Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Tôi

§ Trần Mỹ Duyệt

Trong những phẩm chức của Mẹ thì phẩm chức “Mẹ Thiên Chúa” là một phẩm chức cao trọng hơn cả. Bên cạnh phẩm chức ấy là phẩm chức Mẹ Nhân Loại, và dĩ nhiên, là mẹ riêng tôi nữa.

Khi Tổng Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến với Mẹ, và khi cất lời chào Mẹ: “Hãy vui lên trinh nữ, vì được Thiên Chúa sủng ái, trinh nữ có phúc hơn mọi phụ nữ” (Lc 1:28), hẳn là ngài cũng biết rằng lời chào mừng ấy không dừng lại ở đó. Ý nghĩa của lời chào mừng ấy còn phải đi xa hơn nữa khiến muôn thế hệ sau phải tự hỏi: Người trinh nữ ấy vui với cái gì? Tại sao vui?

OurMotherofGod9.jpg

Nhưng cũng nhờ Tổng Thần Gabriel, chúng ta tìm được lý do khiến Mẹ vui, đó là Mẹ sẽ thụ thai và sinh một con trai, mà người con trai ấy là Con Ðấng Tối Cao, là chính Thiên Chúa: “Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai. Ngài sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao” (Lc 1:31-32). Như vậy, qua biến cố Truyền Tin, hình ảnh người mẹ của Thiên Chúa đã được phác họa, và người đó chính là Trinh Nữ Maria.

Khi làm mẹ Chúa Giêsu, Ðức Maria cũng trở thành mẹ của cả nhân loại, vì Chúa Giêsu đây không ai khác mà là một Adong mới, nơi Ngài, nhân loại được nối kết, và được trở nên con cái Thiên Chúa. Ngài là “Trưởng Tử” như lời Thánh Phaolô quảng diễn, và Ngài cũng chính là “Ðầu” của nhiệm thể mà trong đó mỗi người chúng ta là những chi thể. “Như mỗi người chúng ta có một thân thể với nhiều chi thể, và mỗi chi thể có một nhiệm vụ khác nhau. Cũng vậy, tuy nhiều, chúng ta chỉ làm thành một thân thể trong Ðức Kitô, và mỗi phần tử là một chi thể khác nhau” (Rm 12:4-5).. Tư tưởng này, Thánh Phaolô cũng viết cho Giáo Ðoàn Corinthô: “Anh em là thân thể của Chúa Kitô. Mỗi người trong anh em là một chi thể trong đó” (1Cor 12: 27).

Vậy, nếu Mẹ là mẹ của “đầu”, thì Mẹ cũng là mẹ của toàn thân thể, là Mẹ của tất cả mọi chi thể.

Tại sao người Trinh Nữ nhỏ bé thuộc một thôn trang nghèo nàn Nazareth lại có thể trở thành một người mẹ cao trọng và quyền uy đến thế: “Trinh nữ có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:28). Ðể có câu trả lời, chúng ta lại phải tìm về ý nghĩa của biến cố Truyền Tin. Sở dĩ Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, và được trở nên cao trọng, vì Mẹ khiêm nhường và sự khiêm nhường ấy dẫn Mẹ đến chỗ hoàn toàn phục tùng Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ Ngài, tôi xin vâng” (Lc 1:38).

Vâng, chính sự khiêm nhường ấy, nên Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên cao. Và dù được cao sang, vinh quang như thế, Mẹ vẫn hết sức khiêm nhường: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Và tâm trí tôi hoan hỷ trong Ðấng Cứu Chuộc tôi. Vì Chúa đã thương đến phận nữ tỳ tôi tớ Chúa. Này về sau muôn đời sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1: 46-49).

Nhưng ngoài Chúa Giêsu ra, trong cái chung toàn thể nhân loại ấy, Mẹ cũng còn là mẹ riêng của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô Tông Ðồ trong mối tương quan con cái Thiên Chúa qua Chúa Kitô đã viết: “Người Con trở thành trưởng tử của nhiều anh em” (Rm 8:29). Mầu nhiệm này, ơn gọi này cũng được hiểu về vai trò làm anh của Chúa Kitô đối với từng anh em của Ngài qua tương quan với Mẹ Maria. Chính Chúa Kitô đã mặc khải cho biết điều này. Trước giờ hấp hối, từ trên thập giá nhìn xuống thấy Mẹ và người môn đệ yêu dấu, Ngài đã nói: “Hỡi bà! Này là con bà”, và với người môn đệ, ngài nói: “Này là mẹ con” (Jn 19:26). Như vậy, chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho nhân loại và cho mỗi người chúng ta rằng, Ðức Maria không chỉ là riêng của Ngài, mà còn là của mỗi người chúng ta.

Khi sinh ra Chúa trong hang đá Belem, cùng một lúc, Mẹ Maria cũng sinh chúng ta ra trong tình thương yêu và bình an của Thiên Chúa. Khi Mẹ cho Chúa Giêsu bú sữa, cũng là chính chúng ta được nuôi dưỡng bởi dòng sữa tình yêu của người. Khi Mẹ nâng đỡ, bao bọc, và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, cũng chính là chúng ta từng người một được mẹ nâng đỡ, bao bọc, và nuôi dưỡng. Và khi Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Cây Dầu, vác thập giá lên núi Sọ, và chịu đóng đanh trên đó, thì cũng chính là Mẹ có mặt bên mỗi người chúng ta mỗi khi sầu khổ, lúc gặp thử thách, và ngay bên giường trước giờ ly biệt cõi trần: “Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Ðó là lời cầu xin mà Giáo Hội dạy con cái mình phải xin với Mẹ mọi ngày.

Tôi đã tham dự đám tang của nhiều người Công Giáo, Phật Giáo, nhưng chỉ duy một lần, gần đây tôi được tham dự đám tang của một người chị em Tin Lành. Tôi không nói về sự khác biệt giữa Công Giáo và Phật Giáo, nhưng so sánh với đám tang của người chị em Tin Lành với những đám tang Công Giáo thì đây là điều khiến tôi phải suy nghĩ. Cũng có Lời Chúa được chia sẻ, cũng có Thánh Thi được đọc lên, nhưng thiếu hình bóng người Mẹ hiền. Người mẹ mà mỗi ngày tôi đều xin với người: “cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Ðiều gây ngạc nhiên, là chính những người trong gia đình nhà hiếu cũng cảm thấy sự khác biệt ấy. Lý do, vì tối hôm trước, một số nữ tu, anh chị em Công Giáo do sự quen biết với một phần tử trong gia đình, đã xin phép đến đọc kinh cho người quá cố. Những tràng Mân Côi được cất lên cùng với những bài thánh ca đã làm cho con cháu của người quá cố bồi hồi xúc động. Và chính vì thế, hôm sau, đứng trước quan tài, tôi cũng xin cùng với một người trong gia đình ấy đọc một chục kinh Mân Côi và hát một bài ca về Mẹ cầu cho người quá cố.

Hình ảnh người mẹ đã là một hình ảnh đẹp và thu hút chứ không phải vì người mẹ đó là Mẹ Thiên Chúa: “Thưa bà. Này là con bà”. Chúa Giêsu đã chẳng nói với Mẹ trước giờ hấp hối điều này sao? Vậy thì mặc dù Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, con vẫn hạnh phúc và sung sướng nói với Mẹ như Chúa Giêsu đã cho phép con gọi thế: “Ðây là mẹ con”. Ôi Maria! Con sung sướng biết bao.

Lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng 1 năm 2009

Trần Mỹ Duyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.01.2009. 11:48