Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Truyền Tin Chúa Nhựt 2-3-08: ĐTC cảnh giác những người do tính kiêu ngạo, không biết nhận ra tật mù quáng của mình

§ Bình Hòa

Nguồn: Đài Vatican

Trước đây, Chúa Nhựt thứ Tư mùa Bốn mươi được đặt tên là chúa nhựt Laetare (Vui lên đi), lấy từ chữ đầu tiên của bài ca-nhập-lễ, nhằm diễn tả niềm an ủi sau khi đã qua được một nửa thời kỳ chay tịnh khổ chế. Với cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Vaticanô II, tư tưởng chỉ đạo trong việc lựa chọn các bài đọc Sách thánh không phải là sự thống hối đền tội, nhưng là chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm.

Vì thế, sau khi đã trình bày khởi điểm và đích điểm của hành trình cải hoán vào hai chúa nhựt đầu tiên, ba chúa nhựt kế tiếp lần lượt trình bày ý nghĩa của bí tích Thánh tẩy qua ba hình ảnh: nước, ánh sáng, sự sống mà Đức Kitô là trọng tâm. Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin trưa chúa nhựt hôm qua được dành để suy gẫm về bài Tin mừng nói đến việc Chúa Kitô chữa một người mù, với lời cảnh giác những người do tính kiêu ngạo, không biết nhận ra tật mù quáng của mình, và vì thế không đếm xỉa đến hồng ân cứu độ mà Chúa ban cho nhân loại.

Sau khi ban phép lành Toà thánh, Đức Thánh Cha đã thêm ba lời kêu gọi.

  1. Thứ nhất là kêu gọi phóng thích đức cha Paulos Faraj Rabho, tổng giám mục Mossul (Irak) bị một nhóm vũ trạng bắt cóc sau khi đã hạ sát các cận vệ.
  2. Thứ hai là kêu gọi chấm dứt chiến tranh giữa Israel và Palestina ở giải Gaza.
  3. Thứ ba, là kêu gọi bảo vệ các thiếu nhi, nhân vụ tìm thấy thi hài của hai em bé ở dưới giếng ở Gravina (nam Italia), mất tích từ hơn năm qua.

Kính mời quý vị theo dõi bài suy niệm.

Anh chị em thân mến

Trong các chúa nhựt của mùa Bốn Mươi, qua các đoạn văn Tin mừng thánh Gioan, phụng vụ đưa chúng ta đi vào con đường của các dự tòng lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Chúa nhựt tuần trước, Chúa Giêsu đã hứa cho người phụ nữ Samaria hồng ân “nước hằng sống”; hôm nay, khi chữa lành một người mù từ lúc sinh ra, Chúa tỏ mình ra như là “ánh sáng của thế gian”; Chúa nhựt tới, khi cho ông bạn Ladarô sống lại, Chúa sẽ trình bày mình như là “sự phục sinh và là sự sống”. Nước, ánh sáng, sự sống: đó là những biểu tượng của Thánh tẩy, bí tính dìm các tín hữu trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và ban cho họ sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta hãy dừng lại một lúc ở trình thuật về người mù từ lúc sinh ra (Ga 9,1-41). Mang não trạng của người đương thời, các môn đệ nghĩ rằng bệnh mù của anh là hậu quả của một tội của bản thân hay của cha mẹ. Nhưng Chúa Giêsu đã bác bỏ thiên kiến đó, và tuyên bố: “Chẳng phải tại anh ta hay tại cha mẹ của anh, nhưng là để cho công trình Thiên Chúa được bộc lộ nơi anh” (Ga 9,3). Những lời ấy có sức an ủi chúng ta dường nào! Chúng ta được nghe thấy lời của Thiên Chúa là Tình yêu quan phòng và sáng suốt! Đứng trước con người mang dấu tích của sự hữu hạn và đau khổ, Chúa Giêsu không nghĩ đến tội vạ nào đó, nhưng nghĩ đến ý định của Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên con người để được sống. Vì thế Người đã long trọng tuyên bố rằng: “Chúng ta phải hoàn thành những công việc của Đấng đã sai tôi đến … Bao lâu tôi còn ở trên thế gian, thì tôi là sự sáng của thế gian” (Ga 9,5). Lập tức, Người đã chuyển từ lời nói sang hành động: với một chút đất hoà với nước miếng thành bùn, Người đã xoa lên mắt của người mù. Cử chỉ này này nhắc đến việc tạo dựng con người, đưọc Kinh thánh thuật lại dưới biểu tượng của đất được nặn hình và linh động nhờ hơi thở của Thiên Chúa (xc. St 2,7). Thực vậy, Ađam có nghĩa là đất, và thân thể con người gồm bởi những yếu tố của đất. Khi chữa lành con ngươi, Chúa Giêsu thực hiện một cuộc tạo dựng mới. Tuy nhiên việc chữa trị đó đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi, bởi vì Chúa Giêsu đã làm điều ấy vào ngày sabát, và như vậy, theo nhóm Biệt Phái, Người đã vi phạm luật nghỉ việc. Vì thế, vào hồi kết thúc trình thuật, Chúa Giêsu và người mù đã gặp nhau lại, bởi vì cả hai đều bị trục xuất ra khỏi đền thờ: một người bởi vì đã vi phạm luật, người kia tại vì vẫn còn bị mang dấu tích tội lỗi bẩm sinh, tuy dù đã được khỏi bệnh rồi.

Chúa Giêsu đã mặc khải cho ngươì mù rằng Người đến thế gian để thi hành cuộc phân xử, để tách lìa những người mù được chữa lành, ra khỏi những người không muốn được chữa bởi vì họ nghĩ rằng mình lành mạnh. Thực vậy, con người mang trong mình một chước cám dỗ muốn kiến tạo cho mình một hệ thống an toàn ý thức hệ; kể cả tôn giáo cũng có thể trở nên nhân tố của hệ thống đó, cũng tựa như chủ nghĩa vô thần và tục hoá; nhưng khi làm như vậy là con người trở nên mù quáng bởi tật ích kỷ. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chữa lành chúng ta; Người có thể và muốn ban cho chúng ta ánh sáng của Thiên Chúa! Chúng ta hãy thú nhận sự mù quáng của mình, sự thiển cận của mình, và nhất là cái mà Kinh thánh đặt tên là “tội nặng nhất” (xc Tv 18,14), đó là tật kiêu ngạo.

Xin Mẹ Maria rất thánh giúp chúng ta điều đó, bởi vì khi sinh ra Chúa Kitô về thể xác, Mẹ đã ban cho nhân loại ánh sáng chân thật.

Bình Hòa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.03.2008. 10:48