Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Truyền Tin Đầu Mùa Vọng

§ Bình Hòa

Nguồn: Đài Vatican

Pope_20071202.jpg

Trong tiếng Việt, mùa phụng vụ vừa mới bắt đầu mang tên là mùa “Vọng”. “Vọng” có nghĩa là trông đợi, mong chờ. Trong tiếng latinh, tên gọi là “Adventus” có nghĩa là đến: phụng vụ cử hành việc Chúa đến trần thế qua mầu nhiệm Nhập Thể, và đợi chờ Chúa đến trong vinh quang để hoàn tất lịch sử cứu độ. Do đó, tâm tình của mùa phụng vụ này được diễn tả rất đúng qua thuật ngữ “mùa Vọng”.

Đặc biệt năm nay, đức thánh cha đã muốn trao cho cộng đoàn Dân Chúa một bản văn để suy niệm, đó là thông điệp “Spe salvi” được công bố hôm thứ sáu vừa rồi. Đề tài của thông điệp được chính ngài giới thiệu trong bài giảng Kinh chiều thứ bảy vừa qua tại đền thánh Phêrô, và được lặp lại hai lần vào chúa nhật hôm qua: trước hết, trong thánh lễ cử hành lúc 9 giờ sáng tại một bệnh viện dành cho các bệnh nhân được điều trị sau khi thoát cơn hôn mê; và kế đó vào lúc đọc kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa. Chúng tôi xin kính mời quý vị theo dõi bài huấn dụ dẫn vào kinh kính Đức Mẹ.

Anh chị em thân mến

Với chúa nhựt thứ nhất mùa Vọng hôm nay, bắt đầu một năm phụng vụ mới: dân Chúa lại bắt đầu lên đường, để sống mầu nhiệm của Chúa Kitô trong lịch sử. “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (xc Dt 13,8), nhưng lịch sử thì biến chuyển và không ngừng cần được Phúc-âm-hoá, cần được đổi mới ngay từ nội tại. Sự mới mẻ đích thực duy nhất là Chúa Kitô: Người là sự viên mãn của lịch sử, là tương lai huy hoàng của con người và của lịch sử. Khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô là Chủ tể được Thiên Chúa giao cho việc khuất phục tất cả mọi địch thủ, kể cả Tử thân (xc 1Cr 15,25-28). Do đó muà Vọng là thời thuận tiện để gợi lên trong tâm hồn chúng ta niềm mong đợi Đấng “đang có, đã có và sẽ đến (Kh 1,8). Con Thiên Chúa đã đến Bêlem cách đây 20 thế kỷ, Người đang đến vào mọi giây phút trong linh hồn và trong cộng đoàn nào sẵn sàng đón tiếp, Người sẽ đến vào cuối thời gian để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Vì thế người tín hữu luôn luôn tỉnh thức, được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng thiết tha được gặp gỡ Chúa, như thánh vịnh 129 đã viết: “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi /, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 129, 5-6).

Bởi vậy, chúa nhật hôm nay thật là đúng lúc để cống hiến cho toàn thể Giáo hội và cho tất cả những người thiện chí bức thông điệp thứ hai của tôi, dành cho đề tài niềm hy vọng Kitô giáo, mang tựa đề là Spe salvi, bởi vì mở đầu bằng những lời của thánh Phaolô: “Spe salvi facti sumus – chúng ta được cứu độ nhờ lòng hy vọng” (Rm 8,24). Trong đoạn văn này cũng như trong những chỗ khác trong Tân ước, từ “hy vọng” liên hệ chặt chẽ với từ “tin”. Đó là một hồng ân làm thay đổi cuộc đời của kẻ lãnh nhận nó, như kinh nghiệm của bao nhiêu vị thánh đã chứng tỏ. Thử hỏi: lòng hy vọng đó hệ tại điều gì, lòng hy vọng vừa vĩ đại vừa đáng tin đến nỗi chúng ta có thể nói được rằng mình được cứu độ nhờ nó? Xin thưa là cốt yếu hệ tại việc nhận biết Thiên Chúa, khám phá ra trái tim của một vị Cha tốt lành và khoan nhân. Với cái chết trên thập giá và cuộc phục sinh, đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta khuôn mặt của Thiên Chúa, một Thiên Chúa có tình thương vĩ đại đến nỗi đã thông ban cho chúng ta niềm hy vọng không thể lay chuyển, đến nỗi cái chết cũng không làm sứt mẻ, bởi vì sự sống của kẻ nào tín thác vào người Cha ấy sẽ mở rộng đến viễn ảnh của hạnh phúc bất diệt.

Khoa học cận đại càng ngày càng muốn đẩy lui đức tin và hy vọng vào lãnh vực tư riêng và cá nhân; như thế lại cho thấy rõ ràng là ngày nay con người và thế gian đang cần đến Thiên Chúa – thứ Thiên Chúa chân thật – nếu không thì sẽ mất hy vọng. Khoa học đã góp phần rất lớn vào việc thăng tiến nhân loại, nhưng khoa học không có khả năng cứu chuộc nhân loại. Nhân loại được cứu chuộc nhờ tình thương có sức làm cho cuộc sống của cá nhân và xã hội nên tốt hơn và đẹp hơn. Niềm hy vọng cao cả, sung mãn, và vĩnh viễn được bảo đảm bởi Thiên Chúa, Đấng đã đến viếng thăm chúng ta, đã ban sự sống cho chúng ta trong đức Giêsu, và sẽ trở lại vào lúc kết thúc thời gian. Chúng ta hy vọng trong đức Kitô, chúng ta trông mong đức Kitô. Cùng với Mẹ Maria, Hội thánh đến gặp gỡ hôn phu của mình, gặp gỡ bằng những công việc tình yêu, bởi vì lòng hy vọng cũng như niềm tin, được chứng tỏ trong yêu thương. Chúc cho hết mọi người một mùa Vọng thánh thiện.

Vào lúc 9 giờ sáng, Đức Thánh Cha đã đến thăm viếng một bệnh viện ở mạn nam thành phố, do hội hiệp sĩ Malta điều khiển. Đây là một tổ chức độc đáo trong lịch sử Giáo hội. Ra đời cách đây 960 năm tại Giêrusalem như là một dòng tu giáo dân để bảo vệ các tín hữu hành hương, dần dần họ thêm sứ mạng quân sự để bảo vệ các nơi thánh trước sự xâm chiếm của Hồi giáo. Họ ra buộc dời căn cứ sang đảo Rhodes, và đảo Malta. Ngày nay họ được coi như một tổ chức từ thiện quốc tế (tựa như Hội chữthập đỏ), nhưng với một quy chế ngoại giao như một quốc gia. Ngoài một số thành viên tu sĩ, đa số phần tử (12 ngàn) phục vụ các người nghèo trong các bệnh viện, trong 120 quốc gia trên thế giới, với sự hợp tác của 13 ngàn nhân viên y tế. Bệnh viện tháng Gioan Tẩy giả mà đức thánh cha viếng thăm mới được mở ra cách đây 35 năm, chuyên về việc điều trị dành cho các bệnh nhân hồi phục sau cơn hôn mê gây ra bởi tai biến cơ tim hoặc não bộ sau tai nạn lưu thông. Việc trị liệu không chỉ giới hạn vào các chức năng thần kinh nhưng còn đòi hỏi những trị liệu tâm lý nhằm gây lại niềm tin tưởng cho các bệnh nhân để tiếp xúc với xã hội.

Tham dự thánh lễ có khoảng 350 tín hữu, trong đó có nhiều bệnh nhân ngồi trên xe lăn, bên cạnh thân nhân và các nhân viên y tế. Đức thánh cha đã dành phần lớn bài giảng để nói về niềm hy vọng, đề tài của thông điệp vừa ban hành. Ngài nói: “Chúng ta cần có hy vọng, dù lớn lao hay bé nhỏ, để nâng đỡ ta trên đường đời. Nhưng nếu không có niềm hy vọng lớn lao, thì những hy vọng bé nhỏ không tồn tại nổi. Niềm hy vọng lớn lao chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao trùm toàn thể vũ trụ, và duy chỉ có Ngài mới có thể đề nghị và trao tặng cho chúng ta những điều mà tự sức mình, chúng ta không thể nào đạt được. Nhờ lòng hy vọng bền bỉ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại, lắm lần vất vả.

Hướng về các bệnh nhân, đức Bênêđictô XVI cam đoan rằng ngài cầu nguyện cho họ hằng ngày, và mời gọi họ cũng như thân nhân hãy tìm nơi Chúa Giêsu sự trợ lực nâng đỡ để không mất niềm tin tưởng. Ngài nói tiếp: “Trong cơn thử thách và bệnh hoạn, Thiên Chúa đến viếng thăm chúng ta cách huyền nhiệm, và nếu chúng ta phó thác cho thánh ý Chúa thì chúng ta có thể cảm nhận được quyền năng của lòng Chúa thương yêu. Các bệnh viện, nơi trọ của những người bị thử thách bởi đau khổ, có thể trở nên những chỗ ưu tiên để làm chứng tình thương Kitô giáo, nuôi dưỡng cho niềm hy vọng, và gợi lên những kế hoạch liên đới”.

Bình Hòa, 02/12/2007

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.12.2007. 15:17