Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hướng Về Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 22-10-2006

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa nhật 22-10-2006 là Ngày Quốc Tế Truyền Giáo, ngày Dân Chúa trong Giáo Hội được nhắc nhở và cổ vũ tham gia việc truyền giáo mà Chúa Giêsu đã long trọng ủy nhiệm cho tất cả các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Để giúp chúng ta suy niệm và đem ra thực hành mệnh lệnh này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề cho ngày Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2006 là: “Đức Bác Ai là linh hồn của sứ mạng truyền giáo”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha viết: “Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi Đức Bác Ai, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm”

1. Truyền giáo là sứ vụ của Giáo Hội.

Công đồng Vatican II đã dạy: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha” (TG số 2).

Thánh Phaolô đã viết: “Thật vậy, đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9,16).

Giáo Hội phải truyền giáo, vì là căn tính của mình, được Chúa Giêsu thiết lập để tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Người. Người đã truyền lệnh cho các tông đồ, trước khi trở về cùng Thiên Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai lại các con” (Ga 20,21). Giáo Hội không thể không thi hành mệnh lệnh của Thầy mình. Ngoài ra, vì “được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, Giáo Hội nhất quyết phải loan Tin mừng cứu độ cho hết mọi người”.

Do đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy: “Sứ vụ truyền giáo liên hệ tới mọi Kitô hữu, mọi Giáo Phận và giáo xứ, mọi định chế và mọi hiệp hội trong Giáo hội” (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế số 2).

Chúng ta hãy ghi nhớ và thực hành lời giáo huấn của Đức Thánh Cha.

2. Truyền Giáo là một hành vi yêu thương.

Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính người Con một, để những ai tin vào Con Một của Người thì khỏi phải hư mất, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người Con Một này là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Tin mừng và là người loan báo Tin mừng. “Người đã mạc khải cho con người biết về Chúa Cha và Tình yêu của Ngài, đồng thời đã tỏ cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức cao cả của họ” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22). Ngài loan báo Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài là Đấng tạo dựng và là cha của mọi người. Ngài hằng săn sóc, gìn giữ và kêu mời con người sống như Ngài, kết hợp với Ngài để cùng Ngài hưởng hạnh phúc. Chúa Giêsu cũng loan báo những giá trị thiêng liêng như sự sống, phẩm giá và những quyền lợi của con người, sự công bằng, sự bình đẳng, tình huynh đệ, lòng nhân hậu, sự tha thứ, sự thành thật, lòng hiền lành, tinh thần khó nghèo, lòng khao khát sự công chính, sự thanh bạch, tinh thần phục vụ, v.v… Ngài không những đã rao giảng, mà còn làm gương. Ngài còn truyền lệnh cho các môn đệ tiếp tục rao giảng và thực hành những giá trị cao cả ấy, đến tận cùng trái đất. Vì thế, đối với chúng ta hôm nay, sống và loan báo những giá trị nói trên, chính là đóng góp cho sự thăng tiến và thịnh vượng của con người, của xã hội và đất nước. Sống đạo và truyền đạo là hành vi yêu thương.

3. Truyền giáo là loan báo Tình thương.

Chúa Giêsu để lại di chúc “Thầy truyền cho chúng con: hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17). Người môn đệ cần phải sống trong Chúa và sống nhờ Chúa . Chỉ những ai ở lại trong Thiên Chúa thì người đó mới cháy lên ngọn lửa tình thương của Thiên Chúa, một tình thương có sức đốt nóng thế gian. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Sứ mạng của Đấng Cứu Chuộc” như sau: “ Linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo là tình thương; chính tình thương này là và luôn là sức thúc đẩy cho hoạt động truyền giáo, và là tiêu chuẩn duy nhất cho tất cả những gì cần được làm hay không làm, cần được thay đổi hay không thay đổi. Tình yêu là nguyên tắc điều hướng mọi hoạt động, và là mục đích để mọi hoạt động nhắm đến. Khi người ta hoạt động vì đức bác ái, hoặc được gợi hứng do đức bác ái, thì không có gì là điều bất tiện, nhưng tất cả đều tốt” (số 60).

Là nhà truyền giáo, chúng ta yêu mến Thiên Chúa với trọn cả con người mình. Là nhà truyền giáo, chúng ta luôn cúi mình xuống như người Samaritanô nhân hậu, không tìm mưu ích riêng, nhưng chỉ tìm vinh danh Thiên Chúa Cha và điều thiện hảo cho người lân cận. Chính đây là bí quyết cho sự phong phú tông đồ của hoạt động truyền giáo.

4. Loan Tin mừng là đáp lại lòng khao khát của con người.

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người và vũ trụ. Chúng ta tin có Tạo hoá và Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Khi chế tạo một cái máy hay viết một quyển sách, người sáng chế hay tác giả đã đặt dấu tay và trí tuệ của mình trong tác phẩm ấy. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa cũng đã đặt nơi lòng họ tư tưởng, tâm tình và ý định của Ngài. Ngài in vào lòng trí họ lòng khao khát hướng về Ngài. Thánh Augustino đã tự thú như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa và lòng con vẫn thao thức cho đến khi được nghĩ an trong Chúa”. Lòng khao khát này vẫn tiềm ẩn nơi tâm hồn của mọi người, kể cả những người bên ngoài vẫn tỏ ra dị ứng hay khước từ Thiên Chúa. Khi truyền giáo, chúng ta hãy kết nghĩa với người bạn này. Hãy đánh thức nó. Rồi hãy nói cho anh em chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương họ. Ngài là Cha giàu lòng thương xót và nhân hậu. Ngài muốn chia sẻ cho ta sự sống và hạnh phúc của Ngài. Hãy cầu nguyện cho anh em, chia sẻ sự vui, buồn, sướng khổ với anh em. Hãy công bố sự tha thứ, tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhất là hãy thực hành những điều mình công bố.

5. Những việc làm cụ thể

* Trong bức thư mục vụ HĐGMVN Năm Thánh Truyền Giáo 2003, đã đề nghị mọi thành phần Dân Chúa hãy tuỳ theo ơn gọi và chức năng của mình, tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng những việc cụ thể sau :

a. Về phương diện thiêng liêng:

Cầu nguyện cho việc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu. Vì khi nhìn thấy đồng lúa chín bao la mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ cầu nguyện : “xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Mt 10, 38). Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đaị biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt ; có nhiều tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng. Ngoài ra nên có những thánh lễ đặc biệt, những giờ chầu Thánh Thể chung và những buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hơn nữa, việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo phải được tiếp tục trong gia đình và với bản thân mỗi người, không chỉ bằng lời kinh mà còn bằng những hi sinh hãm mình hằng ngày.

Nêu gương sống lương tâm công giáo: Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đăc biệt hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, Nước “đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đâỳ tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền tụng Lễ Chúa Kitô Vua). Người tín hữu cũng hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận, như Lời Chúa phán : “chính nơi điều nầy mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy : ấy là nếu anh em thương yêu nhau” (Ga 13,35) ; “để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta và thế gian tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

b. Về phương diện đối thoại.

Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn. Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài công giáo là trình bày Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn.

Trao đổi với người ngoài công giáo về một đề tài chung. Noi gương Chúa Giêsu trong câu chuyện bên bờ giếng Giacóp được Phúc âm Thánh Gioan thuật lại, từ một việc rất nhỏ trong đời sống là “nước uống”, Người đã lắng nghe, trao đổi và soi sáng về việc đạo, về đền thờ, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để dẫn tới “Nước hằng sống” (x. Ga 4 ). Từ đó, chúng ta nhận ra trong thời đại ngày nay, việc đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ dẫn đến thông cảm, hiểu biết và tôn trọng nhau hơn.

c. Về phương diện thực hành:

Thiết lập ban truyền giáo. Mỗi giáo xứ cần thiết lập một ban truyền giáo dưới sự hướng dẫn của Cha xứ và sự cộng tác của mọi giới cũng như mọi đoàn thể. Ban truyền giáo sẽ cổ vũ sự cầu nguyện, tạo điều kiện học tập và động viên mọi thành phần dân Chúa tham gia việc loan báo Tin Mừng.

Kết nghĩa. Để tương trợ trong việc truyền giáo, các giáo xứ đã hình thành lâu đời nên kết nghĩa với giáo xứ, giáo điểm xa xôi, hẻo lánh. Mỗi gia đình công giáo nên kết nghĩa với một gia đình ngoài Công Giáo trong địa bàn dân cư của mình. Việc kết nghĩa được thực hiện cụ thể qua cầu nguyện, thăm viếng, giao lưu, chia sẻ vật chất.

Làm việc bác ái. Việc bác ái cụ thể được thấy qua những cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo về mọi mặt. Việc bác ái trong lâu dài phải nhắm đến phát triển toàn diện, giúp người nghèo có một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì “Phát triển là tên gọi mới của hòa bình” (x. Progressio Populorum). Những hoạt động xã hội bác ái là những lời rao giảng dễ được đón nhận, vì “người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi 41).

* Thư mục vụ HĐGMVN Năm Sống Đạo 2006, đã đề ra những định hướng Sống Đạo cụ thể:

Thư mục vụ đề cập đến trách nhiệm của 3 thành phần chính yếu:

Công việc truyền giáo là bổn phận của mỗi Kitô hữu. Quan tâm đến tha nhân, nhất là những người đang gặp khó khăn đau khổ là bước đầu căn bản cho việc truyền giáo. Trong môi trường sống hàng ngày, người tín hữu giáo dân có điều kiện để truyền giáo khi sống trọn vẹn sứ mạng ơn gọi của mình.

Một chứng từ thời đại, chăm lo giúp đỡ cho người nghèo, sống bác ái đã được thế giới tuyên phong qua giải thưởng Nobel Hòa Bình 2006. Như tin đã loan (Bangladesh 13.10.2006),Giáo sư Mohammad Yunus và Ngân hàng Grameen – Grameen có nghĩa là làng quê- Ngân hàng Grameen, nghĩa là“Ngân hàng của làng quê”, chuyên cho người nghèo vay vốn nhỏ đã được chọn trúng giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2006. Câu chuyện này chứng minh cho thấy giá trị của những việc nhỏ bé nhưng đưa đến những kết quả thật lớn lao. Ngân hàng Grameen là ngân hàng đầu tiên trên thế giới thi hành việc cho vay vốn nhỏ, cho những người nghèo không có gì để “thế chấp” cả. Được thành lập cách đây 30 năm với số vốn ban đầu là 27 mỹ kim, hiện nay vốn cho vay của ngân hàng lên đến 5 tỷ 700 triệu mỹ kim, đã giúp cho khoảng 6 triệu 500 ngàn người nghèo vay vốn nhỏ. Ngân hàng này đang được phổ biến tại khoảng 55 quốc gia trên thế giới. Ngân hàng Grameen đã giúp cho hàng triệu người nghèo có phương tiện tự lập, để thoát khỏi cảnh nghèo khổ.

6. Kết luận:

Đức Thánh Cha ước mong Ngày Quốc Tế Truyền Giáo được trở nên dịp thuận tiện để hiểu rõ hơn rằng chứng tá của tình yêu, linh hồn của sứ mạng truyền giáo là điều có liên quan tới tất cả mọi người.

Nguyện xin Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Đấng đã cộng tác tích cực vào khởi đầu của sứ mạng Giáo hội nâng đỡ hoạt động của các nhà truyền giáo, trợ giúp cho những ai tin vào Chúa Kitô ngày càng có khả năng yêu thương để thực thi sứ mạng truyền giáo của mình.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc nhiều nhất Bản in 21.10.2006. 11:02