Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lời Thì Thầm Của Linh Mục

§ Lm An Thanh, DCCT

(Thứ năm tuần Thánh)

Hôm nay Hội Thánh long trọng tưởng niệm việc Chúa Yêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, trao trách vụ Tư Tế thừa tác và giáo huấn về đời sống phục vụ cộng đoàn. Nhiều bạn khi tham dự Thánh lễ thắc mắc hình như là có những lúc dâng Lễ, linh mục có nói chuyện thầm với ai đó, mà không biết các ngài nói cái gì?

Ấy là những lời thì thầm của linh mục. Chúng ta sẽ tìm hiểu liên đây.

1. Lời đầu tiên:

Khi cộng đoạn hát hay đọc câu tung hô Tin Mừng, linh mục thông thường đến cuối chào bàn thờ, khi ấy sẽ thầm thỉ như sau: "Lay Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa".

Chỉ đọc có bài Phúc Âm thôi, có gì ghê đâu mà phải khẩn cầu đến thế?

Nếu chỉ đọc và nghe như là một diễn văn thì đúng là lời cầu nguyện đó là thừa, nhưng ở giây phút công bố sứ điệp Tin Mừng đó, đâu phải linh mục đọc diễn văn, mà là công bố Lời của Chúa, tức là nhờ Lời đó vũ trụ được tạo ra, nhờ Lời đó con người được cứu độ. Lời đó khi công bố không nhằm thông tri thuần túy, mà nhằm trao ban sự sống bởi LỜI. Chúng ta nhớ Thánh kinh đã nói: "Lời trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta", còn Đức Maria khi đón nhận những Lời Chúa từ miệng sứ thần Gabriel thì Lời đã thành Yêsu trong lòng Mẹ đó.

Khi cầu nguyện như thế rồi các linh mục phó thác hoàn toàn cho việc Chúa làm, chứ không còn dám nghĩ đến chuyện mình đã xứng đáng hay chưa nữa.

Bạn có đọc Lời Chúa ở nhà không? Khi đọc cũng hãy đọc như chính sự hiện diện của Chúa Yêsu đang đến, thì hóa trái của Phúc Âm sẽ có ngay nơi đời sống các bạn.

2. Lời thứ hai

Sau khi đọc xong Tin Mừng, linh mục sẽ xướng: "Đó là Lời Chúa", trong lúc cộng đoàn đáp lại: "Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa", thì linh mục sẽ thầm thì lời sau: "Nhờ những Lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con". Lời khởi đầu, linh mục xin được thanh tẩy để có thể tiếp cận Lời Chúa, còn bây giờ sau khi đã đọc Lời Chúa rồi thì xin "xóa tội" cho chính linh mục và toàn thể cộng đoàn. Như vậy hoa quả đầu tiên và tức thì của Lời Chúa trong Thánh lễ là ơn tha tội, là chính việc cứu độ thế giới.

Nhiều người khi nghe Lời Chúa chỉ bận tâm đến việc thỏa trí của mình, nên nhiều khi hay lo lắng, thắc mắc tại sao Lời Chúa khó hiểu quá. Ngay một số ít linh mục cũng vậy, nhiều khi đọc Lời Chúa xong là nghĩ ngay đến việc mình giảng gì hơn là cùng với dân Chúa xác tín, mình và nhân loại này đang được Thiên Chúa tha tội nhờ việc Lời Tin Mừng được công bố.

3. Lời thứ ba

Có một lời không phải là lời thầm thì của linh mục, mà là lời đọc to và cộng đoàn dân Chúa sẽ đáp lại là lời nguyện dâng của lễ, nhưng do nhiều nơi dành cho ca đoàn hát lúc ấy, nên các linh mục đã tự biến lời đọc to thành lời đọc thầm. Điều này chẳng nên chút nào, nhưng đã thành thói quen mất rồi. Do đó lời đó không kể.

Ở giữa hai lời nguyện dâng của lễ đó, có một lời thì thầm khi linh mục cho chút nước vào trong chén rượu nho: "Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con". Giọt nước thật nhỏ nhoi với biển rộng bao la, và ngay chỉ với chén rượu nòng thì giọt nước cũng chỉ là một chút hòa tan. Giọt nước là con người đi vào với rượu là chất thể Thiên Chúa dùng để chính Chúa Yêsu hiện hữu. Cho nên khi rượu trở thành Máu Thánh Chúa Yêsu, tức khắc trong Máu Thánh đó có một chút con người của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa đã làm người đã quyện chặc sinh mệnh của Người với loài người chúng ta như thế đó.

4. Lời thứ tư

sau khi dâng của lễ, linh mục cúi mình sâu đọc: "Lạy Chúa là Thiên Chúa xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa".

Những của lễ là công lao vất vả của con người dưới ánh mặt trời và cơn mưa rào Chúa ban đã được dâng lên. Khi tuyển chọn nó từ muôn kết quả, hoa trái của muôn loài, nó đã là thứ tốt nhất, nhưng chỉ là phía con người, như là tấm lòng thành. Còn để trở nên của lễ xứng hợp Thiên Chúa thì chỉ có Chúa làm cho của lễ từ tay con người trở nên đẹp lòng Chúa.

5. Lời thứ năm

Khi chủ tế rửa tay sẽ thầm thỉ nguyện xin như sau: "Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết mọi lỗi lầm, tôi con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy". Nếu xét như là hành vi sám hối, thì đây là lần thứ ba rồi từ khi bắt đầu Thánh Lễ, linh mục sám hối. Đầu lễ sám hối chung với cả cộng đoàn. Khi công bố Phúc Âm sám hối một mình, và bây giờ lại sám hối một mình. Điều này nhắc nhớ, tất cả chúng ta đều là tôi nhân, và linh mục cũng thế. Nên trước khi công bố hay thực hiện một việc có tính cách Nhân danh Chúa thì phải khiếm tốn cậy dựa vào lòng xót thương và nhân hậu của Thiên Chúa.

Ở lần sám hối trước khi đọc Tin Mừng, Chúa thanh tẩy để môi miệng kẻ phàm phu tục tử có thể và có quyền nói Lời Thiên Chúa, nên ai nghe sẽ được cứu, được xóa tội. Còn ở lần sám hối này, linh mục trở thành Yêsu hiện diện trong hy tế Thánh trên đỉnh nuối sọ. Những lời nguyện và những lời nói từ miệng linh mục đó, nhưng cũng chính là từ miệng Chúa Yêsu, lời từ miệng chỉ một người đó, nhưng là của tất cả Hội Thánh.

6. Lời thứ sáu

Trước khi rước lễ, linh mục bẻ một chút Mình Thánh Chúa Yêsu bỏ vào chén Máu Thánh Chúa Kitô và thầm thỉ: "Xin cho việc hòa Mình và Máu Đức Yêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời". Có thể xem đây là lời nguyện viên mãn, lời nguyện làm cho Máu và Thịt Chúa trở nên một Yêsu đang sống là Đức Chúa đi vào trong cuộc đời mọi người và trở nên phần bảo đảm sự sống mai hậu hạnh phúc dài lâu cho bất kỳ ai tin và đón nhận. Lời nguyện này, linh mục cầu thay cho mình và cho mọi người.

7. Lời thứ bảy

Ở đây có hai lời, linh mục sẽ chọn một trong hai, một ngắn một dài.

"Lạy Chúa Yêsu Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống, xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa, và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ". Đây tuy không phải là lời nguyện thống hối, nhưng lại là lời nguyện xin ơn giải thoát ngay ở thì hiện tại.

Hội Thánh ý thức rõ, các thừa tác viên của mình là những con người mõng dòn, yếu đuối thật sự, nên đã muốn ngay trong một thánh lễ, linh mục phải khẩn xin một cách tha thiết và nhiều lần để hầu được cứu độ. Mà có thể như thế, các linh mục có sức làm chứng cho Đấng Phục Sinh - Yêsu Kitô - Đức Chúa.

Lời thứ hai có thể chọn lựa thì có vẻ khẩn thiết và cần kiếp hơn về ơn cứu độ: "Lạy Chúa Yêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ, xin che chở và cứu chữa hồn xác con". Các linh mục chỉ còn biết ký thác sinh mạng hiện tại và đời đời của mình cho "lòng Chúa nhân từ". Ngoài ra không có cách gì cứu vãn.

8. Lời thứ tám

Khi rước lễ, linh mục lại thì thầm: "Xin cho Mình / Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời". Một lần nữa linh mục tin và ký thác cuộc đời vĩnh cửu của mình hằng ước mong cho chính Mình và máu Thánh Chúa.

9. Lời cuối

Khi tráng chén, linh mục lại thầm thỉ nguyện xin: "Lạy Chúa, miệng chúng con vừa rước mình và Máu Chúa, xin cho chúng con tiếp nhận với tâm hồn trong sạch, và xin cho ân huệ đời này trở nên linh dược cho chúng con được sống muôn đời". Đây là lời nguyện nhắc rõ ràng nhất đến tác động chữa lành của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúa Kitô là linh dược không chỉ cho đời sau, mà cho ngày đời hiện tại này, và từ đời hiện tại này sẽ nối mãi đến muôn đời.

Chỉ nghe các lời nguyện thôi thì thấy có vẻ các cha cứ phải sám hối và xin giải thoát cũng như chữa lành liên tục, từ đầu Thánh lễ cho đến cuối, và một cách nào đó cũng cần như vậy, nếu không mọi hy lễ chỉ là một nghi thức phải làm, một niềm tin phải công bố, chứ không là một giá trị gì lớn lao hay một sự sống sung mãn.

Xin hãy cầu nguyện cho các linh mục để các ngài dám hiến tế mình, nhờ đó các ngài nên một với Chúa Yêsu hơn, và cũng nhờ vậy mà ơn giải thoát được tuôn đổ cách lan tràn.

Lm An Thanh, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.03.2008. 08:43