Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay

§ Lm Đan Vinh

CN 29 TN B - LE TRUYEN GIAO
Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5c-10; Mc 16,15-20

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 16,15-20

(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Đây là những dấu lạ sẽ di theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe. (19) Nói xong Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họat động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

2. Ý CHÍNH:

Trước khi về trời, Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời khắp thế gian. ai tin và chịu phép rửa thì sẽ nên dưỡng tử của Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Còn kẻ không tin là đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời và sẽ bị kết án. Cuối cùng Đức Giê-su còn hứa ban cho các ông quyền làm nhiều phép lạ. Các môn đệ đã vâng lời Thầy đi khắp nơi loan báo Tin Mừng.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15-16: + Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. nhưng sau khi phục sinh, Người đã trao cho các Tông đồ sứ mạng truyền giáo phổ quát là đến với muôn dân + Loan báo Tin Mừng: theo Hy ngữ, Tin Mừng (Euaggelion) là một “Tin Vui, Tin Mừng”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là chính “Tin Mừng được Đức Giê-su công bố”. Hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. + cho mọi loài thọ tạo: Nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19). + Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên người mới, nên dưỡng tử của Thiên Chúa để được sống đời đời.+ còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Còn những kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên sẽ bị khô héo và bị quăng vào lửa đời đời (x. Ga 15,5-6). + Riêng những người không tin Đức Giê-su nhưng không phải do lỗi của họ thì có được Chúa ban ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn. Chỉ những kẻ cố tình làm tay sai cho ma quỷ, ra tay làm điều gian ác và không chịu hồi tâm sám hối thì chắc sẽ bị sa vào hỏa ngục. Vì hỏa ngục được lập ra “dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

- C 17-18: + Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để các ông xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao quyền làm các dấu lạ cho các ông. + Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), thánh Mác-cô đã nghe biết các phép lạ do các Tông đồ thực hiện. Chẳng hạn: vào lễ Ngũ Tuần, các ông đã được đầy ơn Thánh Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống trên gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay của các Tông đồ (x. Cv 5,12). Ông Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). còn Tông đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Ly-tra (x. Cv 14,8-10) ; Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).

- C 19-20: + Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Cựu Ước đã “lên trời trong cơn gió lốc”(2 V 2,11), thì thân xác Đức Giê-su cũng được rước lên trời trên các tầng mây, và từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. + và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh, được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18; Ep 1,21-22). + ra đi rao giảng khắp nơi: các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). + có Chúa cùng hoạt động với các ông...: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội thánh (x Mt 28,20). Người ban Thánh Thần để Hội thánh tha tội cho người ta như Người đã làm (x Ga 20,21-22). Người cũng hứa ban cho Hội thánh làm được những việc lớn lao hơn Người nữa, đó là đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc với quyền năng Thánh Thần giúp sức (x Ga 14,12).

4. CÂU HỎI:

1) Mầu nhiệm Phục sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh được sai đi? Các Tông đồ được Đức Giê-su sai đến với những ai?

2) Tin Mừng Đức Giê-su có những ý nghĩa nào?

3) Phải có những điều kiện nào để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su?

4) Những ai chắc chắn sẽ bị sa vào hỏa ngục? Những người chưa có đức Tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được hưởng ơn cứu độ không?

5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền gì?

6) Trước khi về trời, Đức Giê-su trao sứ mệnh loan Tin mừng cho các Tông đồ kèm theo những dấu lạ nào?

7) Lời Chúa phán về các dấu lạ kèm theo Lời rao giảng của các Tông đồ đã ứng nghiệm như thế nào trong thời Giáo Hội sơ khai?

8) Thời Cựu Ước, Ngôn sứ nào được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Chúa Giê-su thăng thiên khác với việc mông triệu của Đức MA-RI-A thế nào?

9) Người lương dân luôn ăn ngay ở lành mà chết, có được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su không?

10) So sánh Lời Chúa Giê-su truyền cho các Tông đồ trước khi lên trời là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”(x Mt 28,19) và “Hãy nên chứng nhân của Thầy...” (x Cv 1,8) giống và khác nhau thế nào?

11) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su còn hiện diện trong Hội thánh nữa không?

12) Từ đây, Chúa Thánh Thần được ban cho Hội thánh với sứ mạng gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2. CÂU CHUYỆN: VIÊN NHẠC SĨ VÀ CHIẾC VĨ CẦM QUÍ GIÁ

PHÍT KÂY-DƠ-LÊ (fritz kreisler) (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một tài sản đồ sộ nhờ các buổi hòa nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết những của cải kiếm được. Do đó, trong một chuyến đi lưu diễn, ông phát hiện ra một cây vĩ cầm rất đẹp và âm thanh của nó nghe thật tuyệt vời, nhưng ông lại không có đủ tiền để mua ngay. Sau một thời gian để dành, khi ông mang tiền đến mua thì cây vĩ cầm kia đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Phít theo địa chỉ tìm đến chủ nhân mới của cây vĩ cầm để xin được mua lại. Nhà sưu tầm lúc đầu không muốn bán, vì theo ông ta cây đàn này là một bảo vật quí giá. Phít cảm thấy chán nản thất vọng. Tuy nhiên trước khi ra về, ông nảy ra sáng kiến và nói với người chủ mới của cây đàn như sau: “Tôi xin phép được chơi một bài trước khi cây đàn này bị rơi vào cỏi thinh lặng”. Được chủ nhân đồng ý, viên nhạc sĩ tài ba này đã làm cho ông chủ cây đàn vô cùng xúc động khi nghe được tiếng đàn du dương réo rắt của nó qua bàn tay tài hoa của ông, đến nỗi ông ta đã phải thốt lên: “Này Kây-dơ-lê ơi! Tôi không có quyền giữ cây đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới, để thiên hạ được thưởng thức âm thanh tuyệt vời của nó”.

3.THẢO LUẬN:

1) Thánh Têrêxa nhỏ đã được tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh. Bạn nghĩ gì về kiểu truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh của chị? Bây giờ có hợp thời không ?

2) Mẹ Têrêxa hiến đời mình cho người cùng khổ, bệnh tật, không phân biệt tôn giáo, màu da... Bạn nghĩ gì về kiểu truyền giáo này? Nó có đánh động trái tim con người hôm nay không ?

3) Trong xã hội ngày nay, chúng ta cần rao giảng Tin Mừng cho anh em lương dân bằng cách nào để đạt được hiệu quả nhất ?

4. SUY NIỆM:

1) Tại sao phải truyền giáo? :

Có người lên tiếng chỉ trích công việc truyền giáo của Hội thánh Công Giáo cho lương dân. Theo họ: “Đạo nào cũng tốt vì đạo nào cũng dạy người ta phải ăn ngay ở lành và đều bắt nguồn từ Trời, nên cần chi phải rao giảng về đạo Công Giáo cho ngừoi ta? Tốt hơn là cứ khuyên họ hãy sống thật tốt theo đúng tôn chỉ của đạo giáo mà họ đang theo”. Thực ra, nếu xét về mặt luân lý tự nhiên thì xem ra mọi tôn giáo đều tốt và đều dạy người ta hướng thượng, ăn ngay ở lành, giữ đức công bình và sống từ bi nhân ái. Nhưng về mặt tín lý, giáo lý của các đạo giáo chỉ là thứ chân lý chủ quan, có nhiều sai lạc và làm méo mó đi hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, các tôn giáo nói chung không thể có giá trị ngang nhau cả về tín lý và luân lý. Ta có thể ví chân lý của các tôn giáo giống như ánh sáng lờ mờ của cây đèn dầu, và có tôn giáo còn sai lầm khi thờ lạy những con người hay thú vật để được chúng ban ơn… Còn chân lý của đạo Công Giáo thì phát xuất từ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa làm người nên đạo của Người đáng tin như Người đã nói: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. ... Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Đạo Công Giáo ví như ánh sáng chói chan của mặt trời chính ngọ, giúp các tín hữu nhận biết, tôn thờ yêu mến một Thiên Chúa tòan năng chân thật, nhờ đó, họ sẽ nhận được hạnh phúc và sự sống đời đời như công đồng Vaticanô II đã dạy: “Tất cả những gì tốt lành chân thật trong các tôn giáo chỉ có giá trị như để chuẩn bị cho họ lãnh nhận Tin Mừng, và như một hồng ân mà Đấng soi sáng mọi người ban cho, để cuối cùng họ sẽ được sống đời đời” (LG số 16).

Để qui tụ tất cả con cái loài người đã bị tội lỗi làm cho tản mác và đi lạc đường, Thiên Chúa muốn tập họp toàn thể loài người trong Hội thánh của Đức Giê-su là Con yêu dấu của Ngài. Hội thánh là nơi loài người tìm thấy Thiên Chúa và sẽ được hưởng ơn cứu độ. Hội thánh là thế giới đã được hòa giải, là con tàu giúp vượt đại dương trần gian nhờ cơn gió mạnh là Thánh Thần, với cánh buồm là thánh giá Đức Ki-tô. Hội thánh cũng được ví như con tàu của tổ phụ Nô-e giúp loài người thoát khỏi cơn lụt đại hồng thủy (x. 1 Pr 3,20-21).

2) Sứ vụ truyền giáo của Hội thánh bắt nguồn từ đâu? :

Đức Giê-su đã trao sứ vụ truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Người cũng dạy môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri-a và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Như vậy sứ mạng loan Tin Mừng là một bổn phận phải làm chứ không phải là một việc theo sở thích như lời thánh Phao-lô: "Đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng." (1 Cr 9,16). Công việc truyền giáo đòi hỏi nhiều kiên trì dù có gặp thất bại, dù thân xác đã bị mệt mỏi rã rời và cả khi gặp những trắc trở như lời thánh Phao-lô: “Hãy rao giảng Lời Chúa. Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tim 4,2). Nhờ ơn Thánh Thần của Chúa Phục Sinh trao ban, Hội thánh thời sơ khai đã hăng hái chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời đi khắp thế gian. Các Tông đồ nhờ ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần, đã sống đơn giản vị tha, quảng đại chia sẻ và khiêm tốn phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người bất hạnh để giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế cho mọi dân mọi nước, để ai tin và chịu phép rửa tội sẽ được gia nhập Nước Trời hầu được hưởng ơn cứu độ là sự sống vĩnh hằng đời này và đời sau. Còn những kẻ cố chấp không tin vào Đức Giê-su là tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ do Người mang đến.

3) Truyền giáo cụ thể là truyền điều gì? :

Truyền giáo không phải chỉ là rao giảng một số chân lý về Chúa, nhưng là truyền đức tin mà chính mình đã có sau khi gặp gỡ Chúa, truyền đức tin ấy cho những người chưa biết Chúa để họ cũng tin thờ yêu mến Chúa như mình, như An-rê sau khi tin nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, đã giới thiệu Người cho em mình là Si-mon (x. Ga 1,40-42). Hoặc như ông Phi-lip-phê sau khi gặp và tin Đức Giê-su đã dẫn bạn mình là Na-tha-na-en đến gặp Người (x. Ga 1,45-51). Truyền giáo bằng cách truyền lòng tin yêu Chúa sẽ có sức lay động lòng người hơn là chỉ trình bày giáo lý cho người chưa tin.

Để chu toàn sứ mạng thông truyền đức tin cho người khác, trước hết chúng ta cần phải củng cố đức tin của mình vào Đức Giê-su, bằng việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa dưới ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần và cầu xin Chúa gia tăng lòng tin cậy mến cho mình, trước khi “đi bước trước” chủ động làm quen với người chưa nhận biết Chúa, theo cách Đức Giê-su đã làm bên bờ giếng Giacóp: Người đã mở lời xin nước uống với người phụ nữ Samari để làm quen, rồi sau đó đã từng bước trình bày cho chị về thứ Nước Hằng Sống Người sẽ ban cho những ai tin Người (x. Ga 4,7-10). Rồi sau khi đã tin Đức Giê-su là một Ngôn sứ, chị ta đã trở về làng nói về Đức Giê-su cho dân làng và dẫn họ đi ra bờ giếng để gặp Người (x Ga 4,25-30).

4) Phải truyền giáo bằng cách nào cho hữu hiệu? :

Ngày nay mỗi tín hữu do đã nhận được ơn do bí tích rửa tội và thêm sức, cũng có sứ vụ góp phần với Hội thánh để đi loan báo Tin Mừng Nước Trời cho những người chưa tin bằng các việc như sau:

- Bằng việc “tân phúc âm hóa” đời sống của mình và gia đình mình:

Truyền giáo là làm chứng cho Chúa. Để làm chứng cho Chúa, trước hết chúng ta phải hiểu biết Chúa và tin yêu Chúa. Một người không tin Chúa hoặc chỉ có đức tin nông cạn thì không thể “nói về Chúa” cách hữu hiệu được. Tiếp đến, người làm chứng phải có một cuộc sống tốt lành thì lời chứng mới đáng tin và có sức thuyết phục người khác tin theo. Thực vậy, một người nói về Chúa mà không sống những điều mình nói thì không thể làm cho người nghe tin được, có khi họ lại còn nói sai về giáo lý của Hội thánh nữa. Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gần đây đã kêu gọi các thành phần dân Chúa, nhất là các linh mục, hãy nhiệt thành cộng tác để đổi mới phương cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp với thời đại hiện nay, nhờ đó, hy vọng sẽ đem lại cho Hội thánh Việt Nam một mùa lúa chín dồi dào. Nói cụ thể, các vị chủ chăn muốn mỗi người tín hữu Công Giáo chúng ta hãy dành thời giờ và tâm huyết cho việc “Phúc-Âm-hóa gia đình”, tức là liệu sao cho việc học giáo lý hôn nhân được nghiêm túc hơn, và tổ chức thường xuyên giờ Kinh Tối gia đình theo hướng canh tânm nghĩa là thêm phần suy niệm Lời Chúa. Những việc làm đó sẽ giúp củng cố tình yêu giữa các thành viên trong gia đình và giúp giáo dục Đức tin ngày một tốt hơn cho các thế hệ tương lai.

- Bằng cuộc sống chan hòa tình thương giữa cộng đoàn:

Thời Hội thánh sơ khai chính tình yêu thương nhau giữa các thành viên trong cộng đoàn đã khiến toàn dân thương mến (Cv 2,47a), thì sự hiệp nhất yêu thương giữa cộng đoàn xứ đạo hôm nay cũng sẽ gây được thiện cảm của anh chị em lương dân sống bên cạnh. Đó cũng là phương cách để "càng ngày càng có nhiều người gia nhập Hội thánh" (Cv 2,47b). Thế nên, tinh thần truyền giáo mời gọi chúng ta hãy quan tâm giúp đỡ nhau không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất nữa, không chỉ trong nội bộ người Công Giáo mà còn cả với những anh em lương dân đang sống chung quanh. Đồng thời tình thương này bao gồm xóa bỏ những sự hận thù ganh ghét giữa người này với người kia trong cộng đoàn, mỗi người luôn sống bác ái huynh đệ, "dĩ hòa vi quý", nâng đỡ đùm bọc lẫn nhau để biến giáo xứ trở thành một cộng đoàn chan hòa yêu thương, chia sẻ và cảm thông với nhau. Đó chính là dấu chỉ chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su và nên chứng nhân Tin mừng giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.

- Bằng việc “đi bước trước” đến với anh em lương dân:

Cụ thể, trong những ngày này, mỗi người tín hữu sẽ noi gương Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta kết thân với một người lương, coi họ như anh chị em trong gia đình ruột thịt để năng quan tâm giúp đỡ họ. Mỗi gia đình Công Giáo sẽ kết thân với một gia đình lương dân, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi: Khi có kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc, hai bên nên mời nhau đến chia sẻ tình hiệp thông để thắt chặt mối giây thân ái. Nhờ đó, Tin Mừng sẽ ngày một lan truyền từ người này sang người khác giống như ánh nến thánh lễ đêm Vọng Phục Sinh được truyền từ người này sang người khác bên cạnh.

- Bằng việc chia sẻ ngọn lửa yêu thương cách cụ thể:

Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta đã nêu gương truyền giáo bằng việc chia sẻ ngọn lửa yêu thương cụ thể. Mẹ không giảng Tin Mừng bằng lời nói, nhưng bằng tâm tình yêu mến kèm theo cử chỉ thân thương đối với những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi. Mẹ cũng không chủ trương yêu người cách chung chung, nhưng là yêu từng con người cụ thể gặp được trong cuộc sống. Mẹ nói: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là yêu thương từng người một. Để thương yêu một người thì trước tiên phải đến gần người ấy… Tôi chủ trương một người đến với một người vì mỗi người đều là hiện thân của Đức Ki-tô… Người đó phải là con người duy nhất trên thế gian trong giây phút đó.” Với tâm tình nầy, Mẹ Tê-rê-xa đã thu phục nhân tâm của nhiều người trên thế giới. Cũng bằng phương thức nầy, Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc đã gia tăng gấp đôi số tín hữu chỉ trong mười năm!

5. NGUYỆN CẦU:

- Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay là ngày thế giới truyền giáo. Xin giúp chúng con trở nên chứng nhân giúp người khác nhận biết và tin yêu Chúa bằng lời nói việc làm của chúng con:

Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo các tiện nghi để hưởng thụ, xin cho chúng con biết chấp nhận cuộc sống đơn sơ trong cách ăn ở và tiêu dùng của cải vật chất.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho chúng con tránh thói tham lam, chỉ lo thu tích cho mình, nhưng biết quảng đại chia sẻ cho người bất hạnh.

Giữa một thế giới khinh thường người nghèo, xin cho chúng con biết quí trọng phẩm giá của mọi người.

Giữa một thế giới bị mất phương hướng, xin cho chúng con giúp họ nhận biết tin yêu Chúa và phục vụ tha nhân, hầu tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

- Lạy Chúa Giê-su, Tình Yêu của con, nếu Hội thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất tà trái tim, một trái tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội thánh vắng bóng tình yêu, thì các Tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình... Lạy Chúa Giê-su, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội thánh: nơi Trái Tim Hội thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện (Th Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su).

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Lm Đan Vinh

Tags: Năm B CN29

Đọc nhiều nhất Bản in 16.10.2018 19:51