự bố

- Về giáo dục: Đứng vào chỗ nhất là những giai cấp trí thức đại học với cấp bằng tiến sĩ và giáo sư; còn đứng vào vị trí cuối cùng là những người mù chữ hay chỉ mới biết đọc biết viết.

- Về sắc đẹp: Đứng vào chỗ nhất là các nữ hoàng sắc đẹp với những đường nét và kích thước cân đối lý tưởng; còn đứng vào vị trí cuối cùng là những người thiếu nhan sắc, những người xấu xí khó coi, những người ít được các đồng loại quan tâm để ý.

- Về sức khỏe: Đứng vào chỗ nhất là những người lực lưỡng, khỏe mạnh và bất khả thắng; còn đứng vào chỗ cuối là những người suốt đời phải sống lê lết trong bệnh tật, phải đi khám hết bác sĩ này đến bác sĩ khác.

Vâng, có biết bao nhiêu kiểu thứ bậc và cách phân chia giai cấp như thế tại "bàn ăn" của cuộc sống nhân loại, dù cho chúng có hợp lý hay vô lý, cần thiết hay dư thừa.

Nhưng điều quan trọng ở đây là chính sứ điệp Đức Giêsu đã mang đến. Và sứ điệp đó là: Tại bàn ăn của Thiên Chúa không bao giờ có những sự phân chia thứ bậc theo kiểu nhân loại như trên. Trước mặt Thiên Chúa chỉ có một chỗ thích hợp và đúng đắn, mà con người cần tìm kiếm: Chỗ sau cùng! Vâng, đó là chỗ của những người nghèo, của những người hành khất ăn xin, của những người mù lòa và què quặt; đó là chỗ của tất cả những người không còn biết nương cậy vào đâu nữa ngoài vào tình yêu và sự thương xót của Đấng đã kêu mời họ. Nhưng chỗ đó lại chính là chỗ của Đức Kitô. Đúng vậy, khi giáng sinh làm người trên quả đất này, Đức Kitô đã chấp nhận đứng vào chỗ cuối cùng và thấp kém nhất giữa loài người chúng ta: Chỗ của những người nghèo, của những người bị xua đuổi và phải sống ngoài lề xã hội, chỗ của những người bị đánh đập và bị hành hạ bất công, chỗ của những người bị thất bại và bị mất mát thua thiệt. Nhưng cũng chính vì thế, Người đã được cất nhắc vào chỗ danh dự bên hữu Thiên Chúa Cha.

Bởi vậy, những tất cả những ai - trong suốt cuộc sống đã biết bắt chước Đức Kitô, chọn cho mình chỗ đứng tương tự như Người, tức chỗ của tình yêu, của nhân hậu, của xả kỷ hy sinh và của phục vụ, của khiêm tốn và của nghèo khó – sẽ được vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi nghe chính Ông Chủ tiệc cưới Nước Trời đến nói: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên cho!".Vâng, Đức Kitô đã ban cho chúng ta một mẫu mực đúng đắn và hợp lý duy nhất, một mẫu mực làm cho chúng ta có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Đó chính là mẫu mực: Đứng vào chỗ cuối cùng và phục vụ mọi người với trọn tình yêu, đúng theo nguyên tắc chính Người đã đưa ra và đã sống: "Ai muốn làm người lớn nhất, thì hãy làm người phục vụ mọi người!" ột m

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.08.2010. 21:45