Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kê Cao Gối Ngủ Ngon

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Tin Mừng Chúa Nhật Lòng Chúa Xót Thương (Năm C)
Ga 20, 19 – 31

Những người lần đầu đến sinh sống dọc hai bên đường xe lửa, đã phải hết sức khó chịu và mất ngủ vì tiếng rầm rập không ngơi nghỉ của những đoàn tàu qua lại, nhưng dần dà những âm thanh ấy không thể thiếu trong sinh hoạt và cả trong giấc ngủ của họ. Những người ngoài Công giáo sống chung quanh các giáo đường, ban đầu cũng rất bị đánh động bởi tiếng cầu kinh, tiếng đàn hát : Kẻ thấy “hay hay”, người tỏ ra khó chịu, nhưng khi quen rồi, chẳng còn mấy ai quan tâm. Chẳng mấy ai nhờ thế mà trở lại đạo.Rất nhiều Kitô hữu giữ đạo tối thiểu nhất – có mặt được chăng hay chớ ngày lễ Chúa Nhật và các lễ trọng - giảm thiểu các việc đạo đức với bản thân, gia đình và cộng đoàn được chừng nào hay chừng nấy. Họ như những “dead man walking”, như những “hoạt tử nhân”.

Phần nhiều các phụ đề Việt-ngữ của các phim nước ngoài đều lấy ý chủ đạo của nội dung phim và dùng những từ ngữ giật gân, đánh động lòng hiếu kỳ, nhằm lôi kéo người xem. Bộ phim ‘Dead Man Walking” cũng không là ngoại lệ, khi mang phụ đề “Trước Ngày Đền Tội”. Trong kiếm hiệp ‘Tàu’, có một cụm từ lột tả và tóm tắt đầy đủ nhất về ‘Dead Man Walking’ : hoạt tử nhân. Đó là những người bị biến thành những ‘hình nhân’, có ăn, có thở, có cử động, song vô hồn, vô cảm, vô tâm, nghe theo mệnh lệnh người đã biến họ ra loại người ‘chết còn sống’ hoặc ‘sống mà như đã chết’! Những người nguội lạnh thờ ơ! Những người đã bị ‘đơ’, không còn phản ứng trước những thay đổi bắt buộc và cần thiết. Đây cũng là loại người mà Thánh Nữ Faustina cho biết Chúa Giêsu đã nói với Thánh Nữ : " Các linh hồn nầy làm cho Ta chịu đau khổ hơn bất kỳ linh hồn nào khác. Chính từ những linh hồn như thế mà linh hồn Ta đã cảm thấy kinh hãi nhất trong Vườn Cây Dầu. Chính về họ mà Ta đã nói : ‘ Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cất cho Con chén nầy’. Hy vọng cuối cùng để họ được cứu rỗi là chạy đến Lòng Thương Xót của Ta".

Khi đến ngày phải đền tội cận kề, tên tử tội Matthew Poncelet khẩn cầu sự giúp đỡ của sơ Helen Prejean, người cầm đầu phong trào đòi hủy bỏ án tử hình của giáo xứ Thánh Tôma (New Orleans, Bang Louisiana). Trong quá trình vận động giảm án cho tên tử tù, vị nữ tu đã khám phá được nhiều ngóc ngách sâu kín trong cuộc đời hắn. Bất chấp những thành kiến của bạn bè, người thân và dư luận, Soeur Helen Prejean tìm mọi cách để cứu mạng sống của y. Bà thuê luật sư giỏi để bào chữa cho Matthew, tập hợp chữ ký những người ủng hộ giảm án cho hắn, gửi đơn xin ân xá lên tòa án tối cao và thống đốc bang. Bất chấp nỗ lực của nữ tu sĩ nhân hậu, bản án vẫn không được thay đổi.Nhưng trong ngày cuối cùng của Matthew, bằng lòng yêu thương con người và nhân cách cao cả, Soeur Helen đã cảm hoá được y và đánh thức được phần lương thiện còn sót lại trong cuộc đời đen tối của tên tử tù. Thay vì gào thét, y bỗng cảm thấy ân hận vì những tội ác, mà y đã gây ra trong đời và bình thản đón nhận cái chết. Những thời khắc cuối cùng trong đời là lúc Matthew thức tỉnh, rũ bỏ hoàn toàn phần ác trong tâm hồn tội lỗi. Hãy nghe lời kết bài hát phần nhạc phim do Byrd đặt trên môi người tử tù nầy : “Vậy hãy sống cuộc sống của bạn cho thật tròn đầy vẹn vẽ , nhưng hãy nhớ là đừng để vấp ngã. Một lỗi lầm phạm phải thôi, thì bạn sẽ là hàng xóm của tôi. Và chẳng có ai nơi đây là giàu sang cả đâu!”.

Nếu đọc hết ‘danh sách’ những nhóm người, mà Thánh Tâm hay Thương Xót của Chúa Giêsu muốn Thánh Nữ Faustina mang cho Người trong Tuần Cửu Nhật chuẩn bị cho Ngày Lễ Lòng Chúa Xót Thương hôm nay, thì không có loại người nào bị bỏ sót, từ người lành thánh, từ những kẻ trung thành phục vụ Chúa, cho đến những người tội lỗi, nhưng kẻ xa lìa Chúa và Giáo Hội Công giáo : tất cả đều được Chúa Cha yêu thương vô biên và được bao bọc trong Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không muốn để cái giá đắt đỏ Người đã phải trải qua Cuộc Khổ Nạn đắng cay, ra vô ích đối với bất cứ loại người nào. Nhưng với những tâm hồn khô khan nguội lạnh, mặc dù được Máu Thánh nung nấu, mặc cho Thánh Tâm Yêu Thương Vô Biên của Chúa ấp ủ, mà vẫn không mảy may rung động, cảm mến và quay về ‘nơi Thánh Tâm Rất Thương Xót” của Chúa, mà vẫn “ơ hờ khinh dễ”, thì chẳng ai cứu được họ, khi họ không muốn tự cứu mình. Aide toi, le ciel t’aidera : hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp. Với Chúa Giêsu, căn bệnh ‘thờ ơ, lãnh đạm”, trơ lì trước ân sủng ngập tràn vô biên, từ Cuộc Khổ Nạn cay đắng của người, không chỉ là sự vô ơn, mà còn là sự phản bội.

Hiện nay ở Châu Âu, FIFA và UEFA vẫn tiếp tục điều tra và bắt giữ những người có dính líu vào hàng trăm vụ dàn xếp tỷ số trong thời gian qua. Một thời gian dài, bóng đá Việt Nam cũng ngập chìm trong nạn mua bán độ, khiến không chỉ làm người hâm mộ mất hết niềm tin, những trận cầu vắng khán giả, mà còn làm cho tinh thần các cầu thủ rệu rã, chia rẽ, nghi kỵ. “Đội bóng” các tông đồ nay chỉ còn đúng số mười một cầu thủ, không có dự bị, có nghĩa là trong khi chờ đợi đào tạo lớp kế thừa, giữa lúc tâm trạng các “cầu thủ” đang hoang mang sợ hãi, thì điều cần thiết nhất là tinh thần đoàn kết và niềm tin vững vàng. Đẳng cấp và phong độ là hai yếu tố làm nên chiến thắng của một đội bóng trong mỗi trận cầu. Đẳng cấp có cao đến đâu, dàn cầu thủ có đắt giá đến đâu, mà lâm trận với tinh thần bạc nhược, vô hồn, ‘dead man walking’ trên sân cỏ, thì nắm chắc phần thua. Một ‘đội hình’ như hiện nay của mười một môn đệ còn lại, “sợ người Do Thái” (Ga 20, 19b), ngượng ngùng vì đã bỏ Thầy chạy trốn trong lúc hữu sự, chối bỏ Thầy, bán Thầy, thì không có gì đáng lạc quan cả về đẳng cấp lẫn phong độ. Trong lần hiện ra thứ nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh đã xốc lại niềm tin nơi các môn đệ, nhưng niềm tin ấy chưa vững vàng gì. Và sự vắng mặt của Tôma trong lần hiện ra thứ nhất ấy, cũng như sự hiện diện của ông ở lần thứ hai nầy, không chỉ là một thách đố, mà được Chúa Giêsu dùng để củng cố niềm tin cho các môn đệ. Khi muốn đăng ký truy cập Internet, sau khi đã ghi “password”, khách hàng mới thường được yêu cầu xác nhận (confirm) mật mã ấy lần nữa. Hôm nay, Tôma đã làm công việc không hề thừa chút nào ấy, - xác nhận “mật mã Phục Sinh” - nhờ đó mà đức tin của Kitô hữu mọi thời được nên vững vàng: ”phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20, 31). Người ta gọi đó là bước “trưởng thành trong đức tin”.

Phản ứng của Thánh Tôma là cần thiết trong đời sống của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. Êm ả, thanh bình, an nhàn khiến cho người ta quên cảnh giác và tự bằng lòng với cái tối thiểu nhất, cũng như dễ dàng chấp nhận những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm nhỏ. Cái quên đáng sợ nhất, ấy là quên rằng Satan và những thế lực xấu xa do y điều khiển, vẫn kiên trì mai phục “chờ đợi thời cơ” (Lc 4, 13) để tung ra những đòn trí mạng. Có thể Sandro Magister quá lời khi ông nói rằng Giáo Triều La Mã chẳng giúp gì được nhiều cho Đức Thánh Cha, mà thỉnh thoảng còn làm hại Người (x. www.chiesa số 17.02.2010). Nhưng những gì xảy ra trong thời gian nầy cũng chứng minh phần nào cho nhận định của Ông : Những vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục, sau khi thổi bùng ở Hoa Kỳ, tưởng rằng đã lắng dịu và không ít các đấng bậc trong Hội Thánh cho là có thể tạ ơn Chúa và kê gối ngủ yên, thì đã bùng nổ lại với việc các phương tiện truyền thông nhất loạt tấn công vào Đức Thánh Cha, ngay chính từ các vụ việc, mà nhiều vị giám mục đã “kê cao gối ngủ yên”. Satan và các thế lực xấu xa áp dụng chiến thuật “bắt tướng”, dù ai cũng rõ mười mươi ý đồ xấu xa và những vu cáo, xuyên tạc bẩn thỉu đối với Vị Chủ Chăn hoàn vũ. “Được vạ thì má đã sưng” : một thời gian coi được là dài ở thời đại công nghệ thông tin nầy, các giám mục trên thế giới dường như mới tỉnh ngủ, nhận thức được tình hình nghiêm trọng không chỉ trong Giáo Hội hoan vũ, mà ngay cả chính trong nhiều Giáo Hội địa phương (Hoa Kỳ, Ái Nhĩ Lan, Đức, Thụy Sĩ, Úc, …và không ai bảo đảm là Giáo Hội Việt Nam được miển nhiễm), và mới phản ứng lại. Nhiều khi những cách xử lý, những lời tuyên bố lại hoảng hốt, vụng về, lại làm khổ cho Vị Cha Chung. Đó là chưa kể những “con cái - kẻ thù” thừa cơ “tát nước theo mưa” , hả hê tiếp tay cho Satan làm hại Cha mình và Giáo Hội của họ.

“Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta” (Kh 3, 15 – 16). Lời cảnh cáo của Chúa không thể coi thường :Những bài học đắng cay cho Giáo Hội đang diễn ra (và chưa biết khi nào mới thật sự kết thúc) phải thấm vào xương tủy mãi mãi trong ký ức và lịch sử Giáo Hội. Sai phạm của một số linh mục bất xứng đã làm cho Giáo Hội phải trả cái giá quá đắt, dường như vẫn bị coi thường, vì đây đó vẫn còn những linh mục, tu sĩ hoặc “điếc không sợ súng”, hoặc coi thường giới răn Chúa, phẩm giá con người và phẩm giá cao trọng chức linh mục và thách thức Giáo Hội. Người ta trông đợi nơi Chúa và cho rằng Chúa đã và sẽ “phải” bảo vệ Con Thuyền Giáo Hội, cho nên nều có lắc lư, thậm chí khốn đốn, thì cũng chỉ là tạm thời, vì “cửa hoả ngục sẽ không thắng được” (Mt 16, 18).

Và cứ thế, như một định luật (bỉ cực thái lai) bất thành văn, người ta kê cao gối ngủ ngon.

Hãy Hát Lời Tình Yêu - Thánh Vịnh 44
Với Đức Vua Và Hoàng Hậu

Chúng ta dứt khoát lấy Thánh Vịnh nầy trên môi Giáo Hội vốn yêu thích và sử dụng thánh vịnh nầy với một sự tự do tràn đầy niềm vui. Vị Vua nầy, mà sự cao cả hệ ở công bình và chân lý, chúng ta không thể không theo Thánh Phaolô, - người nhận ra Chúa Kitô trong đó, - Đấng được Chúa Cha mừng đón, khi Chúa Cha “đưa Con Một của Người vào trong trần gian” (Dt 1, 6.8). Vị công chúa ngoại quốc nầy đến gặp Đức Vua.Giáo Hội nhận ra ngay chính mình : vừa là hôn thê vừa là mẹ, sinh ra cho Đức Vua những người con đến từ mọi phương trời trên thế giới. Giáo Hội cũng nhận ra ở đó linh hồn độc nhất và hoàn hảo nầy, vốn ‘đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1, 30), mà sứ mệnh làm mẹ phong phú dường ấy : “Mẹ của Chúa Giêsu”. Cuối cùng, đằng sau Đức Maria, cũng như các ‘thị tỳ’ của Người, - đoàn tùy tùng gồm những linh hồn khiết trinh, với sự phó dâng hoàn toàn cho thánh ý Chúa, - cũng biết rõ vinh dự của một loại thiên chức làm mẹ (x. Mt 15, 50). Nhưng xa hơn nữa, đó là tất cả những linh hồn, từng linh hồn một, được trao cho Chúa Kitô như trao cho Vị Hôn Phu của họ :”Tôi đã đính hôn anh em với một Vị Hôn Phu độc nhất là Chúa Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2 Cor 11, 2). Chính trong tinh thần nầy mà chúng ta phải vui mừng chào đón Đức Vua của chúng ta, Vị Hôn Phu của chúng ta tiến vào. Và chào mừng Vị Hoàng Hậu đang tiến về phía Chúa Kitô, từ bỏ mọi sự vì Hoàng Hậu được yêu thương và sẽ tìm thấy lại được tất cả mọi sự, trong hạnh phúc làm mọi sự để Đức Vua được hiển trị.

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.04.2010. 22:55