Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lòng Khiêm Hạ

§ Anmai, DCCT

Chúa nhật XIV TN

Trang tin mừng thật ngắn mà chúng ta vừa nghe để lại một bài học dài, bài học lớn, bài học hay, bài học hết sức ý nghĩa của cuộc đời con người : “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Bài học này quả là một bài học khó đối với mỗi người chúng ta vì lẽ chúng ta đã “lỡ” mang trong mình dòng máu của kiêu ngạo, của bất tuân từ ông bà nguyên tổ.

Nhìn một chút lại hình ảnh đẹp của vườn địa đàng ngày xưa chúng ta sẽ thấy chiều chiều gió thổi hiu hiu, Giavê Thiên Chúa cùng đi dạo với ông Ađam và bà Evà trong vườn Địa Đàng. Thiên Chúa yêu thương ông bà bằng một mối tình hết sức nồng thắm. Thiên Chúa chỉ có một điều quy ước với ông bà là đừng ăn cái trây ở cái cây giữa vườn. Thế nhưng, nghe lời xúi giục của con rắn hay nói đúng hơn phát xuất từ chính lòng kiêu ngạo của con người để rồi con người đã đánh mất đi tình nghĩa với Thiên Chúa và Thiên Chúa đã đuổi khỏi vườn Địa Đàng.

Cái máu kiêu ngạo của ông bà nguyên tổ hình như đã truyền vào máu mỗi người chúng ta để rồi bài học khiêm nhường mà Thiên Chúa dạy cho ông bà ở cái thời xa xưa ấy không hề vô giá trị mà rồi ngày hôm nay, Giêsu – Con Thiên Chúa – đã phải lập lại cái bài học quý báu ấy.

Chúa Giêsu – con Thiên Chúa – đã vâng phục Chúa Cha, vì yêu thương, vì muốn cứu con người khỏi sự hư mất do sự kiêu căng. Thánh Phaolô đã viết nên điều ấy trong thư của Ngài gửi tín hữu Philip :

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mëc lấy thân nô lệ
tở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế
Người lại còn hạ mình
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết
cết trên cây thập tự,
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt muôn ngàn danh hiệu
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ
muôn vật phải bái quý
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức Giêsu Kitô là Chúa”
(Pl 2,6-11)

Thiên Chúa, là một vị Chúa, vậy mà Ngài đã trút bỏ vinh quang, Ngài trút bỏ địa vị của một vị Thiên Chúa và mặc lấy thân phận của Người tôi trung có sứ mạng cứu chuộc.

Ở vùng biển, người đi mò ngọc trai lặn xuống nước để tìm ngọc quý, có một kinh nghiệm đặc biệt. Anh cố lặn sâu xuống, nhưng nước lại đẩy anh lên. Chúng ta biết định luật Archimède về sức đẩy của nước từ dưới lên. Vật thể càng nặng, khối càng to, thì lượng nước tách ra càng lớn. Vì vậy, sức đẩy lên trên càng mạnh, như thể muốn đưa anh ta lên lại mặt nước. Nhưng anh vẫn cố lặn xuống vì sinh kế. Quả là vất vả. Nhưng anh sẽ vui mừng biết bao khi nhìn thấy hạt ngọc trong vỏ trai dưới đáy biển.

Việc tìm kiếm sự khiêm tốn cũng giống như việc tìm kiếm của người mò ngọc trai. Phải lặn xuống dưới, xuống mãi tới đáy, tới chỗ mà sự thật về con người của chúng ta nằm ở đó. Và cũng có một sức mạnh, mạnh hơn sức nước biển, sức mạnh của kiêu căng, tìm cách đẩy chúng ta trồi lên, đưa chúng ta lên trên chính mình và trên người khác. Thế nhưng hạt ngọc ở dưới đáy, nằm trong vỏ trai của tâm hồn ta, lại quá quý giá, khiến ta không bỏ cuộc, nếu không muốn thất bại.

Phải vượt qua khu vực ảo tưởng cho mình là lớn, để đi tới hữu thể đích thực của ta, con người thật của ta. Vì, như thánh Phanxicô Assisi nói, "con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy, không hơn"

Con người có hai cuộc đời, một cuộc đời thật, một cuộc đời tưởng tượng. Cuộc đời tưởng tượng xây dựng bằng ý kiến của mình hay dư luận của người khác. Chúng ta thường cố làm đẹp và gìn giữ con người tưởng tượng của ta, và làm ngơ với con người thật. Có được một nhân đức hay một công trạng nào, thì tìm hết cách này cách khác làm cho người ta biết đến, càng sớm càng tốt, để được ca ngợi, để trở thành có giá trước mặt người khác. Chúng ta dùng nhân đức hay công trạng đó để làm phong phú cho con người tưởng tượng của ta.

Thế nên, tìm kiếm sự khiêm tốn là tìm kiếm cho chính hữu thể, tìm kiếm sự trung thực. Đây là điều liên hệ đến con người nói chung, chứ không riêng gì cho người kitô hữu. Khiêm tốn là điều có tính cách nhân vi. Những từ la-tinh để chỉ về con người và khiêm tốn phát xuất từ một gốc có nghĩa là đất (humus). Con người được tạo dựng bởi đất, phải biết hạ mình xuống đất. Phải biết khiêm tốn.

Triết gia Nietzsche, người Đức, hăng hái đả kích luân lý kitô giáo, vì luân lý này rao giảng sự khiêm tốn. Ông đã đụng chạm đến một trong những ân huệ đẹp nhất mà luân lý kitô giáo đem đến cho thế giới.

Phần chúng ta, hãy tin tưởng vào người hướng dẫn bảo đảm nhất là lời Chúa. Nhờ quyền năng của Thần Khí, lời Chúa giúp ta trở thành những người mò ngọc trai. Chúng ta không thể và không muốn điều gì khác hơn là tìm viên ngọc quý trong vỏ trai.

Theo Thánh Phaolô, người nào hiểu khiêm tốn là sự thật, người đó là người khôn ngoan, biết chừng mực. Phaolô cũng khuyên các tín hữu đừng có một ý tưởng sai lầm và phóng đại về mình, phải biết đánh giá đúng về mình. Kiểu nói "hãy đánh giá mình cho đúng mức" cũng tương đương với kiểu nói "ham thích những gì hèn mọn". Qua đó, Thánh Phaolô muốn nói : người ta khôn khi khiêm tốn, và người ta khiêm tốn khi khôn. Biết hạ mình là tiến đến gần sự thật.

Thánh nữ Têrêxa Giêsu viết: "Một ngày nọ, tôi đã tự hỏi vì sao Chúa yêu thích sự khiêm tốn đến thế. Bất chợt, không cần suy nghĩ, tôi có ý tưởng này : đó là vì Ngài là Chân lý tối cao và vì sự khiêm tốn là chân lý". Vậy là thánh nữ cũng đi đến kết luận như Thánh Phaolô. Thiên Chúa đã thông truyền cho thánh nữ chân lý lời Ngài không bằng con đường chú giải suy luận, nhưng bằng con đường minh chiếu bên trong.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy một mẫu gương tuyệt vời về sự khiêm tốn: Đức Maria. Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa đã nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn. Khi nói về sự hèn mọn của mình, Người không có ý nói về sự khiêm nhường của mình đâu, nhưng là nói đến thân phận thực sự hèn mọn của mình, thuộc vào số những người hèn mọn nghèo khó trong Kinh Thánh. Việc Người minh nhiên nhắc đến bài ca của bà Anna, mẹ Samuel (1Sm 1,11), cho thấy điều đó (Đức Maria sử dụng cùng một từ có nghĩa là lầm than, son sẻ, thân phận thấp hèn). Chứ ở đây không phải Người ý thức về sự khiêm tốn của mình. Làm sao Người dám ca ngợi sự khiêm tốn của mình ? Tự cho mình là khiêm tốn thì còn khiêm tốn nỗi gì? Đó là kiêu ngạo. Và làm sao ta dám nghĩ Người coi việc Thiên Chúa tuyển chọn mình là do mình khiêm tốn? Việc tuyển chọn hoàn toàn là do ý Thiên Chúa, là ơn nhưng không của Thiên Chúa, chứ đâu phải vì Mẹ khiêm tốn. Hơn nữa, nghĩ như thế là không hiểu được cả cuộc đời của Mẹ.

Đức Maria khiêm tốn trong cả cuộc đời, cho dù gặp bao nhiêu khó khăn thử thách. Ta có thể nhận ra điều này trong cách Người theo dõi con mình: yên lặng, xa xa vậy. Thậm chí không muốn đứng ở hàng đầu để nghe Đức Giêsu giảng cho dân, mà còn đứng ở ngoài nữa, đến nỗi phải nhờ người khác xin với Chúa để được gặp (Mt 12,46tt).

Dù là Mẹ Chúa, Đức Maria không coi việc ở gần Chúa như ở gần một kho tàng dành riêng cho mình. Người từ bỏ mình, nhận thân phận một nữ tỳ, giống mọi phụ nữ khác. Lời khuyên của Phaolô được áp dụng cách hoàn hảo nơi Mẹ. Mẹ không ước vọng những điều cao sang, chỉ hài lòng với những gì hèn mọn.

Chúng ta cũng có thể thấy sự khiêm tốn kiểu trên trong cuộc đời của nhiều vị thánh. Một hôm, có một người bạn hỏi Phanxicô Assisi xem làm sao mà mọi người đều chạy theo ngài, và muốn thấy ngài như vậy. Phanxicô trả lời : đó là vì Thiên Chúa không thấy ai xấu xa hơn ngài, không ai tội lỗi hơn ngài. Đấng thánh nghĩ rằng người ta tò mò muốn xem một tội nhân, nhưng dân chúng lại tò mò muốn xem một thánh nhân. Thánh Bênađô thì nói đơn sơ như sau: "Người thực sự khiêm tốn luôn muốn được coi là xấu xa, chứ không muốn được tuyên dương là khiêm tốn".

Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta thấy có cái gì đó không ổn. Tất cả mạng sống, của cải, tiền bạc, địa vị, danh vọng của chúng ta đều thuộc về Chúa. Chúa là chủ, chúng ta chỉ là người quản lý nhưng chúng ta lại đánh đổi cái vị trí tuyệt vời ấy. Chúng ta có cái gì đó giống giống ông bà nguyên tổ. Ông bà được Thiên Chúa mời gọi trông nom, quản lý, giữ gìn và Thiên Chúa ưu đãi nhưng không chịu. Muốn làm chủ Thiên Chúa nên đã gây ra biết bao nhiêu chuyện đổ nát trong hành trình đời người. Chúng ta là người quản lý, người đầy tớ của Chúa vậy mà chúng ta không biết, chúng ta đánh tráo vị trí ấy nên rồi cuộc đời của chúng ta cũng giống như cuộc đời của ông bà nguyên tổ. Suốt cuộc đời phải vất vả lầm than do sự cao ngạo của mình.

Lời thánh vịnh 130 thật hay :

Lòng con chẳng dám tự cao
Mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi
Đường cao vọng chẳng đời nào bước
Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu
Hồn con con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng giữ sao an bình
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ
Trông con hồn lặng lẽ an vui
Cậy vào Chúa Israel ơi
Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv 130,1-3)

Vâng ! Như Thánh Phaolô tông đồ nói có cái gì mà chúng ta không lãnh nhận từ Chúa đâu mà chúng ta vênh vang ? Tốt hơn hết là chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta tâm tình khiêm hạ.

Khi và chỉ khi chúng ta nép mình vào lòng Chúa như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ chúng ta mới bình an thật sự. Nép mình vào vật chất, vào của cải, vào dục tình, vào địa vị đến một lúc nào đó chúng ta sẽ điên đảo, quay cuồng với vật chất, của cải, dục tình, địa vị và bi đát cuối cùng là chúng ta sẽ bị tất cả những thứ ấy đè bẹp cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ đánh mất đi ân phúc mà Thiên Chúa dành cho ta như thuở ban đầu Thiên Chúa dành cho ông bà nguyên tổ.

Một chuyện vô cùng nghịch lý mà chúng ta vui vẻ sống cái nghịch lý ấy giữa đời thường. Thử hỏi mỗi người chúng ta có thích sống với những người kiêu ngạo hay không ? Vậy mà nhiều lần nhiều lúc vô thức hay hữu thức chúng ta lại cư xử một cách quá kiêu ngạo với anh chị em đồng loại. Chính từ sự kiêu ngạo, cái tôi qúa lớn của mỗi người chúng ta đã bây biết bao nhiêu tổn thương, bao nhiêu đổ nát cho anh chị em đồng loại. Chẳng nói gì xa đến anh chị em đồng loại, chúng ta thử xét ngay trong mái ấm, trong gia đình của chúng ta xem, chúng ta sống như thế nào, có khiêm hạ như Chúa, như Mẹ, như các thánh đã sống hay không ? Hay là chúng ta lên mày lên mặt với những người kém may mắn hơn chúng ta ?

Điều chúng ta không thích, chúng ta đừng làm cho người khác. Chúng ta không thích người khác kiêu ngạo với chúng ta thì chúng ta đừng kiêu ngạo với người khác.

Muốn như thế, không còn cách nào khác hơn cái cách mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta. Thật tuyệt vời, Chúa nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng …”

Cuộc đời của mỗi người chúng ta, ít nhiều trong chúng ta, ai ai cũng mang những gánh, những vác thật nặng nề để rồi nghe lời Chúa nói với chúng ta hôm nay, chúng ta lại hoàn toàn yên tâm đến với Chúa để chúng ta trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa.

Chúa vẫn ở đó để chờ chúng ta, còn chúng ta thì sao ?

Đó là câu trả lời của mỗi người chúng ta sau khi tham dự Thánh lễ, sau những lần cầu nguyện và nhất là những lần phải đối diện với những lo âu vất vả của cuộc đời.

Nguyện xin Chúa là thầy dạy lòng khiêm nhường đến và ở lại với mỗi người chúng ta để Ngài dạy chúng ta ngày mỗi ngày biết cách sống khiêm nhường hơn.

Xin Chúa giúp chúng ta sau những vất vả lo toan của cuộc đời không đi tìm nơi nào khác vì chỉ nơi Chúa chúng ta mới được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng và được bình an đích thực.

Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.07.2008. 23:13