Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Thánh Gia Thất: Bấy giờ Ta ở giữa họ

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Chúa Nhật II Mùa Giáng Sinh: Lễ Thánh Gia Thất (Lc 2,22-40)

Hôm nay là Chúa Nhật thứ nhất sau đại lễ Giáng Sinh, Giáo Hội dành kính Thánh Gia Thất Na-da-rét.

Tuy nhiên, hôm nay chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng Thánh Gia Thất, nhưng trước hết chúng ta hãy đưa mắt nhìn ngắm các gia đình nhân loại chúng ta, cuộc sống hằng ngày của họ với bao lo âu, bao bức xúc và bao vấn đề khó khăn tồn đọng của họ. Nhưng tất cả mọi suy tư của chúng ta phải dựa trên nền tảng của gia đình, đó là: Hôn nhân! Dĩ nhiên, hôn nhân được đề cập đến ở đây không phải là một định chế pháp lý được thế quyền chấp nhận và bảo vệ, nhưng là hôn nhân Kitô giáo, hôn nhân như một Bí tích thánh.

Chữ “Bí tích” ở đây chúng ta cũng có thể viết cách khác là “dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa”. Kiểu nói này có thể dùng cho tất cả bảy Bí tích của Hội Thánh, nhưng rõ ràng một cách đặc biệt nhất là Bí tích Hôn Nhân.

Tình yêu Thiên Chúa trong hôn nhân có một chiều kích lưỡng diện:

1. Trước hết, nó có nghĩa là sự phù trợ cho cuộc sống chúng ta. Những cặp vợ chồng thường biểu lộ điều đó như sau: Ðể sống mãi với nhau, chúng tôi đã nhờ có ơn Chúa. Chúng tôi cũng phải học hỏi sự trung thành của Chúa để chúng tôi cũng có thể trung thành với nhau. Qua đó, chúng tôi nhận thấy tình yêu và ơn Chúa không chỉ là tô thắm Ngày Cưới, nhưng sẽ đồng hành trong suốt cuộc sống hôn nhân của chúng tôi, hằng ngày trong cuộc sống vợ chồng và cuộc sống gia đình. Tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa nói cho chúng ta rằng: Chúng ta không bao giờ bị lẻ loi một mình, cả trong những giờ phút đen tối và đầy thử thách của cuộc sống.

2. Nhờ tình yêu Thiên Chúa, tất cả mọi tình yêu nhân loại có được một chiều kích sâu xa mới: Nó dẫn đưa chúng ta tới cùng Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương chúng ta với một tình yêu bao la khôn ví của Người. Mặc dầu, với giới hạn của nó, tình yêu nhân loại có thể chỉ là một phản ánh thiếu thốn của tình yêu Thiên Chúa, nhưng nếu những người vợ người chồng thương yêu nhau, thì tình yêu Thiên Chúa sẽ được bừng sáng lên. Ðiều đó khẳng định rằng Thiên Chúa không hề là một “đệ tam nhân quấy rối” trong giao ước hôn nhân giữa hai người nam nữ hay cũng không phải người “cảnh sát” luôn để mắt kiểm soát xem những cặp vợ chồng có hành động đúng đắn hay không, như những người sẵn đầu óc châm chọc và phê bình, đã gọi. Trái lại: Thiên Chúa là nền tảng và là điểm nối kết cho tình yêu của hai người nam nữ có thể trở thành tình yêu hôn nhân chân chính, đúng đắn và bền vững.

Theo những hình thức và các điều kiện bên ngoài, hầu như không có sự khác biệt giữa những người sống trong hôn nhân dân sự và trong hôn nhân mang dấu ấn Bí tích thánh. Cả hai đều phải nỗ lực lo tạo cuộc sống đôi lứa của mình được thành công và hạnh phúc. Cả hai đều phải chiến đấu với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống hằng ngày và nỗ lực tìm ra được một giải quyết ổn thoả; Và cả hai đều có thể phải đối mặt với những thất bại và những đổ vỡ chua cay như nhau.

Nhưng thực ra, đối với chúng ta là những Kitô hữu, qua các Bí tích một chiều kích mới được mở ra trước mắt. Vâng, khi tôi ý thức được tính chất bí tích của hôn nhân, tôi có thể cảm nghiệm được rằng tình yêu mỏng dòn yếu đuối của tôi được nâng đỡ bởi một tình yêu vô cùng cao cả và mạnh mẽ, và lòng chung thủy dễ lung lay của tôi được củng cố bởi sự trung tín trường tồn của Thiên Chúa, để tôi có thể suốt đời thủy chung với người bạn đời của tôi cũng như với chính tôi nữa! Và đồng thời Bí tích thánh của hôn nhân là động lực then chốt giúp cho những người sống đời lứa đôi đủ bình tĩnh để vượt qua giờ phút sóng gió thử thách của đời sống chung.

Nhiều đôi hôn nhân khi cùng nhau và cùng con cái cháu chắt cử hành lễ Ngân Khánh 25 năm hay lễ Kim Khánh 50 năm đời sống hôn nhân, đã phải chân thành thừa nhận nền tảng và lý do sự chung thủy của họ trong đời sống vợ chồng suốt mấy mươi năm trời là chính Thiên Chúa: “Bởi vì chúng tôi ý thức được cách rõ ràng là Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng tôi!” Có lẽ có người trong quí vị sẽ nghĩ rằng các Linh Mục sống đời độc thân thì nói gì mà chẳng được, nhưng giả thử các ngài biết được rằng trong đời sống hôn nhân còn có biết bao nhiêu ngóc ngách, bao nhiêu thực tại khác nữa ...!

Chắc chắn rằng với tư cách một Linh Mục, tôi chỉ nhìn sự việc từ phía ngoài vào, với con mắt khách quan, bởi vì tôi không sống đời gia đình riêng. Nhưng hằng ngày tôi cũng cảm nhận được bao khó khăn, vất vả và bao vấn đề trong các gia đình chúng ta. Ðàng khác, tuy là một Linh Mục, nhưng tôi cũng là một con người như bao con người khác, đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình.

Dĩ nhiên, sẽ hoàn toàn vô ích, nếu chúng ta chỉ ngồi lý luận với những tư tưởng trừu tượng thế này thế kia về hôn nhân. Ðiều quan trọng ở đây là làm sao để có thể rút tỉa được điều gì đó từ cuộc sống thực tế hằng ngày. Tôi xin được phép tạm đưa ra ba đề nghị có thể giúp cho đời sống hôn nhân Kitô giáo trong cuộc sống hằng ngày:

1. Cầu nguyện chung! Ở đâu các người vợ người chồng cùng với con cái và khách khứa của họ cùng cầu nguyện, thì người ta sẽ cảm nhận được cách rõ ràng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình mình. Dĩ nhiên, trong các giờ cầu nguyện chung đó, không chỉ cùng nhau đọc thuộc lòng những kinh nguyện có sẵn đã được sắp xếp theo từng mùa trong năm, nhưng cả những lời nguyện bộc phát, mỗi người tự dâng lên Thiên Chúa tùy theo hoàn cảnh sống cụ thể lúc đó! Phải chăng vào dịp cuối năm cũ và đầu năm mới sắp tới, lại không phải là dịp tốt cho cả gia đình và khách khứa cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ về những hồng ân đã lãnh nhận và những nguyện ước cho tương lai? Tiếp đến trong suốt cả năm còn có biết bao nhiêu dịp để chúng ta cùng nhau cầu nguyện như thế, ví dụ: Ngày sinh nhật hay ngày Thánh Bổn Mạng của mỗi người trong gia đình, ngày thi cử, ngày nghỉ hè, ngày tạm biệt, ngày bắt đầu một công việc mới, v.v…

2. Cùng có trách nhiệm với nhau trước mặt Chúa! Việc xét mình và kiểm điểm lương tâm là công việc riêng tư của từng người. Nhưng tại sao những người vợ người chồng và những thành phần mỗi gia đình lại không thể cùng nhau ngồi lại để cùng suy nghĩ và cùng kiểm điểm lại trước mặt Chúa về cuộc sống trong gia đình của mình? Dĩ nhiên, điều đó không chỉ dừng lại trong câu hỏi: “Chúng ta đã làm những gì sai?” Nhưng người ta còn phải tự hỏi: “Cần phải làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt điều này điều nọ?”, và: “Làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng hết các khả năng và điều kiện sẵn có của mình?” Ngoài ra, những người vợ người chồng còn phải tỏ ra biết ơn về những điều đã đạt được cũng như những điều đã lãnh nhận. Tiếp đến một điều quan trọng khác là họ phải luôn biết động viên và biết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

3. Cùng luôn biết thương yêu nhau. Tình yêu luôn biểu lộ ra bên ngoài - bằng lời nói và việc làm cụ thể - và đòi phải được tiếp tục thi thố cho kẻ khác: Trước hết, tình yêu thương vợ chồng trao cho nhau, tiếp đến cho con cái, nhưng cũng san sẻ cho cả bạn bè, bà con lối xóm nữa. Gia đình Kitô giáo phải là nơi mọi người đều cảm thấy được đón nhận, được yêu thương và được hạnh phúc; là nơi, trước hết, chính những người con cái trong gia đình cảm nhận được rằng chúng thực sự được yêu thương bằng một tình yêu vô vị lợi và toàn diện. Vâng, gia đình Kitô giáo phải là nơi mỗi thành phần của gia đình đều có thể và có đủ cơ hội cũng như điều kiện để tự phát huy, và đồng thời cũng học biết tự dấn thân và tự hy sinh cho nhau.

Dĩ nhiên, tất cả những điều đó chỉ có được trong một gia đình biết lấy Thiên Chúa làm cứu cánh cho mình: Nói cách khác, trong một gia đình đạo đức, biết sống gắn bó với đức tin vào Thiên Chúa và đầy lòng thương yêu mọi người đồng loại

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.12.2008. 15:54