Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khẽ chạm vào Chúa Giêsu

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Suy niệm CN 13 TN B. (Mc 5,25-34)

Tôi mà sờ vào được áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa” (Mc 5,28)

Đó là xác tín của “người đàn bà bị băng huyết 12 năm khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc, đến tán gia bại sản”. Và bà đã thực hiện điều bà đã xác tín.

Cái khẽ chạm của người đàn bà bị băng huyết, chỉ nơi gấu áo choàng của Chúa Giêsu, cũng đủ làm cho Người phát hiện một năng lực đang tiêu hao, đang xuất phát. Vì cái khẽ chạm ấy bắt nguồn từ một ước muốn ngay lành và niềm tin mãnh liệt.

Ước muốn ngay lành

Ước muốn ngay lành là ước muốn được trở nên tinh tuyền, không còn ô uế, không còn phải xấu hổ vì sự ô uế của mình trước mặt thiên hạ. Thánh Marcô cho biết “bao năm chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản” đủ cho thấy ước muốn ấy, đã đến mức thành khẩn biết bao! Một ước muốn ngay lành. Một khao khát chính đáng. Ước muốn sống động của một con người khôn ngoan không chấp nhận đầu hàng trước số phận nghiệt ngã. Khao khát cháy bỏng nhưng tế nhị biết người biết ta trong quan hệ tương giao vừa đủ. Bởi bà biết mình là ai, bà biết mình cần gì. Bà cũng biết Đức Giêsu là ai, và bà biết tránh cho Đức Giêsu khỏi bị lây nhiễm cái ô uế oan nghiệt của cuộc đời. Bà biết nghĩ đến Chúa Giêsu, biết giữ gìn cho danh giá Con Thiên Chúa. Từ ước muốn ngay lành và khôn ngoan của bà, đã điều phối mọi cử chỉ, theo với niềm tin mãnh liệt.

Niềm tin mãnh liệt

Niềm tin mãnh liệt là một khẳng định “có một không hai”- không ai khác ngoài Chúa Giêsu mới có thể cứu chữa bà: “Tôi mà sờ vào được áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”. Niềm tin ấy đơn sơ mộc mạc, không cầu kỳ, không vênh vang, nhưng âm thầm lặng lẽ. Niềm tin của người đau khổ. Niềm tin của người bé nhỏ, thấp kém. Niềm tin mãnh liệt nhưng thể hiện khiêm tốn: “bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người và sờ vào áo choàng của Người”. Giữa một đám đông chen lấn như thế, thì việc đụng chạm vào Chúa Giêsu là điều không tránh khỏi. Có biết bao nhiêu cái chạm vào Chúa Giêsu, nhưng chỉ có cái khẽ chạm phát xuất từ niềm tin và khao khát hoàn thiện của bà băng huyết ấy, mới có sức làm tiêu hao năng lực Chúa Giêsu mà thôi, mới có sức lôi kéo sự sống, sự toàn thiện của Chúa Giêsu về làm sự sống, sự toàn thiện cho mình.

Còn chúng ta?

Trong số những người chen lấn, đụng chạm vào Chúa Giêsu có cả tôi và bạn đấy chứ? Có cả chúng ta? Có cả những người đương thời, đương chung sống với chúng ta đấy chứ? Có cả những người mang danh là tín hữu, có cả những người vô thần… Nhưng có năng lực nào đã xuất phát từ Đức Giêsu về phía chúng ta không? Sự sống và sự toàn thiện của Ngài sao không xuất phát ra để chúng ta khỏi trầm mình trong bóng tối sự chết, trong cõi mê lầm, lung lạc?

Hẳn là vì chúng ta đang chen lấn, đụng chạm vào Chúa Giêsu để ghi tên vào danh sách những người đi theo Chúa Giêsu mà không hề có một ước muốn hoàn thiện, một đức tin được chữa lành. Hoặc có người đang đụng chạm vào Chúa Giêsu như một xúc phạm để làm cho danh giá của Ngài bị vùi dập trước mặt người đời.

Nếu chúng ta không thực sự khẽ chạm vào Chúa Giêsu với niềm tin mãnh liệt để chính mình được nên toàn thiện với Ngài, thì việc rao giảng về Chúa Giêsu Kitô, việc dạy giáo lý về Chúa Giêsu Kitô, cũng không khác gì việc truyền bá một mớ vốn liếng kiến thức của các kinh sư ngày ấy. Càng không thể lay chuyển hay mời gọi ai đến chạm vào Chúa Giêsu khi căn bệnh trầm kha trong đời mình chưa chữa khỏi: căn bệnh “không ước muốn hoàn thiện”.

Sự cần thiết của ước muốn hoàn thiện…

Ôi sự cần thiết của ước muốn hoàn thiện đang trở nên cấp bách dường nào trong tình thế, trong môi trường truyền giáo của chúng ta hôm nay.

Chúng ta đang sống trong một đất nước xã hội chủ nghĩa với những người cộng sản vô thần. Họ đang mang căn bệnh trầm kha “không ước muốn hoàn thiện” theo ý của Thiên Chúa. Và tư tưởng ấy, căn bệnh ấy, đang là một chủ trương cuốn hút nhiều người sa đà theo cách sống hoàn thiện vật chất “ăn ngon, mặc đẹp” là đủ ý nghĩa cuộc đời!

Thách thức mới trong thời đại chúng ta là chúng ta phải thực sự trở nên toàn thiện nhờ múc lấy năng lực của Chúa Giêsu mới có thể thực hiện ước mơ biến đổi não trạng của những người vô thần. Họ là bà con, là anh em, là đồng bào của chúng ta. Họ cũng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam thân yêu thắm đẫm máu các thánh Tử Vì Đạo. Họ cũng là những công trình thượng đẳng của Thiên Chúa. Tiếc là, họ không tin nhận Thiên Chúa. Và vì không có «đấng trên đầu trên cổ” nên họ đã sa vào bao lầm lạc. Người công giáo Việt Nam, không xem họ là kẻ thù. Kẻ thù chính yếu là những lầm lạc của satan trong lòng họ. “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai. Kẻ thù ta tên nó là gian ác…” (Phạm Duy).

Trong những ngày nầy, có thể đang có những giằng xé tận thâm tâm của những người cộng sản nắm giữ vận mạng đất nước, về sự tồn vong của tổ quốc của dân tộc Việt nam ! Người công giáo Việt Nam khắp nơi đang thắp nến cầu nguyện công khai, đang âm thầm cầu nguyện nơi các nhà thờ, các gia đình, cầu cho giới lãnh đạo khôn ngoan nhận ra con đường phải đi, việc phải làm vì lợi ích chung cho dân tộc; cầu cho họ “có ước muốn hoàn thiện” để sửa chữa khẩn cấp những chủ trương có thể nguy hại cho vận mệnh đất nước. Việc đạo đức ấy, chính là việc làm phát xuất từ Ước Muốn Hoàn Thiện và Đức Tin Mãnh Liệt của “bà băng huyết 12 năm khổ sở chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản”. Việc đạo đức ấy chính là việc khẽ chạm vào gấu áo Chúa Giêsu, với lòng tin Ngài sẽ tuôn sức sống nơi Ngài xuống cho mình và cho cả cộng đồng dân tộc. Việc đạo đức ấy cũng có thể nói là phù hợp với đường hướng của những chủ chăn Việt Nam như lời Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc trong bài giảng tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ngày 23-6-2009 nhân chuyến Ad limina của HĐGM Việt Nam:

“Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi “can đảm nói sự thật khi cần”, dù phải trả giá bằng mạng sống. Chúng tôi không thể vừa căm ghét người khác, vừa rao giảng tin mừng Tình Yêu cho họ, vì như thế là tự mâu thuẫn. Những người “ngoại giáo mới” thuộc thời đại chúng ta, trong đó có người cộng sản, cũng là một trong những đối tượng mà Thiên Chúa muốn chinh phục bằng tình yêu.

Có người sẽ nói rằng, đó là ảo tưởng, là điều không thể được, giống như việc bà Elisabeth, vợ của thầy tư tế Zacaria sẽ sinh con trai, tuy tuổi đã già! Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được. Sứ thần của Chúa đã nói với Zacaria: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời!”

Ứơc gì niềm tin của quí Đức Cha Việt Nam: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được”, cũng là niềm tin của mọi thành phần dân Chúa.

Và việc cần làm ngay là mỗi người phải nhận ra mình đang lâm trọng bệnh, cần có ước muốn hoàn thiện nhờ lòng tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu, Đấng duy nhất có thể, không chỉ cứu chữa mà còn tuôn tràn sức sống, sự toàn thiện của Ngài để chúng ta có sức chu toàn ơn gọi yêu thương và giới thiệu Chúa cho mọi người.

Một cái khẽ chạm vào chân lý, sẽ ngộ ra ngay mình lầm lạc bấy nay…

Lạy Chúa Giêsu, không cần phải báo cáo, Chúa cũng đang biết có bao nhiêu người Việt Nam đang thành tâm khẽ chạm vào gấu áo Ngài… Xin tuôn tràn sức sống của Chúa cho chúng con. A men.

Pm. Cao Huy Hoàng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.06.2009. 23:10