Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mối Phúc Thật Thứ Chín

§ Lm Phêrô Hồng Phúc

Ngày hôm nay (10-4-2010) chúng ta nghe Chúa Giêsu bất ngờ nói với các tông đồ: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,29). Đó là mối phúc thật được coi như là mối phúc thật thứ chín mà Chúa dành cho các thế hệ của chúng ta là những người ở thế kỷ 21 này xa cách Chúa Giêsu về thời gian và không gian nhưng lại được nghe lời Chúa phán “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” !.

Nói như vậy, dường như chúng ta còn có phúc hơn các tông đồ là những người thấy. Thực ra Chúa Giêsu đã không đưa ra một so sánh thấy hay không thấy nhưng quan trọng ở chỗ tin hay không tin. Rõ ràng có những người đã thấy mà không tin, họ còn đưa ra những ngụy biện nữa. Chẳng hạn “ban đêm, chúng tôi đang ngủ thì môn đệ của ông đến lấy xác của ông ấy và đưa đi mất”. Họ tạo nên cái ngụy tạo để khỏi phải tin là Chúa Giêsu từ trong cõi chết sống lại. Hoặc là như Tôma hôm nay đòi xỏ ngón tay vào bàn tay, thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy thì mới tin. Cho nên có nhiều người thấy mà không tin, nhưng ngược lại có nhiều người không thấy mà lại tin. Vậy thì đức tin là một ân huệ, đức tin xuất phát không phải là từ con mắt của trí tuệ mà đức tin xuất phát từ con mắt đức tin và từ tấm lòng của mỗi người.

Sách Công đồ Tông vụ cho chúng ta thấy khi Phêrô đi ngang qua, chỉ cần bóng Phêrô ngả trên ai thì người tin đó được khỏi. Cũng như những người đang mang thai họ cảm nghiệm sức sống mới trong mình là bởi Chúa ban, cả sự thật đang ở trong họ. Đức tin là ân huệ thực sự đi vào trong tâm hồn mà người nào tin thì cảm nhận rất rõ ràng vì mình là người cảm nhận thấy ơn thánh trong tâm hồn, và đó là con mắt của tâm hồn chứ không phải thị giác này xuất phát từ trí khôn. Một người nói thì một trăm người khác cũng đồng cảm với họ. Họ biết rõ sự thật ở trong mình, sự sống ở trong mình. Họ trở thành chứng nhân của sự sống, trở thành chứng nhân của lòng tin. Tin Mừng thuật lại Tôma đã nhìn thấy thật và Chúa cho phép ông khi Chúa nói: “Con hãy xỏ ngón tay con vào đây. Hãy thọc bàn tay con vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Tôma không dám thực hiện nữa, ông quì xuống và kêu lên “Lạy Chúa! Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Nếu cần phải nghi ngờ, nếu cần phải xét nét, nếu cần phải phân tích và mổ xẻ thì Tôma đã làm đến mức ấy là hết rồi. Và nếu đến mức ấy mà Tôma đã quì xuống và tuyên xưng “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” thì chúng ta khỏi cần phải làm môn đệ của Tôma! Chúng ta hãy thực hiện lời Chúa Giêsu dạy “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Phúc cho những ai đã không thấy mà tin, mối phúc ấy dành cho chúng ta hôm nay – những người không thấy mà tin – khác với không có mà tin. Trong thực tế có nhiều cái không có mà tin! Đi đào vàng, rồi đưa vàng mạ đầy xung quanh linh cữu trở về kia kìa! Nhiều lô đất không có vàng mà người ta vẫn tin. Phương chi chúng ta hiểu chân lý của Chúa, Chúa dạy “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chỉ có sự thật giải thoát được chúng ta mà thôi. Vậy thì chúng ta còn sợ hãi điều chi nữa? Chúng ta tin vào những điều “không thấy mà tin” khác với “không có mà tin”. Trong đời thường, người ta đốt vàng mã, người ta gửi tòa nhà xuống cho ông bà tổ tiên, người ta gửi cả ô tô xuống cho ông bà tổ tiên mà không gửi xăng thì biết chạy làm sao?! Mà ông bà tổ tiên chưa kịp học lái xe, nhỡ xuống đấy gây tai nạn thì sao?! Thế mà người ta vẫn tin! Không có mà người ta vẫn tin! Phương chi chúng ta là những người cảm nhận được sự sống và sức sống trong mình thì sao chúng ta lại không tin. Và đức tin không đòi hỏi được gọi là đức tin không điều kiện thì mạnh hơn đức tin có điều kiện. Tôi đến Nhà thờ Phát Diệm rồi, mà bây giờ tôi còn bảo nhà thờ Phát Diệm cột của nó cũng chỉ bé bằng cột nhà mình thôi thì hoặc là tôi mù, hoặc là tôi “HMT” (hâm mãn tính). Tôi nhìn thấy rồi mà tôi còn không tin thì chỉ là một trong hai tình trạng nhận thức đó. Khiếm thị hoặc là HMT! Cho nên những người đã thấy rồi thì không còn phải giục lòng tin nữa. Ngược lại khi tôi thấy, tôi về tôi nói cho mọi người biết là nhà thờ Phát Diệm đẹp lắm, cột 12m cao, đường kính của cột tới 80cm và những chiếc cột này tồn tại hơn trăm năm nay. Người khác tin, tin những gì tôi nói vì tôi đã thấy.

Hôm nay chúng ta tin vào những tông đồ, những người đã thấy Chúa Giêsu phục sinh và truyền lại cho chúng ta qua Tin Mừng để chúng ta tin vào Chúa Kitô đã phục sinh và đang là sự sống cho chúng ta. Thực sự là với riêng cá nhân tôi, tôi có cảm tưởng thế này, mỗi khi nhìn thấy các đoàn hành hương tôi cảm thấy mình như là Tôma, mình còn cứng lòng tin. Tôi thấy họ kể là họ đi khấn, xin ơn, được ơn. Bây giờ họ không ngần ngại khoe ân sủng của Chúa trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy mình thật xấu hổ vì đức tin của mình có những lúc còn khô khan, còn dao động cách này cách khác, còn xét nét, còn nghi ngờ xem ơn lạ có đúng hay không. Hoặc mỗi người chúng ta là người Kitô hữu nhưng nhiều khi chúng ta sống ở giữa môi trường xã hội lại ngại không dám tuyên xưng đức tin rằng mình là người Công giáo rõ ràng là mình chưa tự tin. Phương chi đón nhận đức tin là ân huệ của Chúa ban. Cho nên chúng ta hãy tự tin và cùng thúc đẩy nhau để sống đức tin. Đó là chứng nhân Tin Mừng. Chúa Giêsu dạy các tông đồ “Các con hãy đi và làm chứng nhân cho điều đó” (Mt 28,19). Chúa Giêsu hiện ra để cho các ông thấy Chúa chiến thắng sự chết, chiến thắng tử thần, chiến thắng thế gian. Rồi Chúa Giêsu dạy “Các con hãy đi và làm chứng về điều đó”, Chúa có dạy các ông phải làm thế này, phải làm thế kia đâu. Ngay cả môn đệ của Gioan đến hỏi Chúa Giêsu “Chúng tôi phải làm thế nào cho người sai chúng tôi đi?”. Chúa Giêsu trả lời “Các ngươi hãy về kể những gì mà mắt thấy tai nghe về kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, kẻ mù được thấy, kẻ câm nói được, kẻ phong hủi được khỏi bệnh” (Mt 11,4-5). Làm chứng cho sự thật trở thành chứng nhân cho sự thật đó là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô.

Khi Gioan và Phêrô bị hội đồng cộng toạ cấm không cho nói về Chúa Giêsu. Phêrô chỉ nói một tiếng thôi “Chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4,20). Đức tin là như vậy, một khi đã thấm vào da, vào thịt, vào máu thì như các thánh tử đạo khi đổ máu ra - Tertuliano đã nói “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra kẻ có đạo” vì máu ấy có đức tin, cho nên khi đổ ra thì trở thành thế hệ những người có lòng tin. Đó chính là chứng nhân của sự thật. Có thể một tiếng nói nhưng có cả trăm người cũng đồng cảm lên tiếng. Thế nên một tiếng nói làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh thì cả thế giới này, mọi thời đại của chúng ta cũng vang lên “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Đó là âm thanh cộng hưởng cùng vang lên trong mùa Phục Sinh làm chứng về Đức Kitô đã Phục Sinh từ trong cõi chết và sự sống ấy lại tiếp tục ban cho chúng ta, để những người tin vào Chúa thì được sống và sống dồi dào, hay chính xác hơn là được sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã Phục Sinh từ trong cõi chết.
Sự sống của Chúa chính là để trao ban cho chúng con
vì Chúa là nguyên ủy của sự sống.
Chúa đến trần gian để trao đổi kỳ diệu
cho chúng con từ trong cõi chết nay lại được sống
và vì thế sự sống lại của Chúa
chính là cứu cánh của mỗi người chúng con.
Xin cho chúng con hôm nay,
những người không thấy mà tin,
được mỗi phúc thật như Chúa đã hứa.
Phúc cho những ai không thấy mà tin.
Chúng con tin Chúa từ cõi chết Phục Sinh.
Chúng con tin vào Chúa là đường là sự thật và là sự sống.
Chúng con tin Chúa sẽ ban cho chúng con hạnh phúc đời đời.
Chúa sẽ ban cho chúng con sự sống đời đời. Amen.

Lm Phêrô Hồng Phúc

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.04.2010. 22:11