Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một chút gì rất Chúa

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG (A)

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa ông bà anh chị em,

Sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật II MV hôm nay mời gọi chúng ta tập chú vào những hành vi đức tin mà cả sứ ngôn Isaia lẫn Thánh Gioan Tẩy giả, và Thánh Tông Đồ Phaolô đều minh họa bằng những hình ảnh sống động, những thực hành cụ thể : “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (BĐ 1), “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (TM), “đồng tâm nhất trí...hiệp ý đồng thanh...đón nhận nhau...” (BĐ 2)

Như thế, Mùa Vọng của Phụng Vụ cũng chính là “mùa đổi mới trái tim, uốn nắn cõi lòng, thanh tẩy và điều chỉnh các quan hệ ứng xử”, sao cho tâm hồn trở thành mãnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa kết trái đơm hoa, sao cho cộng đoàn hòa hợp, yêu thương để trở nên dấu chỉ sống động của Hội Thánh; và để thế giới dần dần tiến tới cái ngày thái bình thịnh trị mà ở đó sự “hiểu biết Thiên Chúa như nước tràn ngập đại dương”

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta…

Giảng Lời Chúa :

Dẫn nhập : Sau biến cố 11.9.2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô như sau :

- “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy.”

Câu trả lời của thiếu nữ nầy thật thâm thúy :

- “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Nhưng từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Ngài là “quân tử” nên đã lẵng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình ? Và những biến cố vừa xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh...tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’ Hare, khi bà ấy than phiền là không muốn để đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý...Rồi một người khác lại có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta : “Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu chính bản thân mình, v.v...”, và chúng ta đã đồng ý.....Thật là kỳ lạ là con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. Thật kỳ lạ là chúng ta có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói”.

Những nhận định của cô thiếu nữ trên có thể dẫn tới một kết luận : Nơi nào thiếu vắng Thiên Chúa, nơi đó bóng tối hoành hành. Nơi nào mù tịt về Thiên Chúa, nơi đó sẽ lầm lạc và hổn loạn. Nơi nào gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài, nơi đó chỉ còn lại tội ác và sự dữ.

Và điều đó cũng mạnh mẽ khẳng quyết : Nơi nào “đầy Thiên Chúa” nơi đó sẽ “thái bình thịnh trị”, sẽ tràn đầy hạnh phúc, bình an, công lỹ và yêu thương.

Cũng chính vì thế hôm nay, trên tuyến đường Mùa Vọng tiến về đại lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe vọng về Tin Vui của Sứ Ngôn Isaia đã cất lên mấy ngàn năm trước, giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày : “Ngày ấy, từ gôc tổ Giê-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí của Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy....Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ...Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển…” (BĐ 1).

Làm sao có được một thế giới như thế ? Làm sao tìm thấy một nhân loại như thế ?

1. Giải pháp của Gioan Tẩy Giả :

Để thế giới “hiểu biết Thiên Chúa như nước ngập tràn đại dương”, chúng ta có thể lắng nghe những đề nghị của Thánh Gioan Tẩy Giả, vị Ngôn sứ cô độc xuất hiện dọn đường cho Đấng Cứu Thế quang lâm bằng phép rửa sám hối bên bờ sông Gio-đa-nô : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới : có tiếng người hô trong hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

Và chúng ta có thể tóm gọn những đề nghị của Gioan đó thành hai nguyên tắc :

- Sám hối - Biến cải tâm hồn : “Anh em hãy sám hối”...Sửa lối cho thẳng để Người đi.

- Hành thiện - Sinh quả phúc đức : “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.

Một thế giới không chịu đổi thay, một nhân loại cứng lòng với những tính hư tật xấu sẽ là một thế giới mang tai họa triền miên, sẽ là một nhân loại bị sự dữ thống trị. Không phải cứ sở hữu những thứ vũ khí mạnh nhất, những hệ thống tin học tinh vi nhất, những mạng lưới an ninh quốc phòng hoàn hảo nhất, với nền kinh tế vững mạnh nhất...là tức khắc xóa tan đi chiến tranh, bạo lực, hận thù, và muôn ngàn sự dữ, sự ác. Biến cố khủng bố đánh sụp hai tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương mại tại thủ đô của tiền bạc và giàu sang New York, và cuộc thảm sát tại đại học Virginia đã là bằng chứng rõ nét.

Trên bình diện gia đình và đời sống cá nhân cũng thế. Một gia đình chỉ biết đặt điểm tựa trên tiền bạc vật chất, trên uy thế chính trị, trên sự hưởng thụ và kiêu căng...chắc chắn không chóng thì chày, không sớm thì muộn, gia đình ấy cũng sẽ đổ vỡ tan tành.

Hơn lúc nào hết, sứ điệp Mùa Vọng hôm nay, với những lời cảnh báo của Gioan Tẩy Giả : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ?” sẽ là một cơ hội thích hợp để mỗi người, mỗi gia đình và toàn thể nhân loại cùng đứng lên làm cuộc cách mạng nôi tâm, sửa đổi cuộc sống sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Thiên Chúa. Từ cuộc cải biến nội tâm với lòng khiêm nhượng sám hối, chắc chắn mảnh đất thế giới sinh nhiều hoa thơm trái ngọt, sự hiểu biết Thiên Chúa sẽ dâng đầy và rồi một “triều đại đua nở hoa công lý” sẽ xuất hiện.

2. Giải pháp của Chúa Giêsu

Trong khi đó, sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo với phong trào sám hối bằng phép rửa bên bờ sông Gio-đan, đã có một “Giê-su người Na-gia-rét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm” : Kẻ điếc nghe, kẻ câm nói, kẻ mù thấy, kẻ què đi, người phung cùi lành sạch, kẻ bất toại đứng thẳng lên, người chết bốn ngày xác thit đang thối rửa sống lại, hàng ngàn người đói mệt được no nê chỉ với dăm chiếc bánh và vài con cá…và nhất là, toàn dân đuợc nghe một “TIN MỪNG”, “Tin Mừng Nước Thiên Chúa” đã đến, “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương”, “Tin mừng về một Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”, Tin Mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới, Tin Mừng về một cuộc sống phục sinh sau cuộc đời dở dang tại thế nầy, Tin Mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa…

Và làm sao để Tin Mừng đó hiện thực ?

Thưa phải mở lòng ra để đón nhận. Đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài vào đời sống, vào cộng đoàn, vào xã hội, đón nhận cách giản đơn bằng lòng tin chân chất như anh chàng mù thuở nọ : ‘Lạy Ngài con tin”.

- Vâng, những người mù, què, câm, điếc đã tin đã đón nhận và đã được chữa lành.

- Những người phung cùi bị vất ra ngoài hoang mạc để sống như chết đã tin đã đón nhận và đã được phục hồi để làm lại cuộc đời trong tin yêu hy vọng.

- Những người mẹ mất con, người chị mất em đã tin đã đón nhận và đã có những người con, người em sống lại để đón chào một cuộc sống mới.

- Những người bị xã hội lên án, bỏ rơi, khinh miệt vì mang tiếng cuộc đời tội lỗi như Giakêu, như Maria Mađalêna, như Lêvi...đã tin, đã đón nhận và được giải thoát hoàn lương và tìm thấy hy vọng và ý nghĩa cuộc sống.

Phải chăng đó là một phần hiện thực lời tiên báo của sứ ngôn Isaia về triều đại của Đấng Thiên Sai, của vị Hoàng Tử Bình An, của “chồi non từ gốc Giêsê được đầy trần 7 ơn thiêng của Thần Khí”.

Điều đã xảy ra cho thế giới cách đây hai ngàn năm trước tại Palestina vẫn là điều mà thế giới cần xảy ra hằng ngày suốt hai ngàn năm nay và cho đến ngày một thế giới mới thật sự khai sinh, triều đại mới thật sự hiển trị.

Hôm nay, cho dầu Đấng Cứu Thế đã đến hai ngàn năm rồi, thì dấu vết của nô lệ, của lưu đày, của què quặt, của đui mù, của cùi phung, của đói khát, của một thế giới như một “Giê-ru-sa-lem hoang tàn vắng bóng Thiên Chúa”, vắng bóng những giá trị nhân bản và Tin Mừng đích thực ẫn tồn tại; một thế giới thay vì hòa bình an vui là bạo lực, khủng bố, chiến tranh; một thế giới thay vì yêu thương, huynh đệ hiệp nhất, lại là ích kỷ, hận thù, cá nhân chủ nghĩa; một thế giới thay vì được xây dựng trên nền tảng là các gia đình chung thủy, thánh thiêng, lại là các cuộc ly dị, ly thân, phá thai, suy đồi luân lý… Trong một thế giới như thế, chúng ta phải mạnh dạn “đón mời Đức Kitô đến”, mở lòng để cho Tin Mừng của Ngài có chỗ trong cuộc sống, trong gia đình, trong cộng đoàn và trong thế giới, Tin Mừng Tám Mối Phúc thật với những giá trị anh hùng độc đáo : tinh thần khó nghèo, yêu thương, xây dừng hòa bình, hiền lành, trong sạch, Tin mừng về một “con đường hẹp, con đường thập giá”, tin mừng về cuộc sống hoán cải để trở nên “bé nhỏ, khiêm nhu…Mùa Vọng phải chăng là thời điểm thích hợp để mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn mở lòng ra để cho Tin Mừng của Chúa đi vào hiện thực; hãy để Chúa “ắp đầy” trong trái tim ta, trong mái nhà ta, trong cộng đoàn ta. Và rồi có một ngày thế giới sẽ ngập tràn Thiên Chúa mà mấy ngàn năm trước Isaia đã tiên báo : “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển

Kết luận :

Trên cuộc hành trình Mùa Vọng vừa mới bắt đầu, Lời Chúa hôm nay như một lời vẫy gọi thân thương quen thuộc trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa : Đổi mới cuộc sống, đổi mới tâm hồn để đón nhận Đức Kitô. Chính sự đổi mới nầy, sửa dọn con đường tâm hồn nầy, chúng ta sẽ tìm được một nghị lực mới để lên đường tiến về phía trước, và sẽ là cơ hội để ta tìm thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời nầy rõ nét hơn, tích cực hơn như cảm nhận của nhà thơ Trăng Thập tự trong bài thơ “Một Chút” :

Một chút gì rất Chúa
Trên khuôn mặt mọi người
Nơi những anh em tôi
Giữa thác đời cuồn cuộn.

Một chút gì rất Chúa
Ngay ở giữa đời ta
Chỉ khi lòng rất lặng
Ta mới chợt nhận ra.

Một chút gì rất Chúa
Đang tràn về quanh đây.
Đôi khi vồn vã quá
Chút gì kia vụt bay.

Một chút gì rất Chúa
Cho hồn ta bay lên
Cho lòng ta không quên
Cho tình ta rất nhớ.

Một chút gì rất Chúa
Âm thầm mà tinh khôi.
Như là chất men lạ
Dậy cả khối bột đời.

Và giờ đây, trên bàn thờ nầy, không phải “một chút gì rất Chúa” mà “tất cả đều rất Chúa”, vì Chính Đức Kitô đang hiện diện ắp đầy nơi đây để biến cộng đoàn chúng ta thành của lễ kết hợp với Hy lễ Thập Giá của chính Ngài được hiện thực qua “Tấm Bánh Mình Ngài được trao ban và Chén Rượu Máu Ngài được chia sẻ”. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.12.2007. 16:11