Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Thánh Giuse 19-3: 'Hổ phụ sinh hổ tử'

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Cái tựa đề của bài suy niệm này thoạt nghe có vẻ đao to búa lớn. Nói về Thánh cả Giuse, một người thợ mộc bình thường với những lời lẽ như thế có hơi quá khích chăng ? Để thẩm định đúng sai, thái quá hay bất cập, không gì hơn ta hãy xem Thánh Kinh nói gì về Thánh Cả. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ kính Thánh Giuse tường thuật lời của Sứ thần : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”( Mt 1,20-21 )

Theo Thánh Kinh, tên là người và tên cũng nói lên sứ mạng của người ấy. Giêsu nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Cái tên này vừa nói lên căn tính vừa nói lên sứ mạng của con trẻ. Chính Giuse phải đặt tên cho con trẻ. Cũng theo Thánh Kinh, việc đặt tên nói lên trách vụ đào tạo, giáo dục. Và chính Thánh Cả Giuse đảm nhiệm trách vụ cao cả này. Theo lời Sứ thần thì Thánh Giuse phải đảm nhận trọng trách giáo dục, đào tạo nên Giêsu ( Thiên Chúa cứu độ ) cho nhân trần.

Con người là sinh vật có tính giáo dục. Chính sự giáo dục đã góp phần quan trọng để con người lớn lên và phát triển thành người xứng với phận người. Khi vào trần gian, để làm người thì Con Thiên Chúa hẳn không đi ra ngoài quy luật này. Theo truyền thống Đông phương trước đây, con cái trong nhà chịu ảnh hưởng của người cha tương đối nhiều. Cái hiện tượng này bắt nguồn từ cái vị thế quyền lực của người cha trên con cái và đặc biệt nơi chính cái đạo hiếu thảo. “ Quân xử thần tử, thần bất tử thần bất trung. Phụ xử tử vong tử bất vong tử bất hiếu”. Chính vì thế mà dấu ấn của người cha trên con cái thật là đáng kể. Và hệ quả kéo theo là : “ cha nào con nấy”, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Quan niệm đề cao vị thế của người đàn ông, người cha gia đình trong xã hội thời Chúa Giêsu dường như không khác mấy so với xã hội nước ta bấy giờ.

Ta cần chân nhận rằng một trong những phương pháp giáo dục, đào tạo hữu hiệu đó là làm gương sáng. Nào chúng ta hãy xem tấm gương của Thánh Cả Giuse đã phản chiếu trên nhân cách, lối ứng xử và cuộc đời của Chúa Giêsu như thế nào.

  1. Giuse : người công chính. Hai tiếng “công chính” theo Thánh kinh không chỉ có nghĩa là ngay thẳng, chính trực… như là một trong các nhân đức nhân bản mà đặc biệt muốn nói đến sự tín thành trong tình yêu. Thánh Phaolô khi nói Thiên Chúa là Đấng Công chính nghĩa là Thiên Chúa luôn tín trung với lời đã hứa, với giao ước đã ký kết với dân Người. Dù Israel có thay đổi thì Thiên không hề đổi thay. Phía con người, chúng ta được nên công chính nhờ tin vào tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giesu Kitô ( Rm 3,26; 10,4 ). Thánh Giuse đã yêu Maria thì dù trước sự thể không hiểu được là Maria mang thai không phải bởi mình thì Ngài vẫn mãi yêu Maria. Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình. Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh”. Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của Ngài. Giuse đúng thật là người công chính. Tấm gương sáng Giuse đã phản ánh rõ nét trên cuộc đời của Chúa Giêsu sau này. Dù bị nhiều luật sĩ, biệt phái âm mưu hãm hại, dù bị cả người thân hiểu lầm là mất trí thì Giêsu vẫn không ngừng giáng phúc thi ân cho những người bất hạnh. Dù biết các môn đồ sẽ bội phản, Người vẫn cúi xuống rửa chân cho các ông và nhận các ông làm bạn hữu. Dù bị quân lính hành hạ, bị các Tư Tế sỉ nhục, bị dân chúng “ ăn cháo đái bát” thì Giêsu vẫn yêu thương xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết. Viên sĩ quan dưới chân thập giá đã thốt lên : “ Quả thật, ông này là người công chính” ( Lc 23,47 ).
  2. Giuse : người thực hiện thánh ý Chúa. Thoạt nhận ra thánh ý Thiên Chúa dù chr là trong giấc mộng, Giuse đã mau mắn thi hành : đón nhận Maria về nhà làm bạn; dẫn con trẻ và Mẹ Người sang Ai Cập lánh nạn; đem hai mẹ con trở về Nagiarét. Một Giuse luôn đặt thánh ý Chúa trên hết đã dệt nên một Giêsu luôn lấy thánh ý Cha làm lương thực của mình. ( x Ga 4,34 ), một Giêsu luôn nỗ lực vâng theo Thánh ý Cha trên trời : “ Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”( Mt 26, 39 ).
  3. Giuse : người cha nhân hậu. Những tháng ngày học nghề thợ mộc với Giuse có lẽ đã gợi mở cho Giêsu nhiều điều để rồi sau này Người mạnh dạn nói với người Do Thái : Cha ta làm thế nào, ta làm như vậy; Ta không làm điều gì mà không thấy Cha ta làm. Trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu, chắc chắn dụ ngôn “người cha nhân hậu” là dụ ngôn đẹp nhất về tình Cha trên trời. Phải chăng kỷ niệm ở Đền Thờ Giêrusalem năm lên 12 tuổi đã ghi đậm vào tâm khảm của Giêsu ? Hình ảnh Thánh Giuse không nói một lời quở trách, chỉ biết mừng vui và dẫn con trẻ về đã giúp cho Giêsu hiểu về lòng nhân hậu bao la của Cha trên trời.

“Hổ phụ sinh hổ tử”. Thật là chính đáng và hợp lý để áp dụng ngạn ngữ này cho Thánh Cả Giuse. Chúng ta đã yêu mến và tôn kính Thánh Cả cách đặc biệt. Chúng ta đã thường chạy đến nương nhờ Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn : rất tốt. Chúng ta thường nhờ Ngài phù trợ những khi xây dựng các công trình : rất tốt. Tuy nhiên có lẽ điều tốt nhất là xin Thánh Cả cầu bàu để ta trở thành người giáo dục, đào tạo nên những Giêsu cho đời. Đồng thời biết noi gương Thánh Cả sử dụng phương pháp đào tạo hàng đầu là làm gương sáng cho con cháu chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.03.2007. 10:25