Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lòng nhân từ

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

CHÚA NHẬT 10 A

Ca dao có câu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người Tây phương lấy hoa huệ làm biểu tượng cho sự trong trắng. Người Đông phương lại chọn bông sen,không phải hương sắc bên ngoài mà là ý nghĩa bên trong; hoa sen mọc trong bùn lầy nhưng vẫn sạch và thơm. Đối với Phật giáo,một tôn giáo xuất thế thì bông sen là biểu tượng của sự thoát tục “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đối với người dân Trung Hoa và Việt Nam, bông sen là biểu tượng của sự trong sạch,không chỉ vì nó “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà còn ở chổ nó vươn lên từ bùn lầy.Điều này phản ánh một thái độ lạc quan cho rằng con người có thể vươn lên từ vũng bùn lầy. Một cuộc đời như Thuý Kiều “Chút phận hoa rơi,nữa đời nếm trải mọi mùi đắng cay”, cũng có thể trở thành “Gương trong chẳng chút bụi trần” vì “hoa tàn mà lại thêm tươi,trăng tàn mà lại hơn mười năm xưa’. Đó cũng là niềm lạc quan Kitô giáo được chứng minh cụ thể qua bài Tin mừng hôm nay với sự kiện Chúa Giêsu gọi Matthêu, người thu thuế làm Tông Đồ. Sự kiện này đã gây nên một “scandale” trong dân Do thái và nơi nhóm người Pharisiêu. Chắc chắn việc chọn lựa của Chúa Giêsu không nhằm mục đích gây sốc cho họ. Sự chọn lựa này cho thấy việc Chúa làm không theo nếp suy nghĩ của con người. Qua sự chọn lựa này, Chúa muốn công bố sứ điệp về tình yêu và thương xót của Chúa. “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc nhưng là kẻ đau yếu.Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi”. Thiên Chúa không loại trừ một ai khỏi tình yêu của Ngài.

Bất kỳ xã hội nào cũng luôn luôn có người tốt và người xấu, người thánh thiện và kẻ tội lỗi. Người tốt và thánh thiện thường được kính nể, khâm phục, ưa thích và nhiều người lui tới. Kẻ xấu hay tội lỗi thường bị khinh thường, tẩy chay và xa tránh. Nhưng Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, không phân biệt đối xử như vậy, vì ai cũng là con cái Ngài, được Ngài yêu thương vô bờ bến. Vì thế, «Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính» (Mt 5,45). Cách đối xử không phân biệt của Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu, là hiện thân của Ngài ở trần gian. Chính những người tội lỗi, xấu ác, lại là những con người được Ngài quan tâm yêu thương đặc biệt. Ngài đến trần gian vì mọi người, nhưng trước tiên là vì những người tội lỗi: «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13). Và Ngài sẵn sàng «để chín mươi chín con chiên trên núi mà đi tìm con chiên lạc» (Mt 12,18). Và bài Tin Mừng hôm nay (Mt 9,9-13) cho ta thấy cách đối xử nhân hậu, yêu thương, hòa nhập của Chúa Giêsu. Đó là cái nhìn lạc quan về khả năng của Ơn Cứu Độ, sự đổi mới tái sinh con người trong Ơn Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế thực hiện công trình cứu độ nhằm biến đổi chính trần gian tội lỗi, cứu chữa,làm cho cái hư hỏng được lành lặn, tìm lại cái đã mất,đổi mới,làm cho sống lại những gì khô cằn, làm cho tươi xanh những gì héo úa.Hoa sen từ bùn lầy ao tù nước đọng nhưng vẫn vươn lên khỏi mặt nước để khoe sắc toả hương. Thánh Phaolô đã trình bày tư tưởng ấy trong thư Philipphê: Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang ( Pl 2, 6-7a). Đức Kitô đã nhập thể làm người giữa chúng ta( Ga 1,14),Người đã mặc lấy thân nô lệ,trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2,7b), thậm chí trở nên bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8). Khi bị giương cao trên thập giá, Người sẽ kéo mọi người lên.Thánh Phêrô đã diễn tả sâu sắc: Tội lỗi của chúng ta,chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên thập giá để một khi đã chết đối với tội chúng ta được sống cuộc đời công chính ( 1Pr 2,24). Chúa Giêsu chính là bông sen,không chỉ vươn lên khỏi bùn lầy nước đọng của trần gian tội lỗi mà còn biến đổi nó thành thành hương hoa. “Ở đâu có tội lỗi tràn đầy,ở đó chứa chan ân sủng” (Rm 5,20).Ở đâu có nhiều bùn đất phù sa,ở đó cây lúa tươi tốt. Ở đâu có nhiều phân bón thì ở đó cây cỏ xanh tươi.Chỉ có điều,con người tội lỗi không thể tự nhiên biến đổi để thành người thánh thiện.Phân bón làm cho cây tươi tốt nhưng tội lỗi không làm cho con người nên tốt.Bởi vậy cần có Ân Sủng Thiên Chúa để biến đổi mọi tâm hồn. Chúa Giêsu dùng hình ảnh rất hữu lý để làm nền tảng. Người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Kẻ tội lỗi mới cần đến ơn cứu chuộc. Vì thế, Chúa đến để cứu chuộc tội nhân. Cái nhìn của Thiên Chúa vượt xa cái nhìn của nhân loại. Thế là ông Mátthêu, một nhân viên thu thế trong guồng máy thống trị của Rôma đã được Chúa Giêsu mời tham dự vào chương trình cứu chuộc của Người. Ông đã trở thành một Tông Đồ tâm huyết của Đức Kitô. Và ông đã để lại cho hậu thế một đóng góp vượt thời gian, đó là Phúc Âm do ông biên soạn: Phúc Âm Chúa Giêsu theo Thánh Mátthêu.

Cũng như Mađalêna, thiếu phụ Samaria, Simon tật phong, Giakêu, và như Phaolô; tất cả đã được Chúa Giêsu mời gọi, chinh phục trong khi họ vẫn còn là tội nhân, kẻ chống đối, bắt bớ Người. Chúa đã dùng tình thương, lòng nhân từ để hoán cải và chinh phục. Và tất cả đã bị lòng nhân từ của Chúa chinh phục và thu hút như chính Mátthêu đã ghi lại điều này để đánh dấu sự trở lại của ông. Ông đã ghi lại lời Thầy Chí Thánh trả lời cho những kẻ nghi ngờ lòng nhân từ, sự thánh thiện của Người, cũng như hoài nghi về tâm tình thống hối, hoán cải của ông như sau: “Các ông hãy đi và học biết điều này, Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn của lễ. Ta đến không để kêu gọi những người công chính, nhưng là những kẻ tội lỗi để họ thống hối” (Mt 9,13).

Tại sao lại là lòng nhân từ mà không phải là của lễ ? Một lý do rất dễ hiểu, chúng ta là những con người yếu đuối, tầm thường, và nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Ngay sự sống, hơi thở của mình cũng đều lãnh nhận từ Thiên Chúa và do Ngài ban tặng cho, vậy thì ta có gì để mà dâng Ngài? Nếu Ngài muốn của lễ, thì vũ trụ và toàn thể tạo vật trên trời, dưới đất không phải là của Ngài sao? Tội gì mà Ngài phải xin xỏ con người! Và vì thế, khi Ngài đề cập đến lòng nhân từ, tình thương là Ngài muốn nói với tất cả chúng ta rằng, Ngài chính là Thiên Chúa nhân từ, giầu lòng thương xót mà chúng ta được tạo nên là do chính lòng thương xót ấy. Cũng như Ngài muốn nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn làm Ngài vui lòng, thì không gì hơn là cũng tỏ lòng hiền hậu, nhân từ mà đối xử với nhau như vậy.

Khi đề cập đến lòng nhân từ là nói về tình thương và từ tâm là nói đến lòng yêu thương của Thiên Chúa. Tình yêu ấy sẽ làm cho con người mở rộng lòng mình để chia sẻ và cảm nhận được với những người chung quanh mình. Do tình yêu thúc đẩy, con người mới có thể hoán cải được những chia rẽ, bất hòa và biến kẻ thù thành bạn hữu. Và đó là điều mà Thiên Chúa muốn nhìn thấy trong đời sống và qua lối cư xử của chúng ta đối với nhau, vì trước mắt Ngài, chúng ta tất cả đều là anh chị em với nhau. Đều là con Cha trên trời.

Tất cả những gì xấu xa, đổ vỡ, và hận thù đều đến từ sự cứng cỏi, kiêu căng, tự phụ, gian dối, và đam mê phát nguồn từ trạng thái thiếu vắng tình thương, thiếu vắng từ tâm.

Hơn bao giờ hết, nhân loại ngày nay đang đói khát tình thương và lòng nhân từ. Tình trạng khủng hoảng về tình yêu đã khiến nhân loại đi vào những thảm họa diệt vong. Chiến tranh và chém giết. Khủng bố và thù hận. Tù đầy và áp bức. Con người còn tàn bạo hơn khi giết chính mình, vợ con mình. Hằng triệu triệu thai nhi đã bị giết chết cách oan uổng ngay trong bụng mẹ. Trái tim con người đã trở thành sỏi đá và băng giá khi giết hại thai nhi.

Tình thương và lòng nhân từ Thiên Chúa tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai. Nếu tội lỗi làm con người chìm sâu vào hố diệt vong, vô vọng và sợ hãi, thì tình thương Thiên Chúa lại như ngọn triều lớn lấp đầy hố sâu sự dữ, và làm bao phủ yêu thương như biển rộng sóng vỗ dạt dào.

Tình yêu và lòng nhân từ mời gọi hoán cải. Chỉ có tình yêu và lòng nhân từ mới biến đổi phận người. Tình yêu và lòng nhân từ gọi mời: "Hãy theo Ta" và Matthêô bỏ bàn thu thuế tội lỗi để lên đường. Tình yêu và lòng nhân từ nhắn nhủ: "Hãy về bình an và đừng phạm tội nữa" và người đàn bà ngoại tình đã được cảm hóa. Tình yêu và lòng nhân từ khiêm tốn truyền dạy: "Hãy xuống mau" và Giakêu đã sung sướng chuyển hướng cuộc đời…

Ta muốn lòng nhân từ. Ta đến để kêu gọi những người tội lỗi. Tin Mừng đã nói rất rõ về cách thức biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Đỉnh cao của tình thương và lòng nhân từ chính là Bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Thể và qua Thánh Thể, Chúa đã nối dài tình yêu và lòng nhân từ của Ngài với nhân loại cho đến tận thế. Trong Thánh Thể và qua Thánh Thể, Ngài đồng hành và sống trong mỗi Kitô hữu. Tình yêu và lòng nhân từ của Chúa là sức mạnh và sức sống cho mỗi Kitô hữu trên hành trình đức tin.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.06.2008. 14:04