Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24-8-2008: ĐTC lo âu về tình quốc tế căng thẳng

§ Lm Trần Đức Anh, OP

CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 bày tỏ lo âu về tình hình quốc tế căng thẳng do cuộc xung đột tại Georgia và quan hệ suy đồi giữa Hoa Kỳ, Nato và Nga gây ra, đồng thời ngài kêu gọi vượt thắng cám dỗ trở lại tình trạng ”chiến tranh lạnh” trước đây.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24-8-2008 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại dinh thự Castel Gandolfo. Ngài nói:

”Trong những tuần lễ này, tình hình quốc tế ngày càng trở nên căng thẳng, gây lo âu sâu xa. Chúng ta phải đau buồn nhận thấy nguy cơ: bầu không khí tín nhiệm và cộng tác với nhau, lẽ ra phải có trong quan hệ giữa các dân nước, hiện nay ngày càng suy giảm. Trong hoàn cảnh hiện nay, làm sao chúng ta không nhận thức về bao nhiêu vất vả của nhân loại trong việc hình thành ý thức chung ”cùng thuộc gia đình các dân nước” mà ĐGH Gioan Phaolô 2 đã đề xướng cho Đại Hội đồng LHQ như lý tưởng? Cần đào sâu ý thức chúng ta cùng có chung một vận mệnh, và xét cho cùng đó là một vận mệnh siêu việt (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 1-1-2006, n.6), để ngăn chặn sự tái diễn tình trạng đối nghịch giữa các quốc gia, vốn đã tạo nên bao nhiêu hậu quả thê thảm trong những thời kỳ trước đây trong lịch sử.

Những biến cố gần đây đã làm suy giảm nơi nhiều người niềm tin tưởng rằng những kinh nghiệm đau thương như thế là điều hoàn toàn thuộc về quá khứ. Tuy nhiên không được chiều theo thái độ bi quan! Đúng hơn cần tích cực dấn thân đẩy lui mọi cám dỗ muốn đương đầu với tình trạng mới bằng những chế độ cũ. Cần loại trừ bạo lực! Sức mạnh tinh thần của công pháp, những cuộc thương thuyết công bằng và minh bạch để loại trừ những tranh chấp - từ những tranh chấp liên quan tới sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc-, sự trung tín với lời đã hứa, sự tìm kiếm công ích: đó là một số con đường chính yếu cần phải theo một cách kiên cường và với tinh thần sáng tạo, để kiến tạo những quan hệ phong phú và chân thành, và đảm bảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai những thời kỳ hòa hợp và tiến bộ về tinh thần và dân sự!

Chúng ta hãy biến những tư tưởng và mong ước này thành kinh nguyện để mọi phần tử của cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là những ngừơi có trách nhiệm hệ trọng hơn, quảng đại hoạt động để tái lập những lý lẽ cao cả của hòa bình và công lý. Xin Mẹ Maria Nữ Vương hòa bình chuyển cầu cho chúng con!”

Trước đó, trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC quảng diễn bài phúc âm Chúa Nhật 21 thường niên và nói:

“Phụng vụ Chúa nhật hôm nay gửi đến các tín hữu Kitô chúng ta và đồng thời với mỗi người nam nữ hai câu hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên với các môn đệ của Chúa. Trước tiên Chúa hỏi họ: ”Dân chúng nói Con Người là ai?”. Các môn đệ trả lời Chúa rằng đối với một số người trong dân ngài là Gioan Tẩy Giả trở lại, đối với người khác ngài là Elia, Giêrêmia hay một ngôn sứ nào đó”. Bấy giờ Chúa hỏi trực tiếp 12 môn đệ: ”Vậy các con bảo Thầy là ai?”. Nhân danh mọi người, Phêrô mau mắn và quyết liệt nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đó là lời long trọng tuyên xưng đức tin mà Giáo Hội vẫn tiếp tục lập lại từ đó. Cả chúng ta ngày nay cũng muốn tuyên xưng với đầy lòng xác tín: Đúng vậy, lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống! Chúng ta tuyên xưng một cách đầy ý thức rằng chính Chúa Kitô là ”kho tàng đích thực” và hy sinh mọi sự để đạt được Chúa thật là bõ công; Chúa là người bạn không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa biết những mong đợi thâm sâu nhất trong tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu là ”Con Thiên Chúa hằng sống”, là Đấng Messia đã được Thiên Chúa hứa, đã đến trần thế để mang lại cho nhân loại ơn cứu độ và để thỏa mãn khát vọng sự sống và yêu thương nơi mỗi người. Thật là lợi ích dường nào nếu nhân loại đón nhận lời công bố ấy, vốn chứa đựng trong mình niềm an vui!

”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đáp lại lời tuyên xưng đức tin được linh hứng này của Phêrô, Chúa Giêsu nói: ”Con là Phêrô, và trên Đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và các quyền lực hỏa ngục không thể thắng nổi. Thầy sẽ ban cho con chìa khóa nước trời”. Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về Giáo Hội, và sứ mạng của Giáo Hội là thực hiện kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa là tụ tập toàn thể nhân loại thành một gia đình duy nhất trong Chúa Kitô. Sứ mạng của Phêrô và của những người kế nhiệm chính là phục vụ sự hiệp nhất ấy của Giáo Hội duy nhất của Thiên Chúa, gồm người Do thái và dân ngoại; sứ vụ của ngài là điều không thể thiếu được, làm cho Giáo Hội không bao giờ đồng hóa với một dân tộc, một nền văn hóa duy nhất nào, nhưng là Giáo Hội của mọi dân tộc, để làm cho an bình của Thiên Chúa và sức mạnh đổi mới của tình yêu Chúa hiện diện giữa loài người đang bị bao nhiêu chia rẽ và đối nghịch. Vì vậy phục vụ sự hiệp nhất nội tâm đến từ hòa bình của Thiên Chúa, sự hiệp nhất của những người trở thành anh chị em với nhau trong Chúa Kitô: đó chính là sứ mạng đặc thù của Giáo Hoàng, GM Roma và là người kế vị Thánh Phêrô.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Đứng trước trách nhiệm hết sức lớn lao của nghĩa vụ ấy, càng ngày tôi càng cảm thấy sự đòi hỏi dấn thân và tầm quan trọng của công tác phục vụ Giáo Hội và thế giới mà Chúa đã ủy thác cho tôi. Vì thế, anh chị em thân mến, tôi xin anh chị em nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện của anh chị em, để trong niềm trung thành với Chúa Kitô, chúng ta có thể cùng nhau loan báo và làm chứng về sự hiện diện của Chúa Kitô trong thời đại chúng ta ngày nay. Ước mong Mẹ Maria xin cho chúng ta được ơn ấy, người Mẹ mà chúng ta tín thác khẩn cầu như Mẹ của Giáo Hội và là Ngôi Sao hướng dẫn công cuộc truyền giảng Tin Mừng.”

ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng cách thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ý. Ngài nhắc đến ý chính của bào huấn dụ. Đặc biệt bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC cho biết ngài tiếp tục cầu nguyện cho 153 nạn nhân bị thiệt mạng trong tai nạn máy bay ở Madrid mới đây được an nghỉ đời đời và ngài cũng cầu nguyện cho những người bị thương. ”Xin Chúa ban ơn can đảm, an ủi và hy vọng cho gia đình họ, những người mà ngài muốn đặc biệt gần gũi trong tinh thần và với lòng quí mến.”

Lm Trần Đức Anh, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.08.2008. 11:14