Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Truyền Tin Chúa Nhựt 8-2-09: khám phá ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ

§ Bình Hòa

Bài huấn dụ trưa Chúa Nhựt hôm qua dựa theo đoạn Tin mừng thánh Marcô chương 1 câu 29-39, được công bố trong Thánh lễ. Đoạn văn này được vài học giả đặt tên là “Nhật ký của Đức Giêsu”, mô tả những sinh hoạt trong một ngày, từ sáng sớm thức dậy cầu nguyện, rồi sau đó ra đi giảng dạy và chữa bệnh. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha chỉ dừng lại ở công tác chữa bệnh, để từ đó khám phá ra ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ.

Đề tài này cũng gần với ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân, được cử hành hằng năm vào ngày 11 tháng 2, kính nhớ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức. Vào chiều thứ 4 sắp tới, Đức Hồng Y Lozano Barragán, Chủ Tịch Hội Đồng Toà Thánh về mục vụ sức khoẻ, sẽ chủ sự thánh lễ dành cho các bệnh nhân tại đền thánh Phêrô, và vào cuối lễ, Đức Bênêđictô XVI sẽ đến gặp gỡ họ.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến,

Bài Tin mừng hôm nay (xc. Mc 1,29-39) – liên hệ chặt chẽ với Chúa Nhựt tuần trước – giới thiệu cho chúng ta thấy Đức Giêsu, sau khi đã giảng dạy trong hội đường Capharnaum vào ngày sabát, đã chữa bệnh cho nhiều người đau ốm, bắt đầu từ bà nhạc của ông Simon. Khi vào nhà của bà, Người thấy bà bị sốt, và lập tức Người đã cầm lấy tay bà, chữa cho bà được lành và bà chỗi dậy. Lúc mặt trời lặn, Người chữa cho rất nhiều người mắc đủ mọi chứng bệnh. Kinh nghiệm về những cuộc chữa bệnh đã chiếm một chỗ lớn trong sứ vụ công khai của đúc Giêsu, và mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ một lần nữa về ý nghĩa và giá trị của bệnh tật dưới mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Cơ hội này cũng trùng hợp với ngày Quốc tế dành cho các bệnh nhân, sẽ được cử hành vào thứ tư sắp tới, 11 tháng 2, kính nhớ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức.

Tuy rằng bệnh tật trở thành kinh nghiệm thường tình của cuộc đời, nhưng chúng ta không thể nào làm quen với nó, không những bởi vì nó trở nên nặng nề khó chịu, nhưng bởi vì bản tính chúng ta là muốn sống và sống dồi dào. Bản năng tự nhiên của chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa như là sức sống sung mãn, và thậm chí như là sự sống bất tận và toàn hảo. Khi chúng ta bị thử thách bởi sự dữ và những lời cầu nguyện của chúng ta xem ra không hiệu quả, lập tức nảy lên nỗi nghi ngờ, và chúng ta âu lo tự hỏi: “đâu là ý Chúa?”. Đó là câu hỏi mà chúng ta tìm câu trả lời trong Tin mừng.

Chẳng hạn như trong bài hôm nay, chúng ta đọc thấy rằng “Đức Giêsu đã chữa cho nhiều người mắc các thứ bệnh khác nhau và xua đuổi nhiều tà thần” (Mc 2,24); và một đoạn khác của Tin mừng Matthêu (4,23) nói rằng: “Đức Giêsu đã rảo hết miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, loan báo Tin mừng về Vương triều Thiên Chúa, và chữa hết mọi thứ bệnh tật yếu liệt của dân chúng”. Thật không còn nghi ngờ gì nữa: đức Giêsu đã bày tỏ khuôn mặt của Thiên Chúa: Thiên Chúa là chủ tể sự sống, Ngài giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ sự dữ. Dấu hiệu của quyền năng tình thương của Thiên Chúa là những việc chữa bệnh, chúng cho thấy rằng Vương triều Thiên Chúa đã đến gần, qua sự phục hồi tình trạng toàn vẹn hồn xác cho con người.

Tôi nói rằng các việc chữa bệnh là những dấu hiệu: chúng không dừng lại ở chính sự việc nhưng hướng đến sứ điệp của Chúa Kitô, chúng hướng chúng ta đến Thiên Chúa, và cho chúng ta biết rằng căn bệnh đích thực và sâu xa nhất của con người nằm ở sự thiếu vắng Thiên Chúa, là nguồn của chân lý và tình thương. Duy chỉ có sự giao hoà với Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự lành mạnh đích thực, sự sống đích thực, bởi vì một cuộc sống thiếu tình thương và thiếu chân lý thì không còn là sự sống nữa. Vương triều của Thiên Chúa chính là sự hiện diện của chân lý và tình thương, và là sự chữa lành sâu xa nhất của cuộc đời. Bởi thế ta hiểu được rằng vì sao lời giảng và sự chữa bệnh của đức Giêsu luôn liên kết với nhau, bởi vì cả hai tạo nên một sứ điệp duy nhất của niềm hy vọng và cứu rỗi.

Nhờ tác động của Thánh Linh, công trình của đức Giêsu được kéo dài trong sứ mạng của Hội thánh. Nhờ các bí tích, Chúa Giêsu chuyển thông sự sống của Người cho biết bao nhiêu anh chị em, và nâng đỡ vô số những bệnh nhân qua các hoạt động y tế mà các cộng đoàn Kitô hữu đang cỗ võ với tình bác ái huynh đệ, nhờ đó họ đã biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa, và Tình thương của Ngài. Thật vậy, biết bao nhiêu Kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trên khắp thế giới, đã và đang cống hiến những bàn tay, những đôi mắt, những tấm lòng cho Chúa Kitô, là lương y của các thân xác và linh hồn.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là những người bệnh nặng, không thể nào chăm sóc chính mình và hoàn toàn dựa vào sự săn sóc của người khác: mong sao nhờ sự ân cần của người gần gũi, họ được cảm nhận được quyền năng tình thương của Thiên Chúa, sự phong phú của ân sủng cứu độ. Xin Mẹ Maria, là sự cứu chữa các bệnh nhân, chuyển cầu cho chúng ta.

Bình Hòa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.02.2009. 14:16