Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lắng nghe và thực thi Lời Chúa

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 5 Phục Sinh (B)
Cv: 9: 26-31; Tv: 22; I Ga 3: 18-24; Ga 15: 1-8

Anh chị em thân mến,
Ông Bà tôi là chủ đất ở thành phố Brooklyn. Nói là chủ đất cũng hơi quá đáng, thật ra Ông Bà chỉ có miếng vườn sau nhà thôi. Giữa vườn có một chỗ tráng xi măng có che mái gọi là chái nhà sân sau. Chung quanh đó, ông tôi trồng ít rau cải, và cây ăn trái gồm 2 cây vã và một cây đào. Cây vã là loại thích hợp với khí hậu vùng Địa Trung hải, nên khi mùa đông có gió bấc lạnh thổi xuống, chúng tôi cột cố định các cành cây vào thân cây và bọc nó lại với giấy sốp đen, với hy vọng màu đen sẽ giữ được một ít hơi ấm của mặt trời mùa đông. Trong suốt mùa đông, chúng ta có thể thấy hai cây vã ở vườn sau nhà. Vì cành được cột chặt vào thân cây và trùm kín lại, nên cây trông như một tấm thảm đen bao bọc một cái thùng lớn. Đôi khi, tuyết phủ dầy cả vườn đến hết mùa đông.

Nhưng sau một mùa đông rét giá nọ, đã làm 2 cây vã gần như chết. Ông tôi muốn trồng 2 cây đào với một cây vã thôi. Ông tháo bao một cây ra rồi mổ tách vỏ. Xong ông chặt một cành đào và tháp vào thân cây vã đã chặt hết cành. Ông bao chặt chổ tháp cành đào vào cây vã rồi bảo chúng tôi hãy đợi xem chỗ tháp sẽ ra sao. Nếu tháp không tốt thì cành đào sẽ chết. Chúng tôi tự hỏi, nếu cánh đào tháp sống được thì chúng tôi sẽ nhận được trái cây gì từ cành đào tháp này. Và cành tháp đã sống được, để đến mùa hè sau đó bắt đầu cho trái: trái đào. Gốc vã đã cung cấp cho cành đào nhựa sống để sinh hoa và cho trái ăn ngon. Nếu không có nhựa sống từ gốc vã, cành đào sẽ chết và chúng tôi không được ăn mứt và bánh đào do bà tôi làm. Trong lúc tháp, hai cây đều chịu cắt tỉa khó khăn và đau đớn; một cây bị chặt cành và một cành đào bị chặt lìa cây. Đốn chặt cây là biện pháp phải chịu đau đớn một thời gian ngắn để sinh hoa trái tốt theo ý muốn.

Chúng ta cũng giống như cành tháp vào gốc chủ. Theo cách của nhà nông khi nói về cây nho, Chúa Giêsu cũng nói cho chúng ta biết phải sống liên kết với Ngài nếu muốn sinh hoa trái. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã được tháp vào Chúa Giêsu, và chúng ta hưởng sự sống từ Ngài. Cành đào thì cho trái đào. Nếu ông tôi tháp cành mận thì chúng tôi sẽ có trái mận. Bà tôi sẽ có mận để làm mứt. Chúng ta được tháp vào Chúa Giêsu thật, nhưng chúng ta vẫn giữ bản chất của chúng ta với những tài năng riêng của mình như năng khiếu về nhạc, kể chuyện, nấu nướng, viết sách, tổ chức, săn sóc, lôi cuốn thuyết phục,.v.v...

Chúng ta mỗi người mỗi khác. Nhưng chúng ta vẫn cùng hưởng sức sống từ Chúa Kitô là cội nguồn sự sống của các Kitô hữu nơi trần gian. Chúng ta không có những cặp Kitô hữu sinh đôi, mỗi chúng ta đều đặc biệt. Nhưng nguồn gốc của sức sống trong mỗi chúng ta là một. "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở trong anh em". Nếu có đứa nào trong chúng tôi gở cành đào tháp ra khỏi gốc vã, chắc sẽ bị ông tôi trách phạt, vì chỉ còn một cành cây khô không lá, dĩ nhiên là không mong gì có mứt và bánh đào để ăn. Mỗi chúng ta đều được tháp vào Chúa Kitô, và sinh hoa trái. Hầu giúp cho những người cần chúng ta giúp đỡ và tha thứ cho họ.

Mỗi khi chúng ta cùng nhau cử hành Phụng vụ, là chúng ta bày tỏ niềm ao ước được gắn liền với Chúa Kitô và với tất cả mọi người. Nhờ Phụng vụ, qua việc lắng nghe Lời Chúa trong sách Thánh, trong sự xướng đáp lời kinh Thánh Thể, cùng với cộng đoàn, chúng ta rước Thánh Thể. Và cùng ý nghĩa đó, trong khi cử hành Phụng vụ các Bí Tích, giúp chúng ta hiệp thông với nhau.

Trong lúc quan sát ông tôi làm việc, chúng tôi biết ông tôi có ý tốt, là cho chúng tôi sẽ được hưởng thành quả của những việc ông làm. Dù vậy, khi ông đốn cây và chặt cành, chắc hai cây bị đau lắm. Vậy khi Thiên Chúa đốn chặt chúng ta, chúng ta có bị đau không? Và đau như thế nào? Trong Bí Tích Thánh Thể này, có việc đốn và chặt trong chúng ta không khi nghe Lời Chúa được đọc trong cộng đoàn? Chúa Giêsu nói "anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em"(Ga.15,3). Lời Chúa luôn nói với chúng ta, và khi nghe Lời ấy, đó là cách để "sống liền với cây nho". Chúng ta đang lắng nghe Lời Chúa, vì Lời đó nhắc nhở chúng ta tình thương của Ngài, và Chúa hằng sẵn lòng tha thứ cho chúng ta.

Nếu Thiên Chúa cần "đốn chặt" để chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, hầu sinh hoa trái tốt tươi, đó chính là lúc chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Những điều chúng ta nghe, có thể giúp chúng ta thấy được là đã bao nhiêu lần quên, hay không để ý đến Lời mời gọi của Chúa. Cũng như nhiều khi chúng ta cảm thấy khó chịu, sượng sùng, khi có người bạn làm điều gì tốt cho chúng ta, nhưng chúng ta lại quên đi, không để ý đến hay không cảm nhận được lòng tốt ấy. Những trường hợp đau lòng này nhắc chúng ta không nên để xảy ra nữa, vì nó làm hại đến tình bằng hữu. Cũng vậy, việc "đốn chặt" của Thiên Chúa là luôn làm theo Lời Người. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta có thể chấp nhận, và đáp lại một cách mật thiết hơn tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Mỗi tuần, chúng ta họp nhau để gắn liền chúng ta vào gốc nho và với các cành nho khác. Chúng ta cùng cầu xin và quyết tâm là kể từ hôm nay chúng ta sẽ để ý nghe và đáp lại Lời Chúa.

Ngoài việc Phụng vụ ra, chúng ta có thể nghe Lời Chúa bằng cách nào khác nữa để được "sống trong Ngài"? Có nhiều cách để mở lòng rộng rãi đón Chúa. Có những dịp như: Vào các nhóm cầu nguyện và dự lớp học Thánh Kinh. Nhờ đó, chúng ta có được những lúc cầu nguyện riêng, đọc Thánh Kinh và suy gẫm những bài sách thiêng liêng v.v... Đó chính là lúc chúng ta nghe Lời Chúa và được “sống trong Ngài”

Thiên Chúa lại còn nói với chúng ta qua tha nhân như: Những lúc chúng ta nói chuyện trong gia đình, với bạn bè, với những người tư vấn hay những nhóm tình nguyện, những người chúng ta gặp thường ngày v.v... Chúng ta hãy nhớ, Chúa Giêsu đã nói là Ngài ở trong những người bị ruồng bỏ, và những người nghèo. Mỗi khi chúng ta gặp họ, chúng ta nên cố gắng lắng nghe tiếng Chúa qua họ. Ngoài những dịp đối thoại với họ, có những dịp khác như khi chúng ta đọc những bài tường trình hay các mạng tin tức về những vấn đề khó khăn của xã hội hiện nay. Các phương tiện truyền thông có thể là dụng cụ của Chúa Giêsu dùng để nói với chúng ta và nhắc chúng ta nên ở với "Ngài" để được sinh "hoa trái tốt tươi".

Trong bài đọc hai hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta biết hoa trái của chúng ta có được là nhờ gắn liền cuộc sống với Chúa Giêsu: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm." (1Ga.3,18)

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.05.2009. 13:43