Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Thanh Minh trong ánh sáng Phục Sinh

§ Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

Bài chia sẻ trong thánh lễ tại từ đường Võ tộc, Thạch Hạ, Hà Tĩnh - 04.04.2018

Mỗi năm người Việt mình có hai ngày tảo mộ để chăm sóc cho mồ mả tổ tiên. Một ngày cuối năm và một ngày đầu năm. Vào tháng Một hay tháng Chạp, người ta chọn một ngày nào đó thuận lợi để mọi người trong gia tộc rủ nhau cùng về chăm sóc phần mộ ông bà cha mẹ trước khi kết thúc năm cũ. Mỗi nhánh họ, mỗi dòng tộc một ngày riêng biệt, không thống nhất.

- Xem Video

Còn ngày tảo mộ đầu năm, được gọi là ngày xuân thủ, tức là ngày tế đầu xuân, thì việc chọn ngày Thanh minh là khá phổ biến, chung cho các dòng họ.

Với chữ thanh có nghĩa là trong và chữ minh có nghĩa là sáng, hai tiếng Thanh minh nghĩa là trong sáng, là vẻ đẹp an bình của cảnh trời mùa Xuân. Như nơi những câu Kiều của Nguyễn Du:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Chữ thanh ngoài ý nghĩa là trong suốt, còn có nghĩa là màu xanh. Đạp thanh nghĩa là dẫm lên màu xanh cây cỏ.

Người xưa đặt ra một ngày hội giữa mùa Xuân tươi mới với tên gọi Thanh minh, đã gói ghém nơi tên gọi giản dị này nhiều ý nghĩa giáo dục rất cao đẹp.

Trước hết là giáo dục về môi trường. Mùa xuân, ta bước ra đường là chạm đến màu xanh của cây cỏ tươi non. Ta thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên để thêm ý thức, để nhắc nhau bảo tồn và phát triển thiên nhiên: nương đồng, núi đồi, biển cả, bầu trời, giữ cho tất cả được tươi và xinh, trong và sáng.

Sống với thiên nhiên lành mạnh là một cách tự nhiên để có được sức khỏe bền bỉ và nghị lực dẻo dai, như người ta vẫn nói: Hồn lành trong xác khỏe. Thân thể khỏe mạnh giúp tuổi trẻ dễ vun đắp cho mình tâm hồn trong sáng và lạc quan.

Ngày Thanh minh còn là ngày hội đạp thanh, bước trên màu xanh hy vọng, ngày hội để tuổi xuân tìm hiểu nhau, trao cho nhau những tình cảm đầu đời, cả tình bạn lẫn tình yêu nam nữ trong sáng nhất. Chỉ sáng mai thôi, trên những nẻo đường dẫn về miếu Quan Quận này ta sẽ lại thấy cái cảnh

Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Ánh nắng ban mai, cảnh sắc thanh quang, khí xuân ấm áp, tất cả đều là những tiếng gọi để người trẻ biết giữ mãi cho mình nét trong và nét sáng hồn nhiên của giá trị làm người, làm người Việt và làm con cháu của Dòng họ.

Giữa cảnh sắc tươi xanh lạc quan ấy, cái uyên thâm của người xưa bỗng chèn vào một nét hết sức bất ngờ đầy tính sư phạm. Vâng, thật hết sức bất ngờ, vì ngày Thanh minh lại cũng là ngày tảo mộ. Câu hỏi được nêu lên: Tại sao lại đem chuyện chăm sóc phần mộ gắn liền vào chuyện ngày xuân sáng trong đầy hy vọng? Có bạn trẻ nào quanh tôi đây trả lời được không nhỉ?

Các tác giả của lễ hội Thanh minh cho tuổi trẻ dừng lại bên nấm mộ để làm gì? Thưa, sự ngỏ ý thật sâu xa, qua đây tiền nhân muốn hiến tặng cho tuổi trẻ một cơ hội tốt của minh triết, của lẽ khôn ngoan cần thiết cho kiếp người. Vâng, biết dừng lại bên mộ giữa ngày Thanh minh hôm nay, thì rồi giữa mọi tình huống của cuộc đời mai sau, ta sẽ luôn biết tự hỏi: Rồi sao nữa? Rồi sao nữa? Học thành tài, rồi sao nữa? Yêu nhau, lấy nhau, rồi sao nữa? Nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái, rồi sao nữa? xây dựng sự nghiệp, công thành danh toại, rồi sao nữa? và cuối cùng, nhắm mắt xuôi tay, rồi sao nữa? Vâng cuối mọi nẻo đường đời, nấm mồ sẽ đợi chờ ta. Mồ cao mả đẹp hay chỉ “sè sè nắm đất ven đường, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” vẫn là nấm mộ. Và bên kia nấm mộ là gì? Ai sẽ ân thưởng cho ta về những nỗ lực triền miên để gìn giữ sự trong sáng cho thiên nhiên cây cỏ, sự cường tráng cho thân thể, nét trong sáng của cõi lòng cũng như sự bình an của gia đình và gia tộc, của dân tộc và nhân loại? Ai sẽ ân thưởng nếu không phải là chính Đấng Tạo Hóa, Đấng đã tạo nên cho ta cảnh sắc thanh minh quang đãng, sáng và trong?

Vâng, giữa ngày Thanh minh, ngày trong và sáng, tuổi trẻ cần biết cận kề với nấm mộ cách thanh thản, để không đánh mất bản thân vì những cái phù phiếm mau qua, để biết xây đắp tình yêu và hôn nhân nhắm tới những viễn ảnh cao đẹp nhất - để cả cuộc đời luôn trong và sáng.

Thông điệp Phục sinh của Lời Chúa trong bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay chẳng những có phần tương tự với lẽ khôn ngoan của ngày lễ hội Thanh minh mà còn đi xa hơn. Bài Tin mừng nhắc lại rằng sau khi Chúa Giêsu bị giết chết trên thập giá và an táng trong mộ, các môn đệ Ngài thấy mọi sự đều tăm tối. Hai người trong nhóm đã thất vọng bỏ về quê, tâm hồn u ám nặng trĩu sầu buồn. Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại rồi mà họ không biết. Họ vừa đi vừa buồn bã trao đổi tâm sự với nhau. Chúa đến bên, cùng bước đi bên cạnh họ mà họ không hề ngờ đó là Chúa. Ngài cảm thông và chia sẻ với họ, rồi viện dẫn Kinh thánh để giúp họ hiểu rằng Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ và chịu chết rồi mới từ cõi chết sống lại trong vinh quang. Lòng họ ấm dần lên. Và rồi Ngài nhận lời mời của họ, cùng vào quán trọ. Họ kinh ngạc bắt gặp nơi Ngài những cử chỉ rất quen thuộc, giống hệt cử chỉ Thầy của họ. Cũng như Thầy của họ thường làm, Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn Chúa, bẻ ra rồi trao cho họ. Họ nhìn kỹ thì nhận ra Ngài chính là Thầy Giêsu của họ. Thế nhưng cùng lúc ấy Ngài đã biến khỏi tầm mắt họ…

Lòng họ không còn sầu thương tăm tối nhưng đã bừng sáng lên. Họ rời quán trọ, chạy ngược về nơi họ bỏ đi. Mặc cho sau lưng họ mặt trời đang khuất dần và phía chân trời trước mặt nắng đang tắt, tất cả vẫn cứ như càng lúc càng rực sáng.

Tại sao hoàng hôn đang buông nhưng lòng họ vẫn trong và sáng như buổi mai lễ hội Thanh minh. Thưa, vì Ngài chính là sự sáng. Các vị giáo chủ đều chỉ cho môn sinh một điều tốt đẹp và bảo: Đây là ánh sáng, đây là con đường, đây là sự thật, đây là Chân lý. Còn Chúa Giêsu và chỉ một mình Ngài mới có thể nói: Tôi là sự Sáng, tôi là con Đường, tôi là Sự thật, là Chân lý.

Vâng, Chúa Kitô Phục sinh đem đến cho cuộc lễ hội của chúng ta một nét mới. Qua đoạn Kinh thánh vừa nghe, ta hiểu rằng cái chết không chấm dứt tất cả, vì Đức Kitô là Sự Sống và là Sự Sống Lại, đang ở giữa chúng ta. Ngài đã phục sinh, đã từ cõi chết sống lại. Dù ta không để ý, Chúa vẫn bước ngay bên.

Mỗi khi tâm hồn nặng trĩu buồn phiền, ta hãy nhớ lại chuyện hai môn đệ trên đường Emmau, hãy đến với Chúa Giêsu, thì sẽ tìm lại được trong và sáng. Dù là ban mai, cặp tối hay nủa đêm khuya khoắt, có Chúa trong lòng vẫn là lễ hội Thanh minh.

Chính Chúa Giêsu là nguồn mạch của mọi điều trong sáng. Hãy đọc Kinh thánh Tân ước và nghiền ngẫm, rồi anh chị em sẽ ngày càng biểu rõ hơn về Chúa.

“Chúa ở với con. Con đây, lạy Chúa!” Ngay ở đây, ngay lúc này, bạn hãy thực tập để nghiệm thấy Chúa đang ở với ta. Hãy dừng chân và ý thức rằng Chúa đang hiện diện, đang ở với. Hãy phó thác và sẽ thấy bình an. Nào, bạn hãy thử xem.

Mến chúc mọi người một lễ hội Thanh minh lòng đầy trong sáng.

Ghi Chú:
Email trang web An Nhiên và trang web Gp Vinh - Bản tin
A. Tảo mộ == Ngôi mộ trống = PS
B. Tảo mộ == Ngôi mộ trống = Xác loài người sống lại

Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

Đọc nhiều nhất Bản in 10.04.2018 14:38