Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mối Phúc Than Khóc

§ Phêrô Vũ văn Quí

(Lễ Các Thánh – Mt 5, 1-12a)

Trong tuần vừa qua, những tâm tình sau đây của Tân Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá Tổng Giáo Phận Saigon, đã giúp tôi suy tư lắng đọng tâm hồn để có những bước đi tốt hơn, khi mừng kính Lễ Các Thánh:

Hãy theo Thầy” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời Đức cố Giáo hoàng, từ khi làm linh mục giữa thời chiến tranh đến khi lên ngôi giáo hoàng trong sự ngỡ ngàng của toàn thế giới, và cả đến khi tuổi già sức yếu, không cất nổi bàn tay ban phép lành cho dân chúng. Dù cuộc đời có trải qua những bước thăng trầm nào chăng nữa, vẫn chỉ là những bước theo Thầy. Dù trong âm thầm tĩnh lặng của giờ cầu nguyện hay giữa tiếng ồn ào của thế giới truyền thông, vẫn chỉ là những bước theo Thầy. Dù trong vinh quang của một nhà lãnh đạo được mọi người ca tụng hay trong nỗi cô độc trên giường bệnh, vẫn chỉ là những bước theo Thầy. Và tôi không ngần ngại chọn lời Thánh Kinh đó làm châm ngôn nhắc nhớ chính mình: “Hãy theo Thầy”.

Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn.

Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống.”

Từ những lời tâm huyết trên, tôi đã hiểu thêm rằng, khi nhìn vào mẫu gương của Đấng Đáng Kính là Đức cố GH Gioan Phaolô II, Tân Giám Mục phụ tá đã tìm được cho mình sức mạnh để dấn bước chân theo Thầy Chí Thánh với khẩu hiệu giám mục là “Hãy theo Thầy”. Còn tôi, khi Giáo Hội mời gọi con cái Chúa nhìn ngắm Các Mối Phúc, Chân Dung Các Thánh, cũng là ý nghĩa, là những hướng đi cho cuộc đời làm môn đệ Chúa, tôi có chuẩn bị cho mình một hướng đi nào chăng?

Và khi nhẩn nha đọc lại Các Mối Phúc để được kết hiệp thâm sâu với mầu nhiệm Đức Kitô, cũng là bức vẽ chân dung của Các Thánh, tôi nghe văng vẳng lời thầm thì thú vị của thánh Augustinô: “Cậu nọ cô kia làm thánh được, còn tôi tại sao không?” Hơn nữa, Các Mối Phúc là những hướng đi làm môn đệ Chúa, những hướng đi liên quan đến từng cá nhân, cho dù, theo nhiều ơn gọi khác nhau, do đó những hướng đi rất khác biệt cho mỗi cá nhân.

Và từ đó, hôm nay, Mối Phúc làm tôi cảm nghiệm sâu xa hơn cả là: “Phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. (Mt 5, 5)

Dù đã và đang phải đau khổ vì tật bệnh triền miên, nhưng, Tạ ơn Chúa, tôi đã không hoàn toàn đánh mất niềm hy vọng, mất niềm tin vào tình yêu và chân lý. Tôi đã không để cho những than thân trách phận gặm nhấm và phá hủy con người từ bên trong của tôi. Tôi đã cảm nghiệm được ánh mắt đầy yêu thương của Chúa, như thánh Phêrô đã bật ra tiếng khóc chữa lành. Thánh quan thầy của tôi cảm nhận ra mình yếu hèn, xấu xa và phản đội, và tiếng khóc sầu khổ đó đã làm thánh nhân hóan cải để rồi chối từ sự dữ. Ngài bắt đầu làm lại cuộc đời để được đổi mới trong ánh mắt yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu. Không chỉ thánh Phêrô, ngay cả thánh Phaolô đã được chữa lành cả một quá khứ đen tối, nhưng nhờ ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh mở đôi mắt mù lòa và rồi ngài đã tự bạch: “Bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giầu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.” (2Cr 6, 0-10)

Nhất là khi nhìn ngắm thập giá Chúa, tôi cảm thấu hơn ý nghĩa Mối Phúc: “Phúc thay ai than khóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Một khi cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót bao la “đến cùng” ấy, tôi mới có thể cảm thông được nỗi đau khổ cũng như những nhu cầu của tha nhân. Từ sự cảm thông huyền diệu và nhưng không này, tôi không chỉ cố gắng không để cho sự dữ đi vào linh hồn của mình, tức không thỏa hiệp với sự dữ, nghĩa là tôi đang đi dần vào Mối Phúc thứ tư là: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5, 6), và đồng thời tham gia vào Mối Phúc thứ tám là: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nứơc Trời là của họ” (Mt 5, 10). Chưa dừng lại ở đó, mà tôi tin rằng, Thần Khí của Chúa sẽ dẫn tôi đi dần vào các Mối Phúc khác nữa.

Mà “khao khát sự công chính” là gì? Nếu không phải là trở nên con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, là tin tưởng tuyệt đối rằng: “Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ trở nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch.” (1Ga 3, 2-3) Hay như thánh Phaolô xác tín mạnh mẽ: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20)

Để sống tốt với mối phúc sầu khổ mà hôm nay tôi say mê chiêm ngắm, tôi nhớ lại lời ĐHY Ratzinger trả lời cho ký giả Peter Seewald, khi ông ta đặt ra câu hỏi: Người Công giáo hạnh phúc hơn những người khác? Và ĐHY đã phân tích:

“Hạnh phúc là một khái niệm đa diện. Ông chỉ cần đọc bài giảng trên núi thì biết, bài giảng mở đầu với những chúc phúc. Có thể nói Chúa đã mở ra một trường dậy hạnh phúc, Ngài giới thiệu cho nhân loại trường hạnh phúc: “Tôi chỉ đường cho quí vị”. Nhưng nếu đọc kỹ những lời dậy, ta thấy quan điểm hạnh phúc của Ngài khác xa với quan niệm con người vẫn có.

Đối với ta, có lẽ hạnh phúc là những ai có của, những ai có phương tiện làm đẹp cuộc đời mình, những ai sống an vui thoải mái và gặp nhiều may mắn trong cuộc đời. Nhưng Chúa thì lại bảo: Hạnh phúc cho những kẻ đau buồn. Nghĩa là bài học hạnh phúc của Ngài thật mâu thuẫn, ít là khi đem so với những gì ta nghĩ về ý niệm này. Hạnh phúc của ngài không đồng nghĩa với dễ dàng thoải mái. Có vậy mới hiểu thấu được chữ “quay trở về” của Ngài. Ta phải rời bỏ những chuẩn mực thông thường – “hạnh phúc là tiền tài, của cải, quyền lực”. Đi trên đường đó là ta đang lạc đường. Ngài không hứa hẹn cho người theo Ngài một hạnh phúc “bên ngoài”, nhưng là một bảo đảm an lành tâm hồn qua việc kết hợp với Ngài. Dĩ nhiên ở đây phải hiểu chính Ngài là tia sáng hạnh phúc tối hậu trong cuộc đời tín hữu Công giáo.” (Trích Muối Cho Đời, ĐHY Joseph Ratzinger, Biển Đức XVI, Phạm Hồng Lam và Trần Hoành dịch).

Lạy Cha yêu thương,

Để “giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14) hay để sống tốt Các Mối Phúc, xin Cha ban cho chúng con Thần Khí Tình Yêu của Cha hầu chúng con kiên trường vững bước theo chân Các Thánh,

Nhất là trong Năm Thánh Phaolô, xin Thánh Thần Chúa tăng thêm cho chúng con lòng yêu mến chiêm ngắm và suy niệm Vị Tông Đồ Dân Ngoại Vĩ Đại này để được Ngài thương ban thêm sức mạnh sống tốt Các Mối Phúc. Amen.

Lễ Các Thánh, 1/11/2008

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.11.2008. 12:37