Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Phục Vàng và Chiếc Di Động

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

(TV 05 : Chúa ghét những ai làm điều ác)
Tin Mừng Chúa Nhật XV TN (Năm B): Mc 6,7-13

Xin bổ sung một vật dụng bất khả ly thân của linh mục : cuốn Năng Quyền Thập Niên.

Sau thất bại đầu tiên ở chính quê hương (trong bóng đá thời nay, người ta gọi là ‘thua ngay trên sân nhà”), Chúa Giêsu chính thức đi vào tổ chức đội ngũ các môn đệ, để ở với Người và để sai đi, gồm hai phần : trang bị và sứ mệnh. Lần nầy nữa,Chúa Giêsu đã “thua” khi cho rằng những dặn dò các môn đệ của Người đã là đơn giản hết cở, đến mức có thể khiến cho các môn đệ hoài nghi nhà cầm quân Giêsu, bởi rõ ràng là thiếu khôn ngoan và quá lý tưởng, như kiểu các đôi uyên ương khi mới yêu nhau, cho rằng cuộc sống chỉ cần “một mái lều tranh và đôi trái tim vàng”! Nhưng so với hành trang ắt có và đủ (sine qua non) của linh mục hay ngày nay, thì những hành trang Chúa Giêsu nhắc nhủ và cho phép các môn đệ,- 3 vật : một gậy, một (đôi) dép, một áo, nghĩa là những thứ không thể đơn giản hơn,không thể chia bớt nữa - vẫn hãy còn quá cống kềnh, phức tạp. Ngày nay, khi nhận giấy mời, các linh mục đọc ở hàng ghi chú phía dưới: các linh mục xin mang theo lễ phục màu vàng. Và các linh mục thu xếp việc công tư, thanh thản lên đường, hành trang vô cùng gọn nhẹ : lễ phục vàng và … chiếc di động! Cuốn “năng quyền thập niên”, không chỉ như chứng minh nhân thân của linh mục, mà là ‘bùa hộ mạng’, giấy báo cơm ăn chốn nghĩ và mời dâng Thánh Lễ, cùng những đãi đằng xứng đáng ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ khi nào linh mục đến. Xin mượn lời một bài ca về xứ Huế, để ca ngợi sự thanh thoát như hình ảnh ‘thảnh thơi thơ tùi rượu bầu” các tiên ông trong những chuyện thần thoại : ”Nét đẹp đó chẳng nơi nào có được”.

Trong các bí tích, không có bí tích nào nói lên rõ tính chất ‘tông truyền’ cho bằng bí tích truyền chức thánh : phải do chính tông đồ truyền cho, thì mới thành sự. Điều kiện duy nhất để nên thành linh mục, là được giám mục gọi và đặt tay (các điều kiện cần có để được giám mục chọn gọi, tuỳ thuộc giám mục). Chính vì thế, bí tích linh mục nói lên sự hiệp nhất với Chúa Kitô,- lập nên và là nguồn bí tích - với tông đồ - giám mục,- đấng nhận quyền ‘truyền’ chức – và với các huynh đệ trong chức linh mục, chức làm cho họ hoàn toàn đồng nhất với nhau, sau khi tất cả đều được đồng hoá, ban cho cùng một căn tính, qua bí tích truyền chức : nên giồng Chúa Kitô, linh mục thượng phẩm. Điều đó muốn nói lên rằng mỗi linh mục được gắn vào cộng đồng linh mục toàn thế giới, khi các Vị sống, khi các Vị tế lễ, khi các Vị nên thánh và cả khi các Vị phạm tội bất trung với thánh chức và với ba lời hứa hoặc xao lãng bổn phận mục tử đối với cả đoàn chiên và mỗi con chiên mà Chúa giao cho các Vị. Phẩm phục và chiếc di động tượng trưng cho truyền thống và sự kết nối trong cuộc đời, chẳng khác nào chiếc nhẫn được linh mục xỏ vào cộng đồng linh mục toàn thế giới và được trao tặng một chiếc như vậy, như lời thề nguyền sắt son: đính ước với Chúa Kitô, với Giáo Hội, tất cả linh mục cũng đính ước với nhau, hẹn nhau thờ cùng một chủ, như câu thơ Phan Văn Trị (trả lời Tôn Thọ Tường) : ‘trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng’!

“Đồng khí tương lân” có thể lột tả phần lớn quan hệ giữa các linh mục. Là những người gom lại trong một từ : ”người thuộc Giáo Hội” (ecclesiastiques), không còn thuộc về mình và cũng chẳng thuộc về ai khác. Nếu linh mục tự ý muốn chia sẻ một phần cuộc đời, tình cảm, lo lắng cho riêng một ai, thì linh mục làm sai, khi lấy lại những gì mình đã hứa giao hết cho Chúa và Giáo Hội, một lần và mãi mãi. Nói xa hơn, mạnh hơn nhưng cũng không sai : đó là sự phản bội. Và không có gì nặng nề hơn là phản bội lòng tin và tình yêu.

Ngạc nhiên chưa khi Chúa Giêsu thực hiện điều mà khôn ngoan cha ông ta vẫn dạy : ‘thuyền tam, bộ nhị’ ( đi ra khơi, ít nhất phải có ba người; đi đường bộ, phải có ít là hai người). Hôm nay Chúa Giêsu cũng “sai đi từng hai người một” (Mc 6,7). Bạn đồng hành không chỉ giúp nhau khi gặp bất trắc (ốm đau, tai nạn,..) mà còn tạo nên một cộng đoàn nhỏ, để cùng chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện và trao đổi bàn luận với nhau, an ủi, động viên và thậm chí can ngăn nhau. Tóm lại, vô số vấn đề thực tiễn mà một mình không thể nào giải quyết được. Trong tình hình con số linh mục còn hiếm hoi, thì chiếc di động sẽ phần nào làm thay công việc của một bạn đồng hành : chia sẻ tin tức và sách vở báo chí, trao đổi nội dung những bài viết bổ ích cho nghiên cứu và cho việc mục vụ, trao đổi những thuận lợi và khó khăn, một cuộc hẹn,…Một chuyện tiếu lâm cũng giúp ích rất nhiều. Chiếc di động ngày nay gần như cho không, dễ sử dụng, ngày càng đa năng, khác với ‘cục gạch’ đắt đỏ thời kỳ đầu. Linh mục không còn nại cớ gì để cho mình cô lập và cô đơn. Những linh mục sa ngã là do để cho mình bị chi phối bởi kiêu ngạo và cô đơn : không nhìn lên Chúa và Giáo Hội, không nhìn sang anh em, linh mục tự đọc bản án cho mình. Chiếc di động là hình ảnh sự gắn kết,’tuy xa mà vẫn gần nhau’. Nó còn thực sự là một phương tiện gắn kết tình thân, tình đồng chí, của linh mục. Nó sử dụng tai – mắt – miệng và nhất là con tim.

Phẩm phục vàng và chiếc di động còn nhắc nhở các linh mục trung thành với truyền thống (tông truyền và thánh truyền), nhưng đồng thời phải luôn canh tân bản thân và cuộc sống. Dù là kiểu theo nghi thức la-tinh hoặc theo phụng vụ hậu Công Đồng, thì phẩm phục – cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – đều nói lên sự ‘ổn định’ về Bí Tích, về Tín Lý Đức Tin, về Giáo Hội và về chức vụ cũng như đời sống linh mục. Nhưng trong khi thi hành chức vụ tề lễ, giảng dạy và ban tí tích, linh mục lại phải luôn đổi mới mình. Chúa Thánh Linh, Đấng tác động ban mọi nguồn ơn cho Giáo Hội, là Đấng Canh Tân. Giáo Hội không bao giờ ngừng lại, bởi vì Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội, không bao giờ ngưng nghỉ, dừng lại. Vũ trụ do Chúa tạo dựng chỉ cần một phần nghìn giây ngưng lại, cũng đủ làm cho mọi tinh thể bị đảo lộn và tan tành. Trước khi tạo dựng, đang khi tạo dựng, Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước” (x. Stk 1,2) và không bao giờ ngưng nghỉ : đổi mới công trình tạo dựng để nên đẹp hơn; đổi mới công trình tạo dựng bị tội lỗi con người làm hoen ố; đổi mới công trình tạo đựng đã thấm máu Cực Châu Báu Chúa Kitô và đang bị Satan cám dỗ phá hoại, với ý định rõ rệt là làm cho thế gian hư đi một lần nữa. Vì thế, là ‘Chúa Kitô Thứ Hai – Alter Christus”, linh mục cũng không có quyền cho phép mình ngưng nghỉ bàn tay, đôi mắt, con tim. Cuộc đời linh mục là những sáng kiến không ngừng đổi mới. Một linh mục tự mãn với những kết quả đạt được, ở bất cứ độ tuổi nào, cũng bị coi là đang ở bờ vực thoái hoá, mất và dần hết giá trị. Nếu ví linh mục như một bó đuốc cháy sáng, thì linh mục tiêu hao nhiên liệu đời mình, để soi sáng những ngóc ngách tối tăm thế gian. Cái gì sẽ xảy đến lúc bó đuốc bị dập tắt hoặc tự tắt?

Xin lấy lại hình ảnh thật đẹp được dùng làm đề tựa phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” : “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi và lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đàng cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”

Tiếng hót đó là tiếng hót của sự hiến sinh cho những gì cao đẹp nhất trên trần thế, để nó cứu rỗi cõi đời này. Hạnh phúc, sướng vui, hy sinh, đau khổ của linh mục, - máu của ngài – khi được tắm vào Máu Chúa Kitô, sẽ đem lại an bình, cứu rỗi cho Giáo Hội, cho thế gian và cho ngài : hình ảnh Chúa Kitô trên thập gía đồi Can-vê.

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 05

Một tiếng kêu kinh hoàng trước ác tâm của thế gian. Ác tâm nầy trước hết là sự người bóc lột người, là sự chối từ tình thân anh em vốn là ơn gọi của con người và là giới luật của Thiên Chúa. Chính sự gian trá lừa lọc, lời nói dối gian và sự giả hình nham hiểm khiến cho miệng lưỡi con người đi ngược với con tim. Người công chính chưng hửng trước sự chối từ tình yêu nầy. Lúc ấy hướng về Thiên Chúa thật tốt đẹp biết bao: thật tốt biết bao khi lòng nhủ lòng rằng Thiên Chúa ghét điều gian ác và Người không bao giờ để nó chiến thắng. Thật tốt biết bao khi nghĩ rằng những ai không yêu mến, là kẻ thù của Thiên Chúa và cuối cùng Tình Yêu Chúa sẽ chiến thắng chúng. Thật tốt biết bao khi nghĩ rằng bất luận vì sao, người ta vẫn có lý khi yêu thương,muốn yêu thương, tìm cách làm cho yêu thương ngự trị. Đứng ghét bỏ ai. Hãy cầu xin Đấng Thẩm Phán, nhưng hãy biết rằng Người muốn kẻ tội lỗi ăn năn và được sống, chứ không muốn nó hư mất (Ez 33,11).

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.07.2009. 06:32