Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Truyền tin Chúa nhựt 1-2-09: Bí Mật Mêsia

§ Bình Hòa

Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa hôm qua được dành để suy niệm đoạn Tin mừng trong thánh lễ. Năm nay các bài Tin Mừng ngày Chúa Nhựt được trích từ thánh Marcô. Một đặc trưng của tác phẩm này là Chúa Giêsu làm phép lạ chữa nhiều người được lành bệnh hoặc giải thoát khỏi ma quỷ, nhưng liền đó, Người ngăn cấm không cho họ tiết lộ căn cước của Người. Sự kiện này được các học giả đặt tên là “bí mật Mêsia”. Tại sao vậy? Tại vì Người không muốn cho thiên hạ hiểu lầm sứ mạng của mình như là vị Thiên sai hiển hách. Sứ mệnh cứu thế của Người cần được thi hành qua đau khổ trên thập giá. Đề tài đau khổ được móc nối với một hoàn cảnh khác.

Hàng năm, Chúa Nhựt đầu tháng 2 dương lịch được Hội đồng giám mục Italia dành làm ngày phò sự sống. Lúc đầu, mục đích của nó là để gây ý thức chống lại sự phá thai, nhưng gần đây được khai triển đến việc bảo vệ sự sống kể cả vào giây phút sắp lìa đời, chống lại những dự án trợ tử dưới danh nghĩa là “chết êm dịu”. Đề tài năm nay nêu bật ý nghĩa của sự đau khổ. Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức Bênêđictô XVI nhắc đến ngày hôm nay, lễ Đức Mẹ dâng Con vào đền thờ, được dành làm Ngày Đời sống thánh hiến, để tạ ơn Chúa về hồng ân thánh hiến và để cầu xin gia tăng ơn gọi tận hiến. Vào buổi chiều thứ hai, tại đền thờ thánh Phêrô, đức hồng y trưởng bộ Đời sống thánh hiến sẽ chủ sự thánh lễ, và sau đó, đức thánh cha sẽ gặp gỡ các tu sĩ. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Năm nay trong các thánh lễ Chúa Nhựt, phụng vụ mời gọi chúng ta suy niệm Tin mừng thánh Marcô. Một đặc trưng của tác phẩm này là “bí mật Mêsia”, nghĩa là ngoài một số ít môn đệ, đức Giêsu không muốn cho ai khác biết mình là đấng Mêsia (vị Thiên sai), đức Kitô Con Thiên Chúa. Vì thế nhiều lần Người đã khuyên các tông đồ, các người bệnh được chữa lành là không được tỏ lộ cho ai biết căn cước của Người. Thí dụ bản văn Tin mừng chúa nhựt hôm nay (Mc 1,21-28) thuật lại một người bị quỉ ám, đột nhiên la lối: “Này ông Giêsu Nazaret, ông muốn gì? Ông tới đây phá hoại tụi tôi hả? Tôi biết ông là ai rồi: là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Đức Giêsu ra lệnh: “Im đi, hãy ra khỏi người này!” Và thánh sử ghi nhận rằng lập tức tà thần thét rú lên và ra khỏi người đó. Đức Giêsu không những xua đuổi ma quỉ khỏi con người, giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tệ hại, mà còn ngăn cấm ma quỉ không được tiết lộ căn cước của Người. Đức Giêsu nhấn mạnh đến “bí mật” này bởi vì liên quan đến sự thành tựu sứ mạng của Người mang lại ơn cứu độ của chúng ta. Thực vậy Người biết rằng để giải thoát con người khỏi tội lỗi, thì Người cần phải hiến tế mình trên thập giá như là Chiên Vượt qua. Còn ma quỉ thì tìm cách để đánh lạc hướng, bằng cách đưa Người đi theo logic thường tình của một Messia oai phong lẫy lừng. Thập giá của Đức Kitô sẽ là tai họa khủng khiếp cho ma quỉ, và vì thế Đức Giêsu không ngừng dạy dỗ các môn đệ rằng để bước vào vinh quang, Người phải chịu đau khổ nhiều, bị ruồng bỏ, bị kết án, bị đóng đinh trên thập giá (xc Lc 24,26). Sự đau khổ là một thành phần của sứ mạng của Người.

Đức Giêsu đã chịu đau khổ và chết trên thập giá vì yêu thương. Bằng cách đó, Người đã mang lại ý nghĩa cho sự đau khổ của chúng ta, một ý nghĩa mà nhiều người trải qua thời gian đã hiểu và chấp nhận, nhờ đó họ đã cảm thấy an bình sâu xa ngay giữa những thử thách cay đắng về thể lý và luân lý. Các giám mục nước Italia đã chọn đề tài “sức mạnh của sự sống trong đau khổ” làm sứ điệp Ngày bảo vệ sự sống năm nay. Tôi xin kết hơp với lời dạy của các ngài, trong đó bộc lộ mối quan tâm của các mục tử đối với đoàn chiên, và lòng can đảm nói lên sự thật, chẳng hạn như can đảm nói rõ ràng rằng sự trợ tử là một giải pháp sai lầm cho thảm trạng đau khổ. Thực vậy lời giải đáp chân thật không thể nào tìm thấy nơi cái chết, tuy được gọi là “êm dịu”, nhưng ở chỗ bày tỏ tình thương giúp đương đầu với đau khổ và hấp hối một cách xứng hợp với nhân phẩm. Chúng ta hãy tin chắc rằng không giọt nước mắt nào, của người chịu đau khổ hay của người đứng bên cạnh, sẽ chịu mất mát trước mặt Chúa.

Đức Maria đã lưu giữ trong trái tim của người mẹ bí mật của Con mình, đã chia sẻ giớ phút đau đớn của cuộc tử nạn trên thập giá, đã được nâng đỡ nhờ niềm hy vọng vào cuộc Phục sinh. Chúng ta hãy ký thác cho Mẹ những người đang gặp đau khổ, những người mỗi ngày dấn thân để nâng đỡ họ, qua việc phục vụ sự sống qua hết mọi giai đoạn: cha mẹ, nhân viên y tế, linh mục, tu sĩ, các nhà khảo cứu, các người thiện nguyện và nhiều người khác nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người ấy.

Bình Hòa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.02.2009. 19:50