Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kính mừng Chúa Phục Sinh và chúc mừng anh chị em tân tòng

§ Lm Trần Bình Trọng

Lễ Vọng Phục Sinh, Năm A
St 1:1-2:2; St 22:1-18; Xh 14:15-15:1a; Is 54:5:14; Is 55:1-11; Br 3:9-15, 32; Ed 36:16-17a,18-28;
Rm 6:3-11; Mt 28:1-10

Nếu có ai hỏi Thiên Chúa là Ðấng nào? Người ta sẽ được nghe những câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như: Thiên Chúa là Ðấng tạo thành trời đất, loài người và muôn vật; Thiên Chúa là Ðấng điều hành vũ trụ và vận mạng con người cũng như loài vật; Thiên Chúa là Ðấng quan phòng đời sống loài người và thưỏng phạt người lành người dữ. Và đó cũng là quan niệm chung của dân gian Việt Nam về ông Trời. Và người công giáo gọi ông Trời là Thiên Chúa. Quan niệm chung của dân Việt về ông Trời còn lưu hành những câu ca dao như: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp. Có nơi đọc câu cuối là: lấy con tôm to. Ông Trời đó, của dân gian Việt Nam cũng là Thiên Chúa của người công giáo.

Có điều khác biệt là người công giáo biết nhiều về Thiên Chúa mà họ tôn thờ, nhờ việc Thiên Chúa mạc khải cho loài người qua các tổ phụ, các ngôn sứ trong Thánh kinh. Và sau cùng chính con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu nhân loại, đã dạy bảo cho các môn đệ. Vì tổ phụ loài người bất phục tùng Thiên Chúa, nên tội lỗi đã lọt vào thế gian mà nhân loại hậu sinh phải gánh chịu hậu quả. Ðể cứu chuộc loài người, Thiên Chúa sai Con Một Người xuống thế làm người, sinh bởi Ðức nữ đồng trinh, được đặt tên là Giêsu để cứu nhân độ thế. Ðức Giêsu được xức dầu tấn phong là Ðấng Kitô, đi giảng đạo ba năm về nước Thiên Chúa, về giáo lí yêu thương, tha thứ, sống vị tha, bác ái của đạo Chúa. Người dùng quyền năng Thiên Chúa làm nhiều phép lạ như là cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người què được lành mạnh, cho người đói ăn, khát uống để người ta tin tưởng. Không chấp nhận đường lối và giáo lí của Chúa, những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời đã bách hại, đóng đinh và lên án tử hình cho Người. Và ngày thứ ba Người đã sống lại như chính Người đã tiên báo (Mt 16:21; Mt 17:23; Mt 20:19; Mc 8:31; Mc 9:31; Mc 10:34; Lc 9:22; Lc 18:33; Ga 2:19).

Ðể xây dựng nước Chúa ở trần gian, Ðức Giêsu chọn mười hai tông đồ và sai họ đi rao giảng tin mừng cứu độ và làm chứng cho việc Chúa phục sinh bằng chính cái chết của họ. Những ai muốn định nghĩa Thiên Chúa thế nào thì cứ việc định nghĩa. Còn thánh Gioan chỉ định nghĩa một cách vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa: Thiên Chúa = tình yêu (1Ga 4:8). Thật vậy vì yêu, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những công trình trên đây.

Hôm nay người tín hữu tụ họp nơi đây để mừng việc Chúa cứu thế sống lại. Qua việc chết đi cho tội lỗi trong mùa Chay, người tin hữu được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa phục sinh. Hôm nay Giáo hội cũng mừng các anh chị em tân tòng được sống lại về phần hồn trong Bí tích Rửa tội.

Cùng anh chị tân tòng!

Anh chị em đã được học hỏi về đạo Chúa từ tháng Chín năm ngoái. Từ đầu mùa Chay năm nay, anh chị em đã được tuyển chọn để tiếp tục tìm hiểu đạo Chúa. Trong mùa Chay, anh chị em cũng đã cùng với toàn thể Giáo hội cầu nguyện, hi sinh. . để sửa soạn tâm hồn đón mừng Chúa phục sinh. Hôm nay anh chị em tụ họp nơi đây để chia sẻ niềm vui với Chúa phục sinh bằng việc xin được sinh lại trong ơn thánh qua Bí tích Rửa tội. Ðối với anh chị em mà trong gia đình, vợ hay chồng hay bạn sắp cưới, đã là người công giáo, thì từ nay anh chị em cùng chia sẻ một niềm tin, cùng nhìn về một hướng, cùng theo đuổi một mục đích siêu nhiên. Anh chị em cùng nhắm đến tình yêu trọn vẹn, hạnh phúc toàn diện và hạnh phúc lâu dài. Tình yêu trọn vẹn là tình yêu chung thuỷ cho đến cùng. Hạnh phúc toàn diện là hạnh phúc về vật chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Hạnh phúc lâu dài là hạnh phúc ở đời này cũng như đời sau.

Việc chấp nhận đức tin công giáo không có nghĩa là anh chị em phải cắt đứt những liên hệ quá khứ. Nếu trước kia vào những ngày giỗ chạp, anh chị em có thói quen cúng tế tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì lòng thảo hiếu, thì từ nay anh chị em cũng có bổn phận hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng cách cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ. Ðó chính là giới răn thứ Bốn của đạo Chúa dạy. Ðể cụ thể hoá lòng hiếu thảo, hôm nay anh chị em cùng cảm tạ Thiên Chúa cho ông bà cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục anh chị em và còn cho phép anh chị em được tự do quyết định tìm hiểu đạo Chúa và nhận lãnh đức tin.

Việc nhận lãnh đức tin công giáo cũng không có nghĩa là từ nay anh chị em không còn bao giờ cô đơn và buồn khổ. Có những lúc anh chị sẽ cảm thấy cô đơn buồn chán. Tuy nhiên từ nay anh chị em có Chúa là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Chúa sẽ là lẽ sống của anh chị em. Chúa sẽ là ánh sáng, là sức mạnh, là nguồn cậy trông, là niềm an ủi và là ơn cứu độ của anh chị em. Từ nay Chúa là gia nghiệp của đời anh chị em. Từ nay anh chị em có thể chạy đến với Chúa bất cứ lúc nào vì Chúa không cần ngủ nghỉ. Anh chị em không cần kêu điện thoại trước để làm hẹn xem Chúa có nhà ngày giờ đó không. Anh chị em không cần đợi vì Chúa đang gặp người khác quan trọng hơn.

Chúa không thiên vị, thiên tư ai cả. Trước mặt Chúa mọi người đều bình đẳng. Từ nay anh chị em có thể đến với Chúa bất cứ ở đâu vì Chúa ở khắp mọi nơi. Ðến với Chúa tư riêng và bất ngờ như vậy, anh chị em không cần làm đẹp như sửa soạn quần áo hay trang điểm gì cả. Anh chị em sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa là thật, không còn xa vời, mà là gần gũi với anh chị em, nếu anh chị em mở lòng ra với Người và để Chúa đi vào đời sống riêng tư cá biệt của anh chị em. Từ nay anh chị em không sống và làm việc một mình, nhưng là sống và làm việc kết hiệp với Chúa, vì yêu mến Chúa. Ðó chính là ý nghĩa của lời thánh Phaolô quả quyết: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi (Gl 2:20).

Việc lãnh nhận đức tin công giáo cũng không có nghĩa là đức tin là sự vật gì mà anh chị em có thể nắm chắc trong tay, hay bỏ vào nhà băng, hoặc bỏ vào bình sành chôn dưới đất, nhưng phải luôn tìm cách bảo trì. Có những khi anh chị em sẽ cảm thấy đức tin bị lung lạc, những giờ phút tuyệt vọng, chán chường, những ngày giờ, những năm tháng mà tâm hồn bị bóng tối nghi ngờ bao phủ, đè nặng như chính thánh Tôma tỏ ra nghi ngờ về việc Thầy mình sống lại (Ga 20:25). Anh chị em sẽ cảm thấy như Chúa đi vắng hay không còn hiện hữu. Tuy nhiên cũng như bà Maria Mácđala (Mc 16:1-8), cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan vẫn đi tìm Chúa khi bóng tối bao trùm tâm trí (Ga 20:3-9), thì anh chị em cũng cần tiếp tục đi tìm Chúa ngay cả khi nản lòng nhụt chí.

Thưa anh chị em! Chúa vẫn ở đó chờ đợi ta. Chúa vẫn đến với ta trong cuộc sống hằng ngày: trong lúc ăn, nghỉ, làm việc và giải trí. Chúa vẫn hiện diện với ta qua những kì công của vũ trụ, những vẻ đẹp thiên nhiên. Ðiều cần thiết là ta học hỏi để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và nhận ra tiếng Chúa.

Lời cầu nguyện xin cho được sống lại về phần linh hồn với Chúa phục sinh:

Lạy Ðức Kitô phục sinh!
Chúng con cảm tạ Chúa cho ngày hôm nay
ngày Con Chúa Phục Sinh từ cõi chết.
Qua mùa chay, chúng con đã sống tinh thần cầu nguyện,
ăn chay sám hối và làm việc từ thiện bác ái.
Trong Thánh lễ, chúng con vừa lặp lại lời hứa
khi chịu phép Rửa tội là sẵn sàng chết đi cho tội lỗi.
Xin cho con được sống lại về phần hồn.
Với Chúa Phục Sinh. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.03.2008. 12:02