Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khẩn Trương Dọn Đường Để Chúa Đến

§ Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Nhật II Mùa Vọng - C
(Lc 3, 1-6)

Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, với hai viễn tượng mà chúng ta đang sống là tưởng niệm biến cố nhập thể làm người của Đức Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Phụng vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế và nghe lời ông khẩn trương “dọn đường Chúa” (Lc 3,4).

- Gioan Tẩy Giả

Gioan là người được Isaia nhắc đến trong lời sấm: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Dacaria cha Gioan đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. “Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa” (Lc 1, 65).

Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mạng Tiền Hô của mình một cách thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. Chúng ta biết, hoang địa tượng trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn, là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của Đấng Tạo Hóa. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống hiệp thông mật thiết với Ngài để kín múc lấy sức mạnh cho sứ mạng tương lai. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội. Ông là người mà Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16).

Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả muốn nói : “Chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan giúp chúng ta hiểu rằng, chứng tá của đời sống Kitô đích thực là phó thác đời mình cho Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta “hãy dọn đường Chúa” (Lc 3,4).

- Dọn đường Chúa

Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả, sứ vụ mà ông phải hy sinh đến cả mạng sống. Nhận mình chỉ là một “tiếng kêu” (Lc 3,4) trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, Đấng mà ông “không xứng để cởi dép cho Người” (Lc 3,16). Toàn bộ cuộc sống và sứ mạng như ông nói là cho Đấng Mêsia : “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Chúa Giêsu càng xuất hiện thì Gioan ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta : “Tất cả cho Chúa!”

Bổn phận của chúng ta hôm nay là chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa tình yêu và giúp người khác tin theo Chúa. Đây là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hành trong cuộc sống: giới thiệu Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người hàng xóm. Điều quan trọng là Chúa Giêsu được mọi người biết đến.

- Làm chứng cho Chúa

Thực vậy, Trước Tin Mừng của một Vị Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta đã tự hạ chính mình và mặc lấy thân phận con người, chúng ta không thể nào không mở rộng tâm hồn, ăn năn hối cải, càng không thể nào đóng kín mình trong sự kiêu ngạo và giả hình, làm cho chúng ta không thể nào tìm gặp Hoàng Tử Bình An. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên người loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và đời sống chúng ta, làm chứng cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó và nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô nhập thể làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ, một Chúa Kitô yêu thương nhân loại cho đến chết.

Chúng ta còn được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ trong chúng ta; xóa bỏ ranh giới còn tồn tại trong não trạng của nhiều người; tinh luyện tâm hồn; chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, tình huynh đệ và liên đới; khước từ Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34).

Đang khi chờ đợi Chúa Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Chúng ta hãy xin với Đức Maria, Mẹ của Ðấng Cứu Thế giúp chúng ta đón nhận Con Mẹ bằng lòng sám hối hối ăn năn, để khi Chúa đến, chúng ta không ngỡ ngàng mà đang ở trong tư thế sẵn sàng nghênh đón Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Tags: Năm C MV2

Đọc nhiều nhất Bản in 05.12.2018 15:41